Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Đơn Dương > Đơn Dương trong tôi (2)

Đơn Dương trong tôi (2)

Thứ sáu 10/05/2013, của Nguyễn Tấn Đại

(Tiếp theo phần 1)

***

Thời gian nối tiếp thời gian. Những kì thi nối tiếp kì thi... Cậu đứng vào hàng ngũ Đoàn. Cậu lên cấp III…

***

Đối nghịch với sự vận động của xã hội ngày càng năng động hơn, sinh hoạt Đoàn – Đội ngày càng ít thu hút, nhàm chán và… vắng vẻ. Dù sự nhiệt tình của thầy Phan Hồng Nghi – Bí thư Đoàn trường – là thấy rõ, nhưng suốt bốn năm năm trời không hề có một kì cắm trại. Đề nghị cắm trại toàn trường không được duyệt, thầy trò trong Ban chấp hành Đoàn trường quyết định đi cắm trại riêng. Dịp 26/3, thầy Nghi cùng các cán bộ Đoàn ở các lớp, kéo nhau được chừng mười mấy người, khiêng cây, khiêng bạt, khiêng xoong nồi, xô chậu,… kéo nhau vào Châu Sơn. Mới năm nào còn tưng bừng hội trại, còn cả cái gốc "cây thông cụt một thước" mà năm nào cô Yên Thao chưa kịp thổi dứt thông điệp Morse thì anh Vũ Thao đã nhảy vào giành được kho báu trước sự ngẩn ngơ tiếc nuối của bao nhiêu "chiên da Morse" như Đăng Khoa, Quốc Trí, Thanh Hiệp, Vỹ Hằng,… Giờ đây nơi này sao vắng vẻ lạ, với mấy thầy trò, dù cũng là một thế hệ kế tục không kém tài năng, với những Diệu Hiền, Hải Lynh, Vy Đan, Mỹ Hạnh, Thuý Ái,… Mười mấy thầy trò một căn lều, hiu quạnh và… buồn!!! Loay hoay dựng lều, làm bếp; lẻ tẻ vài ba trò chơi;… Rồi chiều trời đổ mưa, mấy thầy trò kéo nhau vào xin tá túc tại Nhà Dòng, vừa chia nhau mấy căn phòng trống, vừa thủ sẵn cây để… diệt sâu róm. Hai ngày một đêm cho một đợt cắm trại hết sức lạ kì cũng qua đi, mười mấy thầy trò như đoàn quân thất trận, thất thểu lội bộ trở về. Vui thì vẫn vui, nhưng lại man mác một nỗi buồn khó tả…

***

Sân banh Lạc Nghiệp lưu dấu giải đấu cuối cùng bằng trận chung kết giải trường giữa hai đội 10A và 10B. Đội 10A bị dẫn trước 1-0. Một quả bóng bổng câu lên, một cú đệm bóng sống tâng qua đầu hậu vệ cuối cùng của 10B, một bước xoay mình vượt lên, quả bóng chưa kịp chạm đất đã được bồi một phát thật căng xoay tròn tung lưới thủ môn Út La ngày nào vẫn chung đội bóng nhựa xóm Hai Bà Trưng. Bàn thắng gỡ hoà đẹp như mơ. Bàn thắng chính thức cuối cùng trên sân Lạc Nghiệp. Tiếp sau đó cho đến hết trận, thủ môn Đức (con bác Minh Chủ tịch) đầu gối quấn băng trắng gan lì bay lộn che chắn khung thành trước sức tấn công dữ dội của lớp 10B. Nhưng rồi bàn thắng ấy vẫn không đem được chức vô địch về cho lớp 10A, bởi chính "người hùng" ghi bàn thắng đẹp như mơ cũng là người đá hỏng quả luân lưu đầu tiên…

