Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Ngôn luận và văn chương > Đọc và nghĩ > Tản mạn với bạn và thơ

Tản mạn với bạn và thơ

Thứ ba 20/10/2020, của Nguyễn Tấn Đại

… Có những bài thơ, không tựa đề, và dường như không cần độc giả. Những bài thơ được viết hối hả tuôn tràn theo dòng cảm xúc, hay dần định hình với những suy tư dồn nén, kết tinh theo thời gian rồi đọng lại, thành câu, thành chữ, thành một tâm hồn đa cảm nồng nàn, dạt dào tình thương. Như một cuộc chơi đầy ngẫu hứng, những bài thơ mới lại tiếp tục ra đời với một năng lực viết mạnh mẽ, một số vốn tích luỹ khá lớn so với lứa tuổi, so với màu xanh hãy còn đậm đà trên mái tóc. Không tiếng vang, không ồn ào sôi động, như một nốt LA trầm mặc mà thanh thoát, lúc nào cũng như tự thì thầm với chính mình…

Khởi đầu với một nỗi đau lớn lao, từ một cú va chạm không mong muốn:

“Đàn ông nông nổi giếng khơi
Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”
Em cũng thế, cơi đựng trầu thấp bé,
Nông nổi như anh, vùi nó xuống đáy cùng.


Có thể nói gì thêm nỗi đau này? Có những điều trong thơ là tưởng tượng, nhưng ở đây ắt hẳn là không. Chỉ có bản thân trải qua rồi mới có thể viết như vậy. Chỉ có bị “vùi” mới thấy mình “thấp bé”, mới thấy được “đáy cùng”. Lời trách móc nhẹ nhàng như một lời hờn mát, lại mang sự chịu đựng nặng nề mà vẫn lặng im chấp nhận như không cần phản kháng. Có chăng một chút kiêu hãnh về mình? Bởi vì sau một cú ngã đau mà vẫn đứng dậy, “bình yên”, “day dứt” trong lòng mà vẫn “đứng như chưa từng vấp”, vẫn có thể “nhắc đến anh em khẽ cười rất nhẹ”, để mặc dù:

Đau trong tim, nhưng cũng rất bình yên
Kỷ niệm như vết thương, cứ chợt đau, chợt hết.


Và dĩ nhiên, nỗi đau đè nén đó cũng ảnh hưởng tới tâm lý, tới suy nghĩ cá nhân. Tại sao mình phải chịu đựng điều đó? Tại sao là mình mà không phải là người khác? Tại sao người ta lại gây nên cơ sự? Tại sao những điều mình mong muốn đều không thể đạt tới?... Vân vân và vân vân. Với hàng loạt những “thắc mắc không biết hỏi ai” đó, con người ta trở nên trầm tư hơn, đôi chút tự ti, nhút nhát hơn vì sợ một lần vấp ngã tương tự. Cánh chim nhỏ gầy guộc mong manh lại chơi vơi giữa đất trời cô độc…

- Tôi lặng im trong nỗi kiếm tìm
Một con tàu? Một ước mơ? Ảo vọng?
Tôi thấy mình cô độc
Mãi ngàn năm còn ngơ ngẩn dưới chân trời.


- Tôi như người bất lực ngàn năm
Giờ vẫn thế, và sau vẫn thế
Đứng bao lâu? Tôi không thể hiểu mình
Đất thành phố vẫy gọi lung linh
Tôi sợ chết trong lòng thành phố rỗng.


Hoài nghi? Lo sợ? Và càng tự cô lập mình trong chiếc vỏ ốc, trong những đớn đau trăn trở của bản thân.

Mãi dò dẫm để tìm được lối đi, chừng như nỗi đau của mình là tất cả, thì một hôm:

Nhận được thư mẹ chiều nay
Khuấy động lòng con chiều hạ
Khói bếp ấm mùi rơm rạ
Quẩn quanh bên lối con về


Có ngọn khói nào làm cay mắt trong? – Cho giọt nước mắt rơi xuống làm mềm đi những vết thương tưởng như đã làm chai sạn tâm hồn. Cuộc sống còn nhiều điều để lo toan, để suy nghĩ và bận tâm, vậy mà mình đã quên đi điều thiêng liêng nhất.

Điều thiêng liêng ấy được hoá thân trong tâm trạng của một người em viết thư cho “anh Cả”:

Nhận thư anh tay mẹ run run
Từng câu chữ đánh vần nghiêng ngả
Trên vầng trán những nếp nhăn rơi cả
Mẹ mỉm cười, sao nước mắt hoen mi.
Anh Cả ơi hãy mau về đi
Mẹ mong anh tháng ngày mòn mỏi
Những trang thư đẫm đầy câu thăm hỏi
Có làm mẹ vui đâu khi không thấy anh về.


