Trang chủ > Ngôn luận và văn chương > Văn chương > Hoàng tử bé > Hoàng tử bé: Lời giới thiệu
Hoàng tử bé: Lời giới thiệu
Thứ bảy 17/05/2008, của
“Hoàng tử bé” của Antoine de Saint Exupéry (phiên âm quốc tế: / ɑ̃twan də sɛ̃t‿ɛɡzypeʁi /) là một thiên phẩm của nền văn học thế giới hiện đại. Câu chuyện là một sự pha trộn tuyệt hảo giữa ngụ ngôn và cổ tích, đã được dịch ra trên 500 ngôn ngữ và bán hơn 200 triệu bản, làm say mê biết bao thế hệ ở mọi quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới... Không chỉ thế, có một chi tiết đặc biệt ít người nhắc đến: nguồn gốc ra đời của tác phẩm này chính là Việt Nam, với bối cảnh mở đầu câu chuyện là một tai nạn máy bay trên sa mạc Sahara.
Đây là một chuyện có thật, khi chàng phi công Antoine de Saint Exupéry thực hiện chuyến bay Paris-Sài Gòn vào cuối năm 1935, nhằm thiết lập một kỉ lục bay xuyên lục địa. Tai nạn xảy ra, tác giả cùng người bạn thợ máy đã vật vã lê chân vô định giữa muôn trùng cát suốt ba ngày, có những lúc chỉ thấy toàn ảo ảnh, tưởng đã chết đi sống lại. Cuối cùng, họ đã may mắn được cứu sống nhờ một đoàn du mục tình cờ đi ngang.
Ông đã từng kể lại tai nạn này trên báo, nhưng đặc biệt hơn là những trang viết đầy chiêm nghiệm trong tác phẩm “Terre des hommes” (1939), mà Bùi Giáng đã dịch thành “Cõi người ta”, đã ngay lập tức gây tiếng vang và đạt được Giải thưởng lớn dành cho tiểu thuyết của Viện Hàn lâm Pháp. Thế nhưng, những tâm tư trăn trở về cuộc sống và về thân phận con người của ông vẫn chưa dừng lại suốt nhiều năm sau đó. Cho đến mùa Giáng sinh năm 1942, với đơn đặt hàng viết một tác phẩm dành cho trẻ em của nhà xuất bản Reynal & Hitchcock, ông đã lột bỏ hết các yếu tố hiện thực trong “Cõi người ta”, bổ sung thêm các nhân vật khác, kết hợp những chuyến viễn du đã từng trải qua, chăm chút từng câu từng chữ như muốn truyền hết những cảm nghĩ cuộc đời mình cho các bạn đọc nhỏ tuổi, viết nên thiên phẩm “Hoàng tử bé”.
Trong nghiên cứu văn chương và giáo dục, người ta đã đúc kết rằng “Hoàng tử bé” là một tác phẩm mà người đọc ở mọi lứa tuổi, thuộc mọi chủng tộc, qua mọi nền văn hoá đều có thể đọc được và hiểu được một cách dễ dàng. Với tác phẩm này, trẻ em sẽ hiểu được theo cách của trẻ em, người lớn tất hiểu được theo kiểu người lớn, người già lại hiểu được những lớp ngữ nghĩa tiềm ẩn chỉ lộ ra qua trải nghiệm sống của mình.
