Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Đơn Dương > Đi tìm gốc tích địa danh “Dran” (4)

Đi tìm gốc tích địa danh “Dran” (4)

Kì cuối: Tạm kết

Chủ nhật 01/09/2024, của Nguyễn Tấn Đại

Với những chứng cứ về dấu vết thành văn đã trình bày ở Kì 1, Kì 2Kì 3, chúng ta có thể tạm đi đến một số kết luận sơ bộ về gốc tích của địa danh “Dran”, dù chưa hoàn toàn đầy đủ và chân xác. Nhưng để hiểu rõ hơn vấn đề này, cần đặt các minh chứng và sự việc liên quan đến Dran trong một bối cảnh rộng hơn, trước tiên là câu chuyện ngôn ngữ và chữ viết, sau đó là quá trình khám phá và phát triển kinh tế xã hội khu vực Tây Nguyên hiện nay.

 Ngôn ngữ bản địa của người Thượng, tiếng Pháp và tiếng Việt

Điều trước tiên cần phải khẳng định, vùng đất Tây Nguyên hiện nay là nơi cư trú của các sắc tộc thiểu số người Thượng từ rất lâu đời. Cũng như là, trước khi người Pháp khám phá thì việc gặp gỡ, giao lưu, mua bán trao đổi hàng hoá giữa người Thượng và các cộng đồng dân cư miền đồng bằng (người Chăm, người Hoa, người Kinh,…) đã diễn ra một cách tự nhiên. Vấn đề nằm ở chỗ, họ không có chữ viết riêng, nên các nhân danh và địa danh bản địa chỉ được thể hiện bằng lời nói. Chính vì vậy, để thể hiện các nhân danh và địa danh ấy bằng chữ viết, người thuộc các sắc tộc khác chỉ có thể dùng chữ viết của mình để ghi lại theo một cách gần đúng nhất có thể.

Đối với người Việt trong nửa cuối thế kỉ XIX, tài liệu hiếm hoi có đề cập đến vùng đất thuộc tỉnh Lâm Đồng hiện nay là một tấm bản đồ trong quyển thứ 12 của bộ Đại Nam nhất thống chí xuất bản dưới triều Nguyễn, có nêu tên 20 buôn thuộc Di Dinh thổ phủ (tỉnh Bình Thuận, đạo Ninh Thuận). Ngoài ra, tài liệu viết bằng chữ Hán này cũng có nhắc đến một dòng sông tên Dã Dương, tuy không sâu mà rộng lại có nhiều cá sấu [1]. Vì thế, mặc dù có tiếp xúc với các sắc tộc người Thượng trước người Pháp, do không có tài liệu thành văn nên người Việt muốn ghi chép về các địa danh và nhân danh bản địa ở cao nguyên Lang Bian thì phải phiên ngược từ cách ghi theo tiếng Pháp; đó âu cũng là một điều dễ hiểu.

Chưa kể, vấn đề ngôn ngữ và chữ viết của người Việt cũng khá phức tạp. Về đại thể, người Việt hiện nay vốn có tiếng nói riêng từ thời xa xưa, nhưng không rõ có chữ viết riêng hay không vì một ngàn năm Bắc thuộc đã xoá sạch hầu hết mọi dấu vết thành văn. Khi bị chính quyền đô hộ phương Bắc bắt học chữ Hán, người Việt lại phát minh ra cách đọc Hán-Việt để học chữ Hán mà không cần nói tiếng Hán; về sau mỗi từ Hán-Việt viết bằng chữ Hán được gọi là chữ Nho [2]. Bên cạnh đó, người Việt lại phát minh ra chữ Nôm bằng cách phỏng theo chữ Hán để viết các âm đọc thuần Việt. Có người cho rằng chữ Nôm xuất hiện từ khoảng thế kỉ X, sau khi giành lại độc lập từ phương Bắc, nhưng vẫn có nhiều ý kiến khác biệt chưa thực sự thống nhất về thời điểm ra đời của chữ Nôm [3].

