Trang chủ > Tản mạn > Bốn mùa mưa nắng > Tản mạn nghề giáo (4)
Tản mạn nghề giáo (4)
Thứ hai 23/11/2020, của
[Tiếp theo phần 1 > phần 2 > phần 3]
Người thầy tự tâm
Sau khi xong cao học ở Pháp về nước, có người hỏi tôi qua bển học cái gì, ở trường nào, có cái gì hay. Tôi trả lời học về phương pháp sư phạm ở cái trường nhỏ xíu không mấy ai biết tới, mà cũng chẳng có gì hoành tráng ngoài một câu chuyện nôm na về giáo dục học được từ thầy Pascal ở Le Mans. Đó là, người thầy dạy học giống như dẫn học trò đi trên đường, bỗng dưng gặp một bức tường chắn ngang (mà thầy đã cố tình dựng lên từ trước), đủ cao để học trò không nhảy qua dễ dàng. Tiếp theo cứ để cho học trò tự tìm mọi cách, thậm chí phải trèo lên trượt té hay đầu cụng tay đấm bức tường đến rướm máu để vượt qua mà không được; để cho nhớ. Rồi thầy khéo léo giấu một cái thang ở đâu đó trong bụi cây ven đường, và kín đáo tiết lộ một dấu hiệu để học trò biết cách tìm cái thang mà bắt lên vượt qua tường. Và cứ thế tiếp tục cùng học trò đi tới, rồi lại gặp những bức tường mới…
Về sau tôi học và nghiên cứu chuyên sâu về khoa học giáo dục, tiếp cận nhiều lí thuyết và phương pháp giáo dục hiện đại, dù có nhiều tên gọi khác nhau như dạy học tích cực, dạy học theo dự án, dạy học giải quyết vấn đề, dạy học cá nhân hoá, v.v. thì hầu như phương pháp nào cũng “diễn Nôm” ra như câu chuyện kể trên vậy. Kể cả trong công nghệ giáo dục (môn khoa học hiện đại nghiên cứu về việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục chứ không liên quan gì đến các ô tròn ô vuông dạy chữ tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số), câu chuyện này cũng hoàn toàn nghiệm đúng. Vì vậy, tôi không ham mê chạy theo những ngôn từ thời thượng rổn rảng mà nhiều người, kể cả có hay không có chuyên môn về giáo dục và công nghệ giáo dục, vẫn thường phát biểu, như khai phóng khai sáng khai trí cách mạng công nghiệp bốn chấm… trong khi tôi chỉ biết mù mờ hoặc… mù tịt.
Không biết từ đâu mà tôi có tính thích học. Học đủ thứ trên đời. Di truyền hay truyền thống gia đình cũng không hẳn, vì cả các thế hệ ông bà cha mẹ lẫn nhiều anh chị tôi không phải ai cũng học hành tới nơi tới chốn. Có khi là vì thuở nhỏ nhà nghèo, đất nước mới mở cửa còn nhiều dư địa cho báo chí sách vở truyền bá tư tưởng phấn đấu học hành cống hiến, tôi ham đọc báo mãi rồi “nhiễm”. Thêm nữa, đó là thời kì sinh hoạt Đội và Đoàn vẫn còn giữ được chất “lửa” nguyên sơ chưa nhuốm màu lợi ích kinh tế và chính trị như sau này, nên cái lí tưởng nồng nhiệt tuổi trẻ ấy đã khắc dấu sâu sắc không mờ phai trong tâm tưởng. Một năm trải nghiệm ở Pháp đã thắp lên vài ngọn đèn chiếu sáng thêm cho lí trí tôi còn u mê. Câu chuyện “diễn Nôm” kia vẫn cứ là bài học tôi nằm lòng, cùng với “ngọn lửa tâm tưởng” và “ngọn đèn lí trí” tất cả trở thành một người-thầy-tự-tâm dẫn dắt tôi tiếp tục không ngừng học, hành, nghiên cứu và truyền bá giáo dục.
