Trang chủ > Ngôn luận và văn chương > Đọc và nghĩ > “Hoàng Hạc lâu” và chuyện tôi học văn
“Hoàng Hạc lâu” và chuyện tôi học văn
Thứ năm 08/06/2017, của
Thời đi học, có một giáo viên dạy Văn tôi rất thích là cô Tôn Nữ Phương Quỳnh. Cô thuộc gia đình dòng dõi hoàng tộc, sống khép kín so với thế giới xung quanh. Không rõ có phải do những biến động thời cuộc hay do những biến cố hệ trọng nào đã xảy ra khi còn trẻ mà Cô rất kín tiếng. Cách ứng xử dạy học của Cô khác hẳn các thầy cô khác trong trường, với một niềm đam mê dường như Cô đã dành trọn cho văn chương.
Bản thân tôi không phải là giỏi Văn, mà chỉ thích đọc văn chương, thi phú, với một lối tư duy chặt chẽ khoa học hơn là một tâm hồn cảm nhận tinh tế, bay bướm. Những năm cấp II tôi đã nổi tiếng trong trường là một lớp trưởng “kỉ luật thép”, một liên đội trưởng năng nổ phấn đấu theo “lí tưởng xã hội chủ nghĩa”, nhưng cũng không ngừng tìm cách đa dạng hoá, “khác biệt hoá” khi những hình mẫu khuôn phép cũ kĩ mất tác dụng hay không còn hợp thời ở gian đoạn mới mở cửa. Vì vậy, giọng điệu văn chương thường bị lai tạp giữa những sáo ngữ thường gặp, nào là học hành chăm ngoan dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, phấn đấu rèn luyện để trở thành những con người vừa hồng vừa chuyên, rồi là xây dựng đất nước giàu đẹp sánh vai cùng các cường quốc năm châu,... với những tìm tòi, phá cách, đào sâu của riêng mình.
Do đó, khi được học Văn với cô Quỳnh năm lớp 9, tôi cảm thấy rất hứng thú, hơn nhiều so với các thầy cô khác mà tôi đã từng học qua trước đó. Có khi cũng là vì có sự trùng hợp trong tính cách. Cô dạy Văn, nhưng chấm bài hết sức tỉ mỉ và chính xác. Từng dấu câu, từng lỗi chính tả, từng lỗi ngữ pháp hay diễn đạt,... đều được Cô sửa cẩn thận. Tôi may mắn không thuộc diện bị sửa lỗi đến đỏ quạch cả trang giấy, nhưng thích học Cô trên hết vì sự chăm chút cho từng bài giảng của Cô, và vì với Cô tôi mới thấy mình học Văn thực sự vì Văn, chứ không vì một mục đích tuyên truyền nào khác. Cô thường sưu tập những bài thơ hay mà Cô đọc được trên báo, chép tay cẩn thận, rồi lên lớp đọc cho chúng tôi chép lại. Cô hay cho chúng tôi làm bài phân tích, bình luận thơ văn ở nhà, tự do lựa chọn các tác phẩm mình thích, bất kể là bài học chính khoá hay bài đọc thêm... rồi chấm điểm, nhận xét, sửa lỗi rất kĩ lưỡng. Thời ấy, chẳng mấy khi mà điểm Văn được 10 tá lả như bây giờ, được điểm 8 của Cô là đã giỏi lắm rồi; chả trách khối bạn trẻ bây giờ bị ảo tưởng về điểm số trong trường học, viết lách chẳng đâu vào đâu mà toàn được điểm 9-10 lại cứ tưởng mình là ngôi sao văn chương.
