Trang chủ > Tản mạn > Bốn mùa mưa nắng > Thế giới lặng yên
Thế giới lặng yên
Viết cho cháu Anh Ly
Thứ năm 16/02/2012, của
Năm tuổi. Tuổi đồ chơi. Tuổi truyện tranh. Tuổi những ước mơ bay theo chiếc bong bóng lên trời. Bỗng nhiên cả thế giới trở nên lặng yên trước cháu...
Cháu cáu gắt. Cháu la hét thật to. Tại sao ai cũng lí nhí, lép nhép miệng mà không nói ra tiếng. Bà nội bị điếc rồi, sao không nghe cháu nói và nói gì cho cháu nghe?! Cả thế giới vẫn đột nhiên yên lặng trước cháu...
Rồi dần dần cháu co người lại, ít nói hơn. Cháu lặng lẽ viết bài, nắn nót từng con chữ đẹp. Lặng lẽ làm toán. Lặng lẽ đọc sách đánh vần. Lặng lẽ trong cái thế giới đột nhiên quá đỗi bình yên của mình...
Người mảnh khảnh. Rón rén nhìn. Chú búp bê bọ rùa nhún nhảy hát ca vui nhộn; cháu khép nép nhoẻn miệng cười. Trong đầu óc bé bỏng của mình, cháu có hiểu tại sao những thứ đồ chơi phát ra âm thanh, nào xe lửa, nào điện thoại,... giờ đây tất cả đều câm lặng? Tiếng nói cháu nghe được chỉ vang vọng từ một miền kí ức nào đó sâu thăm thẳm trong đầu...
Căn bệnh đột ngột đến với cháu từ gần hai tháng. Bệnh viện tỉnh không chẩn ra nguyên nhân. Nhà nghèo, cha cháu không dám chuyển viện vào Sài Gòn, chỉ xin cho về nhà theo dõi tại chỗ. Nhưng tuổi thơ của cháu không thể bị đánh mất, có chạy vạy vay nợ cũng phải đưa cháu đi. Làm cha, không thể có lựa chọn nào khác. Làm cha rồi, đã cố công chăm sóc cho con mình có được một tuổi thơ an lành, hồn nhiên, thì mới hiểu được những nỗi đau vô tận khi thấy con trẻ đang dần dần đứng nhìn thế giới lùi đi ngày càng xa...
Sài Gòn xe cộ ồn ào náo nhiệt; cháu bình yên trong một thế giới không thanh âm. Nhưng ở cái huyện nghèo nhất xứ Bình Định, cháu cũng mất đi tiếng róc rách con sông An Lão chảy qua trước nhà; mất đi tiếng chim hót ríu ran trong lùm cây, rặng dừa; mất đi tiếng gió thổi xào xạt dài theo đồng lúa. Mọi thanh âm của đất trời đều chìm sâu trong cháu mà không bật ra được...
Khám. Đo thính lực. Bác sĩ kết luận cháu bị điếc tiếp nhận mức độ nặng. Nguyên nhân không xác định được, có thể do một yếu tố di truyền bẩm sinh, đến lúc bộc phát biểu hiện ra bên ngoài dẫn đến triệt tiêu chức năng của các bộ phận tiếp nhận âm thanh vùng tai trong (ốc tai và thần kinh thính giác). Tai cháu giờ chỉ nghe được âm thanh trên 90 decibel. Cỡ tiếng còi xe tải. Lời nói bình thường không thể đến được tai cháu.
Giải pháp? Y học hiện đại có nhiều giải pháp hỗ trợ tăng cường khả năng nghe của người bệnh điếc. Và cái gì cũng có giá của nó. Giải pháp hiện đại nhất và có kết quả khá nhất là cấy ốc tai điện tử, nhưng chi phí thì như một giấc mơ: 7.000 đôla Mĩ cho một ca phẫu thuật một bên tai; 12.000 đô cho một bộ thiết bị ốc tai loại rẻ nhất (dành cho một tai). Giá "bèo" nhất cho một tai là cỡ 20.000 đô, tương đương 350 triệu đồng. Cha cháu có làm cả đời cũng không dám mơ đến số tiền ấy!
Giải pháp còn lại: mua máy trợ thính, giúp cháu làm quen lại với việc nhận biết âm thanh bên ngoài; cùng với những nỗ lực khác của cha mẹ, thầy cô và mọi người xung quanh giúp cháu nhận biết tiếng nói, duy trì khả năng phát âm và không đánh mất dần thói quen nói và giao tiếp. Ở mức độ nặng như thế, bác sĩ chỉ định loại máy "tốt nhất trên thị trường hiện nay" (?!), giá 75 triệu đồng một cặp. Cha cháu không một biểu hiện gì ra ngoài gương mặt, nhưng lòng ắt hẳn là đau đớn lắm. Vận dụng hết các mối quan hệ với các bác sĩ và các kiến thức y khoa cơ bản (may là học ngành sinh học, có làm nghiên cứu, cũng đủ gần gần để lí giải được tí chút vấn đề chuyên môn!) để chạy tìm và thử các loại máy khác nhau. Rồi phải huy động "toàn lực" của cả đại gia đình cô dì chú bác anh chị họ hàng... để cùng góp tay cho cha cháu. Cuối cùng cũng đủ để mua cho cháu một cặp máy đủ độ tin cậy, giá non phân nửa dòng máy được bác sĩ chỉ định. Gắng lắm thì cháu cũng chỉ nghe được tiếng động, mà chưa tách được lời nói, hiểu được ngôn ngữ.
Đeo máy, cháu vui hơn. Một phần nữa là đã quen dần với những người trước đó vài ngày vẫn còn xa lạ. Chơi đùa nhiều hơn, và chịu nói nhiều hơn. May mắn là tiếng nói của cháu vẫn tốt, chưa bị méo. Cặp tai nghe đã giúp thế giới của cháu bớt lặng yên. Nhưng ngày trở lại với cái thế giới ồn ào thường nhật với cháu dường như còn xa hút hắt, thậm chí đó là một con đường chưa có lối ra...
Lắm khi ta buồn chán với thế giới chộn rộn náo nhiệt này. Lắm lúc ta chỉ muốn bịt tai cho khỏi nghe những điều "chướng". Nhưng ngẫm lại, sao mà cái sự ồn ào, lắm điều ngang chướng ấy đôi khi lại đáng quý đến vậy!!!
Sài Gòn, tháng 02/2009