Trong quá trình phát triển từ thế kỉ X đến thế kỉ XX, mặc dù chữ Nôm có lúc được người sử dụng gọi là Quốc âm (國音) hay Quốc ngữ (國語), nhưng khái niệm “chữ quốc ngữ” hiện nay lại được chính thức sử dụng cho một loại chữ viết khác, dùng chữ cái Latin để ghi âm đọc tiếng Việt. Chữ quốc ngữ được các giáo sĩ thừa sai phương Tây sáng tạo ra trong giai đoạn 1615-1919, khi họ thực hiện các nhiệm vụ truyền giáo tại Việt Nam. Đây là một trường hợp ngoại lệ và độc đáo, khi tiếng Việt là ngôn ngữ bản địa duy nhất tại vùng Đông Á đã thành công trong việc “Latin hoá” chữ viết, dù chịu ảnh hưởng sâu đậm cả về văn hoá, chính trị lẫn lối sử dụng chữ viết tượng hình của người Trung Quốc [4].

Ảnh chụp bản sắc phong đình Càn Rang của vua Duy Tân năm 1907, viết bằng chữ Hán-Nôm, với dòng đầu tiên bên phải ghi hai địa danh “Càn Rang Tổng” và “Càn Rang Xã”.
Nguồn: tác giả chú thích trên ảnh tự chụp tại đình Càn Rang tháng 02/2008.

Trải qua ba thế kỉ hình thành và phát triển tương đối hoàn chỉnh, đến sau khoa thi Hội cuối cùng năm 1919, mốc đánh dấu chấm dứt nền khoa cử Nho học kéo dài gần 850 năm của Việt Nam, chữ quốc ngữ có một tiền đề quan trọng để chuyển mình sang một bước phát triển sâu rộng hơn. Quá trình này được thúc đẩy thêm từ năm 1945 với Sắc lệnh số 20 về việc bắt buộc học chữ quốc ngữ trong toàn quốc, do Võ Nguyên Giáp kí thay Chủ tịch Chính phủ lâm thời mới thành lập sau Cách mạng Tháng Tám [5]. Dù giai đoạn 1945-1954 có nhiều diễn biến chính trị phức tạp, việc sử dụng chữ quốc ngữ làm chữ viết chính thức thay thế cho chữ Nho và chữ Nôm là một xu hướng không thể đảo ngược.

 Những thay đổi địa danh hành chính tại cao nguyên Lang Bian

Như đã đề cập ở các phần trước, khu vực cao nguyên Lang Bian thuộc xứ bảo hộ Trung Kì ban đầu được người Pháp đặt tên tiếng Pháp là “province du Haut-Donnaï” năm 1899, triều đình nhà Nguyễn viết bằng chữ Hán-Nôm là “同狔上省”, phiên âm ra chữ quốc ngữ là “Đồng Nai Thượng tỉnh”. Sau một giai đoạn tách nhập với Bình Thuận và Ninh Thuận, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Tranh [6], ngày 06/01/1916 “tỉnh Lang Bi-an được thành lập bao gồm vùng đất thuộc tỉnh Lâm Đồng và phần đất rừng thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước ngày nay.” Trong quyết định bằng tiếng Pháp của toàn quyền Đông Dương đương thời là Ernest Nestor Roume, “tỉnh Lang Bi-an” nói trên được viết là “province du Lang-Bian”.

Cho đến khoảng thời gian này, vẫn chưa có dấu vết tài liệu nào ghi địa danh này bằng tiếng Việt quốc ngữ, mà chỉ có bài viết “Lâm Viên hành trình nhật ký” của Thượng thư bộ Công Đoàn Đình Duyệt, viết bằng chữ Hán, đăng Nam-Phong Tạp-chí năm 1918, như đã dẫn ở Kì 3. Như thế, có thể xem là đối với triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ, “province du Lang-Bian” được viết bằng chữ Hán là “林園省” (Lâm Viên tỉnh). Từ đó cho đến năm 1945, dù vẫn còn vài lần điều chỉnh nhưng về cơ bản, các địa danh chính ở khu vực này bắt đầu định hình rõ nét hơn giữa tên gọi viết bằng tiếng Pháp, chữ Hán và chữ quốc ngữ: Haut-Donnaï = 同狔上 = Đồng Nai Thượng; Lang-Bian = 林園 = Lâm Viên.

Bản đồ hành chính xứ bảo hộ Trung Kì năm 1920 ghi tên trạm hành chính Dran thuộc tỉnh Lang Bian (hay Lâm Viên).
Nguồn: Bộ sưu tập Gallica, Thư viện Quốc gia Pháp.

