Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Đơn Dương > Đi tìm gốc tích địa danh “Dran” (3)

Đi tìm gốc tích địa danh “Dran” (3)

Kì 3: Dran trong các giấy tờ văn bản tiếng Việt

Thứ bảy 24/08/2024, của Nguyễn Tấn Đại

Qua Kì 1Kì 2, các dấu vết lịch sử để lại cho thấy trong tiếng Pháp người ta đã nhất quán ghi địa danh “Dran” mà không có dấu phẩy. Đây không phải là một sự tình cờ ngẫu nhiên, bởi cả trong sổ tay nhật kí hành trình của bác sĩ Yersin lẫn các báo cáo, bản đồ công bố về sau, dấu phẩy vẫn được dùng cho nhiều tên riêng bản địa khác, cũng nhất quán không kém. Trong đó nhiều tên đã được nhắc đến trong các phần trước: Da N’Tâme, M’Lonne hay M’Lône, M’Lates, P’Hô. Hiện chưa tìm thấy bất cứ tài liệu nào có lời giải thích vì sao các nhà thám hiểm và khảo sát người Pháp chọn cách ghi nhân danh và địa danh bản xứ có hay không có dấu phẩy. Nhưng có thể đưa ra một giả định là, khi các phụ âm kép có sẵn trong tiếng Pháp thì họ viết liền (như Dran, Dron, Brenne, Kraan, Djiring, Blao, v.v.), còn khi không có sẵn trong tiếng Pháp thì họ dùng dấu phẩy để phân biệt như đã dẫn ở trên.

Dran trong các giấy tờ văn bản tiếng Việt

Còn đối với người Việt ở miền đồng bằng đương thời, hầu hết các tên bản địa của người Thượng đều du nhập từ cách ghi bằng tiếng Pháp của người Pháp. Tài liệu được xem là dấu vết thành văn đầu tiên của người Việt viết về Đà Lạt là bài bút kí “Lâm Viên hành trình nhật ký” của Đoàn Đình Duyệt, đương thời là Thượng thư bộ Công, viết bằng chữ Hán đăng trên Nam-Phong Tạp-chí các số 9-10 ra tháng 03/1918 và tháng 04/1918 [1]. Trong bản dịch ra chữ quốc ngữ của Phạm Phú Thành, ta biết được thời ấy Lang-Bian được gọi là “Lâm Viên”, Dalat được đặt tên chữ Hán là “Đa Lạc”, còn suối Kamly (viết là Kèmli trong sổ tay nhật kí hành trình của bác sĩ Yersin) thì mang một cái tên rất mĩ miều: “Cẩm Lệ”. Rất tiếc là trong bài viết này ông chỉ nhắc đến Eo Gió mà không nói gì đến Dran.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Tranh, ngôi đình mang tên “Càn Rang” tại Dran được sắc phong nhân dịp lễ đăng quang của vua Duy Tân năm 1907 [2]. Nếu căn cứ vào mô tả của các tài liệu tiếng Pháp rằng Dran trong những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX còn rất hoang sơ với các làng người Thượng sống rải rác, và vào sự hiện diện của trạm bưu điện Dran từ năm 1900 cũng như một trạm hành chính năm 1909, liệu có thể xem “đình Càn Rang” chính là “đình Dran”, và “Càn Rang” là tên tiếng Việt của “Dran” hay không? Việc này không phải là không có căn cứ, bởi trong một bài báo của bác sĩ Yersin về việc thử nghiệm trồng canhkina tại Đông Dương, đăng song ngữ tiếng Pháp và tiếng Việt (quốc ngữ) trên nguyệt san La Cochinchine agricole (Nam Kì nông nghiệp) số tháng 05/1928, bản dịch của T. M. N. nhất quán ghi Càng-Rang ở phần tiếng Việt ứng với tên Dran ở phần tiếng Pháp [3].

Ảnh chụp bài báo của bác sĩ Yersin đăng song ngữ Pháp-Việt năm 1928, với bản dịch của T. M. N. dùng tên tiếng Việt “Càng-Rang” ứng với địa danh “Dran” trong tiếng Pháp.
Nguồn: Bộ sưu tập Gallica, Thư viện Quốc gia Pháp.