Và trong một lần làm bài ở nhà như vậy, tôi đã chọn “Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu, một bài đọc thêm trong chương trình lớp 9. Đã vậy, không bình bản dịch của Tản Đà đã kèm theo đó, mà lại bình chính bản diễn âm Hán-Việt (khi ấy tôi mới 14 tuổi). Thời gian phôi pha, tôi không còn nhớ mình đã bình bài thơ này như thế nào, nhưng Cô có vẻ thích lắm. Trả bài trên lớp, Cô hỏi tôi tại sao chọn bài này. Tôi trả lời rằng mình ấn tượng bài này nhờ hai câu kết, vì nó mang một hình ảnh mà tôi yêu thích qua một bài thơ khác:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Lòng quê dờn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
(“Tràng giang” – Huy Cận)
Cũng cần nói thêm rằng, năm tôi học lớp 8, các tác giả Thơ mới chỉ vừa được bổ sung vào chương trình giảng dạy văn học lớp 12 mà chị tôi đang học. Ở nhà chị cầm sách ê a học thuộc lòng các bài thơ, nhưng cuối cùng người thuộc thơ lại là cậu em nghe lóm. Trong các bài thơ nghe lóm đó, đoạn thơ kết bài “Tràng giang” cứ gieo vào trong tôi một cái gì đó buồn buồn, khắc khoải. Giữa trời nước mênh mông, con người quả là nhỏ bé; nhưng tại sao lại “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”? Đã ai đó nhớ nhà vì có khói hoàng hôn sao? Không được nghe giảng về bài thơ này, thời ấy đâu đã có máy tính, Internet và sách báo đầy rẫy ra như bây giờ để mà tìm hiểu đâu, nên chỉ có tự bằng lòng rằng thích vì thích.
Và khi đọc được bài “Hoàng Hạc lâu”, một lần nữa tôi lại thích bài thơ này chỉ vì... thích bài thơ kia. Hồi ấy, anh trai đầu của tôi ở căn nhà riêng trong cùng xóm. Anh vốn là thế hệ được đào tạo bài bản trước 1975, một thời gian được mời dạy học ở trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, sau đó vì nghề giáo quá khó khăn mà phải nghỉ để ra ngoài làm ăn. Nhà anh có rất nhiều sách, để đầy kệ khắp các bức vách. Nhưng lúc đó tôi thấy không ai đọc kho sách của anh cả. Một mình tôi hay rón rén vào nhà anh, âm thầm ngồi khám phá từng quyển sách xưa cũ. Trên các kệ sách ấy, có một quyển “Hán-Việt Tự Điển” của Thiều Chửu, và rồi một thằng bé mới hơn chục tuổi đầu cắm cúi say sưa dò đọc từng chữ trong đó (dĩ nhiên chỉ những chữ đơn giản, ít nét). Nhờ bản dịch của cụ Tản Đà để nhanh chóng hiểu được mối liên hệ giữa hai câu kết của hai bài thơ yêu thích, nên dù chỉ mới võ vẽ vài chữ nhưng cái thằng tôi ưa khám phá lại quyết định liều lĩnh bình luôn bản diễn âm Hán-Việt.
Nay thì phương tiện đã có đầy, việc tra cứu không còn khó khăn như xưa nữa. Thậm chí là một cái khó ngược lại: không thiếu thông tin, mà là quá thừa thông tin nhiễu loạn, đến nỗi không phải ai cũng biết cách tìm và nhanh chóng tìm được thông tin đáng tin cậy! Vốn liếng tiếng Hán-Việt của tôi cũng không khá hơn xưa là bao. Văn chương cũng chỉ là một cuộc chơi tuỳ ngẫu hứng. Bài thơ này thì đã có quá nhiều người bình, quá nhiều người dịch, tôi cũng không mong ghi tên mình vào danh sách đó. Nhưng bất chợt đọc blog của một cô giáo quen, cảm xúc xưa lại tràn về...
Trước tiên, nói về bài thơ, ba bản nguyên văn chữ Hán, diễn âm Hán-Việt và dịch nghĩa cùng với hàng mấy chục bản dịch khác nhau của nhiều tác giả đã được đăng trên diễn đàn Thi Viện, dẫn nguồn từ tạp chí Ngày nay năm 1937.
