Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Ngôn luận và văn chương > Đọc và nghĩ > Người Dran nay đọc “Chuyện xứ Dran xưa”

Người Dran nay đọc “Chuyện xứ Dran xưa”

Thứ sáu 02/10/2020, của Nguyễn Tấn Đại

Kính tặng: Thầy Lâm Trung Châu

Một ngày hè năm 2020, cầm trên tay quyển “Chuyện xứ Dran xưa” được bao bìa nhựa trang trọng trên tay mà lòng tôi bồi hồi. Tối ăn cơm rồi xử lí công việc ngoài giờ xong, vợ con ngủ cả, tôi chong đèn đọc một lèo hết cả quyển sách. Những mẩu chuyện không mới với tôi, vì đã từng đọc rải rác trên Diễn đàn Đa Nhim từ hơn chục năm trước. Nhưng đọc một mạch trọn vẹn một quyển sách in gọn gàng trên tay, cảm nhận sẽ rất khác so với việc đọc từng bài rải rác trong nhiều năm, xen kẽ giữa bài viết và những lời bình luận, trao đổi kèm theo.

Có thể nói, một xứ sở nhỏ tẻo teo miền cao nguyên heo hút mà có được một quyển sách đẹp mắt như vậy thật là một điều quý báu hiếm có. Chỉ vẻn vẹn khoảng 160 trang truyện kể, sách được chia làm năm phần chính. Phần thứ nhất “Ngày xưa ở xứ Dran” gồm 16 mẩu chuyện về các sự việc diễn ra trên vùng đất ấy thuở xưa. Phần thứ hai “Người xứ Dran xưa” gồm 12 truyện kể về những cư dân, tạm gọi là “nổi tiếng”, được nhiều người suốt nhiều thế hệ nhớ mặt, nhớ tên. Phần thứ ba “Hương quê còn đó” gồm ba bài viết về những món quà quê đặc sản của xứ Dran. Phần thứ tư “Bên dòng Mai Nương” với năm mẩu chuyện kể về những sự kiện quan trọng trong đời của tác giả, có liên quan mật thiết đến sự gắn bó của tác giả với xứ sở Dran. Cuối cùng là phụ lục “Viết cho Đơn Dương”, gồm năm bài viết dưới góc độ cảm nhận của thế hệ con cháu nghĩ về vùng quê yêu dấu từ nơi phương trời xa.

Vậy cái xứ bé tẻo tèo teo ấy ở đâu, có gì hay mà lại có hẳn truyện in thành sách thế kia? Nếu nói về địa danh hành chính ngày nay, Dran là một thị trấn có diện tích chừng hơn 130 km2, thuộc huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, cách thành phố Đà Lạt 36 km đường bộ về hướng đông nam. Thị trấn Dran ngày nay được thành lập vào năm 1989, từ tên gọi trước đó là xã Lạc Nghiệp, với dân số (thống kê năm 2005) vào khoảng 15.000 dân.

Chính cái địa danh này là điều có thể gây sốc, và thực sự là đã gây sốc cho một số độc giả. Nhất là những người không biết gì về Dran hay ở những vùng lân cận mới mở sách xem một trong những bài đầu tiên (Đâu phải Dran xưa bé tí teo) đã thấy bỗng dưng bị “gom bi” hết vào xứ Dran. Thế là nổ ra một cuộc tranh luận nho nhỏ trên mạng xã hội rằng tác giả nói xạo, phóng đại hay viết sai đủ các kiểu. Mà quên mất điểm cốt yếu là sách đã ghi hẳn hoi trên bìa hai chữ “Tản văn”, không phải sách tư liệu khoa học hay lịch sử.

Nói thế không có nghĩa là tác giả bịa chuyện để viết. Điều kì lạ ở cuốn sách nhỏ này là chất tư liệu lịch sử của nó ngồn ngộn trong một ngôn ngữ kể chuyện dí dỏm mà sang trọng, ý tứ đan cài nhẹ nhàng mà thâm thuý. Nhưng chỉ là với những ai thực sự có mối quan tâm đến nghiên cứu về lịch sử, địa lí hay cả văn hoá, giáo dục hay nhiều mặt khác. Những chi tiết rải rác đây đó trong các câu chuyện tản mác, thoạt trông thì có vẻ chẳng liên hệ gì. Nhưng xét thật kĩ thì đó lại là những chỉ dấu cho phép hình dung ra bối cảnh lịch sử, văn hoá của cả một thời ấy như thế nào.