Trong giai đoạn tiếp theo từ 1945 đến 1954, địa danh hành chính của cao nguyên Lang Bian thay đổi nhiều lần theo diễn biến phức tạp của thời cuộc chính trị. Từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1945, Nhật thay thế Pháp nắm quyền điều hành Việt Nam, kể cả vùng cao nguyên Lang Bian. Sau đó Cách mạng Tháng Tám diễn ra, Mặt trận Việt Minh thành lập chính quyền mới ở các địa phương, bao gồm cả hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng. Hai năm 1945-1946 là thời gian tranh đấu giằng co giữa các lực lượng chính trị trong nước lẫn các lực lượng đại diện phe Đồng minh trong Chiến tranh Thế giới lần II là Trung Quốc (miền Bắc) và Pháp (miền Nam). Trong nỗ lực níu giữ quyền hành tại Việt Nam và biến Đà Lạt thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương, tướng Georges Thierry d’Argenlieu, Cao uỷ Pháp tại Đông Dương (thay thế chức vụ Toàn quyền Đông Dương trước đó), đã ra nghị định ngày 27/05/1946, sáp nhập các tỉnh Đăk Lăk (Darlac), Đồng Nai Thượng (Haut-Donnai), Lang Bian, Pleiku và Kontum để lập thành một khu hành chính đặc biệt (circonscription administrative spéciale) có tên là “Uỷ sở Chính phủ Liên bang về các Dân tộc Cao nguyên Miền Nam Đông Dương” (Commissariat du Gouvernement fédéral pour les populations montagnardes du Sud-Indochinois) [7]. Cuối năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra; trong thời gian chiến sự kéo dài, việc quản lí hành chính đối với “các Dân tộc Cao nguyên Miền Nam Đông Dương” (viết tắt theo tên tiếng Pháp là P.M.S.I) vẫn thuộc về người Pháp [8].

Đến năm 1948, cựu hoàng Bảo Đại thoả hiệp với chính phủ Pháp lập ra Quốc gia Việt Nam (État du Viet-Nam) để mình làm Quốc trưởng, rồi thuyết phục được người Pháp nhượng bộ, chuyển giao quyền cai quản các vùng đất cao nguyên phía Bắc và phía Nam. Trên cơ sở ấy, Quốc trưởng Bảo Đại đã ra đạo dụ số 6 ngày 15/04/1950 lập hai vùng Hoàng triều Cương thổ (Domaine de la Couronne) phía Bắc và phía Nam [9]. Khu vực Hoàng triều cương thổ phía Nam thuộc P.M.S.I. trước đó được đổi tên thành Pays montagnards du Sud, viết tắt là P.M.S., trong tiếng Việt quốc ngữ được viết là “Miền Nam Cao-Nguyên” [10]. Về mặt hành chính, Hoàng triều Cương thổ được xem như là đất riêng của Quốc trưởng, có những chính sách riêng biệt dành cho các sắc tộc bản địa, và hạn chế tối đa người Kinh đi lại giao du với người bản địa, tất cả phụ thuộc quyền điều hành trực tiếp của người Pháp.

Ảnh chụp chứng chỉ tiểu học bằng tiếng Pháp cấp ngày 24/08/1951, thể hiện rõ dấu vết đổi tên P.M.S.I (Populations montagnardes du Sud-Indochinois) thành P.M.S. (Pays montagnards du Sud).
Nguồn: tác giả chú thích và đánh dấu trên ảnh chụp của thầy Lâm Trung Châu (tháng 08/2023).

Sau Hiệp định Geneva năm 1954, lãnh thổ Việt Nam chia đôi theo vĩ tuyến 17. Ở miền Nam, Ngô Đình Diệm lên cầm quyền Thủ tướng và đề xuất Quốc trưởng Bảo Đại phê chuẩn đạo dụ số 21 ngày 11/03/1955 sáp nhập hoàn toàn hai vùng Hoàng triều Cương thổ vào lãnh thổ Quốc gia Việt Nam, loại bỏ toàn bộ quyền quản lí hành chính của người Pháp [11]. Về mặt ngôn ngữ trên các văn bản giấy tờ hành chính, có thể thấy một xu hướng chuyển dịch ngày càng rõ nét từ tiếng Pháp (trước 1945) đến xen lẫn tiếng Pháp và tiếng Việt quốc ngữ (1945-1954) rồi chuyển hẳn sang tiếng Việt quốc ngữ (từ 1955).

