Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Bốn mùa mưa nắng > Niềm tin cuộc sống

Niềm tin cuộc sống

Thứ sáu 12/02/2021, của Nguyễn Tấn Đại

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta mất đi niềm tin. Vào nhà chức trách. Vào môi trường xã hội xung quanh. Vào người khác. Và vào chính bản thân mình. Đến độ một lúc nào đó muốn phục dựng niềm tin, người ta không còn biết phải bắt đầu từ đâu, từ ai, từ lúc nào… Tốc độ cuộc sống càng quay cuồng, người ta càng vội vã muốn có thật nhiều thứ thật nhanh chóng. Tới mức đôi khi quên bẵng đi rằng niềm tin cũng giống như cây cối, cần được vun xới chăm bón hàng ngày mà không trông mong vào bất cứ điều gì kì diệu nào khiến nó vụt lớn.

Khi bé Thỏ tròn 5 tuổi, vừa có em trai, cả nhà ở lại Sài Gòn ăn Tết. Chiều mùng 2, cả nhà dẫn nhau đi đường hoa Nguyễn Huệ. Trước khi đi, bé Thỏ xúng xính chiếc túi nhỏ được tặng để đựng bao lì xì. Không biết bỏ gì vào, hai vợ chồng bảo nhau lấy miếng giấy ghi số điện thoại ba mẹ dự phòng khi cần thiết, dù bé đã thuộc lòng từ lâu.

Mẹ địu em trai trước bụng. Ba cầm máy quay phim chụp hình. Chị Hai lúc đi với ba, lúc đi theo mẹ, lúc nào cũng nắm chặt tay sợ lạc. Cả nhà dạo từ đầu đường đến cuối đường rồi quay lại. Trời sẩm tối, dòng người chen chúc vào ngày một đông hơn. Đến bồn hoa gần cổng ra vào, mấy mẹ con tạo dáng chụp hình lần cuối trước khi ra về.

Xong mẹ địu em đi trước. Ba quay ngược lại “vớt cú chót” chụp vài tấm ảnh đường hoa lung linh dưới ánh đèn đêm. Đến khi đuổi kịp mẹ thì không thấy bé Thỏ đâu; mẹ thì nghĩ con đi với ba, trong khi ba nghĩ con đã theo mẹ. Cả hai bắt đầu hốt hoảng, ngó quanh tìm kiếm. Hỏi các chiến sĩ thanh niên xung phong đứng làm nhiệm vụ bảo vệ bên hàng rào chắn, họ hướng dẫn đến trạm chỉ huy ở khu vực giữa đường hoa để khai báo. Thế là chia nhau mẹ đi khai báo, ba tiếp tục chạy quanh tìm kiếm.

Dòng người đổ về đường hoa đã đông nghịt, chỉ có thể đi theo một chiều. Ba vừa vạch đám đông vừa chạy vừa ngó quanh, từ đầu đường hoa đến quãng giữa có lối rẽ quay lại hai vòng vẫn không chút tăm hơi. Mười phút ấy bỗng dài ra như cả thế kỉ. Mỗi giây trôi qua là một lần uất nghẹn cái cảm giác bồng bềnh chông chênh không thể nào tả được… Chỉ cần bé bước vài bước ra khỏi rào chắn là vô phương tìm kiếm, sẽ không biết được mai này sống thế nào, lớn lên ra sao…

Đến vòng thứ ba thì hết hi vọng, ba gọi điện cho mẹ báo quay về trạm chỉ huy. Đến nơi, vừa trình bày sự việc, được yêu cầu cầm bút khai báo thông tin về bé vào số, nhìn sang bên cạnh thì thấy bé Thỏ đang đứng đó, rụt rè kêu “Ba ơi!”. Lúc đó mẹ cũng vừa kịp đến nơi. Bao nhiêu cảm xúc dồn nén võ oà, ba định hỏi “Con đi đâu nãy giờ?...” nhưng những người bảo vệ xung quanh ngăn lại, bảo để từ từ rồi nói chuyện nhẹ nhàng với bé.

Kiểm tra lại điện thoại, thấy có hai cuộc gọi nhỡ từ số máy cố định. Hỏi ra mới biết là trạm chỉ huy gọi đến hai lần mà ba không nghe chuông để bắt máy. Khi đã bình tĩnh, tra hỏi ngọn nguồn thì bé Thỏ kể rằng con đi một lúc thì không thấy ba mẹ đâu, thấy chú công an mặc đồ xanh như vầy (chỉ tay vào một chiến sĩ thanh niên xung phong) nên tới hỏi: “Chú ơi! Chú biết ba mẹ con ở đâu không?”, rồi chú dẫn con về đây. Khi được hỏi tên ba mẹ và số điện thoại, bé Thỏ lấy miếng giấy ghi sẵn trong túi ra đưa. Khi các chiến sĩ trực ở trạm chỉ huy gọi ba không được thì chuyển sang gọi mẹ để mời về trạm đón bé.

Đến tận bây giờ, đã tròn 10 năm, tôi vẫn không thể nào quên được cái cảm giác kinh khủng ngày ấy. Điều đã cứu thoát cả gia đình ngày hôm ấy, không có gì khác ngoài niềm tin vào cuộc sống. Ngay từ khi biết nói và quan sát, bé Thỏ đã không ngừng đặt câu hỏi và nhận được những câu trả lời đầy chất “trẻ con” của ba. Bé đã lớn lên với một niềm tin chân thực vào những giá trị chân thực trong cuộc sống, không nhuốm màu thị phi thiên kiến đầy chủ quan của người lớn.

Nói chuyện phải biết thưa gửi, cảm ơn, xin lỗi; ai khác nói cộc nói trổng bất lịch sự mặc dầu. Đi xe gặp đèn đỏ phải dừng, đèn xanh mới chạy; thấy người vượt đèn đỏ biết là sai và không làm theo. Thấy người khác xả rác lung tung ngoài đường biết là sai và luôn tự giác bỏ rác đúng nơi đúng chỗ. Các chú công an mặc đồng phục chuyên bắt kẻ gian trừng trị cái ác và giúp đỡ người gặp hoạn nạn…

Niềm tin chân thực ấy được vun đắp qua từng câu hỏi đáp, từng mẩu chuyện và cả những trò đùa giỡn hàng ngày giữa hai cha con trên đường đi học hay dạo phố. Không có bất cứ điều kì vọng nào ngoài việc con lớn lên mỗi ngày biết phân biệt đúng sai tốt xấu trong từng cử chỉ, hành động dù là nhỏ nhặt nhất. Sẽ có những lúc nhận định đánh giá sai, nhưng chính bản thân con sẽ biết tự học hỏi từ chính những cái sai mắc phải. Ba mẹ không thể đi theo bên cạnh chăm sóc lo lắng cho con cả cuộc đời, nên cách tốt nhất là con có đủ hành trang để tự biết cách bảo vệ mình, càng sớm càng tốt, càng dày dặn càng tốt.

Chính nhờ đó mà một cô bé 5 tuổi, lạc ba mẹ giữa đường hoa đông nghìn nghịt lúc chập choạng tối mùng 2 Tết Tân Mão, đã xem các chiến sĩ thanh niên xung phong mặc đồng phục xanh lá cây chính là những chú công an chuyên làm việc tốt, để từ đó cứu được chính bản thân. Sau 10 năm, cả hai chị em vẫn tiếp tục lớn lên với những câu chuyện nhỏ vun xới niềm tin cuộc sống hàng ngày. Không hi vọng vào một điều kì diệu lớn lao nào, mà chỉ như cây cối cần chăm bón cần mẫn để ngày một vươn cao vững chãi.

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)