Như bài “Ngôi trường tiểu học đầu tiên, thầy giáo tử tù và pháp trường”, sẽ giúp bạn hình dung ra được một trường học Việt Nam năm 1947 được tổ chức ra sao. Và không những thế, có thể hình dung luôn câu chuyện những người làm cách mạng hoá thân trong những con người bình thường như thế nào (hay là ngược lại, những con người bình thường đã bí mật tham gia hoạt động cách mạng như thế nào). Từ cái tựa rất gây tò mò xen lẫn chất lãng mạn và hình sự cho tới những tình tiết rất khốc liệt, tất cả lại hiện ra rất nhẹ nhàng trong hơn hai trang viết. Không một lời bình phẩm, phê phán hay ca ngợi bên này hay bên kia. Tự thân người kể và quyển sách chỉ làm đúng vai trò kể chuyện, nêu sự việc. Cảm nhận, đánh giá thế nào là thuộc về người đọc.

Tương tự, một loạt bài viết về trường học xứ Dran xưa giống như những mảnh ghép nhỏ tạo thành một bức tranh lớn về cách học hành, thi cử, sinh hoạt, giao lưu của học trò thời ấy như thế nào. Tác giả vẫn không một lời bình luận, nhưng người đọc có thể dễ dàng liên hệ giữa cách người Pháp từ hơn nửa thế kỉ trước đã tổ chức đời sống trường học ở một miền cao heo hút như thế, với thực trạng các trường học vùng sâu vùng xa ngày nay ra sao. Đó cũng là một phần lời giải cho một câu hỏi mà tôi, một đứa con xứ Dran thuộc nhiều thế hệ về sau, hằng đau đáu từ thời trẻ trâu bắt đầu biết quan sát và suy nghĩ: vì sao từ thuở xa xưa ở cái rẻo cao nhỏ bé tưởng chừng không ai biết ấy, gần như mọi thành tố của một xã hội văn minh (trường học, nhà thương, nhà bảo sanh, chợ, giếng nước công cộng, nhà công, tiệm sách, hiệu ảnh, rạp phim, “bar dancing” (quán bar sàn nhảy), “cercle sportif” (câu lạc bộ thể thao), sân vận động, xe khách…) đều có đủ? Và lại càng đau đáu sau hơn 20 năm thành người xa xứ: vì sao những thành tố của một xã hội văn minh vốn có ở cái rẻo cao heo hút ấy lại dần dần biến mất đi cùng với sự thay da đổi thịt về kinh tế và vật chất?

Cũng thế, những mẩu chuyện kể về các sinh hoạt văn hoá xứ Dran xưa có thể giúp người đọc hình dung ra được đời sống tinh thần không chỉ của người dân vùng đất ấy, mà còn là ở khắp mọi vùng miền đất nước. Chỉ trong bốn trang của bài “Dran xưa không có điện”, bạn có thể “ngụp lặn” trong những đoạn phim minh hoạ sống động các trò chơi trẻ con hay dân dã của nửa đầu thế kỉ XX. Nào là bắn cá, nào là u mọi, rồi chạy bắt cứu tù hay ông qua bà lại, và cả… đánh lộn, phát sinh từ trò diễn kịch trong các giờ học Sử. Không chỉ dừng lại ở trẻ con, vì còn có những đoàn hát cải lương mà cả già trẻ lớn bé đều say mê, hay những trò cờ bạc dân gian như chơi me, tài xỉu, số đề, tất cả tạo nên một bức tranh rất thực về cuộc sống, về xã hội và con người đương thời.

Và dĩ nhiên, một phần quan trọng không thể thiếu trong tâm khảm của mọi người dân Dran: tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm-Đà Lạt. Những thế hệ từ 7X “đời cuối” trở đi lớn lên ở xứ Dran với hình ảnh cây cầu sắt im lìm vắt ngang sông, đượm buồn u mặc. Nhưng trừ phần tự sự “Bên dòng Mai Nương”, nếu ví văn phong của cả quyển sách như một bài ca nhẹ nhàng vui nhộn thì bài “Những tiếng còi tàu” sẽ như một quãng trầm lắng ưu tư, trong vẻn vẹn hơn 700 từ đã tạo nên một đoạn phim hết sức sống động về quá khứ, với đoàn tàu hơi nước xình xịch tiến tới khúc quanh chân đồi chùa Giác Nguyên rồi “rúc lên một hồi còi dài. Tiếng còi lanh lảnh xé toang bầu không khí đang yên ắng của cái thị trấn nhỏ bé. Trong thoáng chốc lại vang lên tiếng rầm rầm dữ dội, đó là lúc con quái vật đen sì đang chuyển mình lướt trên chiếc cầu sắt bắc qua sông Danhim.