Hoá thân vào một nhân vật khác mà cảm xúc còn tràn trề, ngập đầy câu chữ, thì khi nhân vật chính là mình, sẽ còn dạt dào đến đâu nữa…

Tình thương dành cho người cha còn lớn hơn, mạnh mẽ hơn thế:

Chiến tranh đi qua, con chẳng biết rành
Dù hậu quả ngày qua ngày không hết
Con mãi nhìn và trở nên quen mắt
Nỗi đau của ba, day dứt, thấm lòng


Day dứt thật sự. Day dứt trước một thực tế đau lòng. Muốn khóc lên. Muốn nức nở. Muốn gào thét lên và muốn cho nước mắt tuôn trào, cho trôi hết những nghẹn ngào, uất ức, cho vơi đi những buồn đau, thiệt thòi. Bắt đền ai bây giờ? Những người lính Trường Sơn năm xưa đâu đòi hỏi gì lớn lao, chỉ mong đất nước thanh bình và con cái yên vui đến trường, gia đình êm ấm. “Bắt đền” chính là làm giảm đi cái chính nghĩa, cái nhuệ khí và lý tưởng to lớn của họ năm xưa, những năm oai hùng hiển hách… Hiểu ra điều đó, để không kêu than, để dặn lòng ra đi, còn vương vất trong đáy mắt long lanh dáng ba ngồi lặng lẽ, trầm tư bên ly rượu vơi đầy trong màn khói thuốc mỏng bay như sương lam giăng trắng, và để cố nở một nụ cười hài lòng, tự hào về một người cha “thần tượng”, thần tượng một cách dung dị, đời thường…

Cũng có đôi lúc cảm thấy mình có lỗi với ba:

Dạ thưa ba! Con biết mình có lỗi
Khi quê hương con chỉ biết, trên từ
Và ngôn ngữ, đường quê cha đất tổ
Con chỉ mơ màng trong giấc ngủ chiêm bao
Ba đừng trách chi, con vốn ồn ào
Khi bàn cãi ngôn từ Đất-Nước
Lý thuyết con rành từng ly từng bước
Nhưng thưa ba
Máu-thịt-con-đã-chảy-ở-đất-người…


Băn khoăn và dằn vặt khi đã lớn dần theo tháng năm mà vẫn chưa từng đặt chân về quê nội. Nỗi lo lắng rất đời thực, rất “con”…

Rồi lại là tình thương của chị Cả dành cho em út:

- Em chỉ là một bông mai trắng
Chưa nhuốm màu nhuốm bụi gì đâu
Lúc líu lo, lúc lại âu sầu
Chỉ vì em hơn-mười-ba-nhưng-chưa-là-mười-bốn.


- Cuộc sống nên thơ tâm hồn em trong trẻo
Than trách chi hỡi cô bé dại khờ
Tuổi ngây thơ, Hai mong muốn ước mơ
Nhưng xa rồi, hỡi cô em đáy giếng.


Lời trách yêu nhẹ nhàng, âu yếm, như khuyên lơn, răn bảo, tránh cho em đi theo vết xe đổ của mình. Và có cả những kì vọng đặt lên đôi vai bé nhỏ ấy. Và tình thương. Và hy sinh…

Để rồi đến một ngày…

Tôi trốn xa thành phố về rừng
Rừng lạnh vắng nhưng yêu thương lắm


Về với rừng, với đồi núi, với quê hương, để mà:

Em đứng lặng trên đồi lộng gió
Dưới chân son lau lách đi rồi
Có còn chăng kỉ niệm một thời
Như cát bụi rơi vào lòng se thắt.


Và để thanh thản tâm hồn, rũ sạch bụi phố Sài Gòn, hít thở không khí trong lành mát mẻ của cao nguyên. Về với quê hương cũng là về với kỉ niệm, với chuyến phiêu lưu vào “khung trời thần thoại” dát “ánh trăng vàng mê ly”, với:

Chiếc nhẫn bạc, thiên thần bé nhỏ…
Lời ước ngày nào chưa kịp lên ngôi


với khúc ca con dế mồ côi góc nhà, với ánh nến hồng leo lét bên song khóc cho ai mỗi tối, với tiếng chuông vang và bài thánh ca buồn tấu lên khúc bi ai, cho lòng người ngoại đạo vốn không chúa cũng chùng lại chơi vơi, cúi đầu trong dấu thánh.

Về để khi đi lại chợt vỡ oà tiếng lòng thổn thức:

Con đong đầy hơi thở của cha
Sáng ra
Con gói trọn tiếng gà vừa gáy
Mắt em đen lay láy
Tiễn con đi khuất nẻo đường trường
Nhìn trong gió sợi tóc bạc còn vương
Con mới nhớ
Còn dáng mẹ
cuối đường
nghiêng ngả

Thảng thốt quay đầu lại
Bóng mẹ mờ

trong nước mắt rưng rưng


Có thể viết gì, nói gì, làm gì, hay hơn là ngồi yên lặng, để thấm từng câu, từng lời, từng tiếng nấc được nén lại thành lời tự sự chân tình đẫm đầy nước mắt? Lặng im để nghe chính tiếng lòng mình nói…

Vòng đời vẫn tiếp tục quay, dòng thời gian vẫn tiếp tục tuôn chảy. Vượt qua được nỗi đau ngày trước để rồi lại tự đặt mình bên lề:

Ừ! vẫn biết tôi là như thế
Bên song thưa ngắm bóng mặt trời
Bóng nắng dài đổ xuống chơi vơi
Lặng lẽ nhìn như người ngoại cuộc
(…)

Và:

Quen nhìn người bằng lăng kính rối
Thế giới khép trong lòng đảo nổi
(…)

Và:

Con đường dài chỉ đi từng chặng
Chỉ mong sao thêm những người bạn
Góp niềm vui quên đoạn đường dài.