黃鶴樓
昔人已乘黃鶴去,
此地空餘黃鶴樓。
黃鶴一去不復返,
白雲千載空悠悠。
晴川歷歷漢陽樹,
芳草萋萋鸚鵡洲。
日暮鄉關何處是,
煙波江上使人愁。Hoàng Hạc lâu
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.Dịch nghĩa:
Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi,
Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc
Hạc vàng một khi bay đi đã không trở lại
Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không
Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương rõ mồn một
Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi
Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu ?
Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến người sinh buồn!
Nguồn: tạp chí Ngày nay, số 80, 10-10-1937Theo: Thi Viện. Hoàng Hạc lâu - 黃鶴樓 [ngày tham khảo: 08/06/2017].
Vốn liếng tiếng Hán-Việt của tôi không đủ để bình luận về phần dịch nghĩa nói trên, nhưng tôi vẫn cảm thấy dường như nó chưa thực sự đúng với nguyên bản. Và có lẽ vì vậy mà ngoại trừ bản dịch của Tản Đà, hầu hết các bản dịch khác đều không lột tả hết thần thái của bài thơ. Đã gọi là dịch nghĩa, thì trước tiên phải sát nghĩa với nguyên bản đã. Tra cứu hai bộ từ điển Hán-Việt điện tử phổ biến hiện nay là “Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn” và “Hán-Việt Tự Điển Thiều Chửu”, tôi mạn phép viết lại bản dịch nghĩa như sau:
Người xưa đã cưỡi hạc vàng đi mất,
Để trời đất chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc.
Hạc vàng một khi đã đi không còn quay trở lại,
Mây trắng ngàn năm vẫn dằng dặc trên trời.
Dòng sông tạnh soi rõ bóng cây bên bờ Hán Dương,
Cỏ thơm mọc um tùm trên bãi Anh Vũ.
Mặt trời xế bóng chẳng biết quê nhà ở đâu,
Khói sóng trên sông làm lòng người sầu muộn.
Nói về dịch thuật, người ta hay nói đến bộ ba tiêu chí “Tín – Đạt – Nhã” và rơi vào những cuộc tranh luận bất tận. Ở đây tôi không bàn nhiều về việc dịch như thế nào, nhưng chủ yếu là nói về cảm nhận của mình đối với bài thơ này, có lẽ đã khác nhiều và kém bay bổng hơn nhiều so với hơn hai mươi năm trước. Bắt đầu từ bản dịch của Tản Đà:
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Có thể nói đây là một bản dịch thần sầu! Đó là vì ở chỗ ông không chỉ lột tả được mọi chi tiết đắt giá từ bài thơ nguyên bản, theo đúng trật tự các câu thơ gốc, mà còn chuyển đổi một cách hoàn hảo từ thể loại thơ thất ngôn bát cú Đường luật cực kì nghiêm ngặt, vốn được xem là đỉnh cao của thơ ca Trung Quốc, sang thể loại thơ lục bát nhẹ nhàng thanh thoát, thuần chất Việt Nam. Tin rằng một người Trung Quốc với vốn liếng văn hoá Hán của mình khi đọc nguyên bản thất ngôn bát cú tiếng Hán của Thôi Hiệu có thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp của bài thơ giống như là một người Việt Nam với vốn liếng văn hoá Việt đọc bản dịch lục bát tiếng Việt của Tản Đà.
Không chuyên văn chương nên tôi cũng không dám lạm bàn về niêm luật nghiêm ngặt của thơ Đường. Biết và cảm tới đâu thì sẽ nói tới đó, có gì sơ sót mong được chỉ giáo thêm.
