Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Ngôn luận và văn chương > Văn chương > Hoàng tử bé và những mối duyên lành (4)

Hoàng tử bé và những mối duyên lành (4)

Chủ nhật 17/04/2022, của Nguyễn Tấn Đại

Những mối duyên lành từ trái tim đến trái tim

Cuộc thai nghén bản dịch

Một mối duyên đầu tiên, khởi từ xa xưa, trên miền đất cao nguyên nhỏ bé thanh bình, thị trấn Dran. Giai thoại kể rằng, ngày xưa bác sĩ Alexandre Yersin trên hành trình khám phá ra cao nguyên Lâm Viên (Lang Biang), nơi xây dựng thành phố Đà lạt vài chục năm sau đó, đã đi qua Dran. Khi dừng chân trên đỉnh núi cao nhìn xuống, ông thấy một thung lũng ngập tràn mây trắng, nên gọi đó là “Thung lũng Mây”. Giai thoại ấy không biết thực hư ra sao, nhưng việc bác sĩ Yersin tháp tùng quan toàn quyền Paul Doumer đi cao nguyên Lang Biang, vào tháng 3 năm 1899, theo lộ trình từ Phan Rang qua Krong Pha, Ngoạn Mục đến Dran rồi lên Trạm Hành, Đà Lạt là có thật.
Theo dòng lịch sử, thành phố Đà Lạt được xây dựng theo phong cách Pháp để phục vụ người Pháp. Và dĩ nhiên, người bản địa cũng được thụ hưởng “ké” một môi trường kinh tế, văn hoá và giáo dục khác biệt, nhất là nhờ có tuyến đường sắt răng cưa, một công nghệ độc đáo hàng đầu thế giới, đi ngang qua Dran với hai nhà ga Eo Gió và Càn Rang, cùng chiếc cầu sắt một thời thanh thoát u mặc. Trong quyển tản văn “Chuyện xứ Dran xưa”, thầy giáo cao niên Lâm Trung Châu đã kể lại những câu chuyện dung dị, dí dỏm mà lại mang đầy chất tư liệu về đời sống xã hội của cái xứ rẻo cao nhỏ bé tưởng chừng không ai biết ấy.

Toàn cảnh thị trấn Dran (năm 2004) với cây cầu sắt trên tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm-Đà Lạt

Ảnh: Toàn cảnh thị trấn Dran (năm 2004) với cây cầu sắt trên tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm-Đà Lạt.

Cái nơi hẻo lánh heo hút mà ngôn ngữ miệt thị gọi là “xứ Mọi”, từ thuở xa xưa gần một thế kỉ trước, đã có gần như đầy đủ mọi thành tố của một xã hội văn minh như trường học, nhà thương, nhà bảo sanh, chợ, giếng nước công cộng, nhà công, tiệm sách, hiệu ảnh, rạp phim, “bar dancing” (quán bar sàn nhảy), “cercle sportif” (câu lạc bộ thể thao), sân vận động, xe khách… Đặc biệt là trường học, với chương trình và cách tổ chức tương đồng theo phong cách phương Tây, ngoài các môn học bằng quốc văn học trò còn được học tiếng Pháp từ nhỏ và thi theo chương trình của Pháp. Ngay kì thi tiểu học năm 1950, lứa học trò đầu tiên của École de Dran đậu hoàn toàn với tỉ lệ 100 %. Có lẽ chính mối duyên khởi với tiếng Pháp trên vùng đất quê hương này đã dẫn dắt tôi từ một chàng trai 18 tuổi không biết một chữ bẻ đôi tiếng Pháp, bắt đầu hành trình cuộc đời gắn chặt với tiếng Pháp trong suốt hơn 25 năm sau đó, cùng nhiều mối duyên khác xoay quanh “Hoàng tử bé”.

Nếu như Saint-Ex đã trải qua trên dưới 6 năm trung học tại Le Mans và gần 1 năm học làm phi công tại Strasbourg, thì tôi gần như ngược lại, với gần 1 năm học cao học tập trung tại Le Mans và hơn 6 năm đi đi về về làm luận án tiến sĩ tại Strasbourg. Thời ở Le Mans, tôi chỉ mất một ngày một đêm để đọc trọn vẹn quyển truyện, và viết ngay vào nhật kí: “Anh tìm ra một nguồn vui mới, em ạ! Anh sẽ dịch cuốn “Petit Prince”, để về tặng em.” Trên đất Pháp, tôi đã bắt tay vào dịch được một phần quyển truyện, nhưng không ưng ý lắm. Những khó khăn ngôn từ trong bối cảnh sống một mình ở nước ngoài, cơ hội tiếp xúc bằng tiếng mẹ đẻ rất hạn chế với một số ít ỏi bạn bè và người quen Việt Nam, đã không cho phép tôi tìm được cách diễn đạt trọn vẹn ý nghĩa của tác phẩm bằng tiếng Việt.

