Trang chủ > Tản mạn > Đơn Dương > Đi tìm gốc tích địa danh “Dran” (2)
Đi tìm gốc tích địa danh “Dran” (2)
Kì 2: Dran trong các văn bản giấy tờ tiếng Pháp
Thứ năm 22/08/2024, của
Trong Kì 1 chúng ta đã biết bác sĩ Alexandre Yersin là người đầu tiên ghi nhận địa danh “Dran” trong sổ tay nhật kí hành trình của mình năm 1893, nhưng phải đến hơn 30 năm sau đó ông mới nhắc tới Dran trong các bài viết công khai. Vậy thì dấu vết thành văn của địa danh này xuất hiện trong các tài liệu chính thức của người Pháp từ khi nào?
Dran trong các văn bản giấy tờ tiếng Pháp
Sau cuộc khám phá cao nguyên Lang Bian của bác sĩ Yersin, người Pháp tiếp tục gửi nhiều đoàn thám hiểm đến khu vực này, đặc biệt khi toàn quyền Doumer có ý định xây dựng một khu nghỉ dưỡng cho người Pháp ở Đông Dương trong giai đoạn 1897-1902. Trong số đó, có cả chuyến thị sát của chính Doumer trong khoảng tháng 02-03/1899, cùng với một sĩ quan tháp tùng tên Langlois và bác sĩ Yersin, được ông kể lại năm 1942 [1]. Khởi hành từ Phan Rang, Doumer phi ngựa nước đại băng băng đi trước, đến Dong-Me (Đồng Mé) nghỉ lại ăn trưa xong tức tốc đi tiếp đến Krong Pha (Sông Pha) khi trời vừa sập tối. Trong khi đó, mãi đến tận khuya đoàn xe ngựa chở hành lí mới theo kịp đến nơi.
Sáng sớm hôm sau, cả đoàn lội bộ dắt ngựa trèo núi. Trong bài hồi kí này, ông viết: “Chúng tôi đã lên đến Bellevue [Eo Gió] và Dran vào khoảng mười giờ. Thời bấy giờ, chưa có người An Nam nào lên sống trên cao nguyên và Dran chỉ có mỗi một làng người Thượng tồi tàn, nơi toàn bộ cư dân đều bị nhiễm sốt rét. Tranh thủ tắm lúc vượt sông, sau đó ăn trưa chớp nhoáng và lên đường tiếp tục chặng cuối.” Cả đoàn tiếp tục hướng về cao nguyên Lang Bian qua ngõ Arbre-Broyé (Trạm Hành). Sau khi ở lại một ngày để khảo sát khu vực Dankia và các điều kiện xây dựng thành phố nghỉ dưỡng, bao gồm cả một tuyến đường sắt từ Sài Gòn vượt núi lên Đà Lạt rồi vòng xuống Quy Nhơn [2], cả đoàn quay ngược xuống Phan Rang theo đúng lộ trình lượt đi, trừ viên công sứ Nha Trang được cho ở lại vì quá mệt sau cuộc trèo núi vất vả.
Có lẽ chính chuyến đi này, với chặng dừng nghỉ ngơi bên bờ sông tại Dran, đã giúp địa danh này xuất hiện trong các kế hoạch xây dựng đường bộ và đường sắt mà Doumer cho triển khai quyết liệt trong những năm 1899-1900, nhằm kết nối giao thông phục vụ phát triển thành phố Đà Lạt. Theo phần báo cáo y tế của bác sĩ Étienne Tardif, một thành viên của phái đoàn Guynet được cử lên nghiên cứu Lang Bian từ năm 1899 đến năm 1900, đoạn đường từ Phan Rang đến Đà Lạt lúc bấy giờ có các điểm dừng trung gian tại: Maï-nuong (Mai Nương), Dongmé (Đồng Mé), Balach (Ba Lách), Somtangam (Tầm Ngân), Daban (Đá Bàn) và Dran [3]. Cũng theo báo cáo năm 1890 của ông, thời ấy để lên cao nguyên Lang Bian có ba lộ trình: thứ nhất, từ Sài Gòn qua Biên Hoà, Tánh Linh, Di Linh, rồi đến Dran để lên Đà Lạt theo lối mòn cheo leo (sentier mulier) do đại uý Guynet mở; thứ hai, theo dọc biển xứ Trung Kì đi từ Phan Thiết tới Tánh Linh rồi đi tiếp lộ trình thứ nhất; thứ ba, đi từ bờ biển Ninh Chữ tới Phan Rang, sau đó qua Mai Nương, Ba Lách, Xóm Gòn và Dran (tlvd., tr. 158-159). Như thế, có thể thấy địa danh “Dran” đã thực sự đi vào các văn bản và bản đồ do người Pháp công bố trong những năm 1898-1900, với vai trò là một cửa ngõ quan trọng ở khu vực tiếp giáp giữa vùng đồng bằng và cao nguyên Lang Bian. Trong đó, đáng kể nhất là bản đồ của đại uý Thouard (1898) và của Guillaume Capus (1900).