Năm 2001, sau một năm cao học, tôi về nước ngày 19 tháng 8. Một tuần sau tôi lên Đà Lạt, mang hồ sơ đến Sở Giáo dục xin việc. Được hỏi là Sở đang cần chuyên viên bộ môn Sinh, có muốn làm vị trí ấy không, tôi rụt rè bảo mình mới ra trường đi du học luôn rồi về, chưa có kinh nghiệm thực tiễn, sợ làm chuyên viên bộ môn về nói chuyện với các trường sẽ không đủ sức thuyết phục. Khi trình bày nguyện vọng muốn dạy học ở trường Cao đẳng Sư phạm cho phù hợp với trình độ bằng cấp, cũng đồng thời tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn thì tôi được bảo cứ qua liên hệ trực tiếp với trường.
Chạy xe vòng sang trường Cao đẳng Sư phạm, đến cửa bảo vệ toà nhà chính hỏi muốn gặp người phụ trách tổ chức nhân sự để nộp hồ sơ xin việc thì được bảo rằng lãnh đạo đang nghỉ bệnh, tuần sau quay lại. Chàng trai hăm ba tuổi hừng hực nhiệt huyết vui vẻ quay về huyện lo việc nhà rồi ngay sau lễ Quốc khánh lại cưỡi chiếc Citi đỏ “thần thánh” một thời vượt đèo lên Đà Lạt. Cũng gặp người bảo vệ hôm trước, cũng trình bày lí do, và vẫn nhận được câu trả lời lãnh đạo chưa đi làm lại. Bắt đầu băn khoăn, tôi vòng ngược sang Sở Giáo dục. Cô phó phòng tổ chức bảo nếu không chờ xin được bên Cao đẳng thì chỉ còn một chỗ tại trường bán công Nguyễn Trãi ở Đức Trọng, chuẩn bị khai giảng mà vẫn thiếu một giáo viên Sinh. Thế là, vội vã cầm hồ sơ chạy xuống Đức Trọng, được nhận vào ngay. Hôm sau, tôi đóng bộ từ Đơn Dương chạy qua Đức Trọng dự lễ khai giảng, rồi ngay lập tức thuê một phòng trọ đối diện trường, bắt đầu sự nghiệp dạy học phổ thông ngắn ngủi của mình.
Trường bán công Nguyễn Trãi là nơi đón nhận học sinh “hàng dạt” của thị trấn Liên Nghĩa, sau khi đã chọn lọc hết những học sinh khá giỏi vào trường THPT Đức Trọng. Thỉnh thoảng, buổi chiều học trò tan học ra lại có một đám nhốn nháo, vài thanh thiếu niên choai choai hùng hổ chặn đường “trị” một học sinh nào đó có mâu thuẫn gì đó với một người quen của chúng, xong ngang nhiên vứt con dao Thái nhọn hoắt xuống mương rồi bỏ đi. Một hôm như thế, nghe tiếng ồn ào trước khu nhà trọ tôi ra xem thử chuyện gì, thấy một cậu học sinh lớp mình chủ nhiệm bị đánh chúi nhủi liền chạy lại can và dắt cậu vào phòng. Chắc vì thấy tôi là giáo viên nên chúng cũng tạm ngừng tay, chưa dám manh động. Cho học trò ngồi lên xe, khoá vội phòng trọ, tôi ngó trước ngó sau cẩn thận rồi… vọt lẹ, chở vù cậu về nhà.
