Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Bốn mùa mưa nắng > Tản mạn nghề giáo (2)

Tản mạn nghề giáo (2)

Thứ bảy 21/11/2020, của Nguyễn Tấn Đại

[Tiếp theo phần 1]

Những người thầy đại học

Vào đại học, năm ấy Trường Đại học Sư phạm TP. HCM được sáp nhập vào Đại học Quốc gia TP. HCM. Vì vậy, dù ghi danh vào trường Sư phạm, nhưng tôi lại học một năm rưỡi đại cương tại trường Khoa học Tự nhiên. Đến học kì II của năm 2 cả nhóm sinh viên sư phạm chúng tôi mới quay về trường chính, được… các em năm 1 tổ chức tiếp đón. Dường như “số phận” đã định, tôi trở thành “con lai” của hai ngôi trường “chung vách”, có khi chung cả toà nhà, ở trên bên này ở dưới bên kia. Năm 4 chuẩn bị tốt nghiệp, tôi quay sang trường Tự nhiên làm đề tài. Sau học cao học ở trường Tự nhiên, tôi lại làm đề tài ở phòng thí nghiệm bên trường Sư phạm.

Học hai trường theo kiểu “hồn Trương Ba, da hàng thịt” như thế này đúng là “số lận đận”, có không ít thiệt thòi. Nhưng ở khía cạnh tích cực, lứa chúng tôi lại có cơ hội học hỏi được thế mạnh riêng của cả hai trường. Điều đó càng hợp với riêng tôi, vì bản tính “ham dzui”, thích nhiều thứ, “mâm nào cũng có”. Cả khi đi du học tại Pháp, chương trình đào tạo cũng được kết hợp giữa trường đại học (nghiên cứu khoa học) và trường sư phạm (đào tạo giáo viên). Ở mỗi ngôi trường, có những người thầy từng bước từng bước một dìu dắt tôi đi tiếp trên hành trình học hành trúc trắc vì những suy nghĩ định hướng ngây ngô thuở ban đầu.

Một trong những người thầy có dấu ấn sâu đậm nhất với tôi suốt thời đại học và cao học tại Việt Nam là thầy Bùi Trang Việt. Khi về trường Sư phạm, chúng tôi được học môn chuyên ngành bằng tiếng Pháp với Thầy, khi ấy là trưởng bộ môn Sinh lí Thực vật trường Khoa học Tự nhiên. Mỗi lần vào lớp, Thầy luôn nở nụ cười tươi, rất hiền, giọng nói từ tốn trầm ấm. Thầy nói tiếng Pháp thì khỏi chê, chuyên môn khoa học thì miễn bàn. Khi hướng dẫn học trò làm đề tài, Thầy hết sức tận tình, chỉ bảo cặn kẽ, dặn dò cẩn thận, và ít nhiều, thích học trò biết nghe lời, tuân thủ chặt chẽ sự hướng dẫn của mình. Và đây chính là điểm tạo nên những “cơn sóng gió” suốt quá trình tôi học Thầy.

Chẳng là tính tôi hay “cãi”, làm việc gì cũng thích mày mò tìm hiểu tận gốc rễ ngọn ngành, rồi mang ra nói trong các buổi làm việc với Thầy. Thật tình thì điều kiện máy móc thiết bị thí nghiệm thiếu thốn, chúng tôi toàn phải “chế” hoặc làm kiểu chắp đầu này vá đầu kia. Dù tiến trình thực hiện vẫn chặt chẽ, khoa học, thì kết quả thu được chẳng thể nào đạt được như trong các tài liệu, sách vở tham khảo. Tôi cố gắng dùng các tài liệu gốc để lí giải rằng mình không làm được đầy đủ theo đúng phương pháp của họ, nên kết quả không đạt tốt và cần phải thay đổi hoặc điều chỉnh phương pháp thực hiện sao cho phù hợp hơn. Nhưng nói không khéo lại tạo ra cảm giác rằng tôi chê Thầy, chê bộ môn, chê trường, chỉ thích theo học bên Tây bên Tàu…