- Sơ đồ tập hợp các lộ trình thám hiểm của đại uý Thouard năm 1898 có ghi địa danh “Dran”.
- Nguồn: theo Tessier & Boudeaux, 2020, tlđd., tr. 36.
- Kí hoạ sơ đồ đường lộ và lối mòn cheo leo từ Phan Rang đến Langbian của Guillaume Capus năm 1900 có ghi địa danh “Dran”.
- Nguồn: theo Tessier & Boudeaux, 2020, tlđd., tr. 35.
Chính các khám phá liên tục một vùng đất mới trong những năm đầu cầm quyền của Doumer đã dẫn tới việc ông ban hành quyết định số 911 ngày 01/11/1899 về việc thành lập tỉnh Haut-Donnaï (Đồng Nai Thượng) và đặt hai trạm hành chính ở Tan-linh (Tánh Linh) và Djiring (Di Linh), nơi đóng luôn vai trò tỉnh lị [4]. Vài tháng sau, ngày 24/02/1900 ông tiếp tục ra quyết định lập trạm bưu điện Dran (cùng với hai trạm Djiring và Dankia), bắt đầu phục vụ từ ngày 15/03/1900. Lực lượng nhân sự sau đó cũng lần lượt được bổ nhiệm, bao gồm: Nguyên-quang-Lâm, Nguyên-van-Phuc (cả hai đều từ ngày 11/03/1900), Dang-van-Quyên và Trân-luong-Ngoc (cả hai từ ngày 01/04/1900) [5]. Không chỉ vậy, một trạm hành chính khác cũng được mở tại Dran năm 1909, với một viên quan tri huyện tên là Ya Gut, chủ yếu chịu trách nhiệm tổ chức lao dịch phục vụ xây dựng đường xá và vận chuyển hàng hoá; phiền nỗi cả trăm gia đình sống trong một ngôi làng gần trạm bưu điện Dran đã tìm cách di dời về những khu vực xa hơn trên núi cao để trốn tránh lao dịch [6]. Tất cả các dữ liệu trên là minh chứng cho thấy vì sao Dran đã sớm xuất hiện trên bản đồ mạng lưới bưu chính và điện báo của toàn khu vực Đông Dương ngay từ đầu thế kỉ XX [7], cùng với Di Linh và Đà Lạt là ba đầu mối chính của tỉnh Đồng Nai Thượng.
- Ảnh chụp trang tóm tắt quyết định thành lập trạm bưu điện Dran ngày 24/02/1900 của Toàn quyền Đông Dương.
- Nguồn: Bộ sưu tập Gallica, Thư viện Quốc gia Pháp.
Thế nhưng, có thể vì là vùng đất mới nên ranh giới cương thổ tỉnh Đồng Nai Thượng chưa thực sự ổn định. Năm 1902, Doumer kết thúc nhiệm kì cầm quyền của mình mà vẫn còn đau đáu tâm huyết dành cho kế hoạch mở tuyến đường sắt Sài Gòn-Khánh Hoà, với một nhánh rẽ từ Phan Rang qua Đá Bàn, lên Dran tới Đà Lạt [8]. Nhưng chỉ qua năm sau, người kế nhiệm ông đã xoá bỏ tỉnh Đồng Nai Thượng non trẻ để nhập vào tỉnh Bình Thuận, còn Đà Lạt được nhập vào Ninh Thuận [9]. Đến năm 1916 thì tỉnh Lang-Bian cùng với trung tâm đô thị Đà Lạt được thành lập chủ yếu từ các khu vực thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng cũ [10], hẳn nhiên trong đó có cả Dran. Vài năm sau nữa, trên cơ sở một chiếu dụ của triều đình ngày 11/10/1920, toàn quyền đương thời là Maurice Long đã kí quyết định số 6161 ngày 31/10/1920 [11] thành lập thị xã Đà Lạt, chia thành hai vùng nội ô và ngoại ô, đồng thời tách phần đất còn lại của tỉnh Lang-Bian đặt theo tên cũ là tỉnh Đồng Nai Thượng (Nguyễn Hữu Tranh, 1998, tlvd). Tỉnh Đồng Nai Thượng mới tái lập này bao gồm ba quận Djiring, Blao (Bảo Lộc) và Dran (Déry, 1999, tlđd). Các đơn vị hành chính này duy trì tương đối ổn định trên dưới 20 năm, cho đến khi toàn quyền Jean Decoux kí liên tiếp hai quyết định số 206 và 207 ngày 08/01/1941 thành lập tỉnh Lang-Bian bằng cách sáp nhập thị xã Đà Lạt với vùng ngoại ô và khu vực Dankia trước đây, và giảm phần diện tích tương ứng của tỉnh Đồng Nai Thượng.
- Ảnh chụp bản báo cáo “Tình hình xứ Đông Pháp (1987-1902)” với đoạn trích đề cập đến địa danh “Dran”.
- Nguồn: Doumer, 1902.
- Bản đồ mạng lưới bưu chính và điện báo Đông Dương năm 1914 có ghi tên trạm Dran.
