Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Khoa học và giáo dục > Dạy học trực tuyến từ A đến Z > ToTeL: 20 bài học về dạy học trực tuyến

Chương trình đào tạo giảng viên về phương pháp và công cụ dạy học trực tuyến

ToTeL: 20 bài học về dạy học trực tuyến

Thứ sáu 30/04/2021, của Nguyễn Tấn Đại

 Dẫn nhập

Trong thông điệp chung nhân Ngày Nhà giáo Quốc tế 05/10/2014 [1], Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO), Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và tổ chức Giáo dục Quốc tế (EI) đã khẳng định: “Một hệ thống giáo dục chỉ có chất lượng ngang bằng với chất lượng của giáo viên. Giáo viên là lực lượng cốt lõi để đạt được mục tiêu giáo dục phổ quát có chất lượng cho tất cả. Họ là nhân tố trung tâm để đào tạo về tư duy và thái độ cho các thế hệ tương lai, giúp họ đối diện với những thách thức và thời cơ mới trên phạm vi toàn cầu. Dạy học sáng tạo, toàn diện và chú trọng kết quả không chỉ có vai trò then chốt trong năm 2015 mà còn xa hơn nữa nếu như chúng ta muốn mang lại những cơ hội tốt nhất cho hàng triệu trẻ em, thanh niên và người trưởng thành trên khắp thế giới.” Điều đó cũng có nghĩa là, để thành công trong triển khai dạy học trực tuyến (DHTT) trong giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, năng lực DHTT của giáo viên, giảng viên là yếu tố quyết định.

Năng lực DHTT là một phần của năng lực công nghệ số (digital competences), đòi hỏi người giáo viên phải nắm vững các phương pháp sư phạm có sử dụng công nghệ để đáp ứng những thách thức của giáo dục trong thế kỉ XXI, khuyến khích quá trình học tập tự chủ, tích cực, tương tác của người học, giúp họ phát triển các kĩ năng xuyên lĩnh vực (transversal competences) như giải quyết vấn đề, làm việc hợp tác, đổi mới sáng tạo [2]. Muốn cải thiện năng lực DHTT của giáo viên nhất thiết phải có các tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá cụ thể đối với việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) trong giáo dục và đào tạo, gọi vắn tắt là công nghệ giáo dục (CNGD). Các tiêu chuẩn và tiêu chí này cũng đồng thời được sử dụng làm cơ sở để xây dựng các nội dung bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên, giúp giáo viên có đủ điều kiện để nâng cao và hoàn thiện dần dần các năng lực DHTT cần thiết, đáp ứng các yêu cầu mới của bối cảnh giáo dục thời đại công nghệ số.

 Mô hình thiết kế

Chương trình được thiết kế dựa trên một khung tham chiếu năng lực dạy học trực tuyến [3], xây dựng phỏng theo các bộ tiêu chuẩn và khung tham chiếu năng lực phổ biến của các tổ chức quốc tế, có chọn lọc, sắp xếp và biên tập sao cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Các bộ chuẩn tham khảo chủ yếu bao gồm “Khung tham chiếu năng lực CNTT&TT và CNGD” (Référentiel TIC/TICE) của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) [4], “Khung tham chiếu năng lực CNTT&TT dành cho giáo viên” (ICT Competency Framework for Teachers - ICT CFT) của UNESCO [5], và “Khung tham chiếu năng lực công nghệ số dành cho nhà giáo dục” (DigCompEdu) của Liên minh châu Âu (EU) [6]. Cụ thể, khung tham chiếu năng lực dạy học trực tuyến áp dụng trong chương trình này bao gồm 5 nhóm năng lực công nghệ số mà mọi giáo viên cần nắm vững nhằm đảm bảo được chất lượng DHTT của mình: 1°) sử dụng máy tính và Internet; 2°) biên soạn tài nguyên DHTT; 3°) tổ chức hoạt động DHTT; 4°) kiểm tra đánh giá trong DHTT; 5°) thiết kế khoá học trực tuyến chuẩn hoá. Với mỗi nhóm năng lực có 3 cấp độ yêu cầu để mỗi người có thể xác định tiến độ bồi dưỡng, rèn luyện từng bước để củng cố và hoàn thiện các năng lực mong đợi: 1°) cơ bản; 2°) nâng cao; 3°) chuyên sâu.