Những trận bóng sau đó đã được dời đến những địa chỉ mới: chân đập Đa Nhim, vừa đá vừa… né sỏi; đồi thông Cây số 2, vừa đá vừa… nghiêng theo mặt sân; sân Lạc Xuân, vừa đá vừa tập… lội nước mỗi khi bóng bay ra khỏi sân, rơi tòm xuống hố đào đất sét làm gạch… Một lần đội tuyển trường Lạc Nghiệp được mời giao lưu với trường Xuân Trường, chiều 3 giờ mới kéo quân đi vì không có xe đi, mãi mới tìm được một chiếc xe... tải. Đến nơi đã xế chiều. Hai bên ra sân vừa đá vừa… run tới tối mịt. Tiền đạo nổi danh Lý Quang (vừa ra trường, đi theo bổ sung lực lượng) đã giúp ghi bàn dẫn trước 1-0, nhưng không biết có phải vì cóng chân hay không mà hậu vệ Siêu (Lý Viễn Đông) phá một quả bóng bay cao lên trời và… rơi thẳng vào lưới đội nhà. Hoà 1-1, được bạn đãi một chầu bún, rồi thầy trò anh em cầu thủ cổ động viên tất tả lên xe tải lắc lư xuôi về Dran trong đêm tối... Suốt ba năm liền như thế, một thầy Bí thư – thầy Thao, một trò Phó Bí thư, cùng nhau tập hợp đội bóng trường, ngửa mũ quyên tiền, khi đạp xe đạp, khi thuê xe lam, thậm chí đi cả... máy cày, kéo quân đi đá giao lưu khắp xứ với các đội tuyển trường Xuân Trường (mời lên mời xuống vài lần nữa), Thạnh Mỹ, với các đội tuyển thôn xóm Lạc Xuân, Đường Mới, Hamasing,…

***

Với ước mơ ươm mầm từ thuở đứng bên cửa xem lén sinh hoạt Sao Nhi đồng, sự say mê được khơi dòng từ những ngày sinh hoạt Đội cuối cùng của cô Thao, óc hài hước nảy sinh từ người anh vô cùng hài hước Lê Tấn Tài, những kĩ năng rèn luyện được sau bao nhiêu năm trời gắn bó với các anh Đặng Huệ Chí, Trương Thành Được, những đợt tập huấn, hội trại, đại hội tưng bừng khắp huyện và tỉnh… những nỗ lực của anh chàng Phó Bí thư Đoàn trường nhỏ con đen thui vẫn không làm thay đổi được bầu không khí ngày càng chán của các buổi sinh hoạt Đoàn. Ngoại trừ những trò chơi tập thể luôn hấp dẫn và đầy tiếng cười thì cũng không còn gì để lại một dấu ấn về hiệu quả và ý nghĩa thực tế… Mãi đến năm 12, một "ân huệ" cuối cùng được chấp thuận: nhà trường đồng ý tổ chức cắm trại 26/3, nhưng chỉ cho làm ở sân trường, và phải để cả từ lớp 6 tới 12 tham dự. Sau 5 năm, mong ước tổ chức cắm trại đã thành hiện thực, nhưng lần này trách nhiệm nặng nề hơn với vai trò là người tổ chức. Rút những tâm huyết cuối cùng, chàng Phó viết một bản kế hoạch dài và chi tiết về các hoạt động trong đợt cắm trại học trò sau cùng của mình này (với sự góp ý bổ sung của cô Mai Hương Phụ trách Đội và các thầy cô khác).

Sân trường chật ních những lều và người. Các trò chơi nhỏ luôn hào hứng, đầy không khí cạnh tranh, và… buồn cười. Những cuarơ rùa thi thố nhau đua xe đạp chậm, những chiếc xe xì lốp đua nhau nhích từng… milimét, có người gần như đứng yên trên xe suốt mấy phút liền… Những đội 5 người thi nhau "mặc áo" bằng một vòng dây đường kính vừa thân người, choàng qua người từ trên xuống rồi từ dưới lên. Những cặp nam nữ 3 chân (cột mỗi người 1 chân vào nhau) thi đá bóng gôn chuột, chạy xốc xếch hết quần áo đầu tóc mà vẫn ghi được những bàn điệu nghệ. Rồi những trò truyền thống như nhảy bao bố, kéo co không bao giờ ngớt hào hứng, sôi động. Những bình hoa cắm thật đẹp. Những món ăn vừa gánh bếp núc đi vòng quanh khu trại, vừa vượt chướng ngại vật, vừa nấu nấu nướng nướng. Đặt bếp xuống chưa kịp nóng sân, còn đang chúi đầu thổi lửa thì còi nổi lên, khói bay um, lại tất tả vừa chạy vừa nấu…

