Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Ngôn luận và văn chương > Văn chương > Hoàng tử bé > Lời tựa ấn bản “Le Petit Prince” năm 1999 của NXB Gallimard

Lời tựa ấn bản “Le Petit Prince” năm 1999 của NXB Gallimard

Thứ bảy 12/03/2022, của Nguyễn Tấn Đại

Cùng với Antoine Gallimard, chúng tôi rất hân hạnh được xuất bản trong khuôn khổ bộ sưu tập “Sách bỏ túi” và cũng là lần đầu tiên in toàn vẹn tác phẩm Hoàng Tử Bé, tuân thủ nghiêm ngặt ấn bản gốc phát hành tại Hoa Kì năm 1943, vốn là bản in duy nhất khi tác giả còn sống.

Petit Prince N° PP-0019 / français

Quả thực là Saint-Exupéry khi còn lưu vong tại Hoa Kì từ 1941 đến 1943, do không thể duy trì mối liên hệ thường xuyên với nhà xuất bản quen thuộc của mình tại Paris, đã uỷ nhiệm cho nhà xuất bản Reynal & Hitchcock tại New York phát hành hai ấn bản đầu tiên của câu chuyện này, một bản tiếng Pháp và bản kia tiếng Anh, cả hai đều có những bức vẽ màu nước nổi tiếng. Chỉ đến ba năm sau đó, ngày 30 tháng 11 năm 1945, tại Pháp mới ra đời ấn bản đầu tiên của Hoàng Tử Bé, do Librairie Gallimard phát hành. Cho đến tận ngày nay, ấn bản này đã trở thành mốc tham chiếu duy nhất cho tất cả các bản phát hành về sau cho công chúng Pháp.

Nhưng khi so sánh hai ấn bản phát hành tại Hoa Kì năm 1943 và ấn bản sau đó tại Pháp năm 1945, chúng tôi đã nhận thấy nhiều điểm khác biệt tế nhị trong cách tái hiện các bức vẽ của Saint-Exupéry. Một sự khác biệt khó có thể giải thích được chỉ với nguyên nhân liều lượng mực in hay kĩ thuật ấn loát. Nhà thiên văn nhìn cái gì qua chiếc ống nhòm của mình? Một ngôi sao, thật không may lại biến mất trong ấn bản tại Pháp. Và những dòng chữ viết của vị thương nhân hay các công thức trên bảng của nhà thiên văn; chúng chắc chắn là chẳng có gì giống nhau. Cần nhớ rằng người ta đếm số khác hẳn ở bên kia bờ Đại Tây Dương! Danh sách những chi tiết khác biệt nho nhỏ còn dài, từ đường viền chiếc khăn choàng cổ đến những chiếc đài và cánh hoa, từ những tia sáng mặt trời đến chân chiếc cột đèn, từ rễ những cây bao báp đến cành nhánh của những cây cọ. Ngoài ra, số lần mặt trời lặn đã thay đổi kể từ các lần tái bản những năm 1950.

Tại sao lại có nhiều điểm dị biệt đến vậy? Nhà xuất bản tại Pháp vì không có các bản vẽ gốc của tác giả đã sử dụng lại các tranh minh hoạ của một trong hai ấn bản đầu tiên tại Hoa Kì. Những bức tranh này có thể bị cho là quá nhạt đối với bản in mới, do đó đã được sao chép lại nguyên vẹn rồi “tô điểm” hay “chỉnh sửa” thêm. Nhất là, việc sử dụng giấy calque đã gây ra những hiệu ứng tăng cường trên các bản vẽ gốc, chỗ này chỗ khác được thêm màu vào những đường nét đã nhạt; các nét cọ vốn còn thấy rõ trong ấn bản năm 1943 đã biến mất dưới tác dụng “trơn láng” của màu sắc; và chính vì vậy mà các chi tiết đã thay đổi, thậm chí trở nên tệ hơn.

Do dó, dựa vào các điều kiện kĩ thuật hiện có, chúng tôi đã quyết định phát hành bản in mới này dựa trên ấn bản Hoàng Tử Bé in tại Hoa Kì.

Năm mươi tám năm sau, công chúng Pháp và Pháp ngữ đã có thể đọc câu chuyện quen thuộc này với những bức tranh minh hoạ do chính tác giả vẽ và chứng kiến phát hành khi còn sinh thời. Đó là một mối liên hệ mới giữa Saint-Exupéry và Hoàng Tử Bé.

Frédéric D’Agay [1]


[1Frédéric D’Agay: cháu gọi Antoine de Saint-Exupéry bằng cậu, chủ tịch Quỹ Thừa kế Saint-Exupéry – d’Agay từ 1989 đến 2001

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)