Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Bốn mùa mưa nắng > Tản mạn nghề giáo (1)

Tản mạn nghề giáo (1)

Thứ sáu 20/11/2020, của Nguyễn Tấn Đại

Thuở học sinh tôi có một ước mơ khá ngô nghê: đi học về sinh học để về quê nghiên cứu phát triển cây hồng, một đặc sản của quê hương. Thời ấy, thông tin thiếu thốn, chủ yếu qua báo in, mà những tờ báo lớn như Tuổi Trẻ với Thanh Niên cũng chỉ mới phát hành ba số mỗi tuần. Báo ra hôm trước thì tận chiều hôm sau mới có trên vài sạp báo thưa thớt ở cái thị trấn bé nhỏ miền cao.

Các trường đại học thì còn loay hoay chật vật những năm đầu mở cửa, chưa quan tâm gì mấy đến chuyện hướng nghiệp tuyển sinh. Học trò muốn vào đại học thì cứ phải ôm mấy quyển “đề thi tuyển sinh” mà luyện cho tới khi thuộc lòng cả mấy chục bộ đề thì sẽ mở rộng cửa đậu. Cả lũ chúng tôi hầu như tự “bơi” trong việc chọn nghề, đúng hơn là chọn trường dựa vào điểm tuyển sinh của các năm trước và lực học của mình. Tôi không có điều kiện luyện thi, chỉ mua mấy quyển bộ đề về tự mày mò với phần lí thuyết và những bài tập đơn giản có thể làm được từ kiến thức học từ sách giáo khoa. Những bài toán phức tạp nâng cao, không được dạy trong chương trình, phải học luyện thi để biết mẹo, nhớ cách làm, làm mãi quen tay, thì tôi chịu, xem như “chấp” luôn.

Vì vậy, với ước mơ của mình, tôi biết mình không thể thi vào trường khoa học, vì điểm tuyển khá cao mà tôi biết trước mình không thể đạt quá 18/30 điểm cho 3 môn thi. Hơn nữa, với mong ước quay về quê hương thì chỉ có nghề giáo mới tạm gọi là đủ điều kiện, trong suy nghĩ ngây ngô của tôi thời bấy giờ, vừa đi dạy vừa cày cuốc vừa nghiên cứu. Một trong những trường tôi đăng kí thi vào đại học chính là Đại học Sư phạm TP. HCM, ngành Sinh học. Thế là, mối “duyên tình lận đận” của tôi với nghề giáo bắt đầu từ đó…

Những người thầy phổ thông

Một trong những người thầy ảnh hưởng đến lựa chọn nghề nghiệp của tôi, đó là thầy Đinh Thế Hạnh. Thầy làm hiệu phó từ những năm tôi học cấp II, mà tôi có ấn tượng không phai mờ mỗi khi ghé phòng giáo viên, nhìn bảng phân công thời khoá biểu và lịch sinh hoạt hàng tuần được trình bày rất gọn gàng, rõ ràng, khoa học, và chữ viết rất đẹp. Ấn tượng ấy được tăng cường với hình ảnh mỗi khi có một trận bóng đá “đỉnh cao” ở quê tôi, có khi tiếp cả những đội hạng nhất như Phú Khánh, Công an Hải Phòng, Phòng Không,… thì Thầy đều là trọng tài chính, với phong cách rất uyển chuyển mà tiếng còi vô cùng dứt khoát.

Lên cấp III, hình ảnh thầy hiệu phó và vị trọng tài bóng đá nghiêm trang ấy gần như đảo ngược 180° khi tôi được học môn Sinh với Thầy hai năm lớp 10 và 11. Thầy có thể mắt vừa nhìn xuống lớp giảng bài, tay vừa nguệch ngoạc trên bảng, dứt lời thì hiện ra hình ảnh nào cá nào rùa nào chim nào thỏ… khiến bọn tôi chỉ biết tròn xoe mắt kinh ngạc. Thầy cũng có thể rất nghiêm trang giảng bài, một câu, hai câu, ba câu và cả lớp bò lăn ra cười. Như một lần Thầy hỏi đặc tính của loài chim là gì, có đứa trả lời chim biết bay. Thầy hỏi tiếp vậy bướm có biết bay không, trả lời dạ có. Thầy gật gù đi tới đi lui lẩm bẩm vừa đủ cho cả lớp nghe “Như vậy suy ra bướm là một loài chim, chim là một loài bướm…” Đến khi hiểu ra, bọn tôi ôm bụng cười nghiêng ngả…

