Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Đơn Dương > Đơn Dương trong tôi (3)

Đơn Dương trong tôi (3)

Thứ bảy 11/05/2013, của Nguyễn Tấn Đại

(Tiếp theo phần 1phần 2)

***

Ấn tượng phong trào cuối cùng của thời học sinh lại là những trận bóng đá. Một đội tuyển trường suốt 3 năm gắn bó với nhau, hiểu nhau từng đường banh, từng bước chạy, với những Hoài Nam, Quốc Sơn, Minh Lít, Văn Thử, Út La (Xuân Duy), Trung Chánh, Hoàng Hải, Tấn Đại, Anh Tú, Đình Phiên, Nguyễn Ngọc,… đã ghi danh bằng chiến thắng oanh liệt tại giải đấu loại cấp huyện (bóng đá mini) chọn đội tham dự Hội khoẻ Phù Đổng tỉnh Lâm Đồng năm 1996.

Đội tuyển trường Lạc Nghiệp được thầy Thao, huấn luyện viên, giảng giải cho một buổi về bóng đá mini 7 người. Buổi học lí thuyết ngắn ngủi bắt đầu với một câu chuyện... ngôn ngữ, giải thích tại sao khi ném biên thì dân mình cứ hay gọi là "nu": trong trận đấu, khi banh lăn ra khỏi biên hai bên đều giành quyền ném biên về mình và cãi nhau "của tao", tiếng Pháp viết là "à nous", đọc là /à nu/, sau đó người ta quen miệng gọi luôn quả ném biên là "quả nu"... Sau đó là những điểm quan trọng về luật thi đấu 7 người, và cách xếp đội hình thi đấu. Buổi chiều chủ nhật vắng vẻ trong căn phòng gỗ phía sau dãy nhà A. Có lẽ là do nằm ngay vị trí cầu môn của sân Lạc Nghiệp thuở xưa, nên cả đội được thừa hưởng cái hồn của đội bóng lừng lẫy một thời...

Hai trường Thạnh Mỹ và Lạc Nghiệp xưa giờ “gờm” nhau như nước với lửa. Đội Bán công Dran thời ấy mới chỉ có 2 khối 10 và 11 nên chỉ xem như đội lót đường. Và quả thật, trận khai mạc giải tại khoảng đất trống bên hông Đài Tưởng niệm Liệt sĩ ở Thạnh Mỹ, đội Lạc Nghiệp đã đè bẹp đội Bán công Dran với tỉ số 5-0, bằng một quintuple (một người ghi cả 5 bàn) đầy ấn tượng. Trận tiếp theo, đội Lạc Nghiệp gặp đội Thạnh Mỹ vốn có một “danh thủ” tên Kiếm nổi tiếng chơi bóng cự phách, đang tràn đầy quyết tâm giành vé vô địch huyện để dự giải tỉnh. Trận đấu vừa mở màn, đội Lạc Nghiệp giao bóng, hai cú đẩy bóng đã chuyển chếch lên biên phải, Nguyễn Ngọc ào lên làm một quả trái phá bay thẳng vào lưới đội Thạnh Mỹ trước sự ngẩn ngơ của tất cả mọi người. Tỉ số 1-0 đã làm trận đấu trở nên căng thẳng kịch liệt. "Danh thủ" Kiếm không hổ danh là người hùng của đội tuyển Thạnh Mỹ, tả xung hữu đột nhiều phen uy hiếp khung thành thủ môn Hoài Nam, và cuối cùng cũng tìm được đường vào khung thành đội Lạc Nghiệp, gỡ hoà 1-1.

Trận cuối cùng hứa hẹn vô cùng quyết liệt, một bên quyết thắng bởi phải thắng đậm mới có mặt ở Đà Lạt, một bên sau thất bại nặng nề đầu tiên đã quyết không để mất mặt lần thứ hai dù với lực lượng rất mỏng… Do không đủ người, thầy Thao lại chính là người được phân công làm trọng tài, và thầy đã quyết thể hiện sự công tâm, không thiên vị cho đội nào để đáp ứng niềm tin của Ban tổ chức. Dưới áp lực phải thắng cách biệt từ 6 bàn trở lên mới giành được vé đi Đà Lạt, đội Thạnh Mỹ đã dẫn trước 3-0 với sự tung hoành của ”danh thủ” Kiếm. Nhưng trong một pha tấn công, đội Bán công Dran ghi được một bàn vào lưới đội Thạnh Mỹ, trọng tài thổi còi công nhận bàn thắng thì các cổ động viên quá khích nhao nhao phản đối vì cho rằng trước đó đội Bán công Dran đã phạm lỗi. Không khí trở nên căng thẳng. Một người đang ông nồng nặc mùi rượu (sau này nghe nói là người cá độ) xông vào đòi hành hung trọng tài. Ban tố chức vội can thiệp nhưng vẫn không làm lắng dịu tình hình, trọng tài phải được hộ tống vào một khu nhà tập thể gần đó để tránh mối đe doạ hành hung. Trận đấu gián đoạn. Vài ngày sau, Ban tổ chức quyết định xử thua đội Thạnh Mỹ, và cử đội Lạc Nghiệp tham dự giải tỉnh…

