Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Bốn mùa mưa nắng > Thư gửi vợ ngày 20/11

Thư gửi vợ ngày 20/11

Thứ năm 20/11/2014, của Nguyễn Tấn Đại

Vợ đã chọn nghề và vẫn luôn thực hành nghề bằng một niềm tin đơn giản. Cái niềm tin không chỉ có ở riêng vợ, mà còn ở nhiều người thân quen, bạn bè đồng trang lứa, ở bao đồng nghiệp biết tên và không biết tên trên khắp mọi miền đất nước. Cái niềm tin vẫn lan toả tiềm tàng để một ngày nào đó cùng hội tụ và bung nở như hoa.

Thế là đã tròn 15 mùa thu kể từ ngày vợ bắt đầu làm cô giáo rồi nhỉ! Chồng thì chỉ có được niềm hạnh phúc ấy một mùa duy nhất, rồi thôi nghiệp nhà giáo. Nên thi thoảng cũng tưởng tượng, mà không ra, rằng nếu mình không rời mái trường, xa quê hương, thì cuộc sống của vợ chồng giáo viên mình sẽ như thế nào. Người ngoài ngành từ xa trông vào, hẳn có nhiễu viễn tượng về nghề giáo. Nào là thời gian nhàn hạ, nào là nuôi dạy con ngoan, nào là giỏi việc trường đảm việc nhà... Như bao người, chồng cũng muốn vợ có thời gian chăm sóc nhà cửa, con cái, bởi gia đình khi có người ra “tiền tuyến” thì phải có người giữ “hậu phương”. Nhưng chồng biết rằng thầy có muôn nẻo thầy, cô có vạn nẻo cô, không có một hình mẫu chung duy nhất nào để “ép khuôn” cho tất cả. Hơn ai hết, chính những người làm nghề giáo lại là người tâm tư nhất với câu “cha mẹ làm thầy, con đốt sách”.

Từ trong nhìn ra rồi từ ngoài nhìn vào, chồng có thể hiểu tâm trạng của vợ những hôm dạy học cả buổi cả ngày, về nhà mệt mỏi, chân cẳng rã rời, nằm co mình ngủ vùi. Cơm nước có sớm ăn sớm, có trễ ăn trễ, không có thì ra ngoài ăn cơm bụi, bữa nào sang thì vào nhà hàng. Dù không thường xuyên, nhưng những khi cao hứng hay cuối tuần vợ có giờ lên lớp, chồng vẫn có thể vào bếp nấu nướng loẹt quoẹt vài món đơn sơ. Với chồng, dù không phải “ăn để sống”, nhưng sống không phải chỉ để ăn, nên khác với nhiều người đường đến trái tim chồng chỉ có một ngã rẽ nhỏ qua bao tử. Gốc gác nông dân có thể cục mịch, ăn món ngon hiếm khi mở miệng khen lấy một lời, nhưng cũng chẳng bao giờ phàn nàn khó chịu với cơm nguội, cá khô, bầu luộc, nước mắm,... Vợ là cô giáo chứ có phải đầu bếp đâu mà đòi hỏi ăn uống cầu kì, chưa kể luôn có tinh thần học hỏi thỉnh thoảng vẫn chế biến được vài món ngon, bổ, lạ.

Đó là chuyện ăn. Còn chuyện mặc thì sao nhỉ? Là cô giáo, mỗi buổi vợ lên lớp phải một bộ áo dài. Hai con mỗi ngày mỗi đứa cũng phải hai bộ. Rồi đồ ở nhà, rồi đồ ra phố, rồi đức ông chồng,... gom hết lại cũng đủ mỗi ngày một mẻ giặt, giặt rồi phơi, phơi rồi xếp, xếp rồi ủi, ủi rồi treo,... nhiều khi miệt mài đến khuya. Để tiết kiệm thời gian thì cứ tranh thủ ngồi một buổi ủi hết đồ cho cả tuần. Việc tưởng nhỏ nhưng cứ động vào là mất hết cả thời gian. Chồng không gia trưởng, nhưng ủi đồ áo dài cho vợ chắc là không xong. Chỉ giúp được một cách rất ư là tự nhiên vì tính chẳng cầu kì, vợ tiện tay ủi sẵn cho thì quý, lúc vợ bận không kịp làm thì cũng chẳng nề hà, mặc đâu tự ủi đấy, đôi khi lười thì ngó nghiêng cái nào ít nhăn nhất, phủi vài cái cho... thẳng rồi cứ thế mà mặc. Chẳng là chồng đã từng làm đám bạn đại học phì cười vì câu lập ngôn, rằng chỉ cần đừng quá luộm thuộm, nhưng ăn mặc phải lùi xùi, bụi bụi một tí thì mới ra... đờn ông. Chải chuốt là lượt quá, không khéo lại thành Mã Giám Sinh.

