Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Đơn Dương > Hồi ức cầu xe lửa Dran

Hồi ức cầu xe lửa Dran

Chủ nhật 12/07/2020, của Nguyễn Tấn Đại

Quê tôi nằm dọc tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm-Đà Lạt, là một công trình độc đáo mà người Pháp đã xây dựng trong thời kì đô hộ Đông Dương. Tuyến đường sắt này có hai cây cầu vượt sông bằng sắt, một tại Tân Mỹ và một tại Dran. Chiếc cầu sắt Tân Mỹ được xây dựng trong giai đoạn đầu hình thành (1903-1913), kiến trúc thô kệch không có gì đặc sắc. Chiếc cầu sắt Dran có lẽ ra đời trong giai đoạn hoàn thành các chặng nối dài cho đến Đà Lạt, nhất là đoạn từ ga Eo Gió (đỉnh đèo Ngoạn Mục) đến ga Càn Rang (Lạc Thiện, Dran) những năm 1926-1927 [1]. Khác với Tân Mỹ, cầu sắt Dran là một công trình diễm lệ, với ba nhịp cầu uốn cong thanh thoát vắt qua dòng sông Đa Nhim khi ấy còn rất rộng, sau lưng là sườn núi vươn cao như một điểm tựa vững chãi.

Cận cảnh cầu xe lửa Dran.

Ảnh 1: Cận cảnh cầu xe lửa Dran. Tác phẩm đầu tay với chiếc máy ảnh compact, mùa xuân 1994.

Từ năm 1972, tuyến đường sắt đặc biệt này bị ngưng khai thác do chiến sự căng thẳng. Sau khi hoà bình lặp lại, việc khai thác trở lại cũng không mấy khả quan. Rồi một ngày “đẹp trời” nào đó, ngành đường sắt đã cho tháo gỡ các thanh ray của tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm-Đà Lạt để sửa chữa những đoạn đường sắt Bắc-Nam bị hư hỏng. Đến năm 1990, những chiếc đầu máy xe lửa hơi nước nằm im lìm trong các nhà ga hoang phế ở Krong Pha và Đà Lạt lại được bán cho người Thuỵ Sĩ với giá “đồng nát”. Nhà ga Eo Gió nơi đón đoàn tàu vượt đèo Ngoạn Mục qua ngàn mét núi cao trùng điệp trở thành chuồng bò kho chứa. Nhà ga Càn Rang nơi khách lên xuống chuẩn bị cho một hành trình vượt đèo Dran qua tiếp năm trăm mét núi cao mây trắng nắng tràn bị xâm lấn dần dần biến thành nhà ở của cư dân ven tuyến đường. Những tiếng còi tàu chỉ còn văng vẳng trong tiềm thức người già và trong trí tưởng tượng của một số người trẻ tuổi.

Toàn cảnh cầu xe lửa Dran.

Ảnh 2: Toàn cảnh cầu xe lửa Dran. Tháng 05/1996.

Trong cái trí tưởng tượng ấy, hình ảnh đoàn tàu phùn phụt hơi nước vượt qua ba nhịp cầu cong cong trên mặt nước lững lờ hẳn là giống một thiếu nữ phơi phới thanh tân đương thời xuân sắc. Tôi sinh ra và lớn lên trong cái “thung lũng mây” yêu dấu ấy, mỗi ngày đi qua lại một lần khắc sâu hình ảnh chiếc cầu sắt trầm mặc, im lìm bên “dòng sông nước mắt” lững lờ không trôi. Cứ như là một mệnh phụ phu nhân đài các lặng thầm mặc tưởng về một thuở xuân thì.

Cầu xe lửa Dran nhìn từ chùa Giác Nguyên.

Ảnh 3: Cầu xe lửa Dran nhìn từ chùa Giác Nguyên. Mùa xuân 2003.

