Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Ngôn luận và văn chương > Đọc và nghĩ > Mảnh vá trên vai, vết bỏng trong lòng

Mảnh vá trên vai, vết bỏng trong lòng

Thứ tư 02/01/2013, của Nguyễn Tấn Đại

Thuở xưa, giờ học văn của chúng tôi rất hào hứng. Nơi dãy sau sân trường Bồ Đề, mảnh sân đất, ba cây phượng chạc xoè ngang phủ khắp sân và một cây bạch đàn cao vút. Cô giáo nhiệt tình với từng bài giảng, từng đoạn thơ, từng áng văn. Cô tỉ mẩn sửa bài viết của học trò, Cô sửa đến từng cái dấu chấm dấu phẩy, từng lỗi chính tả... Đôi khi bài làm của bọn tôi trông như “con tắc kè màu xanh màu đỏ” vì bài Cô sửa đỏ quạch cả trang giấy.

Cô hay cho chúng tôi những bài thơ nằm ngoài cả sách giáo khoa, những bài thơ đăng đây đó trên báo chí mà tìm được sự đồng cảm từ nơi miền cao nguyên xa hút... Bài “Mảnh vá trên vai” của Tô Đông Hải đã được cô cẩn thận chép tay rồi đọc cho cả lớp nghe, trong một lần như thế.

Bài thơ mở đầu bằng:

Tôi không nhận ra mảnh vá ấy đâu

Nếu em đừng trẻ trung đến thế

Một sự phát hiện bất ngờ trên phố? Mảnh vá nào đã làm cho chàng trai thốt lên một câu đầy xót xa đến vậy?

Em hồn nhiên qua đường qua phố

Trên vai gầy kín đáo đường kim

Một cô gái “trẻ trung”, “hồn nhiên qua đường qua phố” với một mảnh vá kín đáo trên vai. Chuyện ấy âu cũng thường tình, nhất là vào cái thời cuộc sống còn đầy rẫy những khó khăn... Nhưng một cô gái mang mảnh vá trên vai áo mà vẫn trẻ trung, hồn nhiên, yêu đời, thì quả là không dễ. Cô không u sầu vì cái nghèo của bản thân, của xung quanh, bởi có ưu tư sầu não thì cũng có được gì? “Trẻ trung”, “hồn nhiên” chính là cách để tạo ra sự lạc quan, niềm tin để hướng về một tương lai tươi sáng hơn. Và ắt là cô gái phải có một mối quan hệ thân quen nhất định, nên chàng trai mới thấy bất ngờ, mới thấy xót xa khi chợt phát hiện ra mảnh vá ấy, nên mới kể ra liền một mạch trong đoạn hai:

Tuổi hai mươi đang độ làm duyên

Nhà đông em nên quen quần áo vá

Cân gạo mớ rau mỗi ngày một giá

Lương lĩnh về giật gấu vá vai

Có lẽ thường ngày gặp nhau, tiếp xúc nhau trong công việc, sự trẻ trung của cô đã che khuất đi mảnh vá kín đáo trên vai, làm không ai nhìn thấy được. Và khi chợt thấy rồi, thì mới giật mình cám cảnh nỗi nghèo khó chung trong mọi gia đình: đông con, lương thấp, giá cả đắt đỏ,...

Đi qua bao niềm vui trên đời

Gặp mảnh vá vai em

Thì nghèo. Nhưng mỗi người vẫn có những niềm vui riêng. Mà cũng có những người kha khá hơn, vui thú nhiều hơn. Để một ngày chợt gặp. Thì sao? Thì chợt thấy:

Sao ngỡ chạm đầu kim nhói buốt

Đôi vai ấy dáng gầy thân thuộc

Mảnh vá đè nặng nỗi lo toan

Cái “dáng gầy thân thuộc” vẫn thấy hàng ngày đấy thôi! Vậy mà sao nỡ hững hờ? Gặp nhau. Làm việc. Nói. Cười. Mà sao vẫn như “Có khi nào trên đường đời tấp nập / Ta vô tình đi lướt qua nhau” (Có khi nào - Bùi Minh Quốc). Và chính cái mảnh vá kín đáo trên vai, khi tình cờ được trông thấy, đã như mũi kim chích vào trái tim bấy lâu chai sạn, hững hờ. Bao nhiêu ân tình tưởng đã cằn khô giờ đây vỡ oà, để rồi:

Em đến ngả ba em rẽ sang đường

Tôi bước vội như người có lỗi

Nhưng mảnh vá theo tôi trên mọi lối

Giữa lòng mình ngõ phố cứ mông lung

Một nỗi ám ảnh vì sự vô tình trong đời sống. Một nỗi suy tư về nhân tình thế thái. Sống cạnh nhau mà vô tình, hờ hững. Tưởng thân quen mà hoá ra xa lạ. Nó phải chăng là do sự nghèo? Không! Nó là do sự ích kỷ của lòng mình. Là do cuộc sống bó hẹp trong những thú vui riêng, tiện nghi riêng, lợi ích riêng mà không cởi mở tấm lòng, chia sẻ với xung quanh. Cuộc sống ngày nay cũng thế mà thôi! Rất nhiều người chỉ sống cạnh nhau, mà đâu có sống cùng nhau, sống với nhau!

Giá em đừng trẻ trung

Tôi đâu phải băn khoăn nhiều đến thế

Tâm hồn sống dậy. Lương tâm cắn rứt. Hiểu. Chia sẻ. Cảm thông. Nhưng có thể làm gì được bây giờ?

Mảnh vá đã một đời đeo lưng mẹ

Sao bây giờ còn nỡ vịn vai em

Cái khó nghèo đâu phải chỉ trong hiện tại. Trên mảnh đất “chẳng phút bình yên” này, ngàn đời nay vẫn “tảo tần”, “lam lũ” sau “luỹ tre làng” hay nơi “bãi dâu, bến nước”. Nhưng xót xa, băn khoăn bởi cái tình cảm “thương trọn tình đời muối mặn gừng cay” (Đất nước - Phạm Minh Tuấn, ý thơ Tạ Hữu Yên) đã nhạt nhoà cùng năm tháng.

Tôi mặc áo lành đi giữa phố đông chen

Mảnh vá ấy đốt lòng như vết bỏng

Tin rằng “vết bỏng” ấy chỉ làm đau một lần. Bởi trong đời sống vẫn còn có những tấm lòng, dù đôi khi đã nguội lạnh nhưng vẫn có thể được hâm nóng trở lại. Dù tấm áo lành chưa đủ để san sẻ cho mảnh vá trên vai kia, thì chỉ cần một tấm lòng “để gió cuốn đi” (Trịnh Công Sơn) thôi cũng đã đủ để tiếp tục truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt nghĩa tình.

Cô giáo đã gieo vào lòng chúng tôi những mối ân tình như thế. Và Cô trở thành Người Lái Đò thầm lặng đưa khách sang sông. Khách sang sông mải bị cuốn theo “đường đời tấp nập”, để khi quay về, Người Lái Đò đã buông chèo gác mái, thì chợt thấy nhói lòng, như có một “vết bỏng”, dù không chợt phát hiện “mảnh vá trên vai” nào... Một mũi kim khác, một vết bỏng khác đau rát mà chưa hẳn dễ dàng nguôi ngoai!

Sài Gòn, 11/05/2006

Lời bình trên diễn đàn

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)