 Niên biểu diễn biến xuất hiện và thay đổi địa danh “Dran”

Xét trong bối cảnh chính trị và ngôn ngữ nêu trên, cùng với các chứng cứ đã trình bày trong các phần trước, có thể lập một trục niên biểu khái quát hoá quá trình xuất hiện và diễn biến thay đổi cách ghi địa danh “Dran” theo thời gian. Để thuận tiện hiểu thêm bối cảnh chung, những cột mốc quan trọng sẽ được bổ sung [in nghiêng trong ngoặc vuông], dù không trực tiếp có dấu vết ghi chép thành văn về địa danh “Dran”.

Thời kì trước năm 1945:

Các giấy tờ hành chính chủ yếu dùng tiếng Pháp, kết hợp với các chiếu dụ và sắc phong bằng chữ Hán-Nôm của triều đình nhà Nguyễn. Tiếng Việt quốc ngữ chủ yếu được sử dụng trên báo chí đại chúng và các tài liệu nghiên cứu khoa học.

  • 1893:
    • Bác sĩ Yersin viết tên “Dran” (tiếng Pháp) trong sổ tay nhật kí hành trình ngày 25/06, trên đường từ Lang Bian xuống Phan Rang.
  • 1898:
    • Địa danh “Dran” (tiếng Pháp) có tên trong “Sơ đồ tập hợp các lộ trình thám hiểm” của đại uý Thouard.
  • 1899:
    • Toàn quyền Doumer trực tiếp thị sát cao nguyên Lang Bian (khoảng tháng 2-3), có dừng chân nghỉ ngơi tại “Dran” [được kể lại trong các tài liệu của bác sĩ Yersin (tiếng Pháp) về sau].
    • [Tỉnh Đồng Nai Thượng được Doumer ra quyết định thành lập ngày 01/11.]
  • 1900:
    • Địa danh “Dran” (tiếng Pháp) có tên trong “Kí hoạ sơ đồ đường lộ và lối mòn cheo leo từ Phan Rang đến Langbian” của Guillaume Capus.
    • Trạm bưu điện “Dran” (tiếng Pháp) được thành lập ngày 24/02, bổ nhiệm nhân sự lần đầu ngày 11/03, phục vụ từ ngày 15/03, bổ nhiệm nhân sự lần thứ hai ngày 01/04.
  • 1902:
    • Địa danh “Dran” (tiếng Pháp) được toàn quyền Doumer nhắc đến trong báo cáo kết thúc nhiệm kì của mình, đoạn nói về tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm-Đà Lạt (tháng 2).
    • Địa danh “Dran” (tiếng Pháp) được nhắc đến nhiều lần trong báo cáo của bác sĩ Étienne Tardif về bảy chuyến thám hiểm cao nguyên Lang Bian trong khuôn khổ nhiệm vụ của Phái đoàn Guynet trong hai năm 1899-1900. Đặc biệt, tài liệu này có nhắc đến “Karran” (một lần duy nhất), có lẽ như là một địa danh thuộc phạm vi “Dran”.
Bảng so sánh nhiệt độ các địa điểm dọc đường lên cao nguyên Lang Bian của bác sĩ Étienne Tardif vào tháng 06/1899, ghi chú “Karran” như là một địa danh thuộc phạm vi “Dran”.
Nguồn: Tardif, É. (1902). Tlđd. Tr. 17.
  • [1903: Tỉnh Đồng Nai Thượng được sáp nhập vào tỉnh Bỉnh Thuận.]
  • [1906: Khởi công xây dựng chặng đầu tiên của tuyến đường sắt răng cưa lên cao nguyên Lang Bian, từ Tháp Chàm đến Xóm Gòn. [12]]
  • 1907:
    • Đình Càn Rang được triều đình ban sắc phong ngày 24 tháng 8 (âm lịch) năm Duy Tân thứ nhất, có ghi hai địa danh “Càn Rang tổng” (乾㶥总) và “Càn Rang xã” (乾㶥社).
  • 1909:
    • Trạm hành chính “Dran” được thành lập, với quan tri huyện đầu tiên là “Ya Gut”.
  • 1914:
    • Trạm bưu điện “Dran” (tiếng Pháp) được ghi tên trên bản đồ mạng lưới bưu chính và điện báo Đông Dương.
    • [Chặng đường sắt răng cưa từ Tháp Chàm đến Xóm Gòn được hoành thành và đi vào hoạt động từ ngày 02/07.]