Thời học cấp II, tôi mê sinh hoạt Đội. Vì vậy, dù được kết nạp đội trễ nhất (lớp 5) so với các bạn cùng lứa, tôi vẫn mau chóng trở thành “cán bộ Đội” cực kì năng nổ, tích cực, gọi là “máu”. Trong vòng 3 năm từ lớp 7 đến lớp 9, tôi trải qua đến 4 “đời” Tổng phụ trách Đội. Đó là giai đoạn phong trào Đoàn-Đội bắt đầu đi xuống dưới tác động của kinh tế thị trường thời kì mở cửa. Khi các anh chị nòng cốt ở các khoá trên lên cấp III rồi ra trường, tôi trở thành người lôi kéo, thúc giục, năn nỉ bạn bè và các khoá sau tham gia sinh hoạt Đội với một niềm tin hoàn toàn trong trẻo, ngây thơ. Đó cũng là những cơ duyên dẫn đến những bức ảnh lịch sử mà tôi có được về cây cầu sắt đặc biệt này.

Năm lớp 7, trong một lần đạp xe vào đồi thông Châu Sơn chơi, gặp thầy Lê Công Quý đeo máy ảnh hướng dẫn các anh chị khoá 1992 chụp ảnh, tôi đứng nhìn từ xa một cách vừa tò mò vừa ngưỡng mộ. Đến những năm lớp 9, lớp 10, khi hướng dẫn sinh hoạt cho các bạn khoá 1999, chúng tôi thường tụ tập tại nhà Nguyễn Hữu Tuấn con chú Nguyễn Hữu Đô. Chú Đô làm nghề chụp ảnh nên có nhiều tạp chí ảnh, tôi được xem ké và dần dần hình thành niềm yêu thích chụp ảnh, dù không có chút phương tiện nào để thực hành.

Khu trung tâm thị trấn Dran nhìn từ chùa Giác Nguyên.

Ảnh 4: Khu trung tâm thị trấn Dran nhìn từ chùa Giác Nguyên. Mùa xuân 2003.

Mùa thu năm 1993, tôi học lớp 10, thị trấn Dran hứng chịu một trận lũ lịch sử do mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về ồ ạt, đập Đa Nhim buộc phải xả lũ cấp tốc cả 4 cửa khổ. Mới tờ mờ sáng, người dân khu vực Quảng Lạc đã thấy nước ngập đến tận chân giường. Đến sáng người dân trên phố thức dậy thì nước đã mấp mé mặt cầu xe hơi và gần ngập trụ đá cầu sắt. Thuở ấy các anh công an đập Đa Nhim có nuôi cá mè trong lòng hồ để “tăng gia sản xuất”; những chú cá mè to bằng cả bắp chân người bị nước dập tơi tả, phơi trắng bụng lềnh bềnh trong dòng nước đục ngầu. Nhiều người cầm vợt dài đứng mặt bên này cầu xe hơi tranh thủ vớt cá. Riêng chú Chín Khùng đứng mặt cầu bên kia, thấy con cá to “thoát” khỏi các tay “vợt thủ” bèn lao xuống ôm chầm lấy, rồi nương theo dòng nước đến trụ đá cầu sắt, bám vào trèo lên. Nhiều người dân Đường Mới phải chạy lũ dồn về khu đường ray xe lửa, đứng lô nhô trên nhịp cầu sắt, thấy cảnh đó chỉ có lắc đầu thè lưỡi.

Toàn cảnh thị trấn Dran nhìn từ chùa Giác Nguyên.

Ảnh 5: Toàn cảnh thị trấn Dran nhìn từ chùa Giác Nguyên. Mùa xuân 2003.

Cơn lũ qua đi để lại một bãi đá dài phía sau cầu xe hơi hướng về cầu xe lửa. Lâu ngày bãi đá biến thành bãi bồi, nhiều người tận dụng làm đất trồng trọt. Đó cũng có thể là nơi chăn bò, thả ngựa loanh quanh ăn cỏ bên bờ sông. Mùa xuân năm 1994, dịp Tết, tôi mượn được chiếc máy ảnh compact của ông anh rể. Thế là hí hoáy ráp phim, chạy xuống bãi đá này chụp hình chiếc cầu sắt. Sau rửa ra, tấm đầu tiên phim bị cháy do ở đầu cuộn, tấm thứ hai thành công, chính là bức ảnh số 1 của bài viết này. Tác phẩm nhiếp ảnh đầu tay của tôi ra đời như thế, và cho đến nay đó là một trong hai bức ảnh tôi ưng ý nhất về cây cầu sắt Dran, dù chỉ chụp bằng một chiếc máy ảnh compact rẻ tiền. Đến năm 1996, dịp tốt nghiệp ra trường, tôi cũng mượn được máy ảnh để chụp hình kỉ niệm và dĩ nhiên tôi không quên cây cầu sắt, dù thần thái bức ảnh (số 2) không được ưng ý như hai năm trước đó.

