Trang chủ > Tản mạn > Đơn Dương > Xe buýt
Xe buýt
Tản mạn về xe buýt Đà Lạt - Đơn Dương
Thứ sáu 16/05/2008, của
Xưa nhỏ nghèo, đi Đà Lạt Sài Gòn đều khó khăn. Xe con cóc chất đầy người và hàng hoá, chạy cà rịch cà tang như không muốn tới nơi. Khách khó chịu mà chẳng dám hó hé nửa lời, nhiều lắm cũng cự nự vài câu rồi ngậm bồ hòn làm ngọt...
Đi học về, từ nhìn ngắm thế giới và bầu trời bao la chui tọt lại vào những chiếc xe con cóc, tự dưng thấy rầu. Sao nhà nước không tập hợp xe con cóc lại, cho chạy theo giờ giấc đàng hoàng như xe buýt, có chặng, có trạm, có vé, có giá hẳn hoi; khi có nhiều khách nhiều vốn rồi thì nâng cấp xe lên thành xe buýt hiện đại máy lạnh ghế nệm rộng rãi êm ả... Đúng là một ý tưởng đầy lãng mạn của một chàng trai trẻ mang bao ước mơ làm thay đổi cuộc sống, vừa bước chân ra khỏi mái trường, còn quá sớm để có thể hiểu được sự phức tạp của đời sống, của các mối quan hệ kinh tế và quyền lực...
Năm năm sau, các “đại gia” đã làm được điều thực tế hơn ý tưởng lãng mạn kia. Những chuyến xe buýt rải khắp tỉnh, đẩy dần những chiếc xe con cóc lùi vào kí ức dĩ vãng. Bộ mặt cuộc sống thay đổi. Con người ta sau khi đã dễ tìm được phương tiện lo cái ăn no cái mặc ấm, thì bắt đầu chú ý đến ăn gì cho ngon mặc gì cho đẹp. Khách hàng trở thành thượng đế. Mà thượng đế thì không thể hài lòng mãi với xe con cóc dằn xóc nhồi nhét kinh người. Các anh chị cán bộ công chức, các bác nông dân, các bà các cô buôn hàng chuyến, các em học sinh áo trắng quần xanh hay áo dài thước tha,... tất thảy đều quen dần với những chuyến xe buýt. Chạy, dừng, lên, xuống, đến, đi... tất thảy đều... hơi thong thả (!) Chỉ hơi thôi, bởi xe buýt chỉ mới xuất hiện trong đời sống miệt quê chưa tròn năm, cái thong thả cần có của nó chưa thể đạt tới độ chín. Nhưng thế đã là đạt! Người ta nói cái xứ ấy tuy nằm trong hóc hẻm, có vẻ quê mùa nghèo nàn nhưng cái cốt lại rất sang cả, không thua gì các thành phố lớn. Đồ ăn thức uống là một. Xe buýt này nữa cũng là một minh chứng.
Chỉ là cái cốt sang cả, nhưng cái vẻ vẫn còn mờ nhạt. Các bác tài hay anh chị bán vé, nhiều người rất niềm nở, nhiệt tình, lễ độ, như luôn khắc ghi trong lòng câu khẩu hiệu “Chất lượng là danh dự” dán rõ mồn một trên xe. Nhưng cũng có những người, dù vẫn nhiệt tình, xởi lởi, trách nhiệm, dễ quát tháo, to tiếng, cau có với hành khách. Người ta đi chưa quen, ừ thì thôi chịu khó ân cần nhẹ nhàng giải thích. Có lẽ, cả các bác tài hay người bán vé đều chưa quen cả! Ừ, thì thôi, từ người nông dân cầm cuốc công nhân cầm búa bước thẳng lên người nhân viên dịch vụ, cũng cần có đủ thời gian để thích nghi. Từ bác nông dân anh công nhân cô thương buôn chị viên chức em học sinh đơn giản chân chất miệt quê bước thẳng lên thành người thụ hưởng dịch vụ đô thị, cũng cần có thời gian thích nghi. Có qua có lại vậy mà!
Vả lại, do cả đời sống xã hội nữa! Xưa kia học trò dưới “mái trường xã hội chủ nghĩa” vẫn thường được dạy lên xe phải nhường chỗ cho người già, phụ nữ, trẻ em, dù có mấy dịp được đi xe khách, còn xe buýt thì chỉ là giấc mơ xa xôi. Nay đùng một cái xe buýt tràn ngập, thế là cứ ùa lên tranh nhau cái ghế ngồi, được phần ta chả cần biết phần người. Ngoài xã hội tranh nhau thế, trong xe buýt làm sao khác đi được! Dù là một anh viên chức trung niên, một bạn thanh niên khoẻ mạnh, ai cũng điềm nhiên ngồi, khoanh tay ngó lơ qua cửa sổ, dù một cụ già mới bước lên, một em nữ sinh đang ôm cột đứng cạnh... Đừng nói ở quê, ngay ở cái thành phố lớn nhất nước cũng thế thôi! Cả nước đều làm thế, nên chuyện đương nhiên phải làm thành ra chuyện lạ. Một chị phụ nữ giật mình khi có người đứng lên mời chị ngồi, và hoảng hốt từ chối, nhất quyết lom khom giữa đường đi. Một em nữ sinh bẽn lẽn mắc cỡ lắc đầu, dù có một nụ cười tử tế mời ngồi vào ghế. Có người ngồi trên xe cứ hết đứng lên lại ngồi xuống mỗi lượt xe dừng khách lên. Vài cặp mắt mỉm cười ủng hộ. Vài cặp mắt ơ hờ ngó lơ. Vài tia nhìn khó chịu đồ làm màu... Đủ loại thái độ có thể có trước một việc đương nhiên phải làm. Việc đương nhiên phải làm nhưng nếu không đủ bản lĩnh, hay nôm na là dám biến thành người khùng trong thời đại của mình, thì không phải ai cũng dám làm!
Đứa cháu trai lên lớp bảy, chân tay lòng ngòng. Nó vẫn đi học bằng xe buýt. Hỏi con lên xe có nhường chỗ cho bạn nữ không. Ỏn ẻn cười. Con phải nhớ điều này: lên xe buýt, người trẻ phải nhường chỗ cho người già, người lớn phải nhường chỗ cho trẻ em, người nam phải nhường chỗ cho người nữ. Nhưng không có chỗ, ai cũng ngồi hết mà. Không ai làm thì con vẫn cứ làm, đàn ông thanh niên mà, đúng không. Ỏn ẻn cười. Bài học dưới “mái trường xã hội chủ nghĩa” xưa người ta đã quên mất. Nhưng bài học làm con người chân chính và văn minh thì vẫn còn mãi với cuộc đời...
Sài Gòn, ngày 19/09/2007