  • [1916: Thành lập tỉnh Lang Bian từ các khu vực thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng cũ. Các công trình xây dựng đô thị Đà Lạt bắt đầu được triển khai.]
  • [1918: Thượng thư bộ Công Đoàn Đình Duyệt đăng bài “Lâm Viên hành trình nhật ký” bằng chữ Hán trên Nam-Phong Tạp-chí, gọi tên “Lang-Bian” là “Lâm Viên” (林園).]
  • 1920:
    • Tỉnh Lang Bian (hay Lâm Viên) được tách thành thị xã Đà Lạt và tỉnh Đồng Nai Thượng (ngày 31/10). Tỉnh mới này gồm ba quận có tên tiếng Pháp là “Djiring”, “Blao” và “Dran”.
  • [1922: Khởi công xây dựng chặng đường sắt răng cưa từ Xóm Gòn đến Eo Gió ngày 01/08.]
  • [1923: Bác sĩ Yersin quay lại Dran khảo sát các điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng chuẩn bị cho việc thử nghiệm trồng canhkina tại đây.]
  • [1925: Kí hợp đồng xây dựng các chặng đường sắt răng cưa từ Eo Gió đến Dran và từ Dran đến Trạm Hành (Arbre Broyé) ngày 25/02.]
  • 1927:
    • Báo chí tiếng Pháp đăng tin về “Dran” trong lễ khánh thành chặng đường sắt răng cưa từ Sông Pha đến Eo Gió (ngày 19/01).
    • Bác sĩ Yersin công bố kết quả thử nghiệm trồng canhkina tại “Dran” (tiếng Pháp) trên Tạp chí Nông nghiệp Truyền thống và Thực vật học Ứng dụng (Journal d’agriculture traditionnelle et de botanique appliquée), các số tháng tháng 4, tháng 5 và tháng 12.
  • 1928:
    • Bác sĩ Yersin tóm lược kết quả thử nghiệm trồng canhkina tại “Dran”, đăng song ngữ Pháp-Việt trên tạp chí Nam Kì Nông nghiệp (La Cochinchine agricole), số tháng 5. Bản dịch tiếng Việt do T. M. N. thực hiện, nhất quán ghi “Càng-Rang” ứng với địa danh “Dran” trong khi vẫn ghi nguyên vẹn tên “Djiring” như trong tiếng Pháp.
    • Báo chí tiếng Pháp đăng tin về “Dran” khi chặng đường sắt răng cưa từ Dran đến Trạm Hành được hoàn thành và đi vào hoạt động (từ tháng 7).
  • [1929: Khởi công xây dựng chặng đường sắt răng cưa từ Trạm Hành đến Cầu Đất (Le Bosquet) ngày 12/01.]
  • [1930: Khởi công xây dựng chặng đường sắt răng cưa từ Cầu Đất đến Đà Lạt ngày 14/01.]
  • [1933: Toàn bộ tuyến đường sắt răng cưa hoàn chỉnh từ Tháp Chàm đến Đà Lạt được đưa vào khai thác.]
  • 1938:
    • Báo chí tiếng Pháp đăng tin về lễ khánh thành cầu đường bộ “Dran” vào sáng ngày 23/11.
  • [1941: Tái lập tỉnh Lang Bian (hay Lâm Viên) ngày 08/01, bằng cách sáp nhập thị xã Đà Lạt với vùng ngoại ô và khu vực Dankia trước đây, và giảm phần diện tích tương ứng của tỉnh Đồng Nai Thượng.]
  • 1942:
    • Tờ báo tiếng Việt quốc ngữ Thể tháo Đông Dương ngày 09/01 đăng bài “Trên đường thiên lý Hanoi-Saigon” của Phan Nhựt Sâm, cuộc đua xe đạp xuyên Việt từ Hà Nội vào Sài Gòn khởi hành từ cuối tháng 12/1941, với đích đến chặng 10 (Phan Rang-Đà Lạt) tại “Dran” (ngày 08/01).
    • Bác sĩ Yersin công bố các hồi kí (tiếng Pháp) “Bước đầu nhận biết cao nguyên Lang Bian” (Premières reconnaissances du plateau du Lang-Bian) kể về chuyến thị sát của toàn quyền Doumer năm 1899, với điểm dừng chân tại “Dran”, và “Chạm mặt toán cướp trên cao nguyên xứ Thượng” (Rencontre avec les pirates sur le plateau moï), kể về cuộc rượt đuổi băng cướp Thouk năm 1893, có nhắc tới địa danh “Dran”.
  • [1943: Bác sĩ Yersin từ trần tại Nha Trang ngày 01/03.]

