Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Bốn mùa mưa nắng > Tản mạn nghề giáo (3)

Tản mạn nghề giáo (3)

Chủ nhật 22/11/2020, của Nguyễn Tấn Đại

[Tiếp theo phần 1 > phần 2]

Những người thầy Pháp

Người tiếp nhận tôi sang Pháp học cao học là thầy Marc Laulier, giáo sư Đại học Maine, ở thành phố Le Mans (/lơ-mân/) nơi có cuộc đua xe hơi nổi tiếng “24 giờ Le Mans”. Trong lời phát biểu đầu tiên tại hội đồng chấm luận văn tiếng Pháp của trường Sư phạm, Thầy bảo rằng tao đi từ Bắc vào Nam đến đây là điểm cuối, so với các bài đã chấm ở Hà Nội và Huế, tao đề nghị cho điểm tuyệt đối 20/20 ở hội đồng này. Cứ tưởng có bản luận văn “oách xì dách” như thế là “ngon”, ai dè khi sang đến Pháp, tham khảo kho luận văn trong thư viện xong tôi chỉ muốn giấu biệt quyển luận văn của mình. Không chỉ là vấn đề ngôn ngữ, mà cả cách tiếp cận khoa học của họ rất khác, không theo kiểu đếm trang đo bề dày để đánh giá khối lượng công việc nghiên cứu rồi suy ra giá trị khoa học của đề tài. Điều mà ngay cả về sau học cao học ở Việt Nam, luận văn của tôi vẫn bị “dính” khi một thành viên hội đồng chấm điểm thấp vì… chỉ có 65 trang, cùng 12 trang tài liệu tham khảo và phụ lục.

Vốn có xuất phát điểm không luyện thi đại học, tôi gần như không biết làm toán lai, và thực tâm cũng không mặn mà với các loại mẹo và công thức ghi nhớ để giải các loại toán này. Học môn Di truyền, một hôm Thầy tới lớp khênh theo nguyên một giỏ “cần xé” bắp khô. Thầy phát cho mỗi sinh viên một trái bảo đếm số hột bắp trắng và số hột bắp tím, rồi kêu từng người đọc và nhận xét kết quả. Từ đó mới dẫn vào các quy luật di truyền của Mendel, mà tôi đã học bầm trầy bầm trật mấy năm trời tại Việt Nam thuần tuý bằng cách “tụng” các số liệu và lời giải thích từ sách vở.

Bài tập, câu hỏi vận dụng từ giáo trình của họ hoàn toàn không có các bài toán do ai đó ngồi một chỗ tưởng tượng ra đủ các kiểu lai, các loại kết quả cài cắm mưu mẹo để áp dụng công thức tính toán phức tạp. Toán lai nói riêng, toán di truyền nói chung của họ khá đơn giản, xuất phát từ các tình huống rất thực tế, hay các mô hình chuẩn đã được chứng minh trong khoa học, để hướng dẫn người học cách suy luận và phân tích, tổng hợp, đánh giá, chứ không nhằm học thuộc lòng công thức này, dạng toán kia, mẹo giải nọ. Và điều đó không chỉ thể hiện trong giáo trình đại học mà cả trong cả sách giáo khoa phổ thông.

Hàng tuần, ngoài giờ học các môn chuyên ngành tại đại học, tôi còn phải tham gia nhóm học về phương pháp tại trường đào tạo giáo viên, thời ấy tên là IUFM (Institut de formation des maîtres). Bên cạnh đó, thầy hướng dẫn tại IUFM là Pascal Jurvilliers còn yêu cầu đi kiến tập hàng tuần tại lớp Thầy dạy ở trường trung học phổ thông (lycée) Montesquieu, trường cấp III công lập lớn nhất thành phố Le Mans. Điều tôi ngạc nhiên trước tiên là giáo viên ngồi một chỗ, phòng học cũng như phòng thí nghiệm, còn học sinh thì đến giờ lục tục ôm cặp vở đến học, hết giờ lại lục tục kéo sang phòng khác. Điều tôi ngạc nhiên hơn lại là cách dạy cả lí thuyết lẫn thực hành, từ nghiên cứu sách giáo khoa đến thiết trí thực nghiệm.