Tiếc là niềm vui đó đã không được biến thành hiện thực! Trong kế hoạch tham dự Hội khoẻ Phù Đổng năm đó, trường có hai đội tuyển bóng đá và điền kinh. Vì trường không đủ kinh phí nên chỉ cho một đội tham dự. Thầy Thao đề nghị cho đội bóng đá đi vì có khả năng đạt giải, còn đội điền kinh không mạnh, khó có thành tích cao. Nhưng quyết định của thầy hiệu trưởng vẫn là: đội bóng đá ở nhà. Đã có nhiều ý kiến đề nghị tự quyên góp để đưa đội bóng đi, nhưng rồi "áo sao qua khỏi đầu" và thầy trò đùa vui với nhau: chỉ vì không có tiền, nếu không đội tuyển trường đã có trong tay chức… vô địch tỉnh.

***

Bao tháng năm nơi xứ lạ quê người, nhiều lần cả năm trời biền biệt không về quê, trong lòng tôi vẫn luôn ngóng trông về miền cao nguyên bé nhỏ yên bình đó… Và còn ray rức hoài khi đọc lại những câu thơ con trẻ viết tự những ngày xa xưa ấy:

Hỡi những cánh chim bay xa!

Đừng quên mảnh đất nơi ta thành hình.

Công thành nơi chốn phồn vinh,

Chớ quên ngày tháng quê mình đợi mong.

(10/4/1996)

 

Mười chín mùa mưa nắng thấm vào nhau

Thành máu đỏ trong con cuộn chảy.

Mười chín mùa nghe thông reo gió hát

Thành tình yêu hòn đất đỏ sương mù.

 

Mười chín mùa dòng sông đứng không trôi,

Mang trong lòng những nỗi niềm tâm sự,

Người ta bảo sông quê thường chảy chậm,

Bấy đến nay sông ta vẫn im lìm.

 

Mỗi mùa qua mỗi đoàn thuyền đi xa

Theo cánh gió lênh đênh về phía biển

Nơi mưa và nắng đều mang nồng vị mặn

Mỗi mùa qua sao chưa thấy thuyền về!

(17/5/1997)

 

Xứ mình kẻ chợ người quê

Cánh chim mấy bận quy về cố hương?

(23/6/1997)

...

TP. HCM, tháng 3/2006

Thay lời kết

Đến đây là đoạn hồi ức về thuở học trò viết cách đây hơn bảy năm chấm dứt. Nhưng kỉ niệm thì còn nhiều, không chỉ trong mười tám năm tại Đơn Dương ấy mà cả bao nhiêu sự kiện về sau trong đời. Nhất định sẽ còn có dịp quay trở lại. Bởi, như cổ ngôn đã nói "ôn cố nhi tri tân", nếu quên đi hay không hiểu về quá khứ, sẽ khó biết được mình như thế nào trong tương lai.

NTĐ

Tháng 5/2013

Lời bình trên diễn đàn

  • Sau khi bài viết đăng xong, thầy Lâm Nguyên Thao đã phản hồi đính chính về thứ tự và kết quả các cặp đấu ở giải huyện năm 1996 là như sau :

    1. Thạnh Mỹ-Lạc Nghiệp : hoà 1-1, với bàn thắng mở tỉ số nhanh như chớp của Nguyễn Ngọc như đã kể.

    2. Lạc Nghiệp-BC Dran : 5-0, với cú quintuple của TĐ.

    3. Thạnh Mỹ-BC Dran : thầy Thao được phân công làm trọng tài vì BTC không có người, dù nguyên tắc là không nên để tránh thiên vị. Dưới áp lực phải thắng cách biệt từ 6 bàn trở lên mới giành được vé đi Đà Lạt, đội Thạnh Mỹ đã dẫn trước 3-0 với sự tung hoành của "danh thủ" Kiếm. Khi đội BC Dran ghi được một bàn vào lưới đội Thạnh Mỹ thì các cổ động viên quá khích nhảy vào đòi "xử" trọng tài, học trò can ngăn cũng bị rượt chạy qua bên kia đường trốn.

    Để tôn trọng tính "lịch sử" của bài viết, chỉ xin phép đính chính ở đây mà không sửa lại nội dung trong bài.

    NTĐ

  • Dạ, cảm ơn cô Thuỳ Dương! Chúng ta ai cũng có một thời học trò đầy ắp kỉ niệm. Ở thôn quê ngày xưa thì thiếu thốn nhiều thứ nhưng cũng rất vui vẻ hồn nhiên. Mỗi lần nhớ về nó thì lại miên man không hết chuyện... :-)

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)