Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Bốn mùa mưa nắng > Lời con trẻ

Lời con trẻ

Thứ tư 04/07/2012, của Nguyễn Tấn Đại

(Đăng lại từ bài viết trên blog cũ, 31/05/2010)

Không biết có phải thời nay con nít trở nên "ranh" hơn hay không, mà cô bé bốn tuổi ở nhà hỏi nhiều câu lắm khi làm ba mẹ... tắc tị. Mẹ đang mang bầu, cô nàng tới xoa xoa bụng mẹ rồi hỏi: "Mẹ ơi! Làm sao mà mẹ sinh em bé được vậy?" Không biết mẹ trả lời con thế nào, chứ ngay từ khi mới cho con biết chuẩn bị có em thì ba đã "dạy": "Em bé từ ngón chân út của mẹ bò lên trên bụng, con làm chị Hai không được làm đau em nghe chưa!" Mấy hôm sau, lại hỏi: "Mẹ ơi! Làm sao mà mẹ có em bé vậy?" Mẹ "quê" quá, không trả lời được, bèn nói lảng đi: "Chừng nào con lớn lên, lớn thật lớn như mẹ nè, khi đó con lấy chồng, thì mới có em bé được." Hỏi tiếp: "Con lấy ai?" Mẹ... bí rị!!!

Ở độ tuổi đang dần khám phá thế giới, bao nhiêu là thắc mắc dễ dàng nảy sinh trong đầu con trẻ. Có những thắc mắc thuộc loại không trúng không trật vào đâu, như thấy căn nhà chung cư đối diện đóng cửa đi vắng nhưng mở đèn hành lang, thì hỏi: "Ba ơi! Sao cái nhà trên kia mở điện?", trả lời: "Thì họ mở để biết là nhà có người ở.", sẽ hỏi tiếp: "Vậy sao cái nhà bên cạnh không mở?"... Trả lời những câu hỏi không ngừng nghỉ kiểu ấy không thể nào dứt được các câu hỏi, mà lại chẳng bổ ích gì cho đầu óc của chúng. Lắm khi chỉ kích thích thêm óc tò mò tọc mạch mà thôi...

Nhưng cũng có những câu hỏi của bé cũng làm khó cho người lớn phải cố tìm cách trả lời thích hợp. Ngồi trong quán ăn, nhìn qua bên kia đường, phía trên dãy lô cốt rào đường làm cống thoát nước, nhô lên một nhánh cây có chùm lá héo. Hỏi: "Sao cái lá cây kia nó héo?" Đáp: "Con hỏi ai?" Hỏi lại: "Ba ơi! Sao cái lá cây kia nó héo?" Trả lời: "Ừ! Thì nó già rồi nên nó héo?" Hỏi tiếp: "Sao nó già rồi thì nó héo?" Nghĩ: "Ái chà chà! Trúng tủ của ba đây, nhưng lại không thể nói với đứa bé bốn tuổi về quang hợp hay hô hấp, dinh dưỡng khoáng hay lão suy..." Thế là phải bày ra một câu chuyện: "Trong cái lá có một thứ thần kì, tên là chất diệp lục..." Nghễnh tai nheo mắt cắt ngang: "Cái gì?" Trả lời từng tiếng một: "Chất - diệp - lục. Cái lá có chất diệp lục nên làm ra thức ăn được, thành ra khoẻ mạnh, xanh tươi. Lúc cái lá già đi thì hết chất diệp lục, cho nên nó không làm ra thức ăn nữa, thành ra nó héo đi." Vậy mà tối về là ta có thể kể vanh vách cho mẹ nghe câu chuyện chiếc lá màu xanh vì có chất diệp lục làm ra thức ăn...