Cầu xe lửa Dran: Tuổi thơ bên sông.

Ảnh 6: Tuổi thơ bên sông. Mùa xuân 2004.

Năm 2000, tôi đi du học Pháp sau khi tốt nghiệp đại học. Niềm vui chụp ảnh được thoả mãn vì có tiền dành dụm mua được bộ máy ảnh bán tự động, với đầy đủ phụ tùng, đèn flash, ống kính xa gần, chân máy các loại. Học xong về nước, chiếc cầu sắt vẫn lừng lững u buồn nằm đó cùng năm tháng nắng mưa. Mỗi dịp về Tết, tôi lại lang thang chụp ảnh với niềm mong mỏi một ngày nào đó lập một website chia sẻ hình ảnh quê hương với những người đồng hương đang rải rác khắp bốn phương tứ xứ. Internet những ngày ấy vẫn còn là một thứ gì xa xỉ ở Việt Nam, và Mark Zuckerberg vẫn còn chưa vào đại học để tạo nên đế chế Facebook mấy năm về sau. Chỉ khổ một nỗi, tiền mua phim và rửa hình rất tốn kém, mà kết quả chụp thì không thể thấy ngay như máy ảnh số, nên không phải lúc nào tôi cũng quay về đề tài cầu xe lửa. Lại càng không thể hình dung một ngày nào đó nó sẽ biến mất không còn tồn tại trên đời.

Cầu xe lửa Dran: Ngựa non (1).

Ảnh 7: Ngựa non (1). Mùa xuân 2004.

Dịp Tết 2003, tôi khệ nệ vác bộ máy ảnh leo lên sườn núi phía sau chùa Giác Nguyên, hướng nhìn ngược về thị trấn. Riêng hôm ấy tôi bấm có lẽ đến vài chục bức ảnh từ toàn cảnh đến cận cảnh, từ góc rộng đến tele. Vì chưa có máy ảnh số và công nghệ chụp panorama như bây giờ, tôi phải kéo zoom hết mức, rồi canh từng khuôn ảnh nhỏ để chụp sao cho thấy hết các chi tiết của thị trấn, với dự định sẽ rửa ra hết rồi ghép lại thành một bức toàn cảnh độ nét cao. Nhưng cách làm thủ công thô sơ ấy không thể đạt kết quả như ý, vì chỉ cần lệch góc một chút, ánh sáng khác một chút, rồi tiệm ảnh rửa nước màu khác một chút… thì sản phẩm lắp ghép không còn như kì vọng, mất hết nét đẹp thu được vào tầm mắt khi đứng nhìn từ trên cao. May mắn là trong loạt hình đó, có một tấm ghi lại được trọn vẹn hình ảnh chiếc cầu xe lửa bắt xéo qua sông, hướng về trung tâm thị trấn trước khi rẽ trái vào Lạc Thiện (số 3). Bức ảnh ghép duy nhất có thể thực hiện chính là từ tấm này và một tấm chụp nối sang chiếc cầu xe hơi, tạo thành một bức panorama cận cảnh toàn bộ khu trung tâm thị trấn với hai chiếc cầu hai bên (số 4). Từng mái nhà uốn quanh chân đồi hiện ra mồn một, là những chi tiết khó lòng thấy được với ảnh chụp toàn cảnh thị trấn bằng ống kính góc rộng (số 5).

Cầu xe lửa Dran: Ngựa non (2).

Ảnh 8: Ngựa non (2). Mùa xuân 2004.

