Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Đơn Dương > Đi tìm gốc tích địa danh “Dran” (1)

Đi tìm gốc tích địa danh “Dran” (1)

Kì 1: Dran và bác sĩ Yersin

Thứ ba 20/08/2024, của Nguyễn Tấn Đại

Trong quyển “Chuyện xứ Dran xưa” của thầy Lâm Trung Châu (NXB Văn hoá – Văn nghệ TP. HCM & Phương Nam Book, 2020), có bài “Đâu phải Dran bé tí teo” (trang 12-19) nói đến chuyện ranh giới xứ Dran kéo dài phía bắc từ Trạm Bò (Bosquet), Cầu Đất (Entre-Rays), Trạm Hành (Arbre Broyé), qua hướng đông xuống đến đốc Cây Khô (Arbre Sec), vòng về phương nam đến tận cầu Đại Ninh mới dừng lại. Mẩu chuyện nho nhỏ này đã từng dấy lên một cuộc tranh luận, bởi ít ai tin cái địa danh “thị trấn Đ’ran” ngày nay lại một thời rộng lớn đến vậy. Không chỉ thế, còn có không ít người tranh luận không ngã ngũ về việc tên gọi Dran có dấu phẩy hay không, hay là chữ D có gạch ngang hay không. Thôi thì ở đây ta hãy cùng nhau lần về quá khứ, để tìm hiểu ngọn nguồn gốc tích tên gọi của xứ sở Dran thân thương vậy.

Dran và bác sĩ Yersin

Khởi thuỷ, trước khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam, vùng cao nguyên phía tây Trung Kì vẫn là một miền đất rừng rú hiểm trở ít được triều đình quan tâm đến. Sau khi người Pháp biến Nam Kì thành thuộc địa (Cochinchine française) năm 1862, đến Hoà ước Giáp Thân 1884 thì cả hai xứ Bắc Kì và Trung Kì cũng được đặt dưới chế độ bảo hộ của nước Pháp (protectorat française). Các nhà thám hiểm và các phái đoàn khảo sát người Pháp lui tới khu vực này ngày càng nhiều. Các ghi chép tỉ mỉ và bản đồ đo vẽ cẩn thận của họ đã dần dần làm bộc lộ ra vẻ đẹp hoang sơ của xứ sở rừng núi vốn còn đầy bí hiểm với người Việt. Trong số đó, bác sĩ Paul Neis và trung uý Albert Septans là những người đầu tiên khám phá ra cao nguyên Lang Bian vào năm 1881, trong một chuyến thám hiểm ngược dòng sông Đồng Nai lên đến tận đầu nguồn [1]. Lộ trình này đi từ đầu nguồn sông La Ngà lần ngược thượng lưu sông Đồng Nai theo nhánh sông Đa Dâng ở hướng tây.

Bản đồ Đông Dương năm 1886 với khu vực cao nguyên Lang Bian mới được khám phá ở hướng tây thượng lưu sông Đồng Nai.
Nguồn: Bộ sưu tập Gallica, Thư viện Quốc gia Pháp.

Riêng hướng đông thượng nguồn sông Đồng Nai, phải đến 12 năm sau bác sĩ Alexandre Yersin mới là người khám phá ra, trong chuyến thám hiểm kéo dài bảy tháng năm 1893, như ông đã viết trong hồi kí “Bảy tháng ở xứ người Thượng” [2]. Trong hành trình dài này, ông đã khởi hành từ Sài Gòn đến Phan Thiết qua ngõ Tánh Linh, rồi từ Phan Thiết đến Phan Rí để ra Nha Trang theo đường bộ, xử lí công việc trước khi trở lại Phan Rí tiếp tục cuộc thám hiểm. Từ Phan Rí ông quay ngược về Tánh Linh, khám phá nhiều buôn làng người Thượng trong vùng. Ở chặng thứ ba, ông quyết định từ Tánh Linh đến Phan Rang theo một con đường khác với lộ trình đã đi qua. Chính quyết định này đã dẫn ông đi vòng qua phía bắc Núi Ông, lần ngược lên hướng núi Tadoum (Tà Đùng) [3], trèo lên gần tới đỉnh giữa mây mù và mưa rơi tầm tã, ngủ một đêm lạnh cóng ở độ cao gần 2.000 mét.