Hoàn toàn không có quy trình 5 bước lên lớp mà tôi đã học ròng rã trong các môn giáo học pháp và thực hành vật vã trong các đợt kiến tập, thực tập ở Việt Nam. Điều cốt yếu đọng lại chỉ là: cho học trò quan sát; hướng dẫn học trò ghi nhận kết quả quan sát; dẫn dắt học trò tìm kiếm những kiến thức đã học để giải thích một phần kết quả; cung cấp cho học trò những thông tin then chốt còn thiếu để giải đáp phần còn lại của kết quả; từ đó học trò tổng hợp và trình bày lại toàn bộ quá trình. Thầy Pascal rất quý tôi (vì vậy tôi gọi Thầy bằng “tên” chứ không phải bằng “họ”), và hay tâm sự với tôi rằng, nguyên tắc dạy học không có gì khác ngoài sự dẫn dắt cho học trò tự khám phá kiến thức, biến nó thành tri thức của mình. Tiếc là tôi không thể khai thác được kho kinh nghiệm quý báu của Thầy, vì vừa tốt nghiệp ra trường là đi du học ngay, vốn liếng hiểu biết thực tiễn là một con số 0 tròn trĩnh với những bài giảng “mẫu” ở trường đại học chẳng mấy khi áp dụng được ở trường phổ thông, hay sáu tuần thực tập theo kiểu “diễn kịch”, giáo viên hướng dẫn dặn trước học trò đừng hỏi khó thầy cô thực tập, có gì cứ để thực tập xong sẽ dạy lại hết nhằm củng cố những chỗ bị “hỏng”.

Nếu thầy Laulier rất nghiêm khắc, đòi hỏi cao, thì thầy Pascal lại rất cởi mở, thân thiện. Một người khi biết tôi đi làm thêm ngoài giờ đã rất giận, bảo mày qua chưa học được gì đã lo đi kiếm tiền, trong khi học bổng đã đủ cho mày sống để tập trung học hành. Một người thì mỗi lúc trống giờ hay ngồi nói chuyện, hỏi han, giải thích thêm cho tôi về đời sống trường học ở Pháp. Một người khi thấy kết quả học kì I của tôi thấp lẹt đẹt thì lo âu, liên tục nhắc nhở phải học cho tốt để quay về phục vụ đất nước. Một người luôn nhiệt tình cho phụ tá sao chép các loại băng đĩa khoa học mà tôi mê mẩn để mang về, vì trong nước khi ấy hoàn toàn không có điều kiện để trang bị. Một người khi biết tôi có ý định tìm cách ở lại đăng kí học tiếp thì ngoài miệng nói tôn trọng quyết định của tôi nhưng ánh mắt đượm buồn che giấu nỗi thất vọng; rồi khi tôi quyết tâm tập trung bài vở tốt nghiệp để quay về, đạt kết quả cao đến mức không ngờ thì vui mừng hạnh phúc chạy tìm cô Lê Thị Trung, đang lúc ấy cũng đến Le Mans tu nghiệp, để báo tin ngay tắp lự. Một người chỉ ý nhị đặt cho tôi một câu hỏi trong hội đồng, rằng với bài giảng như thế này mày sẽ áp dụng như thế nào khi về Việt Nam không có cùng điều kiện trang thiết bị như ở đây; rồi mỉm cười hài lòng khi nghe tôi trả lời rằng điều cốt yếu tôi học được là nguyên tắc dạy học khơi gợi dẫn dắt học trò tự khám phá kiến thức, chứ không máy móc bê nguyên vẹn bài giảng soạn ở đây về nước.

Dường như tôi rất có duyên với cái tên Pascal. Bắt đầu từ thời lớp 11 đứng ngoài cửa sổ nhìn vào phòng máy tính trường mới được trang bị, thòm thèm nhìn người khác học hệ điều hành DOS và lập trình Pascal trên cái màn hình xanh lè. Vào đại học, môn Tin học Đại cương cũng học lập trình Pascal, tôi mua sách nghiền ngẫm rồi mường tượng các loại giải thuật cho đề bài thầy giao, rồi chạy ra dịch vụ máy tính thuê cấp tốc một tiếng đồng hồ ngồi gõ cho nhanh và lưu lại trong đĩa mềm để… đỡ tốn tiền. Học cao học ở Pháp thì rất thân thiết quý mến với thầy Pascal. Đến khi làm luận án tiến sĩ, lại cũng theo học một thầy Pascal khác, họ Marquet, ở Đại học Strasbourg.