Một năm sau, lượng hình ảnh và tư liệu tích cóp vẫn chưa được như ý, dịp Tết 2004 tôi lại về Đơn Dương tiếp tục vác máy lang thang săn ảnh. Như một định mệnh, khi đi ngang qua cầu xe hơi, tôi bắt gặp một cảnh đầy ấn tượng: một cậu bé mặc đồng phục học sinh quần xanh áo trắng, vừa chăn bò vừa tranh thủ học bài bên bờ sông. Xung quanh còn có vài chú ngựa cả già lẫn non được ai thả lang thang gặm cỏ. Một khung cảnh đầy an nhiên tự tại. Tôi lập tức dừng xe giữa cầu, bấm ngay một pô ảnh có thể nói là để đời về cây cầu sắt Dran (số 6), vì sau dịp đó không còn ai có bất cứ cơ hội nào khác nữa. Tấm này về sau lập diễn đàn Đa Nhim tôi đã đăng tải và đặt tên “tuổi thơ bên sông”. Sau đó, tôi chạy xe xuống hẳn dưới bờ sông để chụp thêm một loạt ảnh khác. Một chú ngựa non lang thang ăn cỏ bên sông với hậu cảnh là nhịp cầu sắt cong cong trở thành chủ đề cho các bức ảnh số 7 và số 8. Trong bụng nghĩ rằng, hồi xưa mới “vào nghề” bằng chiếc máy ảnh compact mà còn chụp được tác phẩm ưng ý đến vậy, nên với bộ “đồ nghề” chuyên nghiệp trên tay hôm ấy, ắt phải có thêm nhiều “tuyệt phẩm”. Nhưng thực sự tôi đã nhầm. Trong loạt ảnh chụp này, các bức từ xa (số 9) đến gần (số 10), từ dọc (số 11) đến ngang với các bụi cây làm tiền cảnh (số 12) hết thảy đều không có được cái thần thái đã thu được trong bức ảnh đầu tay năm xưa.

Cầu xe lửa Dran những tháng ngày cuối cùng (1).

Ảnh 9: Cầu xe lửa Dran những tháng ngày cuối cùng (1). Mùa xuân 2004.

Rời Dran mùa xuân năm ấy, tôi không ngờ rằng chỉ vài tháng sau, chiếc cầu sắt đã đột ngột biến thành đống sắt vụn. Thời điểm đó, anh trai tôi đang làm phó chủ tịch thị trấn. Sau về nhà hỏi chuyện, anh bảo việc đó do ngành đường sắt đơn phương quyết định, chính quyền địa phương không hay biết và cũng không kịp can thiệp. Bây giờ anh đã mất, những lãnh đạo chính quyền khi ấy giờ cũng đã nghỉ hưu cả, chẳng còn ai để đối chứng, kiểm tra, làm rõ. Mà có thì cũng chẳng biết giải quyết được việc gì không. Hơn mười lăm năm trôi qua, để thấy hết nguồn cơn cái quyết định ấu trĩ ngày ấy của ngành đường sắt thì cần nhìn lại câu chuyện theo chiều dài lịch sử, gắn với cả những câu chuyện tháo ray đường sắt răng cưa sửa ray đường sắt Bắc-Nam hay bán “đồng nát” những chiếc đầu máy xe lửa hơi nước thuộc loại độc nhất vô nhị trên thế giới cũng theo chu kì 15-20 năm trước đó. Hay cả cái sự loay hoay bế tắc với hệ thống đường sắt quốc gia ngày hôm nay không khá hơn được chút nào so với những gì người Pháp đã tạo dựng và để lại từ gần một thế kỉ trước.

Cầu xe lửa Dran những tháng ngày cuối cùng (2).

Ảnh 10: Cầu xe lửa Dran những tháng ngày cuối cùng (2). Mùa xuân 2004.

Sáng sớm ngày 24/06/2004, báo Tuổi Trẻ đăng bài “Cái chết của một cây cầu trăm tuổi” với hình ảnh chiếc cầu sắt lịch sử đổ sụm bên dòng Đa Nhim, như một vết dao cứa lòng những người con Đơn Dương xa xứ. Đó cũng là một trong những tác nhân thôi thúc mạnh mẽ hơn ý tưởng lập website của tôi. Ngày 06/11/2005, Quỹ Thông Xanh ra đời với sự góp sức của nhiều thành viên các khoá từ 1992 đến 1996. Đúng một tháng rưỡi sau, “DaNhim.net: Điểm hẹn Đơn Dương” ra mắt qua sự hợp tác giữa tôi với một người bạn cùng khoá là Võ Ngọc Minh Quang và một chị khoá 1994 là Hồ Ưng Bình. Năm năm tiếp theo là giai đoạn “vàng son” của các hoạt động cộng đồng người Đơn Dương. Diễn đàn Đa Nhim thu hút được đến gần 3.000 thành viên, đăng tải hơn 2.000 đề tài thảo luận với trên 20.000 bài viết. Tôi muốn sử dụng các tư liệu, hình ảnh cá nhân mình tích góp được như một tài sản chung của cộng đồng, nên đã chia sẻ các album của website và diễn đàn mà hoàn toàn không ghi tên tác giả.