Ngày hội “24 giờ sách” hàng năm tại Le Mans, một trong những hội sách lâu đời nhất tại Pháp.

Ảnh: Ngày hội “24 giờ sách” hàng năm tại Le Mans, một trong những hội sách lâu đời nhất tại Pháp.

Về nước, tôi dạy học phổ thông một năm ở Đức Trọng. Đến hè 2002, tôi quay lại Sài Gòn làm việc cho chính tổ chức đã cấp học bổng du học Pháp cho tôi, trước ngày cưới vợ chưa đầy một tháng. Cuộc sống và công việc cuốn trôi, tôi tạm gác lại bản dịch còn dang dở. Thỉnh thoảng đi nhà sách Xuân Thu, thời còn nằm trong khu Eden ở trung tâm Sài Gòn, tôi thấy ở quầy sách ngoại văn có bản dịch song ngữ của Nguyễn Thành Long với tựa “Chú bé hoàng tử” (NXB Văn nghệ, 2000), nhưng kiên quyết không mở ra đọc để tránh bị ảnh hưởng. Sau gần hai năm vợ chồng xa cách, mỗi tuần đi đi về về trên những chuyến xe khuya Sài Gòn-Bảo Lộc, trải nghiệm sống dần đầy hơn, tôi mới bắt tay vào dịch lại, và quyết định xé bỏ toàn bộ các trang dịch viết tay đã mang từ Pháp về.

Sau Tết Quý Mùi 2003, tôi bắt đầu trang dịch mới, chép tay trong một quyển vở còn giữ lại từ thời đi học. Dường như sự đồng cảm với tác phẩm cùng những trải nghiệm tích luỹ đủ nhiều nên mỗi lúc ngồi dịch tôi thường viết một mạch không nháp, rất ít khi phải tẩy xoá. Cứ cách vài ngày hay có khi vài tuần tôi lại dịch một đoạn, thường vào buổi tối khuya khi mọi người ở nhà trọ đã đi ngủ, không gian đủ tĩnh lặng để suy ngẫm và lựa chọn ngôn từ câu chữ. Dịch đến đâu tôi ghi ngày cẩn thận đến đó, như một thói quen để định vị dòng chảy suy nghĩ của bản thân.

Nhưng đến tận tháng 6 năm đó tôi vẫn chỉ dịch được chưa đầy một phần ba tác phẩm, đến giữa chừng chương VIII, đoạn bông hoa hồng kiêu kì đỏm dáng trên tiểu hành tinh của hoàng tử bé vừa mới nở. Quá trình thai nghén và tích tụ ý tưởng cho bản dịch này tựa như cuộc trang điểm bí ảo của bông hoa: “Nó lựa thật kĩ từng nước màu. Nó chậm rãi khoác từng vạt áo, làm đầy đặn thêm từng cánh hoa. Nó không muốn nở ra nhăn nhúm như đám hoa mào gà. Nó chỉ muốn xuất hiện trong ánh hào quang rực rỡ của một sắc đẹp đầy đặn.

Tháng 7, tôi lấy trọn vẹn 5 tuần nghỉ phép năm theo chế độ của cơ quan. Vợ tôi xuống Sài Gòn rồi hai vợ chồng đánh xe máy, chạy một vòng ra Phan Thiết, Nha Trang thăm người thân. Sau đó vòng lên Đơn Dương thăm nhà tôi rồi quay về Bảo Lộc nghỉ ở nhà vợ. Suốt một tuần lễ cuối tháng 7 tại Bảo Lộc, đúng dịp tròn một năm ngày cưới, ngoài giờ ăn và ngủ tôi gần như chỉ có ôm sách vở ngồi dịch truyện. Một mạch từ ngày 25, tôi xem lại bản dịch từ đầu, biên tập đôi chút và dịch tiếp đến ngày 31 thì hoàn tất bản dịch viết tay.

Dĩ nhiên, độc giả đầu tiên của bản dịch ấy không ai khác hơn là vợ tôi, cô bạn cùng lớp đại học năm nào. Sau khi nhận được lời góp ý về những điểm có thể biên tập, chỉnh sửa thêm, tôi bắt đầu đánh máy từ bản dịch viết tay, quét ảnh từ quyển sách gốc để chèn vào, trình bày thành một quyển sách mini kích cỡ A6 để có thể in ra giấy A4 và đóng tập dễ dàng. Về lại Sài Gòn, tôi bắt đầu in quyển sách bé tí nhưng màu sắc đầy đủ, gửi tặng vài người thân quen để đọc cho vui. Và nhận được những phản hồi tích cực, đặc biệt là những góp ý về một số câu chữ của thầy Phan Tấn Lợi, người thầy dạy tiếng Anh năm tôi học lớp 8, chỉ trong một học kì mà đã tạo dựng gần như mọi nền tảng căn bản về ngoại ngữ cho tôi suốt cuộc đời đi học về sau.

Kì sau (cuối): Cuộc kết tụ yêu thương

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)