Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Đi và ngẫm > Strasbourg kí sự (1)

Strasbourg kí sự (1)

Chủ nhật 12/05/2013, của Nguyễn Tấn Đại

Đôi lời giới thiệu

Loạt bài này đã được bắt đầu viết từ năm 2011, vì nhiều lí do mà gián đoạn trong một thời gian dài. Nay xin trích đăng lại dần dần, để sau đó tiếp nối với những dòng suy nghĩ hiện tại về những hành trình đã đi qua.

Strasbourg, 05/2013

Lời hẹn 10 năm

Mười năm trước, rời nước Pháp, tôi nhủ thầm: “Chào Paris! Chào nước Pháp! Một ngày kia ta sẽ quay trở lại.” Dẫu khi ấy, đó là một lời hứa tuổi trẻ, cuộc sống có gian khó đến mấy đi nữa thì cũng chỉ đóng khung trong bốn bức tường của trường học, được bảo bọc, che chở với cái nhìn giản đơn từ sách vở.

Mười năm sau, giữ được lời hẹn quay lại nước Pháp, nhiều thứ đã đổi thay. Mười năm, sự đổi thay trong con người không biết là bao lớn, nhưng xung quanh thì đổi khác rất nhiều. Khác từ con đường vào sân bay, với cái nhìn từ trên cao thoáng đãng, chưa bị những khối bê tông sắt thép cao tầng che chắn như ở khu trung tâm. Khác đến những thủ tục hải quan đơn giản hoá tối đa, không còn những tờ khai báo lằng nhằng chẳng để làm gì, chỉ tổ tốn thời gian, tốn giấy mực và ô nhiễm môi trường, không thể kéo dài mãi cái cách xem ai cũng có nguy cơ trở thành tội phạm mỗi bước đi đều phải khai báo (dù biết rằng khai chẳng mấy khi đúng và đủ). Khác tận những anh chị nhân viên hải quan không còn mặt mày cau có nghiêm trọng mà đã nhẹ nhàng tươi tắn hơn, khách thông quan nhanh với một tinh thần thoải mái. Khác đến cả những phòng chờ với tầm nhìn đẹp, bài trí sang trọng và hiện đại, biết tận dụng đến những cơ hội cuối cùng nhằm “móc túi” du khách với những cửa hàng nhỏ với câu khẩu hiệu “Duty free. Last chance to buy”...

Nhà chờ ga hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tháng 3/2011 © Nguyễn Tấn Đại

Đường về Strasbourg

Nếu như một nước đang phát triển như Việt Nam thay đổi nhiều để cho người dân có nhiều cơ hội dễ dàng bước ra với thế giới, thì dường như mấy “anh nhà giàu” lại thay đổi theo hướng ngược lại. Sân bay Charles de Gaulle (CDG) rộng mênh mông, từ máy bay ra đến cổng hải quan dài dằng dặc, rồi cả đoàn người ùn lại trước hai “ụ” lèo tèo vài nhân viên hải quan đứng gác. Nhóm mang hộ chiếu thuộc Liên minh châu Âu qua một bên, nhóm mang hộ chiếu các nước khác qua một bên. Mấy anh nhân viên hải quan lại trở nên kĩ lưỡng hơn bên nhà mình, săm soi từng chút cái hộ chiếu và visa, hỏi mấy câu nữa rồi mới cho qua.

Thông quan đã chậm, chờ lấy hành lí còn chậm hơn. Không biết có phải do còn quá sớm hay không, chưa đầy 7 giờ sáng trong khi dân Tây “cựa mình” ra khỏi nhà cũng phải 8-9 giờ, mà hành lí cứ cà rịch cà tang nhảy ra từng cái một. Đúng gọi là “nhảy”, vì ra khỏi cửa hầm hành lí là một cái bờ dốc xuống 45 độ, rồi cả cái băng chuyền cũng cứ thế mà nghiêng theo; những chiếc vali cứ “nhảy” từ cửa hầm xuống dốc cồm cộp, ai mua trúng hàng dỏm chắc chỉ có khóc ròng, vì nếu không sút bánh tụt quai thì cũng sứt mẻ móp méo. Đứng chờ hơn 15 phút, băng chuyền chạy cả chục vòng vẫn không thấy hành lí của mình đâu, chỉ sợ thất lạc hay chậm quá mà trễ giờ tàu nhanh về Strasbourg. Thành ra, gặp một chị hàng xóm ở Đơn Dương, bạn cùng lớp với bác nhạc sĩ Trần Quốc Điền, đi cùng chuyến nhưng về Troyes, định tranh thủ uống cà phê nói chuyện một chút mà cũng không kịp, đành xin số điện thoại gọi lại sau.

Ga tàu cao tốc, sân bay Charles de Gaulle, tháng 3/2011 © Nguyễn Tấn Đại

Dù đã “ngâm cứu” trên mạng khá kĩ trước khi đi, lại tưởng bở với chút kinh nghiệm từ mười năm trước, đến khi lạc vào “bát quái trận đồ” CDG thì mới tá hoả, lần mò từng chút theo cơ man nào là bảng hiệu to nhỏ trên dưới trước sau. May là đi tới đi lui một hồi cũng tới được đúng chỗ ga tàu nhanh. Sáng sớm Paris trời lành lạnh, chắc là hơn Đà Lạt hồi mình còn nhỏ một chút, nhà ga sân bay biếng lười ngái ngủ, lác đác vài mươi hành khách đứng chờ con tàu cao tốc trườn mình trờ tới.

Ga tàu cao tốc, sân bay Charles de Gaulle, tháng 3/2011 © Nguyễn Tấn Đại

Bên ta bà con cứ ùn ùn đòi làm đường cao tốc 300 km/h trong khi tiền bạc không có phải đi vay, kiểu như trả nghĩa ân tình cho chủ nợ và nhiều thứ khác nữa, mà hạ tầng kĩ thuật cũng như xã hội gần như là con số không đối với lĩnh vực tàu cao tốc. Cũng giống như đường tàu hoả của Việt Nam, tàu cao tốc Paris CDG-Strasbourg đi qua chủ yếu là vùng nông thôn với vài điểm dừng vắng vẻ. Hầu hết dọc đường là đồng quê và những làng mạc nhỏ. Nếu như mỗi ngôi làng Việt Nam thường có đặc trưng là luỹ tre với con trâu gặm cỏ, thì hầu hết những ngôi làng Pháp lại có vài mươi nóc nhà quần tụ quanh một ngôi nhà thờ, với những con đường nhỏ uốn lượn quanh quanh. Điểm khác biệt lớn nữa là, đồng xứ Tây không bị chia cắt nát vụn như ruộng xứ mình; cũng là sự khác biệt giữa trình độ cơ giới hoá nông nghiệp và trình độ tiểu nông “con trâu đi trước cái cày theo sau” vẫn còn phổ biến ở quê nhà. Tàu chạy tốc độ bình quân 200 km/h, vượt quãng đường chim bay 400 km hết hơn hai giờ đồng hồ; cửa kiếng hai lớp chống lạnh và trong lành để thưởng ngoạn phong cảnh, chẳng cần rào lưới sắt bảo vệ chống... ném đá bên ngoài (?!). Tàu này mà chạy ở Việt Nam thì chắc chẳng còn nguyên lành hình hài sang trọng như thế.

Đồng quê nước Pháp, tháng 3/2011 © Nguyễn Tấn Đại

NTĐ

Tháng 03/2011

(Còn tiếp)

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)