Cầu xe lửa Dran những tháng ngày cuối cùng (3).

Ảnh 11: Cầu xe lửa Dran những tháng ngày cuối cùng (3). Mùa xuân 2004.

Trong số đó, bốn bức ảnh cây cầu sắt Dran của tôi (số 1, 3, 5 và 6) cùng nhiều một số ảnh của vài thành viên khác đã được một tổ chức người Việt ở nước ngoài tên là VNAF MAMN đưa vào một trang tư liệu về tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm-Đà Lạt, nhưng “hô biến” bản quyền thành của mình. Từ đó, các bức ảnh này được lưu truyền khắp nơi trên mạng, cho đến một ngày “đẹp trời” khác giữa tháng 09/2009, một bạn trẻ người Đơn Dương có bài viết về quê hương đăng trên VietNamNet, chia sẻ thông tin trên diễn đàn Đa Nhim (mà tôi làm quản trị), dẫn 2 bức ảnh của tôi mà ghi nguồn của VNAF MAMN. Một mặt tôi giải thích cho tác giả bài viết biết nguồn gốc 2 bức ảnh này, mặt khác sau đó tôi viết thư cho VNAF MAMN đề nghị họ sửa lại chú dẫn tác quyền các bức ảnh lấy trên DaNhim.net. Kết quả chỉ có 3 bức số 1, 5 và 6 được sửa. Tôi không muốn dây dưa phiền toái nhiều nên cũng im lặng bỏ qua.

Cầu xe lửa Dran những tháng ngày cuối cùng (4).

Ảnh 12: Cầu xe lửa Dran những tháng ngày cuối cùng (4). Mùa xuân 2004.

Từ khoảng 2010 trở đi, mạng xã hội phát triển, các diễn đàn thảo luận trực tuyến đi vào thoái trào, dù là những cộng đồng một thời đình đám nhất cộng đồng mạng. Các bức ảnh sai nguồn nói trên vẫn cứ mãi lưu lạc, lan truyền, chia sẻ, cho tới một ngày “đẹp trời” nào đó nữa lại quay về trước mặt chính tác giả, không qua người này thì người khác (kể cả những người thân quen và... người nhà). Đính chính mãi mệt quá, thôi thì hôm nay viết luôn loạt hồi ức này, xem như một công nhiều việc: vừa xác lập bản quyền, vừa kể rõ gốc gác, vừa chia sẻ thêm những bức ảnh chưa từng công bố về cây cầu xe lửa lịch sử xứ Dran.

Sài Gòn, 12/07/2020

Cận cảnh cầu xe lửa Dran. Toàn cảnh cầu xe lửa Dran. Cầu xe lửa Dran nhìn từ chùa Giác Nguyên. Khu trung tâm thị trấn Dran nhìn từ chùa Giác Nguyên. Toàn cảnh thị trấn Dran nhìn từ chùa Giác Nguyên. Cầu xe lửa Dran: Tuổi thơ bên sông. Cầu xe lửa Dran: Ngựa non (1). Cầu xe lửa Dran: Ngựa non (2). Cầu xe lửa Dran những tháng ngày cuối cùng (1). Cầu xe lửa Dran những tháng ngày cuối cùng (2). Cầu xe lửa Dran những tháng ngày cuối cùng (3). Cầu xe lửa Dran những tháng ngày cuối cùng (4).