Tôi vốn dĩ bị ảnh hưởng bởi tư duy làm khoa học kiểu Việt Nam, phải nói tới những chuyện đao to búa lớn, đặt ra những bài toán to tát vĩ đại để chứng minh là đề tài của mình có ý nghĩa siêu quần vô địch. Thầy vẫn hứa nhận lời hướng dẫn, dựa vào quá trình tôi hợp tác tích cực trong một đề tài nghiên cứu quốc tế do Thầy chủ trì, nhưng ôn tồn bảo tao sẽ giúp mày sửa lại đề cương nghiên cứu. Hiện giờ cái đề tài của mày nó lung linh hoành tráng giống như một toà kim tự tháp vậy; nhưng tao không thể hướng dẫn mày giải quyết mọi vấn đề của cái toà tháp ấy. Tao chỉ có thể hướng dẫn mày nghiên cứu một viên đá dưới chân tháp thôi, cho tới chừng nào mày là người hiểu rõ nhất cái viên đá ấy, không ai bằng kể cả tao, thì sẽ xong cái luận án. Và nếu mày hiểu tường tận được một hay vài viên đá quan trọng, then chốt, chỉ cần rút nó ra là cả toà tháp sẽ lung lay, hoặc ngược lại củng cố nó thì cả toà tháp sẽ vững chắc.

Thầy Pascal trường Strasbourg xuất thân là giáo viên Toán, sau chuyển sang nghiên cứu về Khoa học Giáo dục. Bằng tuổi và có ngày sinh trùng với ngày khai sinh trên giấy tờ của anh trai tôi, Thầy vừa rất nhiệt tình, cởi mở, lại vừa giữ một khoảng cách bặt thiệp, lịch sự, mỗi ngày đạp xe tới trường và hàng tuần tập thể thao đều đặn, dù lịch làm việc lúc nào cũng dày kín. Tương tự như cô Mai Trần Ngọc Tiếng hay cô Lê Thị Trung, Thầy cũng bảo rằng chuyên môn sâu của đề tài thì chỉ có tôi hiểu cặn kẽ nhất, Thầy cũng không bằng, nên nhiệm vụ chính của Thầy là hướng dẫn về quy trình nghiên cứu, và kiểm soát yêu cầu chất lượng đầu ra. Mặc dù chuyên nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong giáo dục, Thầy có quan niệm mà tôi hoàn toàn đồng ý là: công nghệ chỉ là phương tiện để người thầy cải tiến sự tương tác giữa mình với người học, cũng như giữa người học với bạn học và với kiến thức; còn trong suốt lịch sử phát triển loài người, nguyên tắc giáo dục gần như không thay đổi, đó là dẫn dắt người học khám phá lại con đường phát triển khoa học mà loài người đã đi qua, theo một cách đơn giản hoá và rút gọn hơn sao cho phù hợp với lứa tuổi và đối tượng giáo dục. Vì vậy, dù công nghệ có phát triển tột bậc đến thế nào, thì người làm giáo dục cũng không nên để mình bị sự hào nhoáng bóng bẩy làm loá mắt ù tai, mà cần sáng suốt, tỉnh táo lựa chọn công cụ phù hợp, điều khiển nó theo đúng mục đích giáo dục của mình.

Do vừa đi làm vừa đi học, mỗi năm tôi chỉ sang Pháp chừng năm bảy tuần lễ để tập trung làm một số việc không thể làm từ xa. Mọi thủ tục cần thiết để giải quyết các khó khăn trong việc đi lại, xin dữ liệu, khảo sát, đăng kí gia hạn, v.v. Thầy đều luôn hỗ trợ hết mình. Có những giai đoạn tưởng khó khăn không thể vượt qua được, Thầy luôn tế nhị tránh tạo áp lực, tìm mọi cách động viên khích lệ, để tôi duy trì quá trình thực hiện đề tài. Vì vậy, kết thúc sáu năm rưỡi học bán thời gian, quy ra xem như vừa khung tiêu chuẩn chương trình tập trung toàn phần ba năm. Khi bảo vệ, bài vở Thầy sửa cho tôi rất kĩ lưỡng, chỉn chu và đúng hẹn, còn lựa chọn thành viên hội đồng luôn trao đổi, tham khảo ý kiến của tôi trước khi quyết định. Trong bữa ăn thân mật ngay sau buổi bảo vệ, câu đầu tiên Thầy nói với tôi là: “Theo thông lệ Pháp, giáo viên hướng dẫn luận án phải xưng “vous” [ngôi thứ hai số nhiều] với nghiên cứu sinh, và sau khi bảo vệ xong mới chuyển sang xưng “tu” [ngôi thứ hai số ít]”. Khi ấy tôi mới hiểu hết những tình cảm thân thương mà Thầy dành cho mình đằng sau vẻ ngoài lịch sự, bặt thiệp, đúng mực trong suốt hơn sáu năm trước đó.

Sài Gòn, tháng 11/2020


Kì sau: Người thầy tự tâm

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)