Mô hình khung tham chiếu năng lực dạy học trực tuyến dành cho giảng viên đại học Việt Nam

 Mục tiêu tổng quát

Những kiến thức và kĩ năng lĩnh hội được qua chương trình này sẽ giúp người học có khả năng:

  • Hiểu rõ các khái niệm cơ bản liên quan đến lịch sử và quá trình phát triển ứng dụng công nghệ nhằm đổi mới, cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục;
  • Nắm vững các nguyên tắc sư phạm làm nền tảng cho các hoạt động dạy học trực tuyến;
  • Làm chủ các phương pháp và công cụ cần thiết trong dạy học trực tuyến;
  • Phân tích tình hình nhằm xây dựng một kế hoạch dạy học trực tuyến phù hợp với bối cảnh thực hiện;
  • Đánh giá được hiệu quả các hoạt động dạy học trực tuyến được triển khai;
  • Chủ động triển khai đào tạo nhân rộng về phương pháp và công cụ dạy học trực tuyến (Training of the Trainers on e-Learning - ToTeL) tại đơn vị công tác của mình.

 Mục tiêu chuyên biệt

Chương trình đào tạo hoàn chỉnh gồm 4 chuyên đề với 20 chủ điểm, mỗi chuyên đề và chủ điểm đều có các mục tiêu chuyên biệt, được nêu rõ ở đầu mỗi bài học.

 Điều kiện tiên quyết

Để đạt được mục tiêu của chương trình một cách thuận lợi, người học cần có năng lực sử dụng máy tính, ứng dụng văn phòng và Internet (nhóm năng lực DC1 nêu trên) ở mức độ từ nâng cao đến chuyên sâu, cụ thể:

  • Quản lí môi trường làm việc trên máy tính
    • Tổ chức thư mục trên máy tính hay thiết bị số
    • Cài đặt, quản lí phần mềm ứng dụng trên máy tính hay thiết bị số
  • Khai thác và sử dụng hiệu quả thông tin trên Internet
    • Tìm kiếm thông tin có chiến lược
    • Chọn lọc, đánh giá kết quả tìm kiếm thông tin
    • Quản trị, bảo mật dữ liệu trên máy tính
    • Quản trị máy tính hay thiết bị số
    • Bảo mật dữ liệu trên máy tính hay thiết bị số
  • Sử dụng công nghệ số và mạng xã hội một cách có ý thức
    • Ý thức rõ các quy định luật pháp hiện hành về thông tin và công nghệ số
    • Ý thức rõ các quy tắc văn hoá ứng xử trong môi trường số và trên mạng xã hội

Người học chưa đạt một phần hay tất cả các yêu cần tiên quyết nêu trên vẫn có thể tham gia học, đồng thời cần phải nỗ lực song song để bổ túc những kinh nghiệm chưa có đủ nhằm gia tăng hiệu quả học tập.

 Thời lượng chương trình

Chương trình được thiết kế để người học đạt được các yêu cầu tiên quyết nêu trên có thể tự học hoàn toàn từ xa với thời lượng thiết kế tiêu chuẩn là 60 giờ, tức mỗi chuyên đề 15 giờ tự học.

 Phương pháp học tập và đánh giá

Mỗi chuyên đề có 5 chủ điểm. Ở mỗi chủ điểm, người học được cung cấp một bài giảng tóm tắt dạng PDF để ghi nhớ những điểm quan trọng nhất trong bài học. Mỗi bài giảng tóm tắt này được kèm theo một số video bài giảng có lời giải thích chi tiết của tác giả đối với những ý chính và những điểm quan trọng trong bài học.

Sau mỗi hoặc một nhóm bài giảng video sẽ có một hoặc một chuỗi bài tập tự đánh giá để người học tự kiểm tra mức độ hiểu bài cũng như khả năng vận dụng của mình. Bài làm được chấm điểm và phản hồi ngay lập tức về kết quả đúng hay sai, kèm theo lời giải thích của người hướng dẫn khi cần thiết. Người học được quyền làm bài tập không giới hạn số lượt làm bài, miễn sao có thể hiểu rõ và ghi nhớ các nội dung kiểm tra nhằm cải thiện khả năng vận dụng, thực hành trong thực tế.

Ở những phân đoạn cần thiết, sẽ có thêm các nguồn tài liệu tham khảo bổ sung, ví dụ minh hoạ, biểu mẫu, tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm, v.v. để hỗ trợ người học trong quá trình tự học, đào sâu, mở rộng, thực hành, v.v.

 Nội dung chương trình

LỘ TRÌNH TIÊU CHUẨN

Để học theo lộ trình tiêu chuẩn, người học mở lần lượt từng chuyên đề bên dưới và hoàn tất toàn bộ các chủ điểm của mỗi chuyên đề:

LỘ TRÌNH CHUYÊN BIỆT

Với một số phương pháp dạy học trực tuyến cụ thể, có thể theo các lộ trình chuyên biệt như sau:

LỘ TRÌNH TỰ DO

Bên cạnh đó, người học nào muốn học theo lộ trình tự do cũng có thể chọn các nhóm năng lực mình quan tâm trong bảng bên dưới, sẽ được dẫn đến các bài học tương ứng.