Tuy vậy, cho đến trước năm 1945, địa danh “Dran” vẫn được sử dụng trực tiếp trên báo chí đại chúng xuất bản bằng chữ quốc ngữ. Một ví dụ thú vị là về cuộc đua xe đạp xuyên Việt lần đầu (có lẽ thế) từ Hà Nội vào Sài Gòn từ cuối năm 1941 đến đầu năm 1942, được Phan Nhựt Sâm tường thuật trên tuần báo Thể tháo Đông Dương [4]. Sau 9 chặng đua miệt mài từ Hà Nội đến Phan Rang, ngày 08/01/1942, “ở chặng đua Phanrang-Dalat, trải qua đèo Bellevue cao nghệu đả làm cho các cua-rơ Bắckỳ và Caomiên rớt lại sau xa, ngoại trừ Vủ-văn-Thân với một sức lực phi-thường, đả đeo dính được danh thủ Namkỳ, và đả rút thắng tốp nhì, nhưng củng không sao theo kịp con Phụng-hoàng Namkỳ Lê-thành-Các, một mình về trước tốp nhì nhửng ba phút.” Một đoạn khác tường thuật chi tiết chặng đua thứ 10 này: “Khi các cua-rơ sắp hàng đua, ban tổ-chức cho hay rằng mức ăn thua sẻ ở Dran chớ không phải ở Dalat, vì đường từ Dran đến Dalat, rất xấu, sợ cua-rơ đi qua gặp sự rủi ro thảm khốc.” Ở đỉnh đèo (lần này tác giả lại dùng tên “Eo-gió”), tay đua mang biệt danh “Phụng-hoàng” đã cách tốp sau đến 5 phút, nhưng sau đó có một quãng “đổ dốc, vì một khoảng đường rất xấu, xe bị đất sét dính cứng vào bánh và cặp thắng, nên Các buộc lòng phải vác xe đi bộ. Đến chừng leo lên vên lại, chàng cũng không dám đổ dốc liều lỉnh sợ rủi ro bất ngờ, nên khi tới mức ăn thua, tại Dran, Các chĩ còn hơn tốp nhì có 3 phút thôi.

Ảnh chụp bài báo tường thuật cuộc đua xe đạp xuyên Việt 1941-1942, chặng Phan Rang-Đà Lạt có nhắc tới địa danh “Dran”.
Nguồn: Bộ sưu tập Gallica, Thư viện Quốc gia Pháp.

Ở khía cạnh hành chính, sau Cách mạng Tháng Tám, ngày 22/02/1951 thủ tướng chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ban hành nghị định số 73-TTg hợp nhất hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng [5]. Nội dung chi tiết cũng như việc thi hành nghị định này thế nào không rõ, nhưng sau Hiệp định Geneva năm 1954 lại có hai văn bản do tổng thống Việt Nam Cộng hoà kí trong cùng một ngày 19/05/1958, đó là nghị định số 170-NV đổi tên tỉnh Đồng Nai Thượng thuộc cao nguyên Trung Phần thành tỉnh Lâm Đồng, và sắc lệnh số 261-NV tách quận Dran khỏi tỉnh Lâm Đồng (vừa mới đổi tên) để sáp nhập với đô thị Đà Lạt lập thành tỉnh Tuyên Đức [6]. Điều đó cũng có nghĩa là địa danh “Dran” đã chính thức có tên trong văn bản hành chính bằng tiếng Việt quốc ngữ ít nhất từ ngày hôm ấy. Thế nhưng, đến ngày 30/09/1958 thì tổng thống Ngô Đình Diệm tiếp tục ra nghị định số 343-NV đổi tên quận Dran thành quận Đơn Dương [7]. Đúng một tháng sau nữa, một nghị định mới lại được tổng thống Diệm ban ra, số 592-BNV/HC/P7/NĐ ngày 30/10/1958, xác định tỉnh Tuyên Đức gồm tỉnh lị Đà Lạt và các quận Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, trong đó quận Đơn Dương gồm bốn tổng: Xuân Lạc, Lạc Mỹ, Linh NhânTu Trang [8]. Kể từ đây, địa danh “Dran” đã biến mất khỏi các văn bản hành chính bằng tiếng Việt quốc ngữ sau khi được ghi nhận trong một quãng thời gian ngắn ngủi. Nơi đặt trạm bưu điện và trạm hành chính Dran năm xưa đã được đổi tên thành xã Lạc Nghiệp, thuộc tổng Xuân Lạc (cùng với xã Xuân Trường).

