Trang chủ > Tản mạn > Đi và ngẫm > Strasbourg kí sự (3)
Strasbourg kí sự (3)
Thứ tư 15/05/2013, của
Phòng thí nghiệm... không ống nghiệm
Đại học Strasbourg là một trường có lịch sử lâu đời, và cũng trải qua nhiều lần tách rồi nhập như không ít trường ở Việt Nam. Khi tách ra là để có điều kiện phát triển những lĩnh vực chuyên ngành thế mạnh riêng của mỗi đơn vị. Rồi theo xu hướng phát triển đa ngành, và đặc biệt là trước áp lực của các bảng xếp hạng đại học quốc tế, trong đó Pháp chỉ chiếm những vị trí khiêm tốn, thế là bây giờ lại nhập thành một, nhằm hợp nhất tất cả các nguồn lực, tạo ra hình ảnh duy nhất về Đại học Strasbourg đủ mạnh mẽ để định vị mình trên bình diện giáo dục quốc tế.
Cũng chính từ cơ hội đó mà từ một bộ môn Khoa học Giáo dục thuộc khoa Tâm lí và Giáo dục đã hình thành nên một khoa Khoa học Giáo dục riêng biệt. Tuy mới mẻ, thành quả của 40 năm phôi thai và phát triển của một lĩnh vực chuyên ngành, nhưng đây cũng chỉ mới là khoa thứ ba tại Pháp mang tên này. Chuyên ngành khoa học giáo dục sẽ còn cần nhiều thời gian hơn nữa để khẳng định mình tách khỏi hẳn các chuyên ngành “mẹ”, nhất là tâm lí giáo dục. Toàn bộ các hoạt động của khoa đều tập trung trong một toà nhà có kiến trúc cổ kính, gồm một tầng hầm, một tầng trệt, một tầng lầu và một tầng áp mái. Để vào toà nhà phải qua hai lớp cửa gỗ cao và to đùng. Nơi tôi làm việc có tên là Phòng thí nghiệm Liên đại học về Khoa học Giáo dục và Truyền thông, viết tắt là LISEC, nằm ở tầng áp mái trên cùng. Có hai ngõ đi lên, một là cái thang máy “tí hon” vì chỉ vừa đủ chỗ cho... hai người đứng, phải khéo léo xoay ngang rón rén cúi người mới bấm được nút lên lầu hai, bởi vậy trừ khi phải mang vác gì nặng, còn thì tôi hay đi bộ lên qua ngõ cầu thang gỗ, chân cố bước nhẹ nhưng vẫn cứ kêu đồm độp giống như nện giày đinh.
Có thể xem LISEC là hạt nhân của khoa. Gọi là phòng thí nghiệm cho “oai”, nhưng tuyệt nhiên không có cái... ống nghiệm hay bất cứ hoá chất dụng cụ thí nghiệm đo đạc nào khác như các ngành hoá học, sinh học, vật lí... Đó chỉ là một cái tên gọi tượng trưng về tinh thần. Ngoài các giáo sư và giảng viên chính đã có phòng làm việc riêng, nơi duy nhất có mang bảng tên LISEC là căn phòng dành riêng cho các nghiên cứu sinh làm việc. Trong phòng bố trí một số bàn ghế trống, với vài cái máy tính bàn, một máy in, một ít đồ dùng văn phòng và một số sách vở tài liệu. Nghiên cứu sinh đến làm việc chủ yếu trên máy tính xách tay, tự góp các khoản đồ dùng trà nước và tự quản lịch sinh hoạt.