Sau chuyện ăn chuyện mặc thì đến chuyện nuôi dạy con. Ông bà ta có câu “bụt chùa nhà không thiêng”, nên chồng chẳng bao giờ vọng tưởng rằng hễ cha mẹ làm giáo viên thì dạy con chắc chắn tốt. Học trò trên lớp mỗi tuần chỉ gặp cô một hoặc vài tiết học, lại sợ cái quyền uy cho điểm, đánh giá kết quả, ảnh hưởng trực tiếp đến con đường học hành về sau, nên cơ bản là biết sợ cô giáo. Nhất là một cô giáo có vẻ mặt hiền từ nhưng nghiêm nghị như vợ. Không la mắng hung dữ nhưng không dễ dãi qua loa, dạy, học hay chơi đâu đều ra đó, thành ra học trò không thể lờn mặt hoặc bông lơn, có nể sợ mà không oán ghét. Thế mà tất cả những quyền uy đó mang về nhà đối diện với hai con thì tan thành mây khói. Hai đứa bé láu táu mình mang nặng đẻ đau nuôi nấng chăm bẵm cho khôn lớn mà nói một tiếng im re không đáp ứng, hai tiếng toe miệng cười, ba tiếng chớp chớp mắt nhìn ngây thơ vô tội, nghe mà không làm, thì hoặc là quay mặt bụm miệng che tiếng cười không cưỡng lại được, hoặc là nổi cơn tam bành mà lấy roi quất cho một phát vào mông. Khổ nổi, con càng đánh lại càng bám mẹ, đến độ giận mấy cũng phải nguôi; nhưng mãi thế thì khó mà dạy cho con biết đúng sai phải trái. Một anh bạn của chồng nói rằng “Mấy bà la mắng toàn những cái... không cơ bản”.

Vợ là người sống nội tâm, thiên về xúc cảm. Chăm con thì cẩn thận từng chút một, từ cái ăn đến cái mặc rồi cái chơi. Dạy con thì thích nói biết nghe lời, học hành chăm chỉ, làm bài cẩn trọng, vở sạch chữ đẹp... Chồng là người thiên về lí tính, muốn cho con cái những thứ khác hơn là sự ngoan ngoãn thụ động. Con còn nhỏ thì luôn có cha mẹ kề cận, nhưng cha mẹ không thể sống cả đời để chỉ cho con từng thứ một. Với chồng, con cần học những nguyên tắc sống, và cần được rèn luyện sao cho những nguyên tắc ấy trở thành một hành vi tự giác, mặc nhiên. Dĩ nhiên, nuôi dạy con không thể phó mặc cho riêng vợ hay riêng chồng. Con có cha nghiêm khắc thì cần có mẹ dịu dàng, cha lí trí thì mẹ tình cảm, cha trọng quy tắc lề lối thì mẹ ưa cẩn thận tỉ mỉ. Nhưng có khi cũng ngược lại, vợ không kiềm chế được cơn giận dữ với con thì chồng phải ôn tồn dạy bảo, vợ xuê xoa thì chồng nghiêm ngặt, người này xiết thì người kia buông, người kia “đấm” thì người này “xoa”, cương nhu chia đều... Nhờ đó mà cả hai con luôn biết dạ thưa, chào hỏi lễ phép, cảm ơn xin lỗi đúng lúc và tự giác, hầu như không chờ nhắc nhở, trong khi tính hiếu động vô tư tuổi thơ vẫn còn nguyên vẹn, cân bằng. Vợ được bạn bè đồng nghiệp khen con có tính tốt giống mẹ, chồng cũng được “thơm lây”.