Hôm sau xuống núi, Yersin lại tiếp tục hành trình ngược dòng Đa Dâng đến làng Rioung và nghỉ lại. Từ đây ông bỏ lại tuỳ tùng, một mình dong ruổi về hướng bắc vì theo định vị chỉ còn hai ngày đường là tới. Sáng ngày 21/06, ông khởi hành từ rất sớm, đi qua các làng KènèrioKlon, hai lần vượt sông Da N’Tâme (Đa Tam), vượt làng Brenne (Prenn), trèo lên núi cao và choáng ngợp trước quang cảnh mở ra trước mắt của một “cao nguyên lớn trơ trụi nhấp nhô gò đồi”, vào lúc 3 giờ 30 phút chiều [4]. Sau một ngày thăm và khám phá các buôn làng người M’Lates (Lát), ông quyết định trở xuống nhưng chuyển về hướng đông để đến Phan Rang. Trong sổ tay hành trình nhật kí của mình (tlvd.), các trang số 121-123, bác sĩ Yersin đã ghi chú đến làng M’Lonne (M’Lọn) [5] lúc 3 giờ chiều ngày 24/06, nghỉ đêm tại đây, qua ngày 25/06 vượt sông Da Gnine (Đa Nhim) lúc 6 giờ 50 phút sáng, đến làng Bô Kraan [6] lúc 8 giờ 15, đến Kè Dô (Ka Đô) lúc 11 giờ 25, dừng nghỉ trưa tại Diom trước khi tiếp tục hành trình qua Dran khoảng 2 giờ chiều để xuống núi, đến La Klot lúc 4 giờ chiều, Dagnepen lúc 5 giờ 45, P’Hô lúc 9 giờ tối và P’Hô Tân Ngam (Tầm Ngân) lúc 10 giờ tối.

Nhật kí hành trình của bác sĩ Yersin có ghi chú thời điểm đi qua các địa danh “M’Lonne”, “Dron”, “Bô Kraan”, “Kè Dô”, “Diom”, “Dran”…
Nguồn: Yersin, A. J. E. (1893). Voyage chez les Moïs 24 février à 24 sept 1893: Journal de voyage.

Thực ra, đoạn đường từ Bô Kraan đến P’Hô Tân Ngam hôm đó chính là một cuộc rượt đuổi của Yersin cùng ba tuỳ tùng người Việt, truy lùng một băng cướp đông đảo có vũ trang do một thủ lĩnh tên Thouk cầm đầu. Chuyện này được kể lại trong các hồi kí về chuyến thám hiểm ấy đăng trên báo chí năm 1895 [7]. Đáng tiếc là, các bài báo này chỉ nhắc đến một số địa danh chính như M’Lonne (hay M’Lône), Bô Kraan, Diom mà lại bỏ qua Dran. Cả trong các bản đồ vẽ kèm theo các báo cáo thám hiểm của mình, Yersin cũng chỉ đánh dấu Diom chứ không phải Dran. Có lẽ, chính vì trong hành trình của mình, bác sĩ Yersin chỉ thực sự dừng chân ở M’Lonne (để nghỉ đêm), Bô Kraan (nơi phát hiện dấu vết băng cướp), và Diom (nghỉ trưa). Trong khi đó, con đường truy lùng băng cướp lại men theo phía nam sông Đa Nhim, thẳng hướng đông về Phan Rang. Thật vậy, trang số 122 nhật kí hành trình của ông có ghi chú: “1h45 - bên trái - Pè Dran 2 km hơi chếch về hướng bắc”.