Khoá trái tim mình lại và mở tấm lòng ra với mọi người. Chấp nhận đi bên lề và tiếp sức cho những “vận động viên trên đường chạy” mà không chính mình tham gia vào cuộc đua đó. Sự hy sinh đó, có thể xem là như vậy, là vì ai? Vì lý do gì? Có thể là vì:

Nhưng bóng anh là giọt mưa se sẽ
Thành giọt buồn, đầy trong âm thầm


Hay là vì:

Anh đi mãi nhưng ngàn năm da diết
Giữ riêng mình một trái tim chung


Đây là một vấn đề khó giải thích. Càng khó hơn khi những tình cảm ấy chực bộc phát thì bị kiềm giữ lại:

Em khóc cho em mong manh
Em sợ cuộc đời trăn trở
Em như là người mang nợ
Trả bao lâu cho hết cuộc tình?


Dường như những lúc trăn trở như thế này rất ít, và bị lấn át bởi một tình cảm lớn hơn, cao cả hơn, tình cảm gia đình, tình yêu dành cho cha mẹ và các em, sự cảm thông và chia sẻ với bạn bè. Nếu thật sự như thế, luôn luôn như thế, thì đây là một nốt nhạc trầm, một dấu lặng vô cùng cần thiết cho cả một bản hoà ca sôi nổi, rộn ràng giai điệu của cuộc sống. Và sẽ cần phải rất tinh tế, rất kĩ lưỡng mới có thể phát hiện ra được điều đó. Dù sao, thời gian cũng sẽ trả lời, cái gì khắc sâu sẽ còn mãi…

Đọc lại những vần thơ dang dở
Chợt yêu hơn những phút giây dại khờ
Thuở hai mươi ngại ngừng, yếu đuối
Giấu trong thơ những nét âu lo
Rồi băn khoăn trở mình thao thức
Sợ một ai đọc - hiểu lòng buồn
Trong trăn trở vần thơ tiềm thức
Cứ nhẹ nhàng thoát giấc mơ tuôn


Cuộc chơi không dừng ở đây. Con đường không ngưng ở đây. Nó còn đi mãi và đi mãi, không điểm dừng. Ngẫu hứng lại tiếp tục. Suy tư, trăn trở thì vẫn còn và sẽ còn chất đầy lên theo năm tháng. Và sẽ còn những bài thơ mới ra đời, vẫn không đề. Bởi vì, không có một đề riêng nào cho một bài thơ nào là phù hợp. Cuộc đời chính là bài thơ. Bài thơ cuộc đời là bài thơ có vô số đoạn thơ, mỗi đoạn thơ lại như là một câu chuyện, là một cảm xúc nào đó chợt đến và tuôn ra trên đầu ngọn bút. Thơ – để đi khám phá những gì còn ẩn trong tiềm thức. Thơ – để tự khám phá tình cảm, tình yêu của chính mình. Thơ – để bầu bạn, để tâm sự, để nói ra những điều khó nói, để vui, để buồn, để nhớ, để quên, để… tất cả. Để rồi một hôm trong cuộc sống chật vật trăm chiều, ta chợt cuống quít tìm về một thời xa vắng, một thời gió và nắng rủ hồn ta lang thang phiêu bạt khắp bốn phương trời…

Trong đêm vắng tìm vần thơ bầu bạn, mà bất lực bởi mình quá nhỏ nhoi, tôi gieo vần nghe như tiếng mưa rơi, như tiếng chẫu chàng bên con mương nước chảy. Thơ người nhẹ nhàng như suối rừng len lỏi, thấm ngọt lòng những ngọn nguồn yêu thương, để trong lòng không tránh khỏi tơ vương, và trăn trở cho thằng-tôi-ngày-trước. Tôi hay vội vã để rồi mình lạc bước, nhập nhằng tơ nhện sai-đúng-nên-không, để giờ đây tự hổ thẹn trong lòng, cái thằng tôi chưa làm nên gì cả.

Khuya 12-13/9/97


Bài viết thời tuổi trẻ, trong một đêm khuya Sài Gòn, kí túc xá Đại học Sư phạm. Người “bạn thơ” ấy, năm năm sau đó, đã trở thành “bạn đời”, cho tới nay...

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)