Chạy xe trên đường, cô bé trước mặt ăn bánh xong vứt vỏ bánh xuống đường. Hỏi: "Ba ơi! Sao chị lại quăng rác ngoài đường?" Gặp đoạn đường có bảng hiệu cho phép chạy thẳng khi đèn đỏ, hỏi: "Ba ơi! Sao đèn đỏ mà ba chạy?" Đoạn đường khác, lố đà chạy qua đèn đỏ luôn, thì ta "triết lí": "Lỡ rồi thì thôi nha! Nhưng lần sau là ba không có được chạy qua đèn đỏ nữa đó!" Mẹ cứ hay đùa: "Ba đang chở cảnh sát giao thông sau lưng đó nghen!" Trong cái thành phố tất bật sôi động này, bao nhiêu sự kiện, mối va chạm, tiếp xúc xảy ra hàng ngày, đập vào mắt ghi vào óc con trẻ; nhưng mấy người lớn biết cách hay đủ thời gian để trả lời cho con, giải đáp những thắc mắc không ngưng xuất hiện, giúp cho chúng phân định được cái sai cái đúng, để chúng biết đánh giá giá trị của mỗi một hành động, kể cả khi cái sai hoành hành và cái đúng trở thành hiếm hoi? Những thế hệ trẻ lớn lên thiếu sự phân định đúng sai phải trái, tương lai trở thành rường cột của xã hội thì cái xã hội ấy sẽ trở thành thế nào? Ông bà ta có câu "bé không vin cả gãy cành", một cái sai được xem là điều mặc nhiên ngay từ những năm tháng đầu cuộc đời của một đứa trẻ thì khi lớn lên sẽ rất khó sửa lại cho thành đúng. Chưa kể, nếu đặt trong một hệ thống giáo dục mà người ta không chú trọng sửa những cái sai về quan niệm sống và kĩ năng ứng xử, thì quả là không thể nào đủ can đảm hình dung tiếp viễn cảnh ấy...

Đôi khi, không hẳn là sự đúng-sai rạch ròi, mà ngay cả những chuyện đơn giản hơn, như một sự lựa chọn về mặt thẩm mĩ, sở thích,... cũng có khối chuyện làm sai lệch tâm lí nhận thức của trẻ. Có người lớn chỉ bằng một câu nói vô tình đã có thể gieo trong trẻ nhỏ một sự mặc cảm về hình thức bề ngoài: "Con nói với em trong bụng mẹ là mai mốt phải trắng như mẹ chứ đừng có đen như chị nghen!" Da trắng da đen đó là chuyện tự nhiên, không ai được chọn khi được sinh ra với cuộc đời này. Sao không dạy cho trẻ biết cách chấp nhận những gì thuộc về tự nhiên, để phát triển một cách bình thường? Tại sao lại phải áp đặt quan điểm thẩm mĩ của người lớn lên một đứa bé ba bốn tuổi đầu, để mãi về sau nó sẽ mang nỗi ám ảnh thường trực về màu da? Thế là con phải được "dạy" lại để "sửa sai", rằng da nâu thì khoẻ mạnh, da trắng thì xinh đẹp, da nào cũng được cả...

Cũng có khi là do chính mình sơ suất, như trong một lần chọc con, hỏi: "Con thích em trai hay em gái?", trả lời: "Dạ con thích em gái.", hỏi: "Sao con thích em gái?", trả lời: "Dạ con gái để con mặc váy cho em.", hỏi tiếp: "Sao con không thích em trai? Vì em gái sẽ giành đồ chơi của con thì sao?", vậy là ta đổi ý quay sang... đòi em trai. Bây giờ mẹ có em bé, chưa biết gái hay trai nhưng phải "sửa sai" ngay cho chị Hai, chứ lỡ ra em gái mà cứ nằng nặc đòi em trai với mẹ thì chỉ có nước... khóc ròng! Và bây giờ, ta vẫn thích em trai, nhưng nếu là em gái thì cũng thích luôn, không sợ em giành đồ chơi, mà là mỗi người chơi một món, hoặc chị Hai sẽ biết nhường nhịn cho em...

Không biết ngày xưa cha mẹ nuôi cả chục anh chị em nhà mình ăn học, có phải trải qua những cảnh tương tự không, có để ý dạy dỗ mình thế nào không, nhưng phải nói là nuôi con lớn và dạy con thành người quả là một kì công. Chắc con nít thời nay không "ranh" hơn thời xưa đâu, bởi vì "thằng con nít ngày xưa" là mình cũng khá đủ... "ranh" để nói chuyện với con như một người bạn lớn. Bởi vậy mà lắm hai cha con cứ đùa giỡn với nhau trên đường, con cười vang sảng khoái, bỏ lại sau lưng nhiều ánh mắt nhìn với nhiều dấu chấm hỏi...

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)