Thế là mấy bận từ đại học đến cao học, ban đầu Thầy nhận hướng dẫn tôi làm đề tài, sau chịu không nổi cái “tật cứng đầu” của tôi mà chuyển giao lại cho cô Lê Thị Trung, cũng là người Thầy hướng dẫn làm luận án tiến sĩ. Cô Trung là giảng viên khoa Sinh trường Sư phạm, phụ trách chương trình tăng cường tiếng Pháp mà chúng tôi theo học. Là phụ nữ, khéo léo và mềm mỏng, lại rất hiểu tâm lí của Thầy sau bao nhiêu năm theo học, nên Cô thực sự là người “giữ neo” để kết nối giữa Thầy và tôi. Cô cũng hướng dẫn tôi cả hai luận văn đại học và cao học, nhưng với một phong cách hoàn toàn tương phản. Tôi rất hiểu và chưa bao giờ thôi quý trọng Thầy, kính mến Cô.

Với Cô, tôi như cá gặp nước, tha hồ vùng vẫy trong “biển cả” khoa học mênh mông. Cô nói thẳng với tôi rằng, về chuyên môn đề tài tôi là người nắm rõ hơn Cô, nên Cô chỉ hướng dẫn về những nguyên tắc chính khi làm nghiên cứu, và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi có được phương tiện, thiết bị, hoá chất… phù hợp nhất để làm thí nghiệm (dĩ nhiên, chỉ trong một chừng mực nhất định). Đây chính là cách hướng dẫn khoa học tại các trường đại học Pháp mà sau này tôi có cơ hội tiếp tục theo đuổi.

Nhờ tư duy cởi mở hiện đại như vậy mà từ một đơn vị be bé của một khoa nho nhỏ trong trường Sư phạm, tổng cộng trên dưới 100 sinh viên, trong vòng 5 năm Cô đã có đến 5 học trò đi du học sau đại học tại Pháp và Canada bằng các nguồn học bổng hay tự túc. Và đến nay đã có ít nhất 4 người trong số đó đã học xong tiến sĩ ở nước ngoài. So với nhiều đơn vị khác to hơn hay những trường khác lớn hơn với lịch sử lâu đời hơn và nguồn lực đầu tư dồi dào hơn, Cô hoàn toàn có thể tự hào về những thành tích mình đã đạt được. Đó cũng là lí do mà, dù xuất thân học hành từ một nơi rất khiêm tốn so với mặt bằng chung nhưng tôi chưa bao giờ thấy xấu hổ hay mặc cảm về điều đó.

Xấu hổ làm sao được, khi trên hành trình khám phá khoa học của mình, tôi được học những người thầy đáng kính về mọi mặt như cô Mai Trần Ngọc Tiếng, như thầy Lê Công Kiệt? Dịp thượng thọ, trước đông đảo học trò quây quần chúc mừng, Cô tâm sự về phương châm làm khoa học của mình: “kiên trì theo đuổi một hướng đi trong khảo cứu, chung thủy, thành thật, khiêm tốn và lúc nào cũng vững tin rằng lẽ phải bao giờ cũng thắng,” bởi luôn tâm niệm rằng: “sống hạnh phúc là sống có ích, và thỉnh thoảng, phải biết hi sinh vì người khác.” Còn Thầy, ngoài những bài dạy rất sinh động bằng giọng nói nhẹ nhàng như lời thủ thỉ tâm tình với học trò, thì tôi nhớ nhất một lần Thầy nhận xét bài thuyết trình của tôi, rất “hoành tráng” đủ các loại nguồn tài liệu trích dẫn phong phú, rằng bài làm rất công phu và chặt chẽ, chỉ mỗi tội “bơi mãi không tới bờ”, cho tôi vỡ lẽ một nguyên tắc căn bản trong khoa học là tập trung vào mục tiêu trọng tâm, tránh dàn trải lan man khoe chữ.