Ở hai câu đầu, chuyển tiếp từ một tích cũ – rằng có một vị tiên nhân đã từng cưỡi hạc vàng ghé qua đây, để dẫn về một thực tế trước mắt – chiếc lầu mang tên hạc vàng đứng trơ một mình giữa trời đất, đó đã là một thách thức lớn đối vối bất cứ ai muốn dịch bài thơ ra tiếng Việt. Giữa một “hoàng hạc” là con hạc vàng với “Hoàng Hạc lâu” là “lầu Hạc Vàng” hay “lầu Hoàng Hạc” có sự khác biệt lớn trong ngôn ngữ thường ngày và ngôn ngữ thơ tiếng Việt. Không chỉ có vậy, những cặp hình ảnh “người xưa” và “hạc” với “đất trời” và “lầu” tạo ra nhiều trạng thái đối lập, giữa hữu sinh và vô sinh, giữa động và tĩnh, giữa xưa và nay... mà không phải bản dịch nào cũng giữ được trọn vẹn. Đừng nói đến dịch, ngay cả Thi Tiên Lý Bạch tương truyền đã phải quẳng bút trước bài thơ này của Thôi Hiệu.
Tương tự, trong hai câu kế tiếp cũng có nhiều cặp hình ảnh đối lập như “hoàng hạc” và “bạch vân”, “nhất” và “thiên”, “phục phản” và “du du”... Đặc biệt là từ “du du”, trong tiếng Hán có thể hiểu là “thung dung tự tại”, là “nhàn hạ” (Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn), nhưng cũng có thể hiểu là “dằng dặc” (Hán-Việt Tự Điển Thiều Chửu). Tôi thích nghĩa sau hơn, vì bao trùm toàn bộ bài thơ là một khung cảnh man mác buồn, ưu tư, cái sự vẩn vơ nhàn hạ của nghĩa đầu xem chừng ra không hợp. Từ dấu tích xưa quay về hiện thực, từ hiện thực thoáng một chút hoài cảm trong lòng, trước khi mở rộng tầm mắt ra xa hơn xung quanh...
Ở đó, lại một cặp hình ảnh đối lập khác hiện ra, nhưng trong một không gian trải dài và rộng hơn: một dòng sông trong vắt sau cơn mưa tạnh, bên kia bờ Hán Dương bóng cây nghiêng soi bóng nước, bên này bãi Anh Vũ cỏ dại um tùm thơm ngát, tất cả kéo một đường cong về phía chân trời. Một bức tranh đầy gam màu lạnh và buồn. Dòng nước tĩnh lặng như mặt gương soi thấu, hấp thụ mọi hình ảnh vào trong, “lịch lịch”; bãi cỏ thì lại cứ mọc um tùm vun đầy lên toả ngát hương ra, “thê thê”. Nỗi ưu sầu của lòng người trước thiên nhiên hoang tạnh cũng theo đó mà lan khắp...
Và mỗi khi buồn, nơi chốn để người ta nghĩ về đầu tiên thường là quê hương. Một chiếc cổng làng trong kí ức bỗng như hiện ra đâu đó rồi nhạt nhoà trong bóng chiều tà (“Nhật mộ hương quan hà xứ thị”). Chút ánh nắng chiều sót lại hắt lên những làn khói mỏng trên con sóng lăn tăn lấp loáng lại càng đậm thêm nỗi sầu muộn trong lòng người xa xứ (“Yên ba giang thượng sử nhân sầu”). Một bài thơ đẹp như một bức tranh, thi trung hữu hoạ.
Và cuối cùng, những cảm xúc với bài thơ đó đã cho phép tôi đưa thêm một bản dịch thơ của mình vào danh sách dài những bản dịch đã có:
Hạc vàng người xưa cưỡi khuất bay,
Hoàng Hạc vẫn nguyên chốn lầu này.
Một đi hạc vàng thôi về lại,
Ngàn năm trắng trời dằng dặc mây.
Hán Dương sông tạnh cây soi bóng,
Anh Vũ bãi xanh cỏ ngát um.
Chiều hôm bóng làng quê xa ngái,
Sông dài khói sóng muộn lòng ai.
(Sài Gòn, 2013-2017)