Bản dịch tiếng Việt nổi tiếng nhất, được nhiều người biết đến nhất trong số cả chục bản dịch xưa nay có lẽ là của Bùi Giáng (NXB An Tiêm in lần đầu năm 1966, tái bản năm 1973; NXB Văn nghệ tiếp tục tái bản năm 2005). Một bản dịch khác được phổ biến khá sớm trên Internet, ngay từ đầu những năm 2000 là của Vĩnh Lạc (NXB Đồng Nai, 1994). Ngoài ra còn có nhiều bản dịch nữa như:
- Trần Thiện Đạo: “Cậu hoàng con” (NXB Khai Trí, 1966);
- Nguyễn Thành Long: “Em bé con nhà trời” (NXB Kim Đồng, 2000), “Chú bé hoàng tử” (NXB Văn nghệ TP. HCM, 2000), “Hoàng tử bé” (NXB Kim Đồng, 2012);
- Trịnh Nhất Định: “Hoàng tử bé” (NXB Trẻ TP. HCM, 2000);
- Thuận Thiên: “Hoàng tử bé”, in chung với truyện “Nàng công chúa nhỏ” (NXB Văn hoá Thông tin, 2005);
- Châu Diên: “Hoàng tử bé” (NXB Lao động, 2007);
- Đỗ Trinh Huệ: “Hoàng tử bé” (NXB Thuận Hoá, 2008);
- Ngọc Khánh: “Hoàng tử bé” (NXB Mỹ thuật, 2009);
- Trác Phong: “Hoàng tử bé” (Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 2013);
- Hương Hương: “Hoàng tử bé” (NXB Mỹ thuật, 2016);
- Nguyễn Tuấn Việt và Vạc Bông: “Hoàng tử bé”, in song ngữ Anh-Việt (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018);
- Vũ Thị Thu Hà: “Hoàng tử bé” (NXB Mỹ thuật, 2020);
- Lê Việt Dũng: “Hoàng tử bé” (NXB Thanh niên, 2022)...
Không dừng lại ở đó, ắt hẳn vẫn còn nhiều người muốn thử khả năng dịch thuật của mình để cho ra đời các bản dịch khác về sau...
Nhìn chung, tất cả các bản dịch có thể đều lột tả được nội dung chủ yếu của truyện, tuỳ mỗi phong cách viết của dịch giả. Song, lời văn của bản gốc tiếng Pháp thật ra rất đơn giản, trong sáng, hơi có vẻ mơ mộng và ngây thơ của một cậu bé đang lớn, đang đi tìm bạn, đang khám phá cái ý nghĩa quan trọng và cốt lõi nhất của cuộc sống con người. Lối suy nghĩ, cách sử dụng từ ngữ, cách xưng hô, cách đặt các câu hỏi và theo đuổi đến cùng các câu hỏi,... của cậu bé trong suốt cuộc hành trình đều trong veo và rất hồn nhiên. Bù lại, ngôn ngữ của người kể chuyện lại chan chứa tình yêu thương dành cho cậu bé - người bạn gặp giữa sa mạc, ở bên lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết, người đã phá tan đi mọi chai sạn xơ cứng trong tâm hồn của một “người lớn”, để trở về với cậu bé của thuở ấu thơ.
Tôi có may mắn được tiếp cận trực tiếp bản gốc năm 2000, ấn bản năm 1999 của nhà xuất bản Gallimard. Ấn bản này được in lại với những chi tiết và hình minh hoạ sát thực nhất với bản in đầu tiên năm 1943 tại Mĩ, trong khi những bản vẫn được lưu truyền và in đi in lại (mà các bản dịch tiếng Việt xưa nay thường sử dụng) đã mất hoặc sai lệch nhiều chi tiết suốt mấy chục năm liền [*]. Không dám đưa ra một phép so sánh, chỉ là tự thấy có những cảm nhận đồng điệu với tác phẩm này, nên tôi xin hân hạnh giới thiệu bản dịch của mình, với hi vọng giữ được các thông điệp quan trọng của tác giả, cũng như nhịp điệu thơ mộng của cuộc hành trình cậu bé khám phá vũ trụ, cũng là khám phá chiều sâu tấm lòng con người. Dù ít nhiều người đã từng đọc qua, hay đọc đi đọc lại nhiều lần, song biết đâu mỗi khi đọc lại chúng ta lại có một khám phá mới mẻ hơn thì sao!
