Trang chủ > Tản mạn > Bốn mùa mưa nắng > Apocalyspe Now
Apocalyspe Now
Thứ ba 21/02/2012, của
Nửa khuya. Giờ mọi người bắt đầu đi ngủ. Thành phố chìm vào giấc mộng đêm thanh bình. Nhưng có một đời sống khác thức dậy. Sài Gòn là chốn có thể dễ dàng tìm mọi thú ăn chơi 24/24...
Ở một góc đường gần Quảng trường Lam Sơn (thích gọi thế hơn "Công trường", bởi chữ này nghe cứ như mấy công trình đang xây dựng), xe taxi tấp nập tới lui, đưa rước khách. Vũ trường Apocalypse Now. Một cái tên Tây, rất Tây! Sếp đã dặn trước khi bọn tôi rời nhà sếp: "Đừng để tui phải nghe gọi điện thoại lúc 3 giờ sáng!". OK! Bọn tôi đi, không vì những lí do mù mờ, ám muội. Chẳng sợ gì! Hơn nữa, dù danh chính ngôn thuận mọi vũ trường phải đóng cửa sớm hơn, nhưng bởi Apocalypse Now là một trong những nơi "đàng hoàng" nhất, "biết điều" nhất, nên thường ít bị "động"...
Bước chân vào bên trong cửa là cả một thế giới khác hẳn cái tĩnh lặng đêm khuya bên ngoài. Đèn nhấp nháy mờ tỏ. Nhạc xập xình. Áo quần ngắn cũn cỡn. Mùi nước hoa đủ kiểu nam nữ trộn lẫn pha quyện vào nhau, mỗi bước chân qua thơm phức một mùi, một bước chân lại nồng nàn mùi khác... Khói thuốc mịt mù. Nhìn quanh, khách Tây nhiều, mà khách ta cũng chẳng kém. Nam thì chủ yếu là giới trẻ, thường thuộc kiểu gia đình giàu có. Nữ thì ôi thôi đủ hạng. Các cô các bà tụ tập quanh các quý ông, nói cười, ôm ấp. Lại có những cô (hay bà), đứng tuổi có, trẻ có, nhưng ai nấy đều nhan sắc khá mặn mà, da thịt cùng với nước hoa cứ phơi bày ra lồ lộ, thỉnh thoảng lại nhìn quanh dò chừng tìm kiếm, chừng như sẵn sàng nhảy đến vồ vập bất cứ anh chàng nào đang say sưa với bữa tiệc mãn nhãn ấy. Không hiểu, ban ngày họ là những người gì, sống như thế nào? Nhưng rõ ràng, đêm khuya ăn diện lui tới những chốn như thế này hẳn đã là một cái "nghiệp" đối với các cô. Họ kiếm gì? Chỉ có họ mới có câu trả lời.
Dù sao, so với những gì được nghe về vũ trường, mọi chuyện ở đây cỏ vẻ "hiền lành"! Thỉnh thoảng một anh hay một cô bảo vệ, quân phục chỉnh tề, đi qua đi lại ngó chừng khách (mà cũng chẳng biết ngó chừng cái gì). Các cô các cậu phục vụ tươi cười chạy đi chạy lại đon đả mời khách uống rượu, bia, và dọn những thứ không còn dùng nữa. Thường, những khách vào đây đều thuộc loại "sộp". Một li bia gấp năm mười lần giá bên ngoài chẳng là gì cả. Tiền với họ như... lá ổi, nhón ngón tay là có! Bởi thế, đon đả với họ chẳng mất gì, chỉ có thêm tiền boa. Một nụ cười đáng giá tiền ngàn tiền vạn, kể ra cố làm cũng không khó! Những nhóm người tụ tập uống bia, rượu, tán gẫu giữa những thơm lừng da thịt và nước hoa. Những đám đông điên cuồng với tiếng nhạc xập xình mà có khi họ chẳng nhớ nổi giai điệu. Và tôi cùng với những người bạn, dạo vài vòng nhìn quanh rồi đứng một chỗ, uống cho xong lon bia rồi về. Một hai giờ sáng. Bà xã đã gọi hỏi đang ở đâu, rồi lặng im cúp máy...
Rốt lại, rời khỏi nơi đó, câu hỏi cuối cùng vẫn là: họ tìm gì? Nhớ câu nhận xét của Hoàng tử bé: "Con người, họ chạy lòng vòng và cuối cùng họ không biết mình tìm cái gì." Những "người lớn" này phải chẳng cũng đang vòng vòng với mớ quẩn quanh rối rắm của mình mà không tìm được lối thoát? Hay vì dư dả tiền của mà họ chẳng cần nghĩ ngợi xem mình cần tìm kiếm điều gì trong cuộc sống, cứ bỏ ra ít tiền là mọi sự trở nên đơn giản, chẳng còn băn khoăn?
Trên Wikipedia có dẫn lời của Francis Ford Coppola, đạo diễn bộ phim về chiến tranh Việt Nam Apocalypse Now, đã đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh lớn trên thế giới: "Chúng ta đã ở trong rừng rậm, chúng ta quá đông đảo, chúng ta có quá nhiều tiền, quá nhiều vật chất và dần dần mỗi ngày chúng ta trở nên điên khùng." Phải chăng với Apocalypse Now điện ảnh hay Apocalypse Now vũ trường, con người đều trở nên điên khùng với sự dư thừa về vật chất?