Bản đồ kèm theo bản báo cáo chuyến thám hiểm từ Nha Trang đến Đà Nẵng năm 1894 chỉ đánh dấu “Diom” so với “Lang-Bian” mà không có “Dran”.
Nguồn: Yersin, 1894, dẫn theo Tessier, O., & Bourdeaux, P. (2020). Đà Lạt – Bản đồ sáng lập thành phố (Vũ Thị Mai Anh, Trần Thị Lan Anh, Nguyễn Hồng Minh, dịch). NXB Tổng hợp TP. HCM. Tr. 24.

Quả thực, trong các tài liệu do bác sĩ Yersin công bố rộng rãi, địa danh “Dran” chỉ xuất hiện chính thức kể từ năm 1927 khi ông viết báo cáo về quá trình thử nghiệm trồng cây canhkina ở Đông Dương [8]. Theo đó, sau nhiều năm thử nghiệm trồng canhkina ở núi Hòn Bà (Khánh Hoà) không thành công, ông nhớ tới vùng đất Dran nên đã quay lại vào năm 1923 để lấy mẫu đất trên một ngọn đồi “cao hơn một trăm mét”, đem về phân tích rồi quyết định mang vài trăm gốc canhkina từ Hòn Bà lên trồng thử tại đây. Ngay cả với cuộc truy đuổi băng cướp của Thouk, đến lần kể về sau năm 1942 ông mới nhắc tới Dran [9]. Thế nhưng trước đó, nhiều văn bản giấy tờ khác do người Pháp ban hành đã có ghi nhận địa danh này với đúng cách ghi như trong sổ tay nhật kí hành trình của bác sĩ Yersin. Thật trớ trêu, ông là người đầu tiên để lại dấu vết thành văn địa danh “Dran” từ năm 1893, nhưng lại không phải là người đầu tiên công bố.

(Còn tiếp)


LỜI CẢM ƠN: Chân thành cảm ơn TS Olivier Tessier, Phụ trách Trung tâm nghiên cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) tại TP. HCM, người đã chia sẻ các nguồn tài liệu quý báu được dùng trong bài viết này.


[1Mai Thái Lĩnh, Nguyễn Hữu Tranh, & Trương Ngọc Xán. (1993). Bác sĩ Alexandre Yersin và sự hình thành đô thị Đà Lạt. Trong: Uỷ ban Nhân dân Thành phố Đà Lạt, Đà Lạt: Thành phố cao nguyên. NXB Tổng hợp TP. HCM.

[2Yersin, A. J. E. (1935). Sept mois chez les Moïs. In: Variétés sur les pays Moïs (pp. 166-205). Le Gouvernement de la Cochinchine.

[3Quy ước cách ghi địa danh và nhân danh trong loạt bài này: viết in nghiêng khi dùng tên đúng theo nguồn trích dẫn; viết thường khi dùng tên phổ biến hiện nay, nếu cần nhấn mạnh cách viết (đúng từng kí tự) thì đặt trong ngoặc kép.

[4Yersin, A. J. E. (1893). Voyage chez les Moïs 24 février à 24 sept 1893: Journal de voyage. (pp. 116-117.)

[5Ông ghi chú: “Từ đây [M’Lonne] đến Dron 1-2 giờ đi bộ theo hướng tây bắc”. Liệu Dron có phải là địa danh Đạ Ròn hiện nay hay không?

[6Liệu Bô Kraan có phải là địa danh K Răng Chớ thuộc xã Ka Đơn hiện nay?

[7Jolly, R. (1895/07/07). Le docteur Yersin chez les moïs: VII. Journal des voyages et des avantures de terre & de mer, 939, 55.

[8Yersin, A. J. E. (1927). Essais sur l’acclimatation du Quinquina en Indochine. Journal d’agriculture traditionnelle et de botanique appliquée, 7(68), 250-254.

[9Institut Pasteur de Dalat (1956). Rencontre avec les pirates sur le plateau moï. In: Explorations et souvenirs du Docteur Yersin (pp. 36-41).

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)