Hết chuyện nhà thì ra chuyện ngõ. Vợ chọn nghề giáo vào cái thời “chuột chạy cùng sao mới vào sư phạm”. Vẫn tính cần mẫn chăm chỉ lặng lẽ, không có gì nổi trội so với bạn bè đồng lứa, nên có khi đạt được một thành công nào đấy thì bạn bè đều... chưng hửng, không tin. Vợ chọn nghề chỉ với một niềm tin đơn giản: là chị cả, mình sẽ “ở vậy”, phụ cha mẹ nuôi các em ăn học. Con nhà lính, tính nhà quan, không ham giàu, thích... xài sang. Vào nghề ở cái thời lương 200.000 đồng mỗi tháng, góp tiền mua gạo cho cha mẹ còn chưa đủ, không biết lấy gì mà nuôi em? Chồng cũng đã chọn nghề giáo, nhưng với một niềm tin khác, một ước vọng khác. Nhiều người đã rất ngạc nhiên khi biết chồng chọn ngành sư phạm, mà lại là một môn ít người chuộng. Hỏi sao không đi sư phạm Toán, Lí, Hoá hay Anh văn để đi dạy thêm kiếm nhiều tiền mà lại chọn môn Sinh? Trả lời nếu muốn làm giàu thì đã thi kinh tế chứ thi sư phạm làm chi, nói gì đến dạy thêm dạy bớt. Chắc vì cơ duyên đó mà cả hai đã vào học chung trường, chung lớp, cùng trải qua nhiều chặng đường đầy ắp những kỉ niệm vui buồn.

Làm nghề giáo, phải học ít nhất hai lĩnh vực: khoa học và sư phạm. Muốn làm thầy giỏi, trước tiên phải vững chuyên môn, sau đó phải có phương pháp hay nghệ thuật truyền đạt. Ở trường sư phạm, chúng ta được học những gì để chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai? Nói về chuyên môn, bước chân sang các trường bạn chuyên về khoa học, lời nhận xét thường gặp, đó là các bạn sư phạm yếu lắm, kèm theo một cái lắc đầu độ lượng (hay ngao ngán?!) Nghe như muối xát vào lòng, nhưng đành phải cười trừ hoặc cúi đầu lặng im. Đương nhiên vẫn có những cá nhân khác biệt, nhưng vài cái cây không thể làm thành rừng. Cái sự yếu kém chung ấy, người ta thường hay đổ cho nguyên nhân đầu vào, điểm tuyển sinh quá thấp. Nhưng ở cái xứ sở của mình, mấy con số điểm thi có bao giờ là thước đo chính xác năng lực con người từ mấy chục năm nay đâu. Thi đầu vào điểm cao đâu tất yếu thành sinh viên giỏi, thi đầu vào điểm thấp đâu đương nhiên thành sinh viên yếu. Sinh viên tốt nghiệp điểm cao không mặc nhiên thành giáo viên dạy hay, mà điểm thấp cũng không tiền định thành giáo viên dạy dở. Thôi thì tự nhủ rằng dạy học phổ thông chỉ cần kiến thức khoa học cơ bản và tổng quát, không cần đòi hỏi chuyên sâu như các bạn làm nghiên cứu.

Thế thì học được gì về nghề giáo? Về lí luận thì những học thuyết và tên tuổi lớn của nền giáo dục hiện đại thế giới hầu như đều vắng bóng trong chương trình. Về thực hành thì giờ học phương pháp giảng dạy, một thời cô giáo vào lớp, ngồi một chỗ, lấy sách hướng dẫn giáo viên của chương trình sách giáo khoa phổ thông ra... đọc liên tu bất tận từ đầu giờ đến cuối giờ. Bên dưới các giáo viên tương lai làm gì cũng mặc, nghe hiểu ghi chép được đến đâu không quan tâm, cô cứ đọc cho đến hết giờ thì đứng dậy dặn dò vài câu rồi ra về. Một cô khác thì dạy hết sức nhiệt tình, hăng say, sinh viên cứ há hốc mồm tròn mắt lắng nghe, ghi ghi chép chép, thay phiên lên lớp dạy thử bài này bài kia. Có điều, mọi phương pháp mà cô nêu ra sẽ không bao giờ được áp dụng, chỉ vì không sinh ra từ môi trường dạy học thực tiễn, mà là từ những lí luận giáo điều rút ra từ sách vở từ chương...

