Trang chủ > Ngôn luận và văn chương > Văn chương > Hoàng tử bé và những mối duyên lành (2)
Hoàng tử bé và những mối duyên lành (2)
Chủ nhật 27/02/2022, của
Mối “duyên rủi” 70 năm và chuyến trở về nguyên sơ
Trong tác phẩm “Hoàng tử bé” người kể chuyện là một chú phi công mộng mơ. Thuở nhỏ chú đã trút hết trí tưởng tượng vào những chuyến thám hiểm rừng sâu mà mình đọc được trong sách, rồi vẽ ra một tuyệt tác mà người lớn xung quanh chẳng ai đủ khả năng thông hiểu. Vì thế mà, “lớn lên [chú] phải chọn một nghề khác và đã học làm phi công. [Chú] đã bay gần như cùng trời cuối đất.” Đó cũng là cơ duyên dẫn đến bối cảnh chính của toàn bộ câu chuyện. “[Chú] đã sống cô độc như thế, không có ai thật sự đáng nói chuyện, cho đến khi xảy ra một tai nạn trên sa mạc Sahara, cách [đấy] sáu năm”.
Dù tác phẩm là một sự pha trộn huyền ảo giữa cổ tích, ngụ ngôn và hồi kí, nhưng bối cảnh tai nạn máy bay ấy lại là một sự việc có thật. Đó chính là chuyến bay Paris-Sài Gòn do Antoine de Saint-Exupéry thực hiện vào cuối năm 1935, nhằm mục tiêu thiết lập một kỉ lục bay xuyên lục địa mới, lúc đó do André Japy nắm giữ với thành tích 98 giờ 52 phút. Ông cất cánh tại sân bay Le Bourget sáng sớm ngày 29 tháng 12 năm 1935, cùng với người thợ máy André Prévot, trên chiếc máy bay Caudron Simoun C630. Trong đêm 30 rạng sáng 31 tháng 12, khi bay ngang qua vùng trời giáp ranh giữa Lybia và Ai Cập, ông lái máy bay hạ thấp xuống dưới nhằm tránh một vùng mây lớn, và tai nạn đã xảy ra [1].
Do muốn lập kỉ lục bay mới, Antoine de Saint-Exupéry đã ưu tiên dành chỗ đổ thêm xăng mà bỏ qua hệ thống điện đài trên máy bay. Đồ ăn thức uống còn tìm thấy được trong xác máy bay là nửa lít cà phê, một phần tư lít rượu vang trắng, một ít nho và một trái cam. Hai người đã xoay sở tìm đủ mọi cách, đi đủ mọi hướng để mong tìm được dấu vết của một nơi chốn có người ở, cách xa ít nhất 400 kilomet. Suốt ba ngày vật vã lê chân vô định giữa muôn trùng cát, có những lúc chỉ thấy toàn ảo ảnh, tưởng đã chết đi sống lại, cuối cùng may mắn có một đoàn du mục đi ngang. Giữa chói chang sa mạc cổ họng cháy khô, một tiếng kêu cũng không buông ra nổi, bóng người du mục nghèo khó hiện ra trước mắt hai nạn nhân giống như là “đức chúa trời đầy quyền năng ban trao nước uống” [2], một thức uống nhiệm màu mang sự sống trở về từ bên bờ cõi chết.
Ảnh: Antoine de Saint-Exupéry bên xác chiếc máy bay Simoun C630. Nguồn: Succession Saint Exupéry – d’Agay.
Sau khi hồi phục, ông đã kể lại tai nạn này trên báo L’Intransigeant (Người không khoan nhượng) qua sáu kì đăng từ ngày 30 tháng 1 đến ngày 4 tháng 2 năm 1936. Sau đó ba năm, ông đã kết hợp những trang viết về tai nạn này cùng nhiều suy tưởng của mình qua nhiều tác phẩm và cả một lần tai nạn máy bay sau đó nữa, để viết nên tác phẩm “Terre des hommes”, mà Bùi Giáng đã dịch thành “Cõi người ta”. Ngay lập tức, tác phẩm này đã gây tiếng vang và đạt được Giải thưởng lớn dành cho tiểu thuyết của Viện Hàn lâm Pháp. Thế nhưng, những tâm tư trăn trở của ông vẫn chưa dừng lại, như trong một bức thư ông gửi mẹ năm 1940 [3]:
Nguồn nước tươi mát duy nhất, con chỉ tìm thấy trong vài kỉ niệm tuổi thơ: mùi hương nến đêm Giáng sinh. Chính tâm hồn ngày nay đã trở nên xiết bao khô cằn. Ta chết vì khát.
Con có thể viết, con có thời gian, nhưng con không biết viết thế nào, quyển sách chưa chín muồi trong con. Một quyển sách có thể “ban trao nước uống”.
Suốt từ khi tai nạn xảy ra cho đến sáu năm sau, những tâm tư, suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc sống và về thân phận con người đã không ngừng nung nấu trong lòng tác giả. Kể cả những hoài niệm tuổi thơ cũng không ngừng tuôn chảy ngược về hiện tại. Rồi với đơn đặt hàng của nhà xuất bản Reynal & Hitchcock, muốn ông viết một tác phẩm dành cho trẻ em mùa Giáng sinh năm 1942, ông đã lột bỏ hết các yếu tố hiện thực trong “Terre des hommes”, bổ sung thêm các nhân vật khác, kết hợp những chuyến viễn du đã từng trải qua, chăm chút từng câu từng chữ như muốn truyền hết những cảm nghĩ cuộc đời mình cho các bạn đọc nhỏ tuổi, viết nên thiên phẩm “Hoàng tử bé”. Đơn giản nhất có thể, trong sáng nhất có thể. Sự đơn giản tối thượng đó cũng chính là sự sâu sắc thâm thuý tột cùng.