Cập nhật: 02/2022 (bổ sung tư liệu về thời gian xây dựng cầu sắt Dran)


[1Theo tuần báo L’Éveil Économique de l’Indochine ngày 04/04/1926 (trang 19), cầu sắt Dran đang trong quá trình xây dựng và dự kiến hoàn thành trong vòng 3 tháng sau đó

Lời bình trên diễn đàn

  • Nguyễn Tấn Đại thân mến!
    Tôi tên là Paul Thompson và tôi hiện đang ở Đà Lạt để chụp ảnh các nhà ga, đường hầm và cầu của tuyến đường sắt cũ.
    Tôi dự định viết một bài báo về đường sắt và tôi muốn xin phép bạn sử dụng một trong những bức ảnh của bạn về cầu đường sắt Dran.
    Tôi cũng đang tìm những bức ảnh cũ về các ga dọc tuyến đường sắt. Bạn có biết tôi có thể tìm thấy những bức ảnh như vậy ở đâu không?
    Xin lỗi nếu tiếng Việt của tôi khó hiểu nhưng tôi đang sử dụng Google Dịch!
    Trân trọng, Paul Thompson

  • Kính chào anh Nguyễn Tấn Đại,
    Thật tình cờ Kinh Luân đọc được bài viết tuyệt vời của Anh về chiếc cầu xe lửa ở D’ran. Rất xúc động, phải thú nhận như vậy. Và xin cám ơn Anh vì đã ghi lại cho mọi người biết nhiều hơn về di tích này...
    Tháng Ba vừa rồi Kinh Luân theo chân nhóm phụ huynh Hướng Đạo lên thăm giáo xứ Ka Đơn. Tận dụng lúc rảnh rỗi mượn cha xứ chiếc xe máy để chạy xuống Đơn Dương, mục đích là chụp những gì còn sót lại của tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt - Phan Rang mà đã lần đi "khám phá"...
    Giờ đây nhờ Gu-gồ mà được chiêm ngưỡng những tác phẩm "để đời" của Anh về chiếc cầu D’ran, lòng thấy bồi hồi tiếc nuối... Giá mà Luân được quen biết Anh từ những năm ấy, khi bọn ngu dốt chưa phá đi công trình tuyệt vời trên quê hương.
    Xin phép Anh cho Luân được sao chép lại bài viết của Anh để đăng lại trên facebook ạ. Chỉ để cho anh em, bạn bè được biết về một địa danh, một di tích của đất nước mà thôi (ban đầu định tự viết, nhưng khi đọc được bài của Anh thì thấy không thể nào diễn đạt được như vậy). Trân trọng cám ơn anh Tấn Đại...

    Kinh Luân 090371-1175

  • Dạ, cảm ơn anh Kinh Luân đã có lòng yêu mến tuyến đường sắt răng cưa và bài viết này. Anh có thể chia sẻ bài viết thoải mái nhé.
    Thân ái,
    NTĐ

  • Chào tác giả,
    Cám ơn thật nhiều vì những chia sẻ rất thật và trọn vẹn của tác giả về D’Ran và Đơn Dương với những thứ đã mất và tưởng chừng đã mất.
    Đã ghé qua ’thị trấn ngủ quên ở lưng đèo’ vài lần và mỗi lần đều có cảm nhận khác biệt dù đậm hay nhạt.
    Rất mong có thêm nhiều cơ hội để hiểu thêm xử sở này qua những chia sẻ sắp tới của tác giả.
    Một câu hỏi nhỏ nhưng rất mong được khai tỏ thêm: địa danh Eo Gió ở D’Ran xuất hiện từ thuở nhóm lưu dân người Việt từ miền Trung đến lập nghiệp phải không? Trong địa chí Việt Nam, Eo Gió còn là địa danh ở xứ Quy Nhơn, Nghệ An. Đó có phải là nhóm lưu dân mang khái niệm này vào xứ này? Eo Gió là cảm nhận của riêng họ?

  • Dạ, cảm ơn anh/chị Nguyên An đã quý mến Dran và yêu thích bài viết. Xin anh/chị lưu ý là tên "Dran" từ gốc gác lịch sử đã KHÔNG có dấu phẩy giữa hai chữ D và R. Người Pháp ghi lại âm bản địa đã có sự phân biệt rất rõ trường hợp nào có dấu phẩy (như M’Lọn) còn trường hợp nào không có (như Dran).

