Trang chủ > Tản mạn > Đơn Dương > Dòng sông tuổi thơ
Dòng sông tuổi thơ
Thứ sáu 13/09/2013, của
Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà
Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi
Bao năm xa quê ấy trong mơ tôi vẫn thấy
Hôm nay tôi trở về lòng chợt vui thấy sông không già...
(Trở về dòng sông tuổi thơ – Hoàng Hiệp)
Mỗi miền quê Việt Nam hầu như đều gắn bó với hình ảnh một con sông nào đó. Tuổi thơ mỗi người Việt lớn lên có lẽ ai cũng mang trong mình những hoài niệm vui buồn về con sông quê. Rồi đi xa, ai cũng mong dòng sông tuổi thơ của mình không già đi theo năm tháng. Thế mà... Cứ mỗi lần quay lại nhìn con sông quê ta, dòng Đa Nhim, nước mắt sao cứ nghèn nghẹn... Con sông của chúng ta dường như mỗi tháng ngày trôi qua lại trở nên già đi, u buồn hơn, trầm lặng hơn... Nhất là từ khi hình ảnh ba nhịp cầu sắt cong cong mất đi, chỉ còn lại hai trụ đá lẻ loi trơ trọi giữa mặt nước dần cạn khô...
Có phải con sông quê ta đã thực sự già đi? Hay dòng Đa Nhim thân yêu đang chìm dần vào giấc ngủ vùi? Phải chăng nàng Ka Lang khóc thương chàng Ha Biang đã hết nước mắt, nên “dòng sông nước mắt”, tên gọi Đa Nhim, không còn trôi nữa? Đập Đa Nhim hiên ngang vắt giữa hai sườn núi, nắn dòng nước thiên nhiên ban tặng cho Dran quê ta, mang lại dòng điện sáng cho bao miền quê khác; còn xứ sở ấy, mạch sống giống như cạn dần, già cỗi, như con sông ngái ngủ ngày này qua tháng nọ, trơ lòng phơi đáy, mặc cho cát bồi, đá lở,...
Rồi một ngày, ta đi tìm mạch nguồn, ngược dòng Đa Nhim...
Mạch sống quê ta vẫn còn đây, vẫn ăm ắp đầy. Chỉ một lằn ranh, bao sức sống tiềm tàng căng đầy bên kia bờ đập. Những thân cây khô vẫn vươn cao cành nhánh gầy như những bộ xương giữa mặt hồ lộng gió... Những cây thông ven bờ nước vỗ, đất lở dưới chân nhưng bộ rễ vẫn đan xen vững chắc trụ lại với thời gian... Rừng thông bạt ngàn xanh ngút, từ mặt nước mênh mông khép lại dần cao ngất, nơi thiên nhiên còn nguyên sơ thưa vắng dấu chân con người. Nhắm mắt lại nghe sóng nước ì oạp mạn xuồng, văng vẳng bên tai tiếng ngàn thông reo hát giữa không gian thinh lặng hoang dã hùng vĩ của đất trời...
Càng lên thượng nguồn, sóng càng giảm, nước càng lặng. Hàng cây trầm ngâm bên bờ nước, buồn đìu hiu giấc chiều thu, bóng cây đỏ au nghiêng soi bóng nước như ưu tư điều gì. Phải chăng nỗi niềm chất chứa từ bao nhiêu sức sống từ suối mẹ trên cao dồn về đến đây thì ứ đọng lại, không được trôi đi thanh thoát như bao con sông quê khác trên khắp dải đất cong hướng mình ra biển Đông này? Phải chăng sông buồn nước tủi phận cay đắng phải uốn mình về xứ khác, mang năng lượng tiềm tàng trong lòng mình mang ánh sáng và phồn vinh cho những nẻo xa, còn miền quê nghèo vẫn ngày thêm cằn khô sỏi đá? Phải chăng hàng cây trầm mặc lo âu cho số phận mình rồi đây cũng bị xâm lấn giữa muôn trùng mai dương đang bủa vây tứ phía, chuyện tưởng chỉ của thiên nhiên chứ biết đâu lại có dáng dấp đời sống xã hội con người ở đó...
