Trang chủ > Khoa học và giáo dục > Dạy học trực tuyến từ A đến Z > Chuyên đề “DC2. Biên soạn tài nguyên dạy học trực tuyến”
Chương trình đào tạo giảng viên về phương pháp và công cụ dạy học trực tuyến (ToTeL)
Chuyên đề “DC2. Biên soạn tài nguyên dạy học trực tuyến”
Thứ sáu 30/04/2021, của
Mục tiêu chuyên biệt
Kết thúc chuyên đề này, những kiến thức và kĩ năng lĩnh hội được sẽ giúp người học:
- Nắm vững chiến lược tìm kiếm, chọn lọc, đánh giá và sử dụng các nguồn tài nguyên khoa học và giáo dục trong dạy học trực tuyến;
- Làm chủ phương pháp và công cụ thiết kế, trình bày tài nguyên dạy học trực tuyến trên hệ thống quản lí dạy học trực tuyến (learning management system - LMS);
- Nắm vững nguyên tắc biên tập, thiết kế tài nguyên đồ hoạ và đa phương tiện dùng trong dạy học trực tuyến.
Điều kiện tiên quyết
Để đạt được mục tiêu của chương trình một cách thuận lợi, người học cần có năng lực sử dụng máy tính, ứng dụng văn phòng và Internet (nhóm năng lực DC1 nêu trên) ở mức độ từ nâng cao đến chuyên sâu, cụ thể:
- Quản lí môi trường làm việc trên máy tính
- Tổ chức thư mục trên máy tính hay thiết bị số
- Cài đặt, quản lí phần mềm ứng dụng trên máy tính hay thiết bị số
- Khai thác và sử dụng hiệu quả thông tin trên Internet
- Tìm kiếm thông tin có chiến lược
- Chọn lọc, đánh giá kết quả tìm kiếm thông tin
- Quản trị, bảo mật dữ liệu trên máy tính
- Quản trị máy tính hay thiết bị số
- Bảo mật dữ liệu trên máy tính hay thiết bị số
- Sử dụng công nghệ số và mạng xã hội một cách có ý thức
- Ý thức rõ các quy định luật pháp hiện hành về thông tin và công nghệ số
- Ý thức rõ các quy tắc văn hoá ứng xử trong môi trường số và trên mạng xã hội
Người học chưa đạt một phần hay tất cả các yêu cần tiên quyết nêu trên được khuyến cáo tự bổ khuyết cho đạt yêu cầu trước khi bắt đầu lại chuyên đề. Tuy nhiên, nếu muốn vẫn có thể tham gia học, nhưng cần phải đồng thời nỗ lực song song để bổ túc những kinh nghiệm chưa có đủ nhằm gia tăng hiệu quả học tập.
Thời lượng thiết kế
Chuyên đề này được thiết kế gồm 5 chủ điểm với tổng cộng 15 giờ học (không kể thời gian thực hành).
Thời lượng bình quân: 3 giờ/chủ điểm.
Thời lượng học khuyến cáo: mỗi tuần từ 1 giờ đến 2 giờ, kết hợp xen kẽ giữa học lí thuyết và vận dụng thực hành.
Phương pháp học tập
Cả 5 chủ điểm của chuyên đề được thiết kế có mối quan hệ mật thiết với nhau. Người học được khuyến cáo học theo lộ trình tiêu chuẩn như sau:
- Mở lần lượt từng chủ điểm bên dưới.
- Xem mục tiêu bài học.
- Nếu thấy mục tiêu bài học không phù hợp thì có thể thoát ra ngoài. Nếu mục tiêu phù hợp với mong đợi, tải bài giảng tóm tắt (PDF) về để lưu trữ và xem nhanh để nắm các ý chính cũng như cấu trúc bài học.
- Lần lượt xem từng bài giảng video.
- Khi kết thúc mỗi bài hoặc một nhóm bài giảng video, làm bài tập tự đánh giá kèm theo để đo lường mức độ hiểu bài của mình.
- Nếu bài làm không đạt, có thể xem lại bài giảng tóm tắt và bài giảng video tương ứng để hiểu rõ hơn rồi làm lại bài tập một lần nữa. Có thể lặp lại chu trình này cho đến khi nào đạt kết quả như mong muốn.
- Khi bài tập tự đánh giá đạt yêu cầu, chuyển sang xem bài giảng video tiếp theo, cứ thế lặp lại đến hết tất cả các bài giảng video của từng chủ điểm.
- Tham khảo các nguồn tài nguyên bổ sung để mở rộng, đào sâu các nội dung đã được trình bày trong bài giảng tóm tắt, các bài giảng video và các bài tâp tự đánh giá.
- Dùng các tài liệu hướng dẫn thực hành để sử dụng các công cụ được hướng dẫn nhằm vận dụng những kiến thức đã được cung cấp trong bài học vào thực tế dạy học trực tuyến của mình.
- Sau khi kết thúc một chủ điểm, quy trình học tập được lặp lại tương tự cho chủ điểm tiếp theo.
Bên cạnh đó, người học vẫn có thể lựa chọn lộ trình tự do, học những nội dung phù hợp với nhu cầu và mức độ kinh nghiệm của mình. Người học cũng được khuyến khích >> đăng kí tham gia nhóm Facebook ToTeL-VN để trao đổi, thảo luận về các nội dung liên quan đến các bài học. Toàn bộ quy trình học tập với các lộ trình khác nhau của cả chuyên đề được trình bày trong sơ đồ dưới đây.
Nội dung
Truy cập đường dẫn của từng chủ điểm bên dưới để mở trang trình bày chi tiết nội dung của mỗi bài học.
- >> Chủ điểm 1. Tài nguyên giáo dục mở (open educational resources – OER) và dạy học trực tuyến
- >> Chủ điểm 2. Nguyên tắc thiết kế và trình bày tài nguyên dạy học trực tuyến
- >> Chủ điểm 3. Thiết kế và trình bày tài nguyên dạy học trực tuyến trên LMS
- >> Chủ điểm 4. Sử dụng tài nguyên đồ hoạ trong dạy học trực tuyến
- >> Chủ điểm 5. Sử dụng tài nguyên đa phương tiện trong dạy học trực tuyến
<< Chuyên đề trước | Trang chính ToTeL | Chuyên đề sau >> |
---|