Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Đơn Dương > Đơn Dương trong tôi (1)

Đơn Dương trong tôi (1)

Thứ năm 09/05/2013, của Nguyễn Tấn Đại

(Bài viết từ lâu, nay mới tình cờ tìm lại được, cảm xúc như vẫn còn mới nguyên. Chỉ chỉnh sửa lại vài chỗ mang tính kĩ thuật.)

Ngày nảy ngày nay, có một anh chàng ngồi nhớ chuyện ngày xưa...

***

Ngày xửa ngày xưa, ở một vương quốc nọ giữa núi rừng cao nguyên, có một cộng đồng sinh sống trong một thung lũng nhỏ, có con sông Đa Nhim chảy ngang. Con sông tương truyền là dòng nước mắt của nàng Hơ Bian khóc chồng Ka Lang đi kiện trời cứu dân không thành... Bác sĩ Yersin trên hành trình khám phá cao nguyên Lang Bian đã đi ngang vùng đất đó. Đứng trên cao nhìn xuống, thung lũng đầy mây trắng bay. Và ông gọi nó bằng một cái tên thân thương: Thung lũng Mây...

Có một cậu bé đã sinh ra và lớn lên trong Thung lũng Mây từ những ngày gian khó, với những bữa cơm độn bo bo, khoai mì, với bếp lò đốt củi khói đen um, nhọ nồi kìn kịt,... Cuộc sống nghèo khổ nhưng vẫn đong đầy hạnh phúc, lòng cậu vẫn lồng lộng gió mát và mây trắng bay giữa bầu trời xanh...

Tuổi thơ cậu đã trôi qua với những món ăn dân dã mà đầy ấn tượng: sữa đậu nành bà Tương đường Hai Bà Trưng, bánh nậm của một cụ già trên dốc quận, bánh hỏi bà Ba,... Còn những quán "xịn" hơn như nem nướng bà Tư Nhựt, phở Tư Lén, quán Thanh Đạm,... thì cậu chỉ dám đi ngang liếc nhìn...

Tuổi thơ cậu cũng đong đầy những buổi văn nghệ. Một "ca sĩ" Thông thợ may với "Mùa xuân trên những giếng dầu". Một Khánh Linh với "Lá xanh". Một Tường Khuê với "Hôm nay mẹ trực đêm". Rồi những giọng ca một thời oanh liệt như Minh Khoa, Đăng Khoa,… Hay một Lê Tấn Tài với "Lão hà tiện" chỉ tay vào... bóng đèn và khán giả khóc bù lu boà loa "Các người có lấy tiền của ta không?" Một Thuỵ Khanh trong vai nàng Mỵ Nương, mặc váy trắng thêu ren, đứng giữa cuộc giao tranh giữa hai chàng Sơn Tinh - Thuỷ Tinh. Một hoạt cảnh "Nhổ cải lên" đơn sơ, giản dị mà đầy xúc động. Một Lâm Vũ Thao tha thiết giọng người cha dặn dò con trước khi tự thiêu phản đối chiến tranh: "Êmili, con! Đi cùng cha! / Mai khôn lớn con thuộc đường khỏi lạc / Đi đâu cha? – Ra bờ sông Pôtômát / Xem gì cha? – Không, con ơi! Chỉ có Lầu Ngũ Giác…" Những bài ca, những điệu múa, những vở kịch ngắn,... đậm đầy chất nghệ sĩ, những buổi diễn văn nghệ trường học vẫn chật kín khán giả trong rạp Đa Nhim...

Cũng cái rạp Đa Nhim bé nhỏ (thuở ấy rộng lớn vô cùng với một cậu bé con) ngày nào vang vang mỗi chiều tiếng rao của chú Bảy Cảnh "Tối hôm nay Rạp Đa Nhim hân hạnh giới thiệu bộ phim..." Những bộ phim một thời vang bóng, từ Việt (Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn, Ông Hai Củ, Người trong cuộc, Mùa gió chướng, Đứa con ông thứ trưởng,...) đến Liên Xô, Tiệp Khắc, Rumani (Công chúa Arabella, Những bông hoa thần kì, Ba người khổng lồ, Cô bé Maika từ trên trời rơi xuống, Bông hồng vàng...) đến Ấn Độ (Truyền thuyết tình yêu, Hai anh em,...) rồi Anh, Mỹ (Mặt trời đỏ, Hiệp sĩ Ai-van-hô,...) Những bộ phim chiếu xè xè tiếng máy trên đầu, những chớp bóng trên màn hình vải trắng cũ kĩ, những bóng đầu người đi qua đi lại thấp thoáng,... Những câu chuyện phim sống động hẳn lên với giọng thuyết minh truyền cảm của chị Lan,... Cũng cái rạp Đa Nhim bé nhỏ ấy những ngày đầu xuất hiện video, người ta đã chen chúc, giành giật nhau để mua cho bằng được vé xem "Khổng Minh Gia Cát Lượng", rồi "Cuộc chiến đấu một mất một còn", "Selena nữ chúa rừng xanh", "Tarzan người rừng",... Ngày nay rạp Đa Nhim vắng vẻ, lạnh lẽo, còn đâu những ngày nóng bỏng một thời [1]...