Đứng giữa lòng hồ, nhìn về phương Nam. Mênh mông nước nguồn, dạt dào sóng vỗ. Núi đồi xa xa, chìm trong mây mù. Gió lồng lộng thổi, lòng se sắt buồn... Cả xứ Dran khuất dưới tầm mắt. Bờ đập ngăn đôi dòng, ngọn nguồn cách trở. Sông dài thoi thóp nằm yên qua ngày đoạn tháng... Một mái chùa thấp thoáng trong mây mù, giữa núi đồi trùng điệp. Dường như đây là cứu cánh tâm linh, ngăn trở tầm mắt mà không cách li tâm hồn! Có vẻ như mái chùa này là điểm nhìn giao hoà giữa thượng nguồn ăm ắp và hạ nguồn khao khát... Để làm gì?
Để rồi khi cánh cửa đập nặng hàng trăm tấn được nâng lên, bao nhiêu chất chứa vỡ oà thành bọt nước trắng xoá, tuôn trào về mọi ngóc ngách bên bờ sông xưa... Như là sự bù đắp cho những nỗi niềm khát khao đến cháy bỏng. Con sông oằn mình trỗi dậy sau giấc ngủ biếng lười dài vô hạn định...
Cuộc sống hai bên bờ, dù vẫn chậm rãi, chậm đến mức tưởng như tất cả đều dừng lại cùng với dòng sông lúc nó ngừng trôi, vẫn tiếp diễn. Vẫn những ngôi chợ dù tinh tươm sạch sẽ ở Ka Đô hay cũ kĩ ọp ẹp ở Lạc Nghiệp thì đều là nơi tụ họp buôn bán đông đúc nhất ở xứ huyện nghèo. Vẫn những mảnh vườn với cọc tre thô sơ hay phủ kín bằng bạt nhựa đầy vẻ thời đại công nghiệp, lặng thầm cung cấp một nguồn rau xanh quan trọng cho nhiều xứ sở khác. Vẫn những bờ cúc quỳ mãnh liệt sức sống hoang dại sáng rực núi đồi hay những vườn hồng trĩu quả nặng mồ hôi công sức chăm bón của con người. Vẫn những cụ già địu cháu trên lưng, nâng niu những mầm non tương lai, hay những cậu bé đồng bào vui ngơ ngác bên chiếc máy cày đưa họ tiến gần hơn với thế giới văn minh. Và vẫn những em học sinh lặn lội đạp xe vượt qua từng con dốc dài, nhọc nhằn đường đến trường giữa mù sương ướt lạnh, đến với trường lớp, đến với chữ nghĩa, đến với sách vở, đến với ước vọng bay qua núi đồi, đến với những miền đất xa xăm đầy những thời cơ và thách thức...
Như con sông bị cách trở đôi dòng rồi cũng có ngày hạnh ngộ, những người con của miền đất ấy mang trong mình tiềm lực của quê hương, đến ngày rạng rỡ ở xứ người rồi thì vẫn cứ đăm đắm một điều:
Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình
Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ
Con sông tôi tắm mát
Con sông tôi đã hát
Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà
Và chính tình yêu tự thân ấy đã là chất keo kết dính bao nhiêu thế hệ già trẻ khác nhau, cùng ngồi lại, cùng bắt tay nhau, cùng chia vui buồn, cùng đùm bọc san sẻ,... Tất cả đều cùng hướng về một tương lai xán lạn, của nhau và cho nhau.
Dòng sông tuổi thơ của ngày hôm qua. Cho phút giây lắng đọng của ngày hôm nay. Cho sự bắt đầu của ngày mai...
Tháng 10/2009
Mến tặng chị Minh Mạnh và anh Lâm Thạnh, kỉ niệm một chuyến "về nguồn" đầy cảm xúc.