Nền tảng chuyên môn và phương pháp được trang bị như thế, vợ vẫn bình thản chăm chỉ làm việc như bản tính của mình. Không nổi loạn, không phá cách, nhưng luôn làm tốt nhất những gì được giao. Quan trọng hơn, làm hết lòng, với tinh thần trách nhiệm cao, không toan tính vụ lợi. Rồi nghề sẽ dạy nghề. Người giáo viên giỏi không nhất thiết là người ra trường với tấm bằng loại giỏi, mà là người biết đánh giá chính xác những gì đạt hay chưa đạt trong thực tế dạy học và có biện pháp điều chỉnh thích hợp. Điều đó đòi hỏi nhiều ở lương tâm nhà giáo và ở khả năng tự học, chứ không phải ở bảng điểm đại học và những con số vô hồn. Nghề giáo có bao nhiêu là thứ hồ sơ sổ sách sự vụ chi li, mang tính vẽ vời đối phó nhưng vẫn phải làm, còn mấy thì giờ để đầu tư suy nghĩ cho chuyên môn, cho nghiệp vụ. Những lúc bực chồng vẫn càu nhàu, nhưng khi vợ bắt tay vào việc thì vẫn đứng sau trợ giúp để hoàn thành ở mức yêu cầu cao nhất, để chính vợ không nhiễm căn bệnh hình thức ấy. Nhưng làm sao để sống bình thản và làm việc có trách nhiệm như thế, nếu mỗi tháng lãnh lương xong phải cân đo đong đếm cơm áo gạo tiền? Thời lương vài trăm nghìn mỗi tháng đã xa, nhưng nay dạy đủ tiêu chuẩn cũng chỉ đôi ba triệu bạc. Chừng ấy ở quê hay sống một mình chắc đủ lo được cho bản thân, nhưng ở chốn thị thành hay có gia đình thì chỉ vừa đủ đóng học phí cho con.

Cách đây ít lâu, lương cán bộ điện lực gấp đôi lương vợ mà lãnh đạo ngành lên báo chí than nghèo kể khó. Bây giờ đến lượt lãnh đạo khác than thở mức lương gấp đôi thế nữa là không đủ sống. Chế độ lương cơ bản “dưới mức nghèo khó”, bao nhiêu người giữ vững được sự bình thản lương tâm để phụng sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục? Một khi đã có sự toan tính thiệt hơn và tốn kém nhiều công sức, dạy nhiều tiết, mở lớp dạy thêm, luyện thi, “chạy sô” nhiều trường,... để gia tăng thu nhập vì sự tồn tại của mình, cái tâm trong sáng mà người ta thường gán mặc định cho nghề giáo không khỏi bị tác động, mai một. Chưa kể còn có những “phi vụ” bí ẩn, những khoản “tem thư” lo lót để có được một chỗ dạy mà nhiều giáo viên trẻ mới ra trường phải gánh chịu, cao gấp năm bảy lần thậm chí vài chục lần mức lương tháng mình được lãnh, mấy người sẽ bình tâm mà không nghĩ đến chuyện “thu hồi vốn”?

Chồng đã thôi đứng lớp từ lâu, chính là vì muốn giữ trọn niềm tin thuở xưa, rằng nghề giáo không phải là để giàu tiền giàu bạc, nhưng cũng là để thực hiện ước vọng của mình theo một cách khác. Để giữ cho vợ có được sự bình tâm trong sáng mà thực hành nghề nghiệp của mình. Để cho vợ không phải ưu tư khi từ chối những lời đề nghị mở lớp dạy thêm từ chính học trò. Để cho vợ khi không thể từ chối ngay những chiếc phong bì của cha mẹ học sinh gửi cho bằng mọi cách, thì có thể không một chút băn khoăn lẳng lặng mang đi đóng học phí cho chính em học sinh ấy, rồi gửi lại biên lai cho họ kèm theo lời giải thích nhã nhặn. Để cho vợ không phải bon chen danh lợi nơi chốn học đường, nhất là khi có quyết định đúng đắn và may mắn chọn về một ngôi trường nhỏ không tiếng tăm, để được dạy trong một môi trường không áp lực thành tích, không hình thức phô trương. Trong một xã hội nơi các thang bậc giá trị bị đảo lộn, những mô hình giáo dục với những ngôn từ hay ho như tinh hoa, trọng điểm, xuất sắc hay chất lượng cao gì gì đó là những thứ cực kì dễ bị biến tướng, sai lệch rất xa so với mục đích tốt đẹp ban đầu.