Một phần bản đồ địa hình khu vực sông Đa Nhim, đoạn chảy từ hạ lưu đập Đa Nhim đến Thạnh Mỹ, với các địa danh hành chính dùng trong khoảng 1965-1989.
Nguồn: Tác giả trích ghép từ các tờ bản đồ địa hình số 6732-IV (Đơn Dương) và 6632-I (Đà Lạt) của Cơ quan Bản đồ Quân đội Hoa Kì, phiên bản 2-DMA, 1989.

Từ đó về sau, các địa danh “Lạc Nghiệp” và “Đơn Dương” đã được sử dụng thay thế cho “Dran” về mặt hành chính xuyên suốt hơn 30 năm. Sau khi kết thúc chiến tranh, trong vòng 10 năm từ 1979 đến 1989, chính phủ nước Việt Nam thống nhất đã có một số văn bản điều chỉnh tên và địa giới của các đơn vị hành chính thuộc tỉnh Lâm Đồng. Trước tiên là quyết định số 116-CP ngày 14/03/1979 của Hội đồng Chính phủ chia huyện Đơn Dương thành hai huyện Đơn DươngLạc Dương. Điều đáng nói là trong quyết định này, huyện Đơn Dương mới bao gồm các xã TuTra, K’Đơn, Thạnh Mỹ, Ka Đô, Lạc Xuân, Lạc Nghiệp, Lạc Lâm, Loanthị trấn Đơn Dương, nhưng không xác định ranh giới cụ thể [9]. Một câu hỏi đặt ra là, nếu như cho rằng hai xã “Thạnh Mỹ” và “Lạc Nghiệp” trong quyết định nói trên tương ứng với hai thị trấn Thạnh Mỹ và Dran hiện nay, thì địa danh “thị trấn Đơn Dương” nằm ở đâu?

Đến năm 1983, xã Loan được tách thành hai xã Ninh LoanĐà Loan theo quyết định số 22/HĐBT ngày 28/03/1983 của Hội đồng Bộ trưởng [10]. Ba năm sau, Quyết định số 67-HĐBT ngày 06/06/1986 của Hội đồng Bộ trưởng tiếp tục chia xã Đà Loan thành hai xã Đà LoanTa Năng, chia xã Ninh Loan thành hai xã Ninh LoanTà Hine. Trong văn bản này, các địa danh “TuTra” (không có dấu cách) và “K’Đơn” (có dấu phẩy viết liền) có từ trước được dùng để định vị các xã mới, nhưng được viết thành “Tu Tra” (có dấu cách) và “Ka Đơn” (không có dấu phẩy).

Lại ba năm sau nữa, Quyết định số 135/HĐBT ngày 16/09/1989 chia xã Ka Đô thành hai xã Ka ĐôQuảng Lập, chia xã Deune thành hai xã ĐơnPró, đồng thời thành lập thị trấn Đ’ran trên cơ sở xã Lạc Nghiệp [11]. Đây được xem là cột mốc tái sinh Dran về mặt hành chính sau khi biến mất trên các văn bản của chính quyền hơn 30 năm. Tuy nhiên, cần chú ý địa danh ghi trên văn bản này là “Đ’ran”, tức là chữ D có gạch, kèm dấu phẩy, không có dấu cách, chữ A không có dấu ˘.

Ảnh chụp bản sao Quyết định số 135/HĐBT ngày 16/09/1989, trong đó điều 3 nói đến việc thành lập “thị trấn Đ’ran” trên cơ sở xã Lạc Nghiệp.
Nguồn: Hồ sơ lưu trữ Uỷ ban Nhân dân Thị trấn Đ’ran.