Tôi được giao dạy ba khối gồm lớp 7, lớp 10 và lớp 11, khi ấy vẫn còn theo chương trình cải cách lần đầu 1981-1992. Trong cái khuôn khổ gò bó cứng nhắc lúc bấy giờ, bộ giáo án tôi soạn rất “dị” so với các đồng nghiệp cùng trường hay cùng thời. Nếu như 5 bước lên lớp bắt buộc phải có, thì tôi “chế” thêm các cấu trúc bố cục giáo án, các quy ước mô tả hoạt động của giáo viên và của học sinh (cá nhân hoặc nhóm)… Lối trình bày giáo án phổ biến khi ấy là giáo viên phải hỏi câu gì vào lúc nào, học trò phải trả lời ra sao để chép bài lên bảng và vào vở. Tôi thì chỉ ghi vắn tắt kiểu “G: ?” (giáo viên hỏi), “H: !” (học sinh trả lời), “G: gg” (giáo viên giảng giải), “H: gh” (học sinh ghi chép)… Dụng cụ dạy học gần như không có gì đáng kể, nên tôi tận dụng mọi cơ hội mày mò làm các món đồ dùng trực quan, hoặc cho học trò chuẩn bị sẵn mẫu vật ở nhà mang theo, hướng dẫn cho quan sát, nhận xét và làm bài luận. Lớp học thì thường xuyên đầy ắp tiếng cười (dĩ nhiên ngoài những buổi mệt mỏi, chán đời hay đang bực bội), đến nỗi thầy hiệu trưởng phải đi qua đi lại ngoài sân lườm lườm nhìn vào xem thầy trò đang dạy học hay đang chơi…
Với chương trình và cách dạy nói chung khá cũ kĩ, lại là học trò bán công, khâu bài tập vận dụng và kiểm tra đánh giá là yếu nhất. Nếu thi trắc nghiệm mãi gần chục năm sau mới phổ biến ở Việt Nam, thì tôi đã cặm cụi soạn những câu hỏi trắc nghiệm đơn giản, từ viết tay chuyển sang đánh máy rồi in ra, bỏ tiền túi photocopy phát miễn phí cho học trò. Lớp 11 cần phải giải toán di truyền mà thời gian trên lớp quá ít, tôi đăng kí phòng trống ở những buổi không có giờ dạy, bảo học trò em nào muốn luyện thì tự giác đúng ngày giờ tới học, không phải đóng tiền bạc gì. Học trò mang tâm lí mình học kém, đa số lại lười do đi học vì bổn phận hơn là hứng thú, mỗi tiết dạy thay vì lấy 5 phút kiểm tra miệng vài em tôi dùng 10 phút để kiểm tra viết cả lớp, cho xem tài liệu thoải mái, rồi cứ cộng trung bình các cột điểm ấy lại tính thành điểm kiểm tra miệng. Vậy mà, vẫn có bạn mắt nhắm mắt mở chép bài của bạn, chấm xong chỉ biết cười ra nước mắt: “Tất cả các loài thực vật đều có 4 chân, có thể đi lại và tự kiếm ăn được”…
Đề thi học kì tôi thiết kế lại càng khác biệt. Thay vì đặt những câu hỏi kiểm tra các nội dung kiến thức riêng biệt, tôi xâu chuỗi tất cả các kiến thức đã học thành một đề tài liên hoàn, câu này dẫn đến câu kia và tất cả xoay quanh một tình huống thực tiễn mà học trò có thể quan sát hay mường tượng ra được một cách dễ dàng. Đáp án theo đó mà cũng rất cụ thể, chi tiết, nhưng không phải theo kiểu tầm chương trích cú đúng theo sách vở, mà là đánh giá nội dung trình bày có chính xác hay không. Nhưng nói chung, nếu như giáo án “dị” người khác có thể khen (như cô hiệu phó chuyên môn) hay miễn cưỡng bỏ qua vì khó “cãi” lại tôi (như nhiều đồng nghiệp), đề thi “đột phá tư duy” quá “liều” lại khó được chấp nhận. Giải pháp trung gian dung hoà được đưa ra để đưa một liều lượng tư duy mới mẻ vào đề thi, nhưng vẫn giữ phần “học thuộc lòng trả bài” ở một tỉ lệ cao cho an toàn.
