Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Đơn Dương > Tiếng chuông ngân

Tiếng chuông ngân

Thứ ba 13/05/2008, của Nguyễn Tấn Đại

Nhà tôi ở trong một xóm nhỏ, cái xóm chẳng mấy khi xe cộ chạy qua. Cũng nhờ đó mà nó khá yên bình.

Cái xóm nhỏ đó có vài mươi nóc nhà, dọc theo phía sau lưng là con đèo thẳng hướng Đà Lạt. Lưng chừng trên cao, một mái giáo đường nho nhỏ, vừa đủ nhỏ cho một vùng giáo xứ nhỏ, ở cái xứ cũng nhỏ như lòng bàn tay con người.

Ấy thế mà thuở bé, ngôi giáo đường ấy là một cái gì đó thật to lớn, vĩ đại. Đứng bên cửa sổ nhà nhìn lên, nhìn tượng Đức Chúa Cha đứng dang tay nhìn xuống, tôi không hiểu vì cái gì mà trong mình cứ dâng lên một ấn tượng là lạ, sờ sợ... Tượng Đức Mẹ gần đó thì quay lưng lại xóm tôi, khi đứng nhìn thẳng trước mặt thì thấy dịu hiền hơn nhiều. Nhà thờ thường rất vắng, mỗi khi có việc cần đi tắt qua lối này lên dốc quận, tôi thường nhón từng bước nhẹ, rón rén bước qua gian nhà để chiếc xe đưa tang mà tim đập thình thịch không dám nhìn vào... Lên từng bậc cầu thang, ngó tới ngó lui trông chừng sợ... Cha ra bắt (?!)... Qua được ngưỡng đó thì tới toà tháp chuông cao ngất, đứng dưới nhìn lên tận đỉnh thì... mất hồn ù té chạy, dù chẳng biết là có cái gì trên đó...

Cái tháp chuông hết sức bình thường, bốn chân cột dong dỏng cao, đỉnh tháp là một cây thánh giá quay về hướng phố. Lòng người luôn cần được soi sáng để hướng về cái thiện bổn tính của mình... Ba tầng khe thông gió và thông âm quay về đủ bốn hướng. Bên trong, hai cái chuông treo cao ở hai tầng khác nhau, dây thừng nối dài buông thõng xuống, vẫn cao quá đầu người. Mỗi lần kéo chuông, hai cái chuông thi nhau nhảy cùng với những người kéo chuông. Người rướn lên, vươn tay ghì sợi dây kéo xuống. Chiếc chuông thứ nhất đổ kính coong và nhảy lưng tưng giật sợi dây ngược lên, trong khi người kia làm động tác tương tự. Sợi dây giật ngược lên thì người kéo chuông lại rướn lên rồi giật xuống. Người và chuông thi nhau nhảy, tiếng chuông kính coong vang xa hàng hai cây số, tận miệt Lâm Tuyền vẫn còn nghe được.

Mỗi ngày chuông đổ hai lần buối sáng và hai lần buổi chiều. Thuở ấy, cứ muốn dậy tập thể dục thì theo tiếng chuông mà dậy, có tỉnh giấc sớm hơn thì cũng cố nằm nướng thêm tí nữa để chờ chuông nhà thờ đánh thức. Người lạ có thể không quen, nhưng tiếng chuông lại như là một thanh âm gắn vào giấc ngủ bình yên của cư dân xóm tôi. Tiếng chuông an lành... Bốn rưỡi sáng một hồi chuông kính coong kính coong... Năm giờ sáng một hồi chuông kính coong kính coong... Tiếng chuông luôn khởi đầu khá chậm chạp, rồi nhanh dần đầy hứng khởi, mỗi lúc một âm vang và trong trẻo, đến khi gần hết thì buông chậm dần, chậm dần... Khi người kéo chuông thôi không thi nhảy cùng chuông thì chuông như... cũng buồn, buông tiếng thở dài coong... coong... coong... oong... oong... on... on... o... o... ... ...

Đi xa đã nhiều năm, gặp qua nhiều nhà thờ, giáo đường rộng lớn, nhiều tháp chuông cao bề thế, nhưng dường như chưa ở đâu tôi nghe được tiếng chuông hay như ở quê mình. Vì sao? Tôi vẫn luôn tự hỏi. Phải chăng trong tiếng chuông đó có quyện cả ngọn gió, làn hơi của núi rừng từ trên cao vọng xuống các mái nhà dân dã? Hay phải chăng vì nó gắn liền với một miền ký ức mộng mơ mà tôi không thể có được ở những vùng đất khác? Cũng có khi, những tháp chuông nơi khác tuy bề thế nhưng luôn bị vây quanh bởi cái chật hẹp, máy móc, bê tông cốt thép và ồn ào xe cộ của con người, hay không có được cái tầm cao thanh thoát như ở giáo đường Dran? Có lẽ, ở đó hội đủ những yếu tố mà các nơi khác dù to, dù đẹp, dù sang trọng bề thế vẫn không có được: một tầm cao thoát hẳn những tầm thường tục luỵ của con người, một không gian bao la khoáng đạt trong xanh mát mẻ yên bình, không quá lớn cũng không quá nhỏ, một vách núi dựng đứng liền sau lưng để đẩy tiếng chuông vang xa, bốn bề núi rừng quây quanh một thung lũng nhỏ đủ để tiếng chuông dội lại ấm áp lòng người, và dĩ nhiên cả một tuổi thơ êm đềm trong vùng trời bình yên ấy...

Sài Gòn, ngày 21 tháng 9 năm 2006

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)