Tôi có thói quen hay quan sát và suy ngẫm, so sánh. Với những thầy cô dạy chán, dạy dở, hay có những hành vi không đúng chuẩn mực sư phạm, tôi ngẫm nghĩ nếu là mình thì phải làm khác đi như thế nào. Với những thầy cô dạy hay, được học trò yêu mến thực tâm, tôi luôn đặt làm mục tiêu phấn đấu nếu mình đi dạy sẽ phải làm được như thế như thế. Thầy là một trong số ít những thầy cô tôi từng học ở phổ thông mà nếu làm bài kiểm tra đúng hết những gì trong lí thuyết sách vở cũng chỉ được điểm 8, phần còn lại phải sáng tạo, vận dụng thực tế. Và điều đó có sự ảnh hưởng không ít đến tôi sau này khi đi học sư phạm và đi dạy, dù chỉ một quãng thời gian rất ngắn.

Một người “thầy” khác có ảnh hưởng tương tự, đó là cô Tôn Nữ Phương Quỳnh, dạy tôi môn Tiếng Việt năm lớp 8 và môn Văn-Tiếng Việt năm lớp 9. Quãng thời gian ấy, có thể nói Cô là một trong những giáo viên lặng thầm nhất trường. Cô không bao giờ to tiếng, quát mắng học trò. Cô cẩn thận, tỉ mẩn, chăm chút đọc và sửa từng lỗi nhỏ nhất trong bài viết của học trò, đứa nào cũng như đứa nào, bài nào cũng như bài nào, năm nào cũng như năm nào. Có lẽ, Cô làm thay công việc sửa lỗi cho tất cả các môn học khác nhau với tất cả các thầy cô khác nhau mà mỗi đứa học trò đã từng học qua.

Ngoài những phút nồng nhiệt, say sưa khi Cô giảng những bài văn hay, hoặc khi nói về một vài người học trò các khoá trước mà Cô tâm đắc, như Lâm Vũ Thao, Hàng Quang Minh, thì còn lại ánh mắt Cô thường đượm buồn. Một nỗi buồn xa xăm giấu kín những nỗi niềm không thể tả được bằng lời, pha lẫn giữa sự ưu tư thế cuộc, một chút chán nản, một chút hi vọng, một chút u uất, một chút niềm tin… Số học trò yêu thích môn học của Cô vốn đã ít ngày càng ít hơn, nhớ và quý mến Cô để thường xuyên thăm hỏi lại càng hiếm. Cho đến tận ngày Cô ra đi cách đây đúng 10 năm, mới có nhiều người học trò cũ chợt thảng thốt giật mình nhận ra những niềm yêu thương Cô đã gieo vào mình tự thuở nào.

Suốt 12 năm học phổ thông, tôi đã học qua hàng chục thầy cô giáo. Có những người nhạt nhoà như cơn mưa cơn gió lướt qua, không đọng lại điều gì đáng kể ngoài những kiến thức đã học dần phôi pha theo năm tháng, và những con điểm cùng vài lời nhận xét vắn tắt còn lưu trong học bạ. Có những người để lại ấn tượng sâu sắc, cả theo hướng tiêu cực hay tích cực. Nhưng trên hết, tôi hay nhớ và trân trọng những thầy cô, những khoảnh khắc giúp khơi gợi những tâm tư, tình cảm sâu thẳm trong con người, dù đôi khi đó chỉ là những “giáo viên môn phụ” trong mắt nhiều người.

Vì lẽ đó mà một cô giáo rất khác biệt, ít được học trò yêu thích, lại là người tôi và một nhóm bạn “chơi thân” nhất. Đó là cô Bùi Thị Thâm, giáo viên chủ nhiệm năm tôi học lớp 7. Thực ra, năm cô làm chủ nhiệm thì bọn tôi chưa “chơi thân”, có lẽ vì khoảng cách nghiêm nghị cần có giữa cô giáo và đám học trò nhỏ tuổi lao nhao. Nhưng sau đó, đặc biệt là từ khi lên cấp III rồi ra trường đi học xa và đến tận bây giờ, Cô giống như một người chị thân thiết của bọn tôi. Mỗi dịp lễ, Tết hay bất cứ khi nào thuận tiện, bọn tôi lại hay hẹn nhau đến nhà thăm Cô, không có một chút quà cáp gì, mà chỉ để thăm hỏi và ngồi nói chuyện đủ thứ trên trời dưới đất.