Thời kì 1945-1954:

Giai đoạn chuyển tiếp với sự biến mất của chữ Hán-Nôm đồng thời với việc sử dụng xen kẽ tiếng Việt quốc ngữ trong các văn bản, giấy tờ hành chính tiếng Pháp.

  • [1946: Các tỉnh Đồng Nai Thượng và Lang Bian được đưa vào nhóm “các Dân tộc Cao nguyên Miền Nam Đông Dương” (P.M.S.I.) ngày 27/05.]
  • 1947:
  • [1949: Cựu hoàng Bảo Đại kí Hiệp định Élysée ngày 08/03 tuyên bố thành lập Quốc gia Việt Nam thuộc khối Liên hiệp Pháp.]
  • 1949:
    • Bác sĩ Étienne Tardif công bố hồi kí (tiếng Pháp) “Sự khai sinh Đà Lạt (Trung Kì) 1899-1900: thủ phủ Đông Dương 1946”, trong đó có nhiều lần nhắc đến địa danh “Dran”.
    • Thành lập trung tâm hộ tịch “Dran ngày 12/07 (tiếng Pháp).
  • [1950: P.M.S.I. được chuyển thành Hoàng triều Cương thổ “Miền Nam Cao-Nguyên” (P.M.I.) ngày 15/04.]
  • [1951: Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quyết định hợp nhất hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng ngày 22/02, nhưng không rõ hiệu lực tác dụng thực tế.]
  • 1953:
  • [1954: Quân Pháp thua trận tại Điện Biên Phủ ngày 07/05. Song song với Hội nghị Geneva, Quốc trưởng Bảo Đại gọi Ngô Đình Diệm từ nước ngoài về làm Thủ tướng Quốc Gia Việt Nam.]

Thời kì 1955-1975:

Các chính quyền của người Việt đã sử dụng hoàn toàn tiếng Việt quốc ngữ trong các văn bản, giấy tờ hành chính. Một số địa danh viết theo kiểu tiếng Pháp vẫn được lưu giữ trong cách viết tiếng Việt. Một số địa danh được điều chỉnh, đổi tên theo các âm đọc Hán-Việt hoặc thuần Việt.

  • [1955: Thủ tướng Ngô Đình Diệm quyết định sáp nhập Hoàng triều Cương thổ “Miền Nam Cao-Nguyên” (P.M.I.) vào lãnh thổ Quốc gia Việt Nam ngày 11/03; tổ chức cuộc trưng cầu dân ý nhằm truất phế Bảo Đại ngày 23/10, đưa mình lên làm Quốc trưởng.]
  • [1956: Quốc trưởng Ngô Đình Diệm cho Quốc gia Việt Nam rút khỏi Liên hiệp Pháp; tổ chức bầu cử Quốc hội Lập hiến ngày 04/03, từ đó đổi tên Quốc gia Việt Nam thành Việt Nam Cộng hoà và ban hành hiến pháp mới ngày 26/10, lập chức danh Tổng thống. Quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam.]
  • 1956:
    • Viện Pasteur Đà Lạt ấn hành lại các bài hồi kí (tiếng Pháp) của bác sĩ Yersin năm 1942, trong đó có nhắc đến địa danh “Dran” (tháng 5).
  • 1958:
    • Tổng thống Việt Nam Cộng hoà quyết định đổi tên tỉnh “Đồng Nai Thượng” thành tỉnh “Lâm Đồng”, và tách quận “Dran” khỏi tỉnh “Lâm Đồng” (vừa mới đổi tên) để sáp nhập với đô thị Đà Lạt lập thành tỉnh “Tuyên Đức” (ngày 19/05). Sau đó tiếp tục đổi tên quận “Dran” thành quận “Đơn Dương” (ngày 30/09) rồi lập hai xã “Xuân Trường” và “Lạc Nghiệp” ghép thành tổng “Xuân Lạc” (ngày 30/10).
  • 1964:
    • Bộ phim tư liệu về công trình thuỷ điện Đa Nhim của hãng Dentsu Films Inc. có hình ảnh bản đồ ghi địa danh “Dran” (tiếng Anh) là nơi xây dựng đập chứa [phút 05:16].
  • 1974:
    • Bộ sách “Cao nguyên miền Thượng” (hai quyển) của Cửu Long Giang và Toan Ánh do nhà Khai Trí ấn hành (tiếng Việt quốc ngữ), nhắc đến địa danh “Dran” rất nhiều lần, song song với các địa danh “Đơn Dương” và “Lạc Nghiệp” đã đi vào giấy tờ hành chính từ năm 1958.