Bản dịch của tôi được xuất bản lần đầu năm 2005, do Công ty Văn hoá Đông A kết hợp với Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Bản hiệu đính năm 2011, có biên tập bổ sung năm 2020, đã được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tái bản chính thức năm 2021, với bộ ảnh gốc do Quỹ Jean-Marc Probst vì Hoàng Tử Bé (Fondation Jean-Marc Probst pour Le Petit Prince) cung cấp, theo sự cho phép của Quỹ Thừa kế Saint Exupéry – d’Agay (La Succession Saint Exupéry – d’Agay), sau khi đoạn trích chương XXI được chọn làm ngữ liệu sách giáo khoa Ngữ văn 6. Tập một, Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống do Bùi Mạnh Hùng làm tổng chủ biên, Nguyễn Thị Ngân Hoa chủ biên và NXB Giáo dục Việt Nam phát hành. Ở lần tái bản thứ hai năm 2022, dịch giả có chỉnh sửa thêm vài chỗ nhằm thể hiện tốt nhất tinh thần của nguyên tác. Bản dịch này một lần nữa lại được chọn đưa vào sách giáo khoa, với trích đoạn các chương I, II và XXVII dùng trong quyển Ngữ văn 8. Tập hai, Bộ sách Cánh diều, do Nguyễn Minh Thuyết làm tổng chủ biên và Đỗ Ngọc Thống chủ biên (NXB Đại học Sư phạm TP. HCM, 2023).
Với bạn đọc, hãy xem nó như một câu chuyện cổ tích, thả lỏng tâm hồn thoát khỏi mọi vướng bận để hoà cùng từng bước đi của cậu bạn nhỏ...
Nguyễn Tấn Đại
Sài Gòn, viết lần đầu tháng 10/2007, biên tập lần thứ nhất 08/2011, biên tập lần thứ hai 10/2020, biên tập lần thứ ba 12/2021, biên tập lần thứ tư 11/2022, biên tập lần thứ năm 06/2023
[*] Xin xem thêm ở phần "Lời tựa của ấn bản tiếng Pháp năm 1999", bản toàn văn PDF kèm theo cuối chương XXVII
Lời bình trên diễn đàn
1. Hoàng tử bé: Lời tựa, 13/10/2012, 12:43
Bác Đại ơi, hồi bé cháu đã được đọc Hoàng tử bé, bìa cuốn sách có màu tím y như hình trong bài này. Nhưng rất tiếc sau đó cháu làm mất, hiện cháu muốn tìm mua lại cuốn y chang nhưng ko đc, cháu đổi sang muốn mua bản dịch cùng tác giả. Vì lúc đó ko biết để ý nên cháu ko nhớ là bản dịch của ai, (cháu chỉ nhớ những chi tiết trong lời dịch ), lúc đầu cháu nghĩ là bác nhưng khi đọc các chương ở trang này lại thấy có 1 vài chỗ khác biệt, nên bác có thể cho cháu biết tác giả bản dịch của cuốn có bìa màu tím này là ai ko ạ. Bác trả lời giúp cháu qua email nhé: ngoctravn@gmail.com
Cháu cảm ơn bác rất nhiều.
1. Hoàng tử bé: Lời tựa, 20/10/2012, 10:27, của Nguyễn Tấn Đại
Chào bạn!
"Hồi bé" của bạn là hồi nào nhỉ? Cuốn "Hoàng Tử Bé" có bìa màu xanh tím này lần đầu tiên được xuất bản là năm 2005, với bản dịch của tôi. Bộ hình minh hoạ bên trong đẹp hơn hẳn các cuốn khác đã xuất bản trước đó, vì tôi đã đưa cuốn sách gốc (hình màu) cho hoạ sĩ Trần Đại Thắng (Đông A) chụp lại, trong khi những cuốn kia dùng hình đen trắng sao đi chép lại nhiều lần của các bản dịch trước đó.
Sau hai lượt in bản dịch của tôi thì từ năm 2010, Đông A đã chuyển sang dùng bản dịch của Vĩnh Lạc (với nội dung văn bản tìm thấy dễ dàng trên Mạng), nhưng vẫn dùng ghép với bộ hình trong bản dịch của tôi. Thậm chí trong những loạt in đầu tiên, đến cả những vết cắt ghép hình cũng không sai một li so với bản của tôi. Trong bản dịch của được xuất bản chính thức của Vĩnh Lạc hoàn toàn không thể có bộ hình mới này (có những điểm khác biệt ngay trong bản gốc tiếng Pháp - bạn xem phần lời tựa mà tôi đã bổ sung trong bản hiệu đính của tôi sẽ biết rõ). Tôi có thắc mắc nhưng người đại diện Đông A không trả lời; tôi cũng bỏ qua không màng đến việc ấy nữa.