Hình ảnh hai người thầy giáo trẻ nhẩn nha uống cà phê đợi tàu, rồi lững thững đến đứng ở một góc sân ga, quan sát khung cảnh bỗng chốc huyên náo nồng nhiệt rồi cũng bỗng chốc rơi ngược vào thinh lặng, thật là đầy cảm xúc. Cũng đoạn phim tương tự như thế, nhưng vào chiều ba mươi Tết thì các nhân vật vắng đi, chỉ còn một thầy giáo đơn độc trầm ngâm trước một đoàn tàu thưa khách, lặng mình trước một cảnh đoàn viên đầy yêu thương, rồi ưu tư rảo bước trên lối về xẩm tối thấp thoáng ánh đèn thoang thoảng hương trầm ngày cuối năm. Khung cảnh đầy tâm trạng ấy chỉ có thể hiểu được qua loạt bài về các sự kiện bi thương mà kiên trì, bền chí thời niên thiếu của chính tác giả. Không phải ngẫu nhiên mà hoạ sĩ thiết kế đã chọn hình ảnh đoàn tàu phụt khói bảng lảng sương giăng mây trời cuộn quấn để đưa lên bìa sách.

Phần thứ hai của quyển sách là những mẩu chuyện nho nhỏ về những gương mặt, cái tên thân thuộc mà chỉ người dân quê ấy mới biết được. Đây chủ yếu như một món quà thân thương dành tặng cho những người con dân xứ Dran xưa và nay đang tản mác khắp chốn cùng quê. Nhưng nếu bỏ qua yếu tố địa phương của những tên gọi ấy, thì thực ra nhiều tình tiết cũng lại cho phép người đọc mường tượng ra được phần nào đời sống chung của xã hội thời ấy. Kể cả chuyện liên quan đến vua Bảo Đại, với kỉ niệm nhớ đời của bác thợ cắt tóc Ba Dân. Hay về những cư dân người Pháp đến sinh sống tại Dran hẻo lánh yên bình chứ không phải ở thành phố Đà Lạt phồn hoa đô hội.

Càng lần theo từng trang sách, cứ như càng hiện ra một mối dây để trả lời cho có một câu hỏi mà cá nhân tôi tâm tư từ bấy lâu nay. Tôi học tiếng Pháp một cách rất tình cờ và may mắn từ khi vào đại học ngành Sư phạm Sinh. Trước đó một chữ tiếng Pháp bẻ đôi cũng không biết, nhưng không hiểu vì lí do gì mà không cần đầu tư nỗ lực gì nhiều tôi vẫn có thể học được rất nhanh, rất nhiều. Tôi vẫn luôn cho là do cách tư duy, tôi chuộng kiểu suy luận logic, nên phù hợp với tiếng Pháp vốn đòi hỏi cấu trúc logic chặt chẽ. Nhưng, một cách tâm linh, tôi tự hỏi liệu có phải tất cả những âm hưởng mà người Pháp tạo ra trên vùng đất ấy đã thấm vào mình?

Và điều cuối cùng đọng lại, cũng là một câu hỏi đầy tâm tư: tại sao vào cái thời thiếu thốn đủ thứ ở một chốn xa xôi hẻo lánh như thế mà chất lượng dạy học tuyệt vời đến như vậy? Vốn kiến thức lịch sử, văn hoá thì thôi không dám bàn vì ngoài lề quyển sách, nhưng văn phong ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Pháp thì không thể chê vào đâu được. Bài “Đằng sau tờ giấy phép” hé lộ câu chuyện một chàng trai 16 tuổi đã dũng cảm quyết định từ bỏ cuộc đời cạo giấy của anh thư kí đồn điền J. Bastos để trở thành anh giáo làng bình dị xứ Dran, gắn bó cuộc đời với bảng đen phấn trắng. Trải qua 50-60 năm dằng dặc mà vẫn nhớ như in từng sự kiện, từng con người, từng cái tên cả ta lẫn Tây. Trong khi tôi ngày trước đi du học về, chỉ một năm không dùng tiếng Pháp mà gặp lại người Pháp đã bắt đầu lúng ta lúng túng như gà mắc tóc.

Trong triết lí Phật giáo có khái niệm duyên khởi. Tôi không theo đạo, không phải Phật tử, không biết có thật hay không. Nhưng rõ ràng là có một mối liên hệ nào đó giữa quá khứ với hiện tại. Và tôi ngày càng tin rằng, những gì đã xảy ra tại quê hương trong quá khứ luôn có một sự kết nối vô hình với chúng tôi ngày hôm nay. Như học sinh của École de Dran đậu 100 % kì thi tiểu học đầu tiên năm 1951, lối sống dù giản dị, thanh bạch nhưng không kém hào hoa phong nhã hay vô ưu phóng khoáng của nhiều nhân vật, tình làng nghĩa xóm, hay rất đông nhưng gương mặt ưu tú xuất thân từ Dran giờ đây thành danh khắp chốn trong mọi lĩnh vực… Để chỉ nói lên một điều: tôi là người Dran, tôi yêu Dran, cũng như rất nhiều cô chú anh chị em bạn bè xung quanh.

Sài Gòn, 02/10/2020

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)