Gọi LISEC là hạt nhân bởi vì trong khi kinh phí hoạt động của cả khoa gồm 230 sinh viên và 20 cán bộ giảng viên chỉ vào khoảng 80.000 euro, thì kinh phí nghiên cứu của LISEC lên đến 500.000 euro, với lực lượng “hùng hậu” hơn nhiều: trên 50 giảng viên-nhà nghiên cứu thuộc cụm đại học quanh Strasbourg, trên 40 nghiên cứu sinh và hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học từ quốc gia đến quốc tế. Sau Paris, Strabourg là thành phố thứ hai tại Pháp có mức độ quốc tế hoá khá cao, với 21 % sinh viên người nước ngoài. LISEC cũng có nhiều nghiên cứu sinh quốc tế, như anh bạn người Yemen vừa bảo vệ luận án hôm đầu tiên tôi đến, hay một cô người Trung Quốc làm về giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông, một cô người Rumania cũng làm về giáo dục phổ thông, một cô người Lybia làm về đào tạo nghề nghiệp, một anh người Senegal cũng làm về định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, hay tôi là mới nhất, làm về đánh giá hiệu quả sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy đại học tại Việt Nam... Tôi vốn là dân khoa học tự nhiên, nay “bẻ hướng” theo một chuyên ngành khoa học xã hội, tiếp xúc và trải nghiệm trong một môi trường mới, quả thật có nhiều điều khám phá mới mẻ. Đôi khi điều đó lại hay, bởi có nhiều cơ hội để mang cái nhìn từ bên ngoài vào trong lĩnh vực mình đang nghiên cứu, cũng như rút tỉa được những cái hay trong chuyên ngành này để mang trở lại ra ngoài cho cân bằng hơn.
Một tinh thần đại học kiểu... Pháp
Ngay hôm thứ bảy cuối tuần lễ tôi đến, tất cả các trường đại học trong vùng Alsace, mà thủ phủ chính là Strasbourg, đều tổ chức ngày “Mở cửa tự do”. Đây là dịp để mỗi khoa lên chương trình giới thiệu và quảng bá đơn vị của mình cho công chúng, chủ yếu là học sinh chuẩn bị vào đại học, cha mẹ học sinh, sinh viên các bậc thấp muốn học cao hơn, hay những người đã đi làm muốn quay lại học tiếp. Với số lượng sinh viên hiện hữu khoảng 230 từ bậc cử nhân đến bậc tiến sĩ, khoa Khoa học Giáo dục mới thành lập này đang rất quan ngại về khâu tuyển sinh. Chính vì vậy mà họ rất khẩn trương trong kế hoạch thực hiện ngày mở cửa tự do này, với một chương trình khá chỉn chu, từ thông tin giới thiệu vắn tắt về tổ chức của khoa, đến các sản phẩm “phổ biến kiến thức” như một đoạn truyện tranh định hướng nghề nghiệp cho học sinh, một bộ phim tài liệu về lịch sử hình thành và sứ mạng của khoa học giáo dục, một cuộc “triển lãm vỉa hè” về 10 nhà giáo dục tiên phong của thế giới đặt nền móng cho khoa học giáo dục ngày nay...
Trong các cuộc thảo luận, các câu hỏi-đáp, và cả trong những lúc giải lao trà dư tửu hậu, những vấn đề thu hút sự quan tâm của cả người người trong giới lẫn ngoài giới là vấn đề đào tạo theo nhu cầu của xã hội, gắn kết trường học với thị trường lao động, cải cách hệ thống tổ chức dạy-học, tăng nguồn thu tài chính cho trường đại học,... không khác gì mấy so với câu chuyện mà giới khoa bảng Việt Nam lâu nay hằng trăn trở. Thế mới thấy ngay cả một trong những nước phát triển hàng đầu như Pháp cũng đương đầu với không ít khó khăn, phải hứng chịu bao nhiêu lời chỉ trích của xã hội về chất lượng sản phẩm do mình tạo ra, thì những tồn tại của nền giáo dục Việt Nam không thể mơ một sớm một chiều mà giải quyết ngay được. Nhìn cảnh người ta dựng nên hẳn một chương trình công phu như thế, mà số người đến xem và tìm hiểu thông tin chỉ rải rác vài ba chục tại mỗi khoa, so với một ngày hội tuyển sinh của báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Đại học Bách khoa TP. HCM trong cùng thời điểm thu hút cả trăm ngàn lượt học sinh, thì thấy rằng giáo dục Việt Nam còn đầy những cơ may để có thể làm tốt công việc của mình. Vấn đề là cờ đến tay ai, và họ có biết cách phất cao hay không mà thôi.