Chiều về, các đội thi nhau làm báo trại (trang trí trên lều) còn chàng Phó cùng anh bạn Thanh Lâm lúi húi chuẩn bị lửa trại. Xếp củi xong thì trời chạng vạng, lại phải giữ bí mật về cuộc rước lửa nên phải chờ trời tối mới căng dây rước lửa. Thật không may, sợi dây thép dài căng từ trên lầu xuống đất bị gấp khúc một chỗ. Một chỗ duy nhất mà không phát hiện ra… Cả trường tập trung vòng quanh khu lửa trại. Đêm tối. Đèn điện tắt hết. Ngọn lửa xuất hiện từ trên cao. Mọi người ồ vang. Ngọn lửa từ từ trượt xuống, trượt xuống trong bài gọi rước lửa của thầy Hiệu trưởng Lê Thanh Hợi vang vang trầm hùng hơi thở núi rừng. Nó trượt xuống giữa chừng rồi... đứng yên. Ngay chỗ gấp khúc duy nhất. Mặc dây rung. Mặc bài gọi rước lửa hào hùng. Mặc đám đông hò reo. Nó vẫn đứng yên. Chàng Phó nóng đỏ mặt mày… Giải pháp cuối cùng: ngọn lửa đứng yên từ xa, và ngọn đuốc tay châm bùng lên ngọn lửa trại rực hồng… Cũng ấn tượng nhưng không thành công mĩ mãn…

Thời gian còn lại của đêm là thời gian giao lưu. Những lời ca, tiếng hát, tiếng đàn,… ấm áp trong đêm cao nguyên tháng ba. Không hiểu sao đêm tháng ba năm ấy lạnh buốt. Cậu Phó cả ngày lo tổ chức, không có mấy thời gian về lều của lớp mình, chỉ tranh thủ được lúc ăn trưa và ăn tối… Giờ thì lạnh tê người và khan cổ… Mà cậu chỉ mặc mỗi chiếc áo sơ mi đồng phục Hội Liên hiệp Thanh niên ngắn tay, và chiếc áo len "ba lỗ" (không cổ áo, không ống tay). Niềm vui làm cậu quên đi mệt mỏi, nhưng đến 2 giờ khuya thì cái lạnh quả là không chịu xiết. Cậu run lập cập. Thầy Hoàng và mấy người bạn bảo cậu vào phòng giáo viên nghỉ, để ngày hôm sau còn trò chơi lớn. Trong phòng bớt lạnh hơn, lại có đống lưới bóng chuyền để gối đầu và… ôm cho ấm. Nằm trên cuộn lưới ấy cậu êm đềm chợp mắt…

