Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Bốn mùa mưa nắng > Cha, và con, và người nông dân

Cha, và con, và người nông dân

Thứ hai 12/03/2012, của Nguyễn Tấn Đại

(Xin mượn cách đặt tựa truyện "Cha, và con, và tàu bay" của Nguyễn Ngọc Thuần)

Cách đây ít lâu, đọc trên Tuần Việt Nam, có bài "Vì sao con người nông dân chối từ làm nông dân?" của A Sáng. Tác giả kể rằng...

Tôi không biết trường con gái mình tổ chức vui chơi nhân ngày lễ gì, tôi chỉ nhận được "lệnh" của bà xã rằng, hôm nay phải đón con gái lúc 5h chiều. Và tôi đến sớm hơn dự kiến 30 phút. Tôi đến sớm vì muốn xem con gái mình chơi như thế nào ở hội trại. Thế nhưng vừa nhìn thấy tôi, con bé đã ào ra và đòi về bằng được. Tôi ngạc nhiên vì hội trại đang rất vui, nhiều trò chơi đang diễn ra sôi nổi, sao con gái mình lại đòi về sớm vậy? Tôi gặng hỏi nhưng cháu không nói, nhất quyết đòi về. [...] khéo léo gợi chuyện để tìm nguyên nhân thì nó mếu máo: "... cô giáo bắt con đóng vai người nông dân cấy lúa... hu hu ... con muốn đóng vai công chúa cơ!". Và nó oà khóc - khóc nức nở - khóc như một sự oan uổng ghê gớm.

Song, từ chuyện ấy, quay qua ưu tư về cách giáo dục, về thái độ ứng xử đối với hình ảnh người nông dân, thì tác giả lại quay sang... đổ lỗi cho cho giáo dục và cho xã hội. Còn mình thì...

Tôi - một gã mà phẩm chất nông dân vẫn còn đến hơn 50% trong người rất muốn giải thích cho con gái mình sự đáng yêu của hai từ "nông dân". Rất muốn nói với khúc ruột của mình rằng, nông dân là một tầng lớp lao động đáng trân trọng. Con hãy ra cánh đồng, hãy áp bàn tay vào đất đai, hãy hít thở linh khí của mùa màng... con sẽ thấy sự đáng yêu của người nông dân và con sẽ không ghét hai từ "nông dân" nữa.

Bởi đơn giản một điều rằng, nếu con muốn trở thành một cái gì thật sang trọng thì việc đầu tiên hãy hiểu tận cùng về nguồn cội của con, đó chính là nông dân! Nhưng, ngay bây giờ và tại đây tôi không thể, bởi nó còn quá bé và hàng ngày nó vẫn bị nhồi nhét vào đầu rằng, nông dân là một cái gì đó không đẹp, dù chỉ là vở kịch. Sự thật là như vậy.

Kể ra thì đúng là giáo dục và xã hội đang có khối vấn đề phải giải quyết, với bao nhiêu giá trị thực hư đảo lộn. Thế nhưng, khi mải mê tìm lỗi ở xung quanh đôi lúc người ta lại quên mất chính vai trò của bản thân mình. Con gái lớn đến 6 tuổi để người cha mới phát hiện ra sự xa lạ với gốc gác nông dân của con mình, vì "hàng ngày nó vẫn bị nhồi nhét vào đầu rằng, nông dân là một cái gì đó không đẹp", đó đã là khá trễ, chứ không phải là "nó còn quá bé" để cảm nhận được những điều đơn sơ mộc mạc ấy!

Con gái tôi năm nay 4 tuổi, lớn lên ở chốn thị thành nhưng mỗi dịp về quê là thích thú vô cùng. Vì bé được hoà mình vào đất trời, núi rừng, cây cỏ... Vì bé được đội nón lá cầm lưỡi liềm theo bác đi tỉa lá chuối khô. Vì bé thích đuổi theo những cánh bướm vờn bay trong đám cỏ, lom khom tìm chú ve kêu râm ran mùa hè; hay lúp xúp bước trên bờ ruộng, nhắm mắt nghe tiếng gió thổi xào xạt qua từng bông lúa chín vàng ươm, tưởng tượng ra cả hương thơm lúa nếp trong những chiếc bánh chưng bánh giầy của chàng Lang Liêu thuở xa xưa... Bé vẫn thích thú với trò chơi "Con đội nón lá giả bộ làm cô bé nông dân nghe ba..." không kém gì trò chơi "Bây giờ con sẽ biến thành nàng giai nhân trong lâu đài của quái vật"...

Ai, nếu không phải cha mẹ, là người có trách nhiệm dạy dỗ niềm tin vào cuộc sống, và cách cảm nhận cuộc sống hàng ngày, và cách sống hàng ngày với niềm tin và cảm nhận ấy cho con trẻ?

TP. HCM, tháng 05/2010

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)