Thời kì từ năm 1975 đến nay:

Đặc trưng chủ yếu ở giai đoạn này là tên các địa danh hành chính thay đổi nhiều lần nhưng không có sự nhất quán, đồng bộ và chính xác theo những nguyên tắc chặt chẽ. Đây cũng là hạn chế chung trong quan điểm và nguyên tắc phiên chuyển các nhân danh và địa danh bản xứ của các sắc tộc thiểu số (cũng giống như từ tiếng nước ngoài) ra tiếng Việt quốc ngữ, mà cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất từ giới chuyên môn ngôn ngữ học cho tới các cơ quan quản lí Nhà nước và các cơ quan truyền thông đại chúng [13].

  • 1979:
    • Hội đồng Chính phủ quyết định chia huyện “Đơn Dương” thành hai huyện “Đơn Dương” và “Lạc Dương” (ngày 14/03), trong đó huyện “Đơn Dương” mới bao gồm các xã “TuTra”, “K’Đơn”, “Thạnh Mỹ”, “Ka Đô”, “Lạc Xuân”, “Lạc Nghiệp”, “Lạc Lâm”, “Loan” và thị trấn “Đơn Dương”. So với hiện nay, không có căn cứ xác định địa danh “thị trấn Đơn Dương” nằm ở đâu.
  • [1986: Hội đồng Bộ trưởng quyết định chia tách các xã “Ninh Loan“ và “Đà Loan”, xác định ranh giới cụ thể so với các địa danh “Tu Tra” và “Ka Đơn”, với cách viết tên khác đi so với quyết định năm 1979.]
  • 1989:
    • Hội đồng Bộ trưởng quyết định chia xã “Ka Đô” thành hai xã “Ka Đô” và “Quảng Lập”, chia xã “Deune” (cách ghi không tồn tại trong các quyết định trước) thành hai xã “Đơn” và “Pró”, đồng thời thành lập thị trấn “Đ’ran” trên cơ sở xã “Lạc Nghiệp” (ngày 16/09).
Trục niên biểu khái quát diễn biến xuất hiện và thay đổi địa danh “Dran” (phiên bản 5667 x 915 px).
Tác giả: Nguyễn Tấn Đại, 09/2024.

 Thay lời kết: Lựa chọn cách viết nào?

Tựu trung, trừ phi có những chứng cứ khác với các dấu vết đã trình bày trong bài này, có thể thấy có các cách viết địa danh Dran chính như sau:

  1. Viết theo lịch sử qua cách viết tiếng Pháp:Dran”. Cách viết này phù hợp với thói quen sử dụng tiếng Việt quốc ngữ của các cơ quan quản lí hành chính cũng như truyền thông báo chí và giới nghiên cứu người Việt từ các thế hệ đầu cho đến 1975, cũng như những người có quan điểm hiện đại về ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay [14].
  2. Dùng tên tiếng Việt theo cách phát âm Hán-Nôm:Càn Rang”. Cách viết này có thể xem như thuần Việt, nhưng gốc tích lối phiên âm này chưa thực sự rõ ràng.
  3. Viết theo văn bản hành chính hiện hành:Đ’ran”. Cách viết này về nguyên tắc là bắt buộc trên các văn bản, giấy tờ chính thức. Tuy nhiên, không có căn cứ lí giải một cách chặt chẽ và khoa học vì sao có cách viết này. Đồng thời, khi dùng dấu phẩy với quan điểm là phụ âm kép “dr” không có trong tiếng Việt quốc ngữ, thì cũng nên bảo đảm tính nhất quán của nguyên tắc này cho mọi địa danh có các phụ âm kép tương tự: “P’ró”, “B’lao”, “P’renn”, “P’leiku”, “K’rông Nô”, “M’D’răk”, v.v.
  4. Viết tuỳ ý: Có nhiều dạng như “D’ran”, “Đrăn”, “Đ’răn”,… Bởi cơ bản, việc viết tên một địa danh như thế nào cũng khó ai quản được hết, bắt buộc được hết, cấm đoán được hết. Điều quan trọng nhất là, với cách viết mà mỗi người lựa chọn, làm sao để có thể lí giải được rõ ràng quy tắc, để có thể chia sẻ được dễ dàng và rộng rãi hơn trong cộng đồng, giảm thiểu sự dị biệt, bất nhất.