Buổi sáng hôm sau, theo đúng quy luật cắm trại là buổi chơi trò chơi lớn. Mỗi đội 10 người (trừ lớp 6 và lớp 7) dự thi. Những người ở lại tiếp tục làm báo trại. Các đội trò chơi lớn tập hợp lại theo tín hiệu chữ T ("tè" trong tín hiệu Morse). Cậu Phó giờ đây đứng trên cao, thay vị trí cô Thao ngày xưa đứng bên "cây thông cụt một thước". Tiếng còi thổi Morse vang lên. Cấp 1. Không ai kịp giải. Cấp 2. Một vài nhóm chạy lên báo cáo và được phép đi. Cấp 3. Vài đội nữa xuất phát. Cấp… thật chậm… Tất cả được đi. Hành trình trò chơi lớn qua 5 chặng: 1. Xuất phát tại trường. Nhận tín hiệu Morse - 2. Chạy xuống Đường Mới Trong, vòng qua đường ray xe lửa. Giải mật thư bằng vòng đồng hồ. – 3. Tiếp tục theo đường xe lửa xuống chân cầu xe lửa, ra bờ sông. Trò chơi thử thách. – 4. Chạy men theo sông, lên cầu xe hơi, xuống lại bờ sông. Trò chơi thử thách kết hợp mật thư: mỗi đội một cặp nam nữ cõng nhau lội xuống nước, người dưới chỉ để ló đầu, người trên tranh lấy bong bóng có thông điệp mật thư hoá học (theo nguyên tắc là kỵ nước, cần tránh làm bể bong bóng hay thấm nước, và giải bằng cách hơ trên ngọn lửa nóng). Chỉ vài đội đảm bảo được yêu cầu này, dĩ nhiên các đội khác bị trừ điểm. – 5. Các đội chạy về lại cổng trường thì bị… anh Phó chặn lại ngay cổng. Cổng bị chốt bên trong, dưới chân cổng hở cách mặt đất một khoảng chừng hơn gang tay. Đội trưởng báo cáo tới trạm xong thì được yêu cầu cho toàn đội… chui qua cổng vào trong chờ nhận Morse tìm kho báu. Cô bé Tâm Hoài (ở Châu Sơn) người hơi… phương phi, vừa chui qua vừa than "Anh Đại ác quá!"… Rồi tất cả đều chui qua lọt cả, người vừa ướt nhẹp nước sông, giờ lại lấm lem đất cát…

Qua cổng, tất cả các đội tề tựu, chuẩn bị truy tìm kho báu. Thông điệp Morse "BÀN THỜ NGOÀI AO" được phát đi. Cấp 1: tất cả ngồi… ngẩn tò te. Cấp 2: vài đội chạy lên báo cáo. Thông điệp mật thư cuối cùng được truyền đạt: "Bây giờ cho cả đội xếp thẳng hàng, số lẻ ngồi số chẵn đứng, tìm nơi giấu kho báu theo thông điệp đã nhận." Mấy cái đầu chụm lại chau mày. Cú này quả là khó, không bị lộ liễu như vụ "CÂY THÔNG CỤT MỘT THƯỚC" năm xưa!… Người đưa ra kiểu mật thư "ác chiến" này là thầy Tùng ở trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, chuyên gia về kĩ năng sinh hoạt của tỉnh Lâm Đồng, mà cậu Phó đã là người đầu tiên giải được ở Trại tập huấn Cán bộ Đoàn cấp tỉnh hồi đầu năm. Khi tất cả giải được tín hiệu Morse và vận dụng mọi cách giải cái mật thư này, ai nấy vẫn lắc đầu chào thua. Cho tới khi có người bật mí "Thầy Thao đang giấu cái gì trong phòng kìa" thì kho báu mới được phát hiện. Số lẻ ngồi, chỉ còn số chẵn đứng, tức là "Thờ-ao Thao"…

Đó cũng là sự kiện ấn tượng cuối cùng trong cuộc đời sinh hoạt Đoàn-Đội của cậu Phó ngày nào… Bởi từ đó về sau, cậu không còn tìm đâu thấy được cái chất vô tư, nhiệt tình và say mê quên mình như thời ấy. Cậu đã may mắn có cả một quãng thời gian ngưỡng mộ và tiếp xúc, và học hỏi những thế hệ anh chị Đăng Khoa, Minh Khoa, Thanh Hiệp, Vỹ Hằng, Ngân Hà, Quốc Trí,…; được khai tâm và dìu dắt bởi những người phụ trách gạo cội như cô Thao, anh Tài, anh Chí, anh Được, thầy Tùng,…; có những người thầy, người cô luôn tin yêu và động viên, thậm chí cùng san sẻ (dù cậu có không ít những lỗi lầm của tuổi học trò): thầy Bạch, cô Thâm, thầy Nghi, thầy Thao, cô Mai Hương,…

(Xem tiếp phần 3)

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)