Qua tra cứu toàn văn loạt văn bản này, chúng ta không khỏi đặt dấu chấm hỏi về quy cách viết địa danh của các cơ quan quản lí hành chính, nhất là các địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc thiểu số. Sự thiếu nhất quán thể hiện rõ rệt trong trường hợp Ka Đơn, được viết thành “K’Đơn” năm 1979 (QĐ 116-CP), “Ka Đơn” năm 1986 (QĐ 66/HĐBT), rồi “Deune” và “Đơn” năm 1989 (QĐ 135/HĐBT). Hay là với Dran, việc dấu phẩy xuất hiện sau chữ D không có lí do gì xác đáng. Bởi nếu nói là phụ âm kép “dr” không tồn tại trong tiếng Việt nên phải chèn dấu phẩy vào, thì tại sao một địa danh có tình huống tương tự là Pró (phụ âm kép “pr” không tồn tại trong tiếng Việt) lại được viết nguyên mà không chèn dấu phẩy, ngay trong cùng văn bản? Còn dấu gạch trên chữ D, lí do dễ hiểu nhất là để phân biệt hai âm đọc /dờ/ và /đờ/, nhưng căn bản lập luận này cũng rất yếu; bởi nếu nhất quán ghi tên theo âm đọc và phân biệt phụ âm kép thì phải viết là “Đ’răn” chứ không phải “Đ’ran” như trong QĐ 135/HĐBT năm 1989. Hiện nay, không rõ về sau có văn bản nào đổi tên các địa danh được xác định trong các văn bản đã liệt kê ở trên hay không. Chỉ biết rằng trên trạm mạng chính thức của Uỷ ban Nhân dân huyện Đơn Dương, các đơn vị hành chính kể trên được viết là “Ka Đơn”, “Pró” và “Dran”, tất cả đều không có dấu phẩy.

(Còn tiếp kì cuối)


QUY ƯỚC cách ghi địa danh và nhân danh: viết in nghiêng khi dùng tên đúng theo nguồn trích dẫn; viết thường khi dùng tên phổ biến hiện nay, nếu cần nhấn mạnh cách viết (đúng từng kí tự) thì đặt trong ngoặc kép.


[1Phạm Phú Thành. (1993). Lâm Viên hành trình nhật ký. Trong: Đà Lạt năm xưa (tr. 94-99). Công ty Văn hóa Tổng hợp Lâm Đồng.

[2Nguyễn Hữu Tranh. (2015/03/12). Dran dưới mắt người nước ngoài. Báo Lâm Đồng điện tử.

[3Yersin A. J. E. (1928/05). Essais sur l’acclimatation du quinquina en Indochine. Bàn về việc trồng thử cây canh-ky-na ở Đông-Dương (T. M. N., Trans.). La Cochinchine agricole [Bulletin mensuel de renseignements et d’informations à l’usage des colons et planteurs français et annamites], 162-178.

[4Phan Nhựt Sâm. (1942/01/09). Trên đường thiên lý Hanoi-Saigon. Thể tháo Đông Dương, 2(11), 2-5, 12, 16.

[5Nguyễn Quang Ân. (1997). Việt Nam: Những thay đổi địa danh và địa giới các đơn vị hành chính 1945-1975 (tr. 47). NXB Văn hoá - Thông tin & Viện Sử học - Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia.

[6Nguyễn Quang Ân. (1997). Tlvd. Tr. 104.

[7Nguyễn Quang Ân. (1997). Tlvd. Tr. 112.

[8Nguyễn Quang Ân. (1997). Tlvd. Tr. 114.

[9Quyết định số 116-CP ngày 14/03/1979 của Hội đồng Chính phủ về việc chia một số huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng.

[10Quyết định số 22/HĐBT ngày 28/03/1983 của Hội đồng Bộ trưởng về việc phân vạch địa giới hành chính một số xã thuộc tỉnh Lâm Đồng.

[11Quyết định số 135/HĐBT ngày 16/09/1989 của Hội đồng Bộ trưởng về việc phân vạch địa giới hành chính một số xã, thị trấn của huyện Đơn Dương thuộc tỉnh Lâm Đồng.

Lời bình trên diễn đàn

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)