    Về câu hỏi liên quan đến "Eo Gió", thì theo tìm hiểu của mình, tên gọi này đúng là xuất hiện nhiều ở các địa phương miền Trung. Tuy nhiên, gốc gác địa danh "Eo Gió" ở đầu đèo Ngoạn Mục có phải là từ "nhóm lưu dân người Việt từ miền Trung đến lập nghiệp" hay không thì không chắc chắn. Vì theo dữ liệu lịch sử dân cư Đà Lạt và vùng phụ cận, dân số khu vực này chỉ tăng vọt từ giai đoạn 1954-1956 do có loạt di dân từ miền Bắc và miền Trung vào.

    Còn trước đó, đặc biệt là giai đoạn trước 1945, Dran vẫn thuộc vùng đất được gọi là "hoàng triều cương thổ", ngoài cư dân bản địa thì chỉ ưu tiên cho kiều dân Pháp và gia đình hoàng tộc cùng lực lượng người phục vụ hay lao động nhập cư. Trong khi đó, địa danh "Eo Gió" đã tồn tại ít nhất từ đầu những năm 1940, đã được đưa tin trên báo chí thuộc địa đương thời. Ví dụ: trên tờ Thể Thao Đông Dương số 11 ngày 09/01/1942, tác giả Phan Nhựt Sâm đăng bài "Trên đường thiên lý Hanoi-Saigon" viết về cuộc đua xe đạp xuyên Việt tổ chức lần đầu tiên, trang 16 có đoạn:

    Tới Krongpha, sắp sửa leo đèo thì [Nguyễn Phát] Giá lại nổ bánh rớt lại.

    [Lê Phượng] Các liền khởi sự tấn công mảnh liệt. Chàng tung đi như gió. Một tốp 10 cua-rơ đủ các xứ rán đuổi theo, nhưng Các càng lên cao càng bứt xa. Được 10 cây số chảng đả bỏ tốp nhì hơn 2 phút, và lên tới mức đèo Eo-gió cao đến 980 thước, Các hơn tốp nhì 5 phút...

    Nếu tên gọi "Eo Gió" xuất hiện nhiều ở địa bàn miền Trung, mà người Pháp khi nghiên cứu đã dịch ngược ra tiếng Pháp là "col du vent", thì rất có thể người đặt tên "Eo Gió" cho khu vực đỉnh đèo Ngoạn Mục có gốc gác miền Trung, nhưng không hẳn là thuộc nhóm di dân đại trà từ giai đoạn 1954-1956 về sau.

  • Cám ơn anh Nguyễn Tấn Đại về những thông tin quý báu đã được anh chia sẻ. Thêm vào thắc mắc ở trên đã hỏi anh:

    1. Địa danh Col du vent ở Pháp theo mình kiểm tra trên Google Maps xuất hiện nhiều ở Pháp và có thể ở một số vùng thuộc địa Pháp ngày trước:

    • Col du Vent: Saint-Privat, France
    • Col du Vent: Saint-Just-et-le-Bézu, France
    • Col du Vent: Le Monêtier-les-Bains, France
    • Col du Vent: Ginoles, France
    • Col du Vent: Tunisia
      ...
      Từ Eo Gió (mình nghĩ là từ thuần Việt) liệu có phải là từ dùng/địa danh từ trước của người Việt? Nếu vậy, có thể là từ tương đồng giữa hai ngôn ngữ Pháp/Việt về hiện tượng "địa hình" này phải không nhỉ?

    2. Từ Dran như anh nói là địa danh mà người Pháp ghi lại "không có dấu phẩy" giữa hai từ.
    Anh có thể giúp mình hiểu thêm?:

    • mình đọc thấy tên Dran có dấu ’ trước "ran" khá nhiều, có thể họ viết sai chăng? Ngay cả trong Bức thư của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đề ngày 11 tháng 11 năm 1964 cũng thấy viết địa danh Dran và có dấu phẩy ở trước "ran" (mình trích nguyên như bên dưới):
      "Anh đến đây thì anh Cường ở D’Ran chưa về. Anh leo lên căn nhà gỗ sàn – chung quanh là núi cao, là mây mù, là suối reo, là giá rét, là quạnh quẽ. Anh ngồi trong căn phòng riêng của anh Cường, chung quanh những bức tranh mang hình ảnh màu sắc của núi đồi này vừa lên xong. Và cơn mưa xám mù chợt đến... Ngoài kia trời chỉ còn thấy viền núi đen cao ngất bao quanh. Tiếng suối chảy buồn."
    • tại sao không có dấu ’ và khi nào thì người Pháp theo nguyên tắc ký âm sẽ ghi nhận bằng dấu ’ khi từ M’Lọn hay một số địa danh khác như M’Drak, Ea H’Leo, Cư M’gar...
    • Dran là địa danh đặt theo tiếng của dân tộc nào ở Đơn Dương: K’Ho, Chill, Chru...? Và nghĩa của địa danh là gì?

    Mình hỏi nhiều quá. Chỉ mong anh, một người con xứ Dran xưa có thể cho mình thêm chút thông tin để hiểu thêm về miền đất dễ thương lạ lùng này.
    Xin cám ơn và chúc tác giả những ngày vui vẻ và an hoà.

    Nguyên An

    • Dạ, cảm ơn anh/chị Nguyên An đã có hứng thú với cuộc trao đổi này, cũng như những câu hỏi rất độc đáo. :-)

      Với câu hỏi đầu về sự tương đồng giữa "Col du Vent" và "Eo Gió", có thể đó là một sự ngẫu nhiên. Nhưng xét rộng ra thì quả thật là giữa tiếng Việt và tiếng Pháp có những nét tương đồng hết sức kì lạ, dù thuộc hai hệ ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt. Điển hình như cấu trúc chính-phụ (chính trước - phụ sau) trong câu rất gần với tiếng Pháp, trong khi tiếng Hoa (với một lượng từ vựng rất lớn du nhập vào tiếng Việt) lại thiên về phụ trước - chính sau theo kiểu tiếng Anh. Các nhà truyền giáo người Pháp hay gốc Pháp cũng là những người tiên phong sáng tạo và hệ thống hoá chữ viết Latin tượng âm cho tiếng Việt lúc đó chỉ biết đến kiểu chữ tượng hình Hán-Nôm. Những nhà ngôn ngữ học hiện đại đầu tiên của Việt Nam cũng đa phần học từ Pháp về, với rất nhiều những lí thuyết và nguyên tắc ngữ pháp du nhập theo...

      Với câu hỏi thứ hai, tư liệu thành văn cổ nhất tìm thấy được hiện nay có đề cập đến Dran là bản báo cáo "Tình hình Đông Dương 1987-1901" năm 1902 của Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương đương thời, hoàn toàn KHÔNG có dấu phẩy. Và tên gọi này là nhất quán trong mọi tài liệu khác do người Pháp viết, kể cả trong các thư từ, văn bản và tài liệu của BS Yersin trong thời gian khám phá ra cao nguyên Lang Bian cũng như thử nghiệm trồng quinquina tại Dran. Còn lí do vì sao người Pháp phân biệt M’Lọn có dấu phẩy với Dran không có dấu phẩy thì thực sự là không rõ lắm, hay là tên gọi Dran bắt nguồn từ đâu thì cho đến nay... chưa ai giải thích được cả. :-)

      Do đó, những người khác viết thêm dấu phẩy đều là viết sai, theo những cách hiểu và diễn giải chủ quan riêng của họ. Rất tiếc là, cách viết sai này đã đi vào các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, dẫn đến việc ngày càng nhiều người mặc nhiên xem cái sai là đúng, để cái đúng trở thành sai.

  • Cám ơn nhà văn Nguyễn Tấn Đại rất nhiều.
    Mong được đọc nhiều hơn về Dran nói riêng và Đơn Dương nói chung từ những bài viết của anh.
    Chúc anh sức khoẻ.

  • Dạ, anh/chị Nguyên An đặt cho danh xưng "nhà văn" thì hơi quá, thật tình không dám nhận. :-)

    Trên trạm mạng này có một số bài viết khác liên quan đến Dran - Đơn Dương, nếu chưa xem thì anh/chị có thể tìm nhanh bằng từ khoá "dran".

    Thân ái,
    NTĐ

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)