Cô dạy môn Vật lí, không dạy thêm bất cứ một lớp nào, khoá nào từ khi vào nghề cho đến khi về hưu. Cô không có gia đình, sống lặng lẽ chăm lo cho gia đình, cha mẹ, em út. Trên lớp Cô dạy nghiêm khắc, đòi hỏi cao, không bao giờ thoả hiệp với dễ dãi gian dối, nên càng về sau bệnh thành tích càng nặng Cô lại càng trở thành người lạc điệu trong chính ngôi trường của mình. Trong quãng thời gian định hướng nghề nghiệp, tôi vừa nung nấu ước mơ học sư phạm quay về phụng sự quê hương, lại vừa băn khoăn ngưỡng vọng con đường học hành và làm khoa học lên đến những phó tiến sĩ (học vị còn tồn tại đến năm 1998), tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư mà tôi thấy qua nhiều cái tên nổi bật trên báo chí hay trong sách vở. Cô không giúp được gì cho tôi trong định hướng này, nhưng chỉ từ năm này qua năm khác kiên nhẫn lắng nghe, chia sẻ và động viên tôi để đủ tự tin hơn trong quyết định của chính mình.

Không thể kể hết những câu chuyện về những thầy cô giáo đã tạo những dấu ấn trong cuộc đời học sinh của mình, nhưng một người tôi nhất thiết phải nhắc tới. Quê tôi là một xứ nghèo miền núi heo hút, thời tôi học không có đủ giáo viên tiếng Anh có trình độ đại học, nên chỉ được học chương trình 7 năm ở cấp II, rồi lên cấp III chuyển sang học chương trình 3 năm. Điều may mắn là, năm lớp 8 tôi được học tiếng Anh với thầy Phan Tấn Lợi, chỉ duy nhất một học kì I.

Thầy là người gốc Huế, nhà ở Sài Gòn, được biệt phái lên Lâm Đồng dạy học và vì một cơ duyên không ngờ tới lại “được” chuyển về Lạc Nghiệp, tên xã và tên trường thời bấy giờ. Lớp 8, nghĩa là bắt đầu học tiếng Anh mới được 2 năm, mà Thầy đã bắt đầu mỗi bài giảng với một câu chuyện… bằng tiếng Anh. Sau đó là bài đọc, luyện phát âm, rồi bảng ghi nhớ quy tắc văn phạm, từ vựng… Thầy không bao giờ kiểm tra miệng hay kiểm tra 15 phút đầu giờ, mà cứ sau mỗi “đơn vị” (unit) đều cho làm bài kiểm tra viết và chấm điểm rất kĩ lưỡng rồi tự phân phối vào các cột điểm bắt buộc trong sổ điểm.

Được học một trong những giáo viên ngoại ngữ hiếm hoi được đào tạo đại học chính quy bài bản từ Sài Gòn về, tôi có trải nghiệm một phong cách sư phạm hoàn toàn khác biệt. Nhất là cách đọc phiên âm quốc tế và kĩ thuật phát âm, và phân tích cấu trúc văn phạm, mà về sau gặp rất nhiều người ở thành phố lớn học trường to vẫn thấy họ mắc lỗi như thường. Điều rất lạ là, những người học tiếng Anh trước thì chuyển sang tiếng Pháp thường khó khăn, trong khi đó tôi bắt đầu học tiếng Pháp tại đại học lại thường xuyên thấy được những điểm chung về cấu trúc văn phạm tiếng Anh mà Thầy đã dạy chỉ vẻn vẹn trong một học kì năm lớp 8.

Sài Gòn, tháng 11/2020


Kì sau: Những người thầy đại học

Lời bình trên diễn đàn

  • Đọc bài này mình thấy xúc động. Đúng là chẳng có nghể nào cao quý như nghề giáo, cũng chẳng có nghề nào thấp kém như nghề giáo...
    Nhưng xã hội phát triển, người ta sống nhanh hơn, học trò thì mong cho học nhanh qua môn, điểm thật cao, thầy cô cũng mong nhanh kết thúc môn học... ít ai mà có những suy nghĩ sâu sắc như thầy, ngay từ khi còn trẻ như vậy.

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)