Dù tác giả đã rất thận trọng tra cứu, đối chiếu một cách tường tận và kĩ lưỡng nhất mọi nguồn thông tin có thể tiếp cận, bài viết vẫn có thể có những chỗ còn thiếu sót, chưa được hoàn toàn chính xác, đầy đủ. Cũng như là vẫn còn nhiều khoảng trống chưa rõ, có thể cần thêm nhiều tư liệu để xác minh và bổ túc về sau. Rất mong bạn đọc lượng thứ cho những sơ sót ngoài ý muốn ấy.

Trục niên biểu khái quát diễn biến xuất hiện và thay đổi địa danh “Dran” (phiên bản 2910 x 1620 px).
Tác giả: Nguyễn Tấn Đại, 09/2024.

QUY ƯỚC cách ghi địa danh và nhân danh: viết in nghiêng khi dùng tên đúng theo nguồn trích dẫn; viết thường khi dùng tên phổ biến hiện nay, nếu cần nhấn mạnh cách viết (đúng từng kí tự) thì đặt trong ngoặc kép.


[1Nguyễn Hữu Tranh. (1998). Tlđd.

[2Nguyễn Hải Hoành. (2024/01/01). Tiếng Việt: Niềm tự hào của chúng ta. Nghiên cứu quốc tế. Địa chỉ truy cập: https://nghiencuuquocte.org/2024/01/01/tieng-viet-niem-tu-hao-cua-chung-ta/.

[3Vũ Văn Kính. (2011). Học chữ Nôm (pp. 9-14). Hà Nội: NXB Văn hoá Thông tin.

[4Savatovsky, D. (2022). Préface. In: Phạm Thị Kiều Ly, Histoire de l’écriture romanisée du vietnamien (pp. 9-17). Paris, France: Les Indes savantes.

[5Sắc lệnh số 20 ngày 08/09/1945 của Chủ-tịch Chính-phủ Lâm-thời Dân-chủ Cộng-hoà Việt-Nam.

[6Nguyễn Hữu Tranh. (1993). Đà Lạt trên bước đường xây dựng. Trong: Đà Lạt năm xưa (tr. 56-62). Đà Lạt: Công ty Văn hóa Tổng hợp Lâm Đồng.

[7Goanvic, J. (2014/01/24). Histoire postale des Populations Montagnardes du Sud-Indochinois (P.M.S.I.) 1946 - 1951 [Mise à jour : 2023/03/06]. Histoire postale de l’Indochine dans la tourmente 1939-1955+. https://www.histoire-et-philatelie.fr/pages/008_indo/528_pmsi.html

[8Goscha, C. E. (2011). Pays montagnards du sud (PMS). In: Historical Dictionary of the Indochina War: An International and Interdisciplinary Approach (1945-1954). Honolulu, HI, USA & Copenhagen, Denmark: University of Hawaii Press & Nordic Institute of Asian Studies.

[9Cửu Long Giang & Toan Ánh. (1974). Cao nguyên miền Thượng (tr. 137). Quyển thượng. Saigon: Khai Trí.

[10Uông Thái Biểu. (2020/11/25). Phế đế “hồi loan” và ký vãng về “Hoàng triều Cương thổ” (kỳ 3). Báo Lâm Đồng điện tử. https://baolamdong.vn/hosotulieu/202011/phe-de-hoi-loan-va-ky-vang-ve-hoang-trieu-cuong-tho-ky-3-3032102/.

[11Cửu Long Giang & Toan Ánh. (1974). Tlđd. Tr. 139.

[12Thompson, P. (2022). Building the Langbian railway (1898-1938): Part 1. Locomotives International Issue, 136, 16-25. (Toàn bộ các thông tin liên quan đến tiến độ xây dựng tuyến đường sắt răng cưa từ Tháp Chàm đến Đà Lạt ở đây đều trích dẫn từ tài liệu này.)

[13Hoàng Tuệ. (2006/12/08). Một số vấn đề về chuẩn mực hoá ngôn ngữ: Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Ngonngu.net. https://ngonngu.net/chuanmuchoa6/170

[14Hoàng Tuệ. (2006/12/05). Một số vấn đề về chuẩn mực hoá ngôn ngữ: Tiếp nhận từ của ngoại ngữ trong quá trình tiếp xúc ngôn ngữ. Ngonngu.net. https://ngonngu.net/chuanmuchoa2/167

Lời bình trên diễn đàn

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)