Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Đơn Dương > Truyền thuyết con dê đi lạc

Truyền thuyết con dê đi lạc

Chủ nhật 11/02/2024, của Nguyễn Tấn Đại

CẢNH BÁO: Chuyện bịa một ngàn phần trăm, nhưng tên các địa danh là có thật một trăm phần trăm

Ngày xửa ngày xưa, một ngày đông lạnh giá ở xứ Dran miền Thượng có một con dê đi lạc. Quãng đường nó lạc bắt đầu từ đoạn sông Đa Nhim dưới chân núi Kanan, nơi sau này người ta xây đập thuỷ điện Đa Nhim; từ đó vùng đất này có tên là Quảng Lạc.

Dạo ấy dòng Đa Nhim còn tuôn chảy cuồn cuộn, xứ này còn lắm đầm lầy. Người ta thấy con dê cứ lội bị bõm trong các bãi lầy ngập nước thật là tôi nghiệp; đoạn này về sau có tên Lạc Nghiệp.

Con dê lội bì bõm mãi thì đến một đoạn dốc cao ráo, có một vị thầy tu chắp tay niệm Phật “Thiện tai! Thiện tai!” rồi kéo nó lên; đoạn dốc này về sau có tên Lạc Thiện.

Thoát khỏi bãi lầy, con dê lần xuống bên kia dốc thì thấy đất rộng trời cao bao la bát ngát; vùng đất ấy sau được đặt tên là Lạc Quảng.

Con dê vừa men theo dòng Đa Nhim vừa chơi đùa tung tăng thoả thích quên cả thời gian. Cho đến một ngày nó nhìn sang bên kia sông thấy một ngọn đồi kéo dài như hình yên ngựa, nắng ấm tràn ngập đất trời chuyển sang xuân; nơi ấy chính là Lạc Xuân.

Nó lại tiếp tục hành trình của mình đến một vùng đất bằng phẳng trải dài tít tắp; đó là Lạc Bình.

Qua khỏi vùng đất này, con dê lạc vào một khu vườn rộng lớn do tộc người Thượng bản xứ vun trồng chăm bón; về sau chỗ ấy được gọi là Lạc Viên.

Ra khỏi vườn rộng lớn thì một khu rừng nhỏ hiện ra trước mặt; vùng này trở thành Lạc Lâm.

Con dê lạc cố len lỏi giữa cây cối chen chúc của khu rừng. Vừa thoát đến bìa rừng thì gặp một ngôi làng nhỏ; sau người ta gọi chỗ này là Lạc Lâm Làng.

Đến cuối làng, con dê gặp ngọn núi Aviat sững sững chắn trước mặt; nơi ấy được đặt tên là Lạc Sơn.

Nó đi vòng qua chân núi đến một đoạn nữa thì gặp một đoàn thám hiểm do một bác sĩ người Pháp gốc Thuỵ Sĩ dẫn đầu. Ông vừa khám phá ra cao nguyên Lang Bian và đang trên đường xuống lại đồng bằng. Không hiểu sao nó lại hiểu được ý nghĩa những lời trao đổi của đoàn người này, và lần theo dấu vết của họ để đi tiếp. Nơi gặp gỡ đó được đặt tên là Lạc Nghĩa.

Con dê cứ theo dấu vết của đoàn thám hiểm mà lần ngược leo mãi leo mãi qua các ngọn núi cao. Cho đến một ngày nó đến được chân ngọn núi Lang Bian thì mất tích, không ai thấy dấu vết của nó nữa.

Toàn bộ các vùng đất con dê đi lạc đã qua được đặt tên là Đơn Dương, còn nơi nó mất dấu được gọi là Lạc Dương.

MINH HOẠ: Trích-ghép bản đồ Đơn Dương và Đà Lạt của U.S. Army, 1989, có đầy đủ tên gọi các địa danh kể trong truyện

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)