- Brenier, H. (1914). Tlđd. Tr. 118-119.
Cùng với sự phát triển của thành phố Đà Lạt suốt nửa đầu thế kỉ XX, các tài liệu, sách vở, báo chí tiếng Pháp vẫn thường nhắc đến địa danh “Dran” khi có thông tin, sự kiện liên quan. Như lễ khánh thành chặng đường sắt răng cưa từ Sông Pha đến Eo Gió ngày 19/01/1927 [12], rồi chặng Dran-Trạm Hành hoàn thành vào tháng 09/1928 [13]. Hay chuyến công cán của khâm sứ Trung Kì Maurice Fernand Graffeuil dự một loạt ba lễ khánh thành: cầu đường bộ Dran có thu phí (sáng ngày 23/11/1938), ga Đà Lạt (chiều cùng ngày) và cầu Sông Pha (hai ngày sau đó) [14].
Sau năm 1945, chế độ quản lí của người Pháp đối với các đơn vị hành chính tại Việt Nam chấm dứt. Việc điều chỉnh tên gọi và ranh giới của các địa danh hành chính trong cả nước nói chung, tại cao nguyên Lang Bian nói riêng, từ đó được chuyển về các chính quyền do người Việt đứng đầu, sử dụng tiếng Việt ghi bằng chữ quốc ngữ. Các tên gọi trước đó vẫn dùng cách viết theo tiếng Pháp dần dần cũng thay đổi theo.
(Còn tiếp)
QUY ƯỚC cách ghi địa danh và nhân danh: viết in nghiêng khi dùng tên đúng theo nguồn trích dẫn; viết thường khi dùng tên phổ biến hiện nay, nếu cần nhấn mạnh cách viết (đúng từng kí tự) thì đặt trong ngoặc kép.
[1] Institut Pasteur de Dalat (1956). Premières reconnaissances du plateau du Lang-Bian. In: Explorations et souvenirs du Docteur Yersin (pp. 42-48)
[2] Ý tưởng này về sau bị bỏ dở do không khả thi.
[3] Tardif, É. (1949). In: La naissance de Dalat (Annam) 1899-1900 : Capitale de l’Indochine 1946 (p. 66). Ternet-Martin.
[4] Arrêté N° 911 du 1er novembre 1899 portant création de la province du Haut-Donnaï et de deux postes administratifs à Tân-linh et sur le plateau du Lang-Bian (Annam).
[5] Gouverneur générale de l’Indochine. (1900). Bulletin officiel de l’Indo-Chine Française (pp. 308, 567-568).
[6] Hickey, G. C. (1982). Sons of the mountains: Ethnohistory of the Vietnamese central highlands to 1954 (pp. 314-315). Yale University Press.
[7] Brenier, H. (1914). Essai d’Atlas statistique de l’Indochine française: Indochine physique, population, administration, finances, agriculture, commerce, industrie (pp. 118-119). Gouvernement général de l’Indochine.
[8] Doumer, P. (1902). Situation de l’Indochine française (1897-1901) (p. 227) [Rapport au Conseil supérieur de l’Indochine (Session extraordinaire de février 1902)].
[9] Déry, S. (1999). La colonisation agricole au Vietnam (p. 270) [Thèse pour l’obtention du grade de Philosophiæ Doctor (Ph.D.)]. Université Laval.
[10] Nguyễn Hữu Tranh. (1998). Tìm hiểu địa danh và địa giới hành chánh tỉnh Lâm Đồng. Thông tin Khoa học & Công nghệ [Sở KHCN&MT Lâm Đồng], số 2.
[11] Arrêté N° 206 du 8 janvier 1941 portant création en Annam une nouvelle province dénommée « Province du Lang-Bian » dont le chef-lieu est fixé à Dalat.
[12] L’inauguration du chemin de fer à crémaillère de Krong-pha à Bellevue. (1927/01/22). L’Écho annamite, 1, 3.
[13] Le chemin de fer du Langbiang atteint le rebord du plateau. (1928/09/02). L’Éveil économique de l’Indochine, 12(585), 18.
[14] Une tournée de M. Graffeuil: Trois inaugurations. (1938/12/02). L’Avenir du Tonkin, 54(12868), 4.
Lời bình trên diễn đàn
1. Đi tìm gốc tích địa danh Dran (2), 23/08/2024, 07:52, của yên thao
Bài viết thật công phu và đọc xong cô cũng vỡ ra thêm nhiều điều thú vị dù ở nhà cô do hay nói chuyện với ba về đề tài Dran cô cũng có một ít kiến thức về những địa danh trong bài .
2. Đi tìm gốc tích địa danh Dran (2), 23/08/2024, 08:55, của Nguyễn Tấn Đại
Dạ, cảm ơn Cô đã quan tâm và kiên nhẫn đọc bài. Thời nay thật hiếm! :))
Trong quá trình tìm tư liệu, em phát hiện ra gốc gác hai cái tên tiếng Pháp của Trạm Hành và dốc Cây Khô. Lúc nào có dịp thích hợp em sẽ trích dẫn kể lại ạ.