Cậu bé lớn lên cùng với sự đổi thay của cuộc sống xã hội. Những trận bóng đá cuồng nhiệt giữa đội tuyển huyện (với những tên tuổi Tỉnh, Dũng phè, Tuấn bơ, Tuấn voi, Tuấn Phan, Hiếu, Đạo, Công Vinh,...) thi đấu không thua kém những đội tuyển về sau đã thành danh như Phú Khánh, Công an Hải Phòng, Phòng Không,... khán giả tràn lấn cả đường biên hoảng hốt thụt lùi mỗi khi bác Ba Dân cầm cây đi ngang qua quất vùn vụt, trong tiếng bình luận sôi nổi của chú Phát trên khán đài ghép bằng những cây gỗ,... tất cả đã đi qua dần, nhường lại cho những buổi đá banh học trò, thôn xóm, rồi dần dần sân cỏ bị cày lên mà vẫn không xoá đi được niềm đam mê mỗi chiều trên mặt sân gập ghềnh khấp khễnh những cậu bé xoay vần với quả bóng tròn dù nắng đốt mưa dội,... Những trận đấu bóng da chưa đủ, dẫn đến những trận bóng nhựa trên sân trường nóng bỏng giữa các lớp, trên mặt đường Hai Bà Trưng giữa bọn trẻ "khóm I" và "khóm II", thủ môn Hồ Bá Doanh (miệng còn "nhễu" nước miếng) bay lộn ào ào, đầu gối tươm máu quyết bảo vệ khung thành của đội "khóm I" (cùng với Mikhailitchenko Út La, Zavarov Đại , Bin, Quốc, Hào,... trước sự công phá của các cầu thủ "khóm II" như Việt, Vũ, Bé,... đôi khi chen cả nữ cầu thủ Mai "dế nhủi").

***

Ở trường học những năm cấp I, cậu bé đã thèm thuồng đứng bên cửa lớp xem các anh chị Đăng Khoa, Minh Khoa, Thanh Hiệp, Ngân Hà, Vỹ Hằng, Vũ Thao,... sinh hoạt sao nhi đồng với các học sinh lớp 3 thuộc hàng ngôi sao (do cô Khanh chủ nhiệm) như Minh Thy, Bin, Quốc, Bá Doanh,... với những trò vui không thể tả, cả "thằng cu Dê" đứng bên ngoài coi lén cũng bị đưa vào trò chơi,... Và niềm đam mê ấy đến mãi lớp 5 cậu mới có được cơ hội tham gia khi được kết nạp Đội.

Kể từ khi vào Đội, cậu say mê với những buổi sinh hoạt, tập bài hát, học Morse, giải mật thư,... Cậu trở thành một anh chàng lớp trưởng "kỉ luật thép", thầy chủ nhiệm Tạ Quang Đông bận việc riêng không đến lớp thường xuyên mà lớp cậu vẫn cứ đứng nhất. Cậu bé lớp 6 trở nên say sưa với tờ Khăn Quàng Đỏ và những buổi nói chuyện, tập giải mật thư với anh Phát Huy (lớp 8)... Những đợt trại hè, Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ trôi qua với bao nhiêu niềm vui tích tụ. Một đợt cắm trại toàn trường, khối 6 chỉ được cử đại diện lớp tham dự, chơi trò chơi lớn chạy lòng vòng trên đồi thông, tín hiệu cô Lâm Nguyễn Yên Thao (Tổng phụ trách Đội) truyền đạt là "Đi nhanh lên", đã được một anh bạn cùng lớp là Phong (nhà nem chả Ngọc Thuyền) mách nước "Thầy Lẹ đang nằm ngậm lá thông trong kia kìa" [2]... Lại tiếp nối những buổi sinh hoạt chất chứa nhiều tâm sự của cô Thao, người cậu hết sức ngưỡng mộ. Cô hay có những thông điệp Morse mang nhiều tâm tư như "Con tim có những lý lẽ riêng của nó mà lý trí không hề biết tới"... Cậu trẻ con có biết gì đâu, chỉ thấy hay hay mà khắc ghi trong tâm khảm. Cho tới một ngày cậu bé lớp 7 đứng tẩn ngẩn tần ngần bên trong cổng trường nhìn cô phụ trách của mình mặc áo cưới trong đám rước dâu thì trong lòng... buồn vô hạn, bởi từ đó cậu sẽ không còn dịp được cô hướng dẫn sinh hoạt, cắm trại, thổi Morse, giải mật thư,...

