Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Bốn mùa mưa nắng > Người lớn và những con số

Người lớn và những con số

Thứ hai 12/03/2012, của Nguyễn Tấn Đại

Đọc bản tin "Việt Nam phải xếp thứ 30 về Toán trên thế giới", chẳng hiểu sao không còn cái cảm giác hồ hởi, "tin yêu và hi vọng" như thuở nào? Mình trơ trơ sỏi đá rồi chăng? Mình vô cảm rồi chăng? Mình bất mãn rồi chăng? Hay là mình đã mất ấn tượng với những con số và thứ hạng???

Người lớn rất thích những con số. Khi bạn kể cho họ nghe về một người bạn mới quen, họ sẽ chẳng bao giờ hỏi bạn về cái cốt yếu. Họ chẳng bao giờ hỏi bạn: “Nó nói năng thế nào? Nó thích chơi trò gì? Nó có thích sưu tập bươm bướm không?” Họ chỉ hỏi: “Nó mấy tuổi rồi? Nó có mấy anh em? Nó nặng bao nhiêu kí? Ba nó kiếm được bao nhiêu tiền?” Chỉ như thế họ mới hình dung ra được. Còn lỡ mà bạn kể với người lớn rằng: “Cháu thấy có một ngôi nhà rất đẹp, xây toàn gạch màu hồng, có những chậu hoa trên bệ cửa sổ và bầy bồ câu xinh xắn trên mái nhà…” thì đừng mong gì họ tưởng tượng ra ngôi nhà đó. Cần phải nói: “Cháu vừa thấy một căn nhà đáng giá một trăm ngàn quan.” Họ sẽ thốt lên ngay: “Một căn nhà tuyệt đẹp!” (Hoàng tử bé - Antoine de Saint-Exupéry)

Đã tự bao giờ, người ta đo lường cái đẹp và kì vĩ của một công trình nào đó qua giá trị của đồng tiền bỏ ra? Đã tự bao giờ, người ta đo lường sự thành công của một người bằng các con số thay vì giá trị thực sự mà người ấy mang lại cho cuộc sống, cho xã hội, cho từng con người? Có lẽ mình vẫn còn là một cậu bé con, nên chỉ hay bận tâm đến thằng bạn thích chơi trò gì, hay ngôi nhà có chậu hoa tuyệt đẹp bên khung cửa sổ, hay bầu trời mây bay gió lộng, hay chiều mưa nước dâng lênh láng lòng hẩm hiu buồn,... thay vì những con số thành tích kì vĩ và ấn tượng?

Mới cách đây không lâu, một đề án mang con số 20.000 (tiến sĩ) gây xôn xao dư luận. Rồi lại một dự án dính tới con số 16.000 (bia tiến sĩ thời hiện đại) cũng ồn ào không kém. Rồi lại con số 200 (trường đại học hàng đầu thế giới) tuy nhỏ hơn mà lại gây lên một cơn sóng cả hồ hởi lẫn hồ... nghi! Rồi lại con số 3 (năm học việc bộ trưởng) làm không ít người trí thức có tâm phải ngỡ ngàng đến một sự thành thật vô cùng... ngây thơ của người đầu ngành... Rồi lại con số 17.000/7 (hiệu trưởng phổ thông ồ ạt xuất ngoại, để tham quan học hỏi kinh nghiệm quản lí trường học trong 7 ngày),... Có thể liệt kê không hết những con số trong nhiệm kì bộ trưởng giáo dục vừa rồi... Và nay, 30, chắc là con số và thứ hạng... ấn tượng (tốt? xấu?) cuối cùng mà bàn dân thiên hạ có thể nghe được sau một tín hiệu rút lui có thể gọi là "không kèn không trống"... Có lẽ mình vẫn chỉ là cậu bé con, không thể hiếu hết những ẩn ý của những con số mà một giáo sư kinh tế đã từng dành những quãng thời gian quý báu khi lãnh đạo ngành giáo dục để nghiên cứu... kinh tế Mĩ và kết luận về những bài học kinh nghiệm mà người Mĩ cần phải nghiêm túc đúc rút ra để "khắc phục khủng hoảng kinh tế". Người càng lớn, chắc là càng thích những con số. Ghế càng cao, chắc là càng cần có những con số khổng lồ khoả lấp những khoảng trống, lỗ thủng trong thực tại. Chứ mình thì bé quá! Tới giờ, thì mình cũng chỉ là một anh giáo quèn, không quan tâm đến đứa học trò được bao nhiêu điểm, mà là đến việc sau này ra đời, lời dạy nào của mình nó sẽ còn nhớ ghi, cho nên, đâm ra vô cảm với những con số rồi!

Huhuhu... Vậy mà có những con số vẫn cứ rượt đuổi mình hoài... Mỗi tháng cứ còng lưng ra mà trả cho những con số ấy nó giảm xuống. Chắc do mình ghét chúng nên chúng cũng chả ưa gì mình! Chớ có than vãn nữa, và phải đi "cày" thôi!!!

Sài Gòn, 06/05/2010

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)