Sau này thậm chí còn có một bản dịch khác, của NXB khác, người ta "chôm" luôn cái bìa màu xanh tím do hoạ sĩ Trần Đại Thắng vẽ này để đưa vào trang lót ấn bản của họ. Thật hết biết!
Dông dài một chút như vậy, để bạn có thể hiểu rằng cuốn sách có bìa xanh tím mà bạn muốn tìm vẫn có thể là 2 bản dịch khác nhau. Nếu "hồi bé" của bạn rơi vào khoảng năm 2005-2006 thì đó quả là bản dịch của tôi; còn nếu từ 2010 trở đi thì nhiều khả năng đó là bản dịch của Vĩnh Lạc.
Thân mến,
NTĐ
2. Hoàng tử bé: Lời tựa, 27/10/2014, 03:23
chào chú, cháu muốn mua Hoàng Tử Bé có in màu đẹp nhưng do chú dịch nhưng tìm không thấy, chú chỉ chỗ cho cháu được ko ạ.
3. Hoàng tử bé: Lời tựa, 31/10/2014, 10:47, của Nguyễn Tấn Đại
Chào bạn!
Bản dịch của mình từ lâu nay không còn tái bản nữa. Có lẽ chỉ còn ở các nhà sách cũ thôi.
Khoảng 3 năm nay, Cty Đông A có dùng lại mẫu bìa này cho bản dịch của một tác giả khác là Vĩnh Lạc, tái bản khá đều đặn. Nếu ở Sài Gòn, bạn có thể ghé nhà sách Cá Chép (211-213 Võ Văn Tần, Q. 3), thấy gần đây vẫn còn bày bán nhiều.
Thân mến,
NTĐ
2. Hoàng tử bé: Lời tựa, 03/11/2012, 14:02, của Huy
Chào anh Nguyễn Tấn Đại. Em tên là Huy, hiện em là sinh viên năm hai khoa văn đang nghiên cứu sự tiếp nhận Saint Exupery ờ việt Nam, nhưng em không biết tình hình dịch thuật các tác phẩm của ông trước 75 như thế nào, hay là trước năm 75 việc đọc ông chủ yếu bằng Pháp văn hay Việt văn em không nắm rõ lắm. Nếu anh Đại có thông tin gì liên quan đến tác giả tác phẩm này thì xin chia sẻ cho em. Cám ơn anh.
1. Hoàng tử bé: Lời tựa, 04/11/2012, 11:19, của Nguyễn Tấn Đại
Chào Huy,
Thú thật với bạn là mình cũng chỉ biết qua các tác phẩm dịch HTB ở VN trước 1975 qua... đọc người khác! Cho đến giờ mình chỉ nghe nhắc đến 2 cái tên Trần Thiện Đạo và Bùi Giáng.
Đề tài của bạn có vẻ thú vị, và nếu bạn không ngại thì cứ viết qua email, mình sẽ sẵn sàng trao đổi thêm: tandaivietnam@yahoo.com. Hoặc nếu bạn ở SG thì có thể gặp nhau café nói chuyện nữa.
NTĐ
3. Hoàng tử bé: Lời tựa, 16/10/2015, 22:47
nếu bây giờ cháu muốn mua một cuốn " Hoàng tử bé" bản gốc được dịch vào năm 2005 thì đặt mua ở đâu ạ?
1. Hoàng tử bé: Lời tựa, 23/10/2015, 01:12, của Nguyễn Tấn Đại
Rất tiếc là bản in này đã không được tái bản thêm. Bây giờ may ra chỉ có thể tìm thấy ở các nhà sách cũ thôi bạn ạ.