Nhóm năng lực Cấp độ cơ bản Cấp độ nâng cao Cấp độ chuyên sâu
DC2: Biên soạn tài nguyên dạy học trực tuyến DC2.1.2: Tìm kiếm tài nguyên khoa học và giáo dục trực tuyến DC2.2.2: Tích hợp tài nguyên đa phương tiện trong dạy học trực tuyến DC2.3.2: Biên soạn nội dung dạy học tương tác trực tuyến
DC2.1.3: Trình bày tài nguyên phù hợp với phương thức dạy học trực tuyến DC2.2.3: Biên soạn nội dung dạy học trực tuyến dạng đồ hoạ DC2.3.3: Biên soạn nội dung dạy học trực tuyến đa phương tiện
DC3: Tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến DC3.1.4: Sử dụng hiệu quả các công cụ làm việc trực tuyến cơ bản DC3.2.4: Sử dụng hiệu quả các công cụ làm việc nhóm trực tuyến DC3.3.4: Tổ chức các hoạt động dạy học trực tuyến chuyên sâu
DC3.1.5: Áp dụng các phương pháp dạy học tích cực cơ bản DC3.2.5: Thiết kế kịch bản phối hợp các hoạt động dạy học trực tuyến DC3.3.5: Quản trị các hoạt động dạy học trực tuyến trên LMS
DC4: Kiểm tra đánh giá trong dạy học trực tuyến DC4.1.6: Xác định mục tiêu học tập phù hợp với phương thức dạy học DC4.2.6: Thiết kế hoạt động kiểm tra đánh giá tiến trình trực tuyến DC4.3.6: Thiết kế các hoạt động bổ khuyết hỗ trợ người học
DC4.1.7: Xác định hình thức đánh giá phù hợp với mục tiêu học tập DC4.2.7: Thiết kế ngân hàng đề thi, kiểm tra đánh giá trực tuyến DC4.3.7: Quản trị các hoạt động kiểm tra đánh giá trực tuyến trên LMS
DC5: Thiết kế khoá học trực tuyến chuẩn hoá DC5.1.8: Nắm vững các bộ tiêu chuẩn kĩ thuật trong dạy học trực tuyến DC5.2.8: Quản trị một khoá học trực tuyến hoàn chỉnh trong LMS DC5.3.8: Sao lưu, phục hồi một khoá học trực tuyến trên LMS
DC5.1.9: Hiểu rõ các tiêu chí chất lượng trong dạy học trực tuyến DC5.2.9: Kết hợp tài nguyên, hoạt động và kiểm tra đánh giá DC5.3.9: Thiết kế khoá học trực tuyến hoàn chỉnh theo chuẩn kĩ thuật quốc tế

Chủ điểm bổ sung:

 Quyền sử dụng

Chương trình này được xây dựng trong khuôn khổ Đề án “Mô hình giáo dục 4.0 trên nền tảng áp dụng CDIO hiện đại tại ĐHQG-HCM giai đoạn 2018-2022” của Đại học Quốc gia TP. HCM.

Các nội dung, tài nguyên, học liệu,... của chương trình này được lưu hành theo giấy phép mở Creative Commons Attribution-NonCommercial 4.0 International: người sử dụng có thể tự do lưu trữ, phân phối, sao chép, biên tập, chỉnh sửa,... cho các mục đích phi thương mại, với điều kiện ghi chú rõ nguồn gốc thông tin, tài liệu.

 Liên hệ

Trong quá trình học, nếu cần thiết có thể:


Cập nhật: 20/01/2024


[1Bokova, I., Ryder, G., Lake, A., Clark, H., & Leeuwen, F. V. (2014/10/05). Joint Message on the occasion of the World Teachers’ Day [DG/ME/ID/2014/026].

[2Caena, F., & Redecker, C. (2019). Aligning teacher competence frameworks to 21st century challenges: The case for the European Digital Competence Framework for Educators (Digcompedu). European Journal of Education, 54(3), 356–369.

[3Nguyễn Tấn Đại & Nguyễn Thị Hảo. (2021). Đề xuất khung tham chiếu năng lực công nghệ số dành cho giảng viên Đại học Quốc gia TP. HCM. Tạp chí Phát triển Khoa học & Công nghệ – Khoa học Xã hội và Nhân văn, 5(4), 1385-1396.

[4Agence universitaire de la Francophonie (AUF). (2015). Le Référentiel de compétences TIC / TICE. TRANSFER. https://transfer-tic.auf.org/le-référentiel-de-compétences-tic-tice

[5UNESCO. (2018). UNESCO ICT Competency framework for teachers (Version 3.0). UNESCO.

[6Redecker, C. (2017). European Framework for the Digital Competence of Educators: DigCompEdu (p. 93) [JRC Science for Policy report]. Publications Office of the European Union.

Lời bình trên diễn đàn

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)