Ở chương XXV, tác giả đã chuyển hoá ý tưởng về quyền năng “ban trao nước uống” thành một đoạn văn trong trẻo thuần khiết như sau:
Và tôi chợt hiểu ra thứ mà cậu đi tìm.
Tôi đưa gàu nước lên môi cậu. Cậu uống, đôi mắt nhắm nghiền. Thật êm đềm như một nghi lễ! Thứ nước này là gì đó khác hẳn một thức uống. Nó đã được tạo ra từ những bước chân dưới bầu trời sao, từ tiếng hát của chiếc ròng rọc, từ sự gắng sức của đôi tay tôi. Nó thật tốt cho trái tim, như một món quà. Hồi tôi còn nhỏ, ánh sáng từ cây thông giáng sinh, tiếng nhạc thánh lễ lúc nửa đêm, cùng những nụ cười dịu dàng, tất cả đã tạo nên vầng sáng lung linh quanh món quà Giáng sinh mà tôi được nhận.
Vì tác giả muốn tự tay vẽ tranh minh hoạ với tất cả tình yêu thương dành cho nhân vật của mình, tác phẩm chỉ được xuất bản chính thức ngày 6 tháng 4 năm 1943. Đây là đợt phát hành duy nhất khi tác giả còn sống, cả bản gốc tiếng Pháp lẫn bản dịch tiếng Anh của Katherine Woods. Và đây cũng là tác phẩm cuối cùng của Antoine de Saint-Exupéry lúc sinh thời, bởi đúng một tuần sau đó ông lên đường tham gia chiến đấu cùng quân kháng chiến Pháp. Hơn một năm sau, ngày 31 tháng 7 năm 1944, ông đã thực hiện chuyến bay nhiệm vụ cuối cùng của mình rồi vĩnh viễn không trở lại.
Một chuyến ra đi phải chăng đã được tiên liệu sẵn, như chuyến trở về tiểu hành tinh B612 cùng bông hoa hồng kiêu kì yêu dấu của hoàng tử bé? Hầu như ai cũng đồng thuận rằng nhân vật hoàng tử bé chính là hiện thân của tác giả, và trong chương kết ông đã viết rằng: “tôi biết chắc rằng cậu đã trở về hành tinh của mình, bởi vì, bình minh hôm sau tôi đã không còn thấy thân thể của cậu. Một thân thể chẳng nặng nề gì mấy…” Một điều trùng hợp kì lạ với sự mất tích của ông giữa muôn trùng khơi, khi mà mãi đến hơn 50 năm sau người ta mới lần lượt tìm thấy những di vật và xác chiếc máy bay ngoài khơi Marseille, nhưng hoàn toàn không có vết tích thân thể của ông, như đã vĩnh viễn hoà tan vào lòng Địa Trung Hải.
Với bạn đọc Việt Nam, tác phẩm đã được dịch từ bản tiếng Pháp lần đầu tiên vào năm 1966, với hai bản dịch của Trần Thiện Đạo và Bùi Giáng. Nếu như Trần Thiện Đạo đặt tên Việt cho tác phẩm là “Cậu hoàng con”, thì Bùi Giáng đã rất sáng tạo đặt tên “Hoàng tử bé”, để từ đó nhân vật đáng yêu này đi cùng bạn đọc Việt Nam qua bao nhiêu năm tháng. Bản dịch của Bùi Giáng cũng tạo dấu ấn sâu sắc và dài lâu nhất trong nhiều thế hệ độc giả, bởi cho đến tận 20 năm sau mới có một bản dịch khác xuất hiện, “Chú bé hoàng tử” của Nguyễn Thành Long, do Nhà xuất bản Ngoại văn phát hành (1987) và được tái bản với tựa “Em bé con nhà trời” (NXB Kim Đồng, 2000). Rồi lần lượt xuất hiện các bản dịch cùng tựa “Hoàng tử bé” của Vĩnh Lạc (NXB Đồng Nai, 1994) và Trịnh Nhất Định (NXB Trẻ, 2000).
Ảnh: Bìa các bản dịch tiếng Việt truyện “Hoàng tử bé”. Nguồn: Petit Prince Collection.
Điểm chung của các bản dịch này là hầu hết đều dựa vào bản tiếng Pháp phát hành tại Pháp từ 1946, và in minh hoạ đen trắng. Bản dịch của tôi là bản thứ bảy, do nhà Đông A phối hợp với Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành năm 2005, có một sự khác biệt cơ bản. Đó là, tôi dựa vào bản gốc tiếng Pháp do Gallimard phát hành năm 1999, được phục hồi nguyên vẹn và trung thành nhất so với nguyên bản phát hành năm 1943 tại Mĩ. Như vậy, có thể xem là 70 năm sau tai nạn làm gián đoạn chuyến bay đến Sài Gòn, một mối nhân duyên run rủi đã đưa chàng hoàng tử bé trở về Việt Nam đầy trọn vẹn với những gì nguyên sơ, tinh khôi nhất của thuở ban đầu.
Chuyến trở về từ mối “duyên rủi” này, thực ra lại được khởi sinh qua một mối duyên hạnh ngộ khác, kéo dài 100 năm.
Kì sau: Mối duyên hạnh ngộ 100 năm
[1] Succession Saint Exupéry – d’Agay. Paris-Saïgon (1935). Antoine de Saint Exupéry. https://www.antoinedesaintexupery.com/personne/paris-saigon-1935/
[2] Antoine de Saint-Exupéry. Terre des hommes. Gallimard, 2000, p. 157.
[3] Antoine de Saint-Exupéry. Lettres à sa mère. Gallimard, 2001, p. 230.