Cùng những vấn đề bận tâm, nhưng cách thức tiếp cận và tổ chức của mỗi bên thì lại khác. Tại khoa Khoa học Giáo dục, những vấn đề lớn về mặt tổ chức được đưa ra Hội đồng Khoa thảo luận và biểu quyết. Hội đồng này có 3 giáo sư, 3 phó giáo sư, 1 nhân viên hành chính, 5 sinh viên và 4 đại biểu ngoài trường. Số lượng sinh viên đại diện cho quyền lợi của mình trong khoa như vậy là khá đông, do Trưởng khoa, cũng là người hướng dẫn luận án của tôi, là người khá cởi mở và tôn trọng sinh viên. Các khoá sinh viên đều có người đại diện của mình trong Hội đồng, gồm 2 cho bậc cử nhân, 2 cho 2 năm bậc thạc sĩ, và 1 cho bậc tiến sĩ. Những yêu cầu của sinh viên như bố trí phòng làm việc nhóm, trang bị máy tính, tạo nhiều điều kiện để họ học hành tốt hơn,... đều được ghi nhận và xem xét giải quyết tuỳ theo mức độ ưu tiên. Ở khoa và cả ở trường hoàn toàn không có bóng dáng một tổ chức đoàn thể chính trị nào của thanh niên và sinh viên, như kiểu Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên,... của Việt Nam. Tất cả các hoạt động tập thể, câu lạc bộ, đội nhóm,... đều dựa trên cơ sở tự nguyện và hợp sở thích; họ tự phân công và tự chịu trách nhiệm tổ chức duy trì sinh hoạt đội nhóm. Đương nhiên sẽ khó thấy cảnh tập hợp được hàng trăm hàng ngàn người trẻ dưới một màu cờ theo một chủ đề lớn như kiểu Chiến dịch Mùa hè xanh, mà chủ yếu là từng nhóm nhỏ với những mục đích cụ thể giới hạn. Ở khoa này, cũng có lẽ tương tự như ở các khoa khác, học viên cao học và nghiên cứu sinh là lực lượng chủ yếu điều phối các hoạt động đội nhóm và hỗ trợ cán bộ giảng viên tổ chức các hoạt động chung.
Ở một khía cạnh khác, mặc dù sinh viên có quyền tự do khá cao, thì giữa thầy và trò vẫn có một khoảng cách nhất định. Tôi cảm nhận điều này rõ nhất là khi tham dự buổi lễ bảo vệ luận án của anh bạn Yemen. Mặc dù không khí thảo luận cởi mở, không bài trí trang trọng như ở Việt Nam, nhưng khi giáo sư hội đồng quay lại hỏi người dự khán có ai hỏi gì không, thì dù là sinh viên thạc sĩ hay nghiên cứu sinh năm cuối tất cả đều rón rén nín thở nhìn nhau, không ai dám hỏi, giống y những buổi bảo vệ tôi đã dự trong nước. Do vậy mà, mặc dù có một câu rất muốn hỏi, tôi cũng đành phải bấm bụng ngồi yên; bởi chân ướt chân ráo mới đến, chưa biết ai là ai, chưa biết thói quen khoa bảng thực tế thế nào, tôi đâm ra ngại biến mình trở thành... kẻ phá bỉnh hay là người gây rắc rối...
Hay khi nói chuyện bên lề về việc tổ chức ngày mở cửa tự do, một cô giảng viên chính mà tôi có cộng tác trong một đề tài nghiên cứu từ hai năm nay có cho biết cô sống chung với thầy trưởng khoa và có sự hậu thuẫn rất lớn để làm những việc chung như thế; hôm sau tôi hỏi một cô bạn nghiên cứu sinh người Chile thường trực tại LISEC rằng họ cưới nhau lâu chưa thì cô này trả lời nhát gừng không biết. Tôi bảo ở Việt Nam tụi tao chí ít là thầy cô trong khoa có phải là chồng vợ với nhau không thì mọi người cũng phải biết; thì cô này nói rằng ừ ở Chile tao thì cũng bình thường vậy, nhưng ở đây thì hầu như cuộc sống gia đình riêng tư được tách bạch hẳn đời sống học thuật tại trường... Tôi lờ mờ mường tượng lại kí ức mười năm trước cũng thấy có phần hao hao giống, nhưng vẫn nghĩ rằng, hoặc mình chưa trải nhiều đủ để kết luận về một hệ thống, hoặc là chí ít đối với mình sự tách bạch rạch ròi ấy không phải là quá lớn để có thể gây ra những hiệu ứng tiêu cực.
NTĐ
Tháng 03/2011
(Còn tiếp)