Ngày Nhà giáo mỗi năm, chốn “thiên đình” người ta vẫn ra rả những lời tôn vinh sáo rỗng, đưa ra bao lời hứa hẹn rốt cục đều là những “chiếc bánh vẽ”. Nơi “hạ giới” vợ và bao nhiêu đồng nghiệp mỗi ngày trong năm luôn thường trực với những lo toan rất nghề và rất đời. Không có giải pháp hệ thống thì mỗi người phải tự xoay vần và tìm giải pháp thích hợp cho riêng mình. Hai giải pháp riêng có đối chọi nhau thì cũng chịu. Như một đoàn tàu, lực đẩy nhiều lực cản ít thì sẽ tiến nhanh về phía trước, lực đẩy ít lực cản nhiều thì sẽ đi chậm lại. Dù sao nó cũng vẫn sẽ tiến về trước, chỉ có nhanh hay chậm mà thôi. Vợ đã chọn nghề và vẫn luôn thực hành nghề bằng một niềm tin đơn giản. Chồng chẳng làm gì được hơn, chỉ góp tay cho vợ giữ vững được niềm tin ấy. Cái niềm tin không chỉ có ở riêng vợ, mà còn ở nhiều người thân quen, ở các bạn bè đồng trang lứa, ở bao đồng nghiệp biết tên và không biết tên trên khắp mọi miền đất nước. Cái niềm tin vẫn lan toả tiềm tàng để đến một ngày nào đó tất cả cùng hội tụ và bung nở như hoa./.

Sài Gòn, ngày 20/11/2014

Lời bình trên diễn đàn

  • Tâm thư!!!? Anh Đại víêt riêng cho chị Ánh hay cho ngành thế nhỉ? Hay và cảm động lắm!

  • Đọc bài xong, tôi cảm được hạnh phúc trong gia đình của Thầy Đại và vợ (Cô Ánh). Hạnh phúc đơn giản như suy nghĩ của Thầy, như quyết định thực hiện đúng đắn của Cô. Nhưng không phải đơn giản là không sâu sắc. Đơn giản và sâu sắc là 2 tính từ hoàn toàn không đối kháng nhau. Thầy Cô đã xây dựng cho gia đình riêng của mình như vậy. Tôi mong Thầy Cô sẽ cho nhiều bài tản mạn khác nữa công khai lên mạng. Vậy nha Thầy Cô, có những bài giảng đúng chuyên ngành thiết thực và cũng có những bài tản mạn không vào một chuyên ngành nào mà rất cần cho cuộc sống đa dạng. Để người đọc cảm thấy đâu đó vẫn còn những suy nghĩ đẹp cho cuộc sống, không phải chỉ luôn luôn bộn bề bôn ba.
    Tôi quý Thầy Cô !

  • Dạ, cảm ơn Cô đã đồng cảm và chia sẻ ạ. :-)

  • Em chào Thầy!
    Có lẽ đây là lần đầu tiên khi đọc một bài viết, em mong muốn viết về cảm nhận của mình. Đọc bài viết của Thầy, một bức thư gửi vợ (là giáo viên) vào ngày 20/11. Em chợt nhận ra rằng, có nhiều người thầy, người cô thực sự tâm huyết, giảng dạy bằng chính niềm đam mê, bằng tình yêu đối với học trò, luôn giữ chữ "Tâm" trong sáng, thuần khiết. Em được củng cố hơn niềm tin của mình vào những gì đã lựa chọn. Cảm ơn Thầy, và cảm ơn Cô (dù em chưa một lần gặp). Qua những bài giảng của Thầy, cách giảng dạy tận tình, cách làm việc nghiêm túc, em đã học hỏi được rất nhiều. Em không chỉ học được những kiến thức chuyên ngành, mà nhiều hơn thế, đó chính là Nhân cách người Thầy. Đó cũng chính là lý tưởng và niềm tin trong em khi đến với nghề. Thầy chính là người Thầy mà nhà giáo dục Usinxki đã khẳng định: "Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác".
    Em cảm ơn Thầy rất nhiều!
    BD, 26/8/2021, Thứ Năm

    • Cảm ơn bạn đã chia sẻ và đồng cảm! Đó là một niềm vui nho nhỏ, vì có lẽ bạn cũng là một trong "bao đồng nghiệp biết tên và không biết tên trên khắp mọi miền đất nước" vẫn luôn hàng ngày thầm lặng vun xới, gìn giữ "cái niềm tin vẫn lan toả tiềm tàng để đến một ngày nào đó tất cả cùng hội tụ và bung nở như hoa."
      Thân mến.
      NTĐ

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)