Cả Cô và Thầy đều thuộc thế hệ cây cao bóng cả của trường Khoa học Tự nhiên, tiếng Pháp và tiếng Anh đều giỏi như nhau, tư duy và trình độ khoa học không thua kém một chuyên gia nước ngoài nào. Có lẽ đó là nhờ thụ hưởng được quá trình đào tạo bài bản từ trong nước đến nước ngoài, với một tinh thần khiêm cung, tận tuỵ. Tinh thần đó tôi có dịp cảm nhận rõ ràng hơn trong những quãng thời gian du học tại Pháp.

Nói đến du học Pháp, không thể nhắc đến một người “thầy” đã giúp tôi trang bị đủ hành trang về ngôn ngữ, cô Lê Anh Thư, khi ấy là một giảng viên trẻ khoa Pháp trường Sư phạm. Vừa vào nghề, gặp lứa chúng tôi là khoá thứ hai học tăng cường tiếng Pháp mà lại không chuyên ngoại ngữ, Cô như trút hết mọi nhiệt huyết công sức vào lớp học của chúng tôi. Suốt ba năm liền, mỗi tuần 12 tiết, cô trò gắn bó với nhau thân thiết cả trong và ngoài khuôn khổ lớp học.

Nhiều bạn trong và ngoài cứ rỉ tai nhau thằng Đại nó không học gì ngoài tiếng Pháp, mà không biết rằng tôi… lười chảy thây. Không hiểu lí do vì đâu, tôi học tiếng Pháp rất dễ dàng mà không cần đầu tư gì nhiều lắm. Bài tập dịch Cô cho về nhà, đề Cô đọc tới đâu tôi ghi thẳng câu dịch tới đấy ngay tại chỗ, và để thời gian ở nhà làm chuyện khác. Bài luận thì ghi đề lại để đó, đến tận buổi sáng trên đường đi học từ Lạc Long Quân sang Lê Văn Sỹ, tôi vừa đạp xe vừa lẩm nhẩm bài làm. Khi tới lớp, giống như Cô hiểu ý, toàn gọi các bạn khác trong lớp lên trả bài, trong khi tôi hi hoáy tranh thủ chép bài đã “nháp” từ trong đầu ra vở; tới phiên tôi thì bài cũng vừa xong. Ngoài thời gian học trên lớp, tổng cộng trên dưới 800 giờ từ năm 1 đến năm 3, tôi không hề học thêm học bớt ở bất cứ đâu, nhưng tiếng Pháp cứ nạp vào đầu đều đều một cách rất tự nhiên.

Kết thúc năm 1, ai cũng đinh ninh tôi sẽ đạt điểm cao nhất để giành suất học bổng thực tập hè tại Pháp. Rốt cục tôi lại xếp hạng 2, không buồn nhưng hơi “quê độ”, và thấy áy náy vì phụ lòng tin của Cô. Nhưng chắc là “duyên” đã định, vì chính trong mùa hè ấy đã tôi đã thay đổi tâm thế, không chỉ trong cuộc sống, học hành mà cả chuyện tình cảm. Để rồi năm 2, tôi cùng hai người bạn cùng lớp nữa cũng được trải nghiệm hai tháng thực tập ngôn ngữ và văn hoá tại Pháp. Hai tháng trải nghiệm văn hoá Pháp thời sinh viên ấy giống như hai tháng “trăng mật” của một tình yêu vừa chớm nở, rồi đơm hoa kết trái cho đến hơn 20 năm sau. Gần đây, tìm hiểu lại lịch sử quê hương mình, tôi lờ mờ nhận ra rằng, có lẽ, mình đã may mắn tiếp nhận được một mối “duyên khởi” với tiếng Pháp từ xa xưa tại cái “thung lũng Mây” bé nhỏ thân thương miền cao nguyên sơn cước.

Sài Gòn, tháng 11/2020


Kì sau: Những người thầy Pháp

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)