Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Bốn mùa mưa nắng > Quán cơm bình dân... phong cách

Quán cơm bình dân... phong cách

Thứ tư 04/07/2012, của Nguyễn Tấn Đại

(Đăng lại từ bài viết trên blog cũ, 10/06/2010)

Mới tập thiền rửa chén được vài bữa thì lại... kém duyên tu hành. Đưa bà xã và con về nghỉ hè quê ngoại, quay xuống Sài Gòn thì trở lại làm khách quen của quán cơm bình dân. "Trở lại làm", có nghĩa xưa kia đã từng là. "Khách quen của quán cơm bình dân", có nghĩa là ăn cơm bình dân hàng bữa, hàng ngày hay chí ít hàng tuần. Ô mà lạ! Quán cơm bình dân Sài Gòn có mà đầy ra đấy, nhếch nhác, xập xệ, bụi bặm, bẩn nhờn,... thôi thì đủ thứ tính từ có thể liệt kê ra. Có gì hay phải kể?

Hồi mới vô Sài Gòn cách đây mười bốn năm, lơ ngơ lác ngác đi ăn cơm bình dân, 2.000 đồng một dĩa với đồ ăn loại rẻ, 2.500 đồng một dĩa với đồ ăn loại thường, và 3.000 tới 3.500 đồng một dĩa với đồ ăn loại xịn. Quán xá nóng nực ngột ngạt, vụn thức ăn hoà lẫn với nước và khăn giấy vương vãi đầy sàn nhà và gầm bàn. Trà đá miễn phí để trong ca nhựa, rót ra váng mỡ lềnh đềnh, chẳng biết do nước, do ca hay do li mà ra. Vậy mà bà con cứ vô tư uống hết vèo vèo. Xách ca xin miếng nước, cô con gái chủ quán biếng nhác biểu đi theo, dẫn vào trong bếp, kề vô vòi nước mở ào ào rồi thản nhiên đưa cho xách ra ngoài, từ độ đó cạch luôn nước uống của quán đó... Tình hình chung của các quán cơm bình dân Sài Gòn mười mấy năm sau cũng chẳng khá hơn tí nào.

Vậy mình là khách quen của mấy cái quán đó à? - Ồ không!

Cái quán mình làm khách quen, nó lại không phải vậy. Có thể nói đây là một trong những quán cơm bình dân hiếm hoi ở Sài Gòn rất có... phong cách bình dân. Diện tích nhỏ, khách thường đông, vậy mà vẫn luôn giữ được sạch sẽ. Sạch không phải do khách ăn, bởi con người ta từ nghèo tới giàu từ sang tới hèn vô khối người đã quên mất thói quen giữ vệ sinh chung. Sạch là do bất kể người khách nào rời bàn đứng lên là ngay lập tức chỗ ấy được dọn sạch tinh tươm, từ mặt bàn đến dưới gầm bàn. Sạch nhìn từ quầy để thức ăn đến cách sắp xếp chén dĩa, muỗng đũa. Cơm và đồ ăn không thuộc loại xuất sắc, nhưng dễ ăn, ít ngán. Không quá béo, không quá mặn hay nhạt, không quá cay hay đắng, không quá chua hay ngọt. Và, không quá mắc cũng không quá rẻ (cho nên gọi là "bình dân hạng trung" để phân biệt với "bình dân hạng xoàng" như đại đa số các quán khác).

Ngày xưa sinh viên, một thời ngồi thuê máy tính cả ngày ở bên cạnh quán cơm để làm bài, thành ra trở thành khách quen. Quán ở giữa đoạn đường từ kí túc xá đến trường, thành ra càng có lí do để trở thành khách quen. Ra trường rời Sài Gòn hai năm quay trở lại cũng một thời làm khách quen, vì khi ấy vợ chồng mỗi người một nẻo suốt hai năm trời, còn chỗ làm thì khá gần quán. Rồi mấy năm vợ chồng sum vầy một mối, thi thoảng cũng ghé ăn những bữa cắt cơm nhà, giữ chút hương vị cố nhân. Và giờ đây vài ba tuần lễ "được giải phóng", cũng với một điều kiện thuận lợi "nhất cự li": quán nằm giữa đoạn đường từ nhà đến chỗ làm và ngược lại. Cứ thế cuộc đời trôi qua, từ một cặp sinh viên trẻ măng đến một đôi vợ chồng son rồi giờ sắp xong... chỉ tiêu kế hoạch hoá gia đình, mười mấy năm chủ và khách quen mặt, đến độ dĩa cơm và đồ ăn của mình lúc nào cũng được ưu ái cho nhiều hơn một tí, hay mấy anh con trai chủ quán nhớ cả những thói quen chọn món ăn hay nước uống của cậu khách quen mặt mà không biết tên. Và, cái phong cách bình dân hạng trung ấy hầu như vẫn không đổi, dù có đôi chút nhạt phai do cụ bà chủ quán tuổi cao sức yếu đã dần nhường chỗ cho các cô con gái của mình trông nom thay.

Nếu bạn không quá đòi hỏi cầu kì về món ăn (điều ấy đương nhiên khó mà được đáp ứng ở các quán bình dân từ hạng trung trở xuống), nhưng có đòi hỏi hay thích một không khí sạch sẽ, vệ sinh, hãy thử xem một ngày, tại quán ấy, đoạn đầu đường Thành Thái, đối diện Quận uỷ 10, gần cạnh trường Nguyễn Khuyến. Một quán bình dân không tên, nhưng biết đâu lại trở thành nơi ghi dấu những gương mặt quen thuộc trong cuộc đời của bạn mãi về sau? Ngày xưa, thường phải "né" tối chủ nhật vì cụ bà thường hay dành bữa đó để đi ăn ở các quán khác, để xem người ta nấu ngon dở thế nào mà học; còn bây giờ không biết các cô con gái của cụ có kế thừa được thói quen đó hay không nữa. Mơ hồ sợ rằng, như quán bà Cả Đọi một thời lừng danh thành ra tan đàn xẻ nghé dưới tay những người con thời làm ăn kinh tế đặt lên hàng đầu, phong cách bình dân hạng trung ở cái quán không tên ấy một tháng năm nào đó cũng chỉ còn lại dấu vết trên blog này mà thôi...

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)