Thời ấy, cậu cũng không quên những kỉ niệm thầy Lâm Nguyên Thao đã cho lớp cậu chúi đầu giải thế cờ vua "Nước chiếu thắt cổ"...; rồi thầy Lê Công Quý Bí thư Đoàn trường kể cho Đại hội Liên Đội câu chuyện Khổng Tử "lễ phép" với một cậu bé đầy ấn tượng. Ấn tượng còn kéo dài tới buổi thầy dạy chụp hình cho các anh chị lớp lớn trong đồi thông mà cậu đi cắm trại tình cờ gặp được (và đam mê). Tới tận kì dự Hội khoẻ Phù Đổng huyện, đội trường nhà bị bắt ép, thầy tranh cãi để giành lại quyền lợi cho kì được...

Sau khi cô Thao, thầy Quý đi xa, cô Xuân Hương (em thầy Nguyễn Xuân Tiến) thay thế làm Tổng phụ trách Đội, thầy Trương Như Bạch làm Bí thư Đoàn, những buổi sinh hoạt Đội, những hôm chuyện trò tâm sự trong căn phòng tập thể nhỏ bé bên hông chợ, nồng ấm tình cảm và niềm tin... Mang bài thơ Đường của Đào Tiềm "Khứ niên kim nhật thử môn trung / Nhân diện đào hoa tương ánh hồng / Nhân diện bất tri hà xứ khứ / Đào hoa y cựu tiếu đông phong" mà đố và giảng giải cho cậu học trò lớp 8, thầy Bạch như vận chính bài thơ ấy vào mình...

Chẳng bao lâu sau cô Xuân Hương đi xa. Thầy Bạch u buồn... Mùa hè, mùa Trại hè cháu ngoan Bác Hồ. Anh Đặng Huệ Chí chở cậu trên chiếc xe Simson vào Thạnh Mỹ, đến Lạc Bình gió thổi ngược quá mạnh, xe... chạy không nổi, hai anh em phải trèo xuống vừa đẩy vừa đạp máy vừa... dắt bộ. Rồi vị trí của cô Xuân Hương cũng được thay thế bằng một người con của đất Đơn Dương nhiều năm đi xa (Lâm Hà) quay trở về: anh Lê Tấn Tài.

Những buổi chiều hè vắng hoe, ba cây phượng đỏ hoa rơi lả tả sân sau của trường (giờ vẫn còn một cây ở trường Bán công Dran [3]). Không người mở cửa. Mấy anh em xách đàn ghi ta, mở cửa sổ trèo vào phòng, lấy giấy lót mặt bàn, ngồi nghêu ngao hát những bài hát vui tươi... Một ngày nọ, anh Tài hẹn 1:30 chiều lên sinh hoạt tại trường Bồ Đề (đối diện chùa Giác Hoàng). Cả nhóm lò dò lên tới nới. Sân trường vắng hoe. Từ ngoài cổng nhìn vào chỉ có cái container sắt cũ kĩ nằm im lìm. Chàng Vũ Dũng (con thầy Sanh) xớn xác giỡn, nói to: "Tài ’tai teo’ (xin lỗi anh Tài, nhưng chuyện có thật!), sao em hẹn tụi anh một rưỡi mà giờ em chưa tới?" Năm giây sau, anh Tài lù lù đi ra từ sau cái container , miệng ngậm cọng cỏ gà rung rung đắc chí: "Dũng! Em vừa nói gì vậy?" Thế là anh bạn tội nghiệp chịu phạt thụt xì dầu ná thở... Và nhiều câu nói đùa của anh Tài mùa hè ấy đã trở thành... bất hủ: "Liên! Em có đồ lót không?" (vì bàn ghế mùa hè bụi bám, phải lấy giấy lót trước khi ngồi), hay "Thích Mỹ Trân! Giả sử anh là người cuối cùng của em..." (trong một trò chơi, phải chia phe xếp hàng đếm thứ tự, trong đó có phe của Tăng Bảo Trân)...

(Xem tiếp phần 2)


[1Đến năm 2012 thì rạp Đa Nhim đã bị cháy rụi, chỉ còn trơ lại bãi đất trống. (NTĐ)

[2Cả bạn Phong và thầy Lẹ giờ đều đã mất. (NTĐ)

[3Ở thời điểm 2006. Còn hiện nay, trường Bán công Dran đã đổi tên thành Ngô Gia Tự, xây mới hoàn toàn và không còn vết tích gì của những cây phượng xưa. (NTĐ)

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)