Thời ấy, lương giáo viên trong tầm 700.000 đồng/tháng, ứng với khoảng… 47 đô la Mỹ, nếu quy theo thời giá hiện nay sẽ được khoảng… 1,1 triệu đồng. Tôi đã chủ trương đi dạy không bận tâm đến thu nhập, nên lương lãnh ra chỉ đủ thuê phòng trọ và đổ xăng những ngày trống giữa tuần chạy về Đơn Dương và cuối tuần phi xuống Bảo Lộc. Bao nhiêu tâm huyết đổi mới phương pháp dạy học tôi mang từ Pháp về đều hết trút vào các lớp học tại Đức Trọng, để trông chờ cơ hội đăng kí đợt tuyển công chức do Sở Giáo dục tổ chức. Người thân quen trong gia đình làm cán bộ Nhà nước không ít, chức tước to cấp huyện cấp tỉnh đều có “kênh” nếu muốn nhờ vả, nhưng tôi vẫn chủ trương tự thân vận động.
Tháng 3 tôi nộp hồ sơ xin tuyển thẳng công chức cho phòng tổ chức Sở, theo diện tốt nghiệp đại học hay cao đẳng loại giỏi, hoặc có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, rồi tỉnh queo về lại trường chờ kết quả. Tháng 5 nhận được cuộc điện thoại của Sở về trường, bảo lên… chuyển hồ sơ qua thi công chức. Tôi tò mò hỏi cô phó phòng tổ chức có bao nhiêu ứng viên được tuyển thẳng, cô bảo có 1 bạn tốt nghiệp Đại học Đà Lạt ngành Sinh loại giỏi, và 6 bạn tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm ngành Nhạc-Hoạ loại giỏi. Tôi hỏi thêm vậy sao em tốt nghiệp đại học sư phạm chính quy, có bằng cao học loại giỏi về phương pháp giảng dạy ở nước ngoài, mà không được tuyển thẳng. Cô trả lời, ờ thì em học cao học là cho biết, nhưng xét tuyển thẳng thì vẫn xét bằng đại học (mà tôi chỉ có bằng tốt nghiệp loại… trung bình, với điểm 6,98/10 cho 2,5 năm học chuyên ngành, không tính điểm 1,5 năm học đại cương). Tôi không nói gì nữa, lặng lẽ bước qua nộp 70.000 đồng lệ phí thi công chức, mà trong lòng biết rằng con đường mình đi sẽ ngày càng rời xa xứ cao nguyên, vì điều ngành giáo dục tỉnh nhà cần không phải cái tâm huyết mình muốn cống hiến.
Suốt hành trình viễn xứ đến nay gần tròn 20 năm, tôi chưa bao giờ thấy buồn hay băn khoăn về sự từ chối của quê hương và về sự ra đi của mình. Tôi bình thản nhìn sự việc, chấp nhận như nó vốn thế và, với người thầy tự tâm dẫn dắt trong mình, luôn không ngừng học hỏi và kiên trì đi tới, chuyển tải tâm huyết của mình cho quê hương, cho nghề giáo, theo những cách thức thích hợp nhất và hiệu quả nhất có thể. Điều duy nhất tôi băn khoăn trong lòng, đó là, với những lứa học trò đã từng trải nghiệm phong cách mới lạ của tôi trong một năm học ngắn ngủi, liệu quay lại một guồng máy cũ có phải là một sự thiệt thòi cho các em. Nhưng, suốt mấy năm sau khi tôi nghỉ dạy, một cô học trò lớp 7 tôi chủ nhiệm viết thư cho thầy, tâm sự rằng: “Chúng em rất nhớ thầy. Cho dù thầy chỉ dạy một năm học và chủ nhiệm đúng một học kỳ đi nữa thì chúng em vẫn nhớ đến thầy và những gì thầy đã dạy chúng em. Em không biết vì sao mình lại viết được như thế, hay là do tình cảm thầy trò đã gợi cho em cầm bút viết được như thế […] Lên lớp 8 chúng em đã tiến bộ lắm và những thành tích lại cao hơn, từ đầu năm vô chúng em luôn xếp tốt và khá […] Lớp chúng em không chán thầy và còn mong thầy dạy năm lớp 9 nữa cơ…” Âu cũng là một niềm an ủi, rằng thông điệp tự tâm của mình chạm được đến trái tim các em để lan toả, giúp các em biết tự thân vận động vượt qua những trở ngại của môi trường xung quanh mà lớn lên thành người.
Sài Gòn, tháng 11/2020