Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Ngôn luận và văn chương > Văn chương > Hồi ức một nàng phù thuỷ > Hồi ức một nàng phù thuỷ (8)

Susanne Julien. Les mémoires d’une sorcière. 1994.

Hồi ức một nàng phù thuỷ (8)

Thứ tư 29/04/2015, của Nguyễn Tấn Đại

  Mục lục  

Xem: Chương 1 > Chương 2 > Chương 3 > Chương 4 > Chương 5 > Chương 6 > Chương 7

 Chương 8

 Cơn mưa dâu tằm

Khuya hôm ấy, khi mặt trăng lên cao vằng vặc giữa trời, tôi trèo lên cây chổi bay cũ kĩ của mẹ tôi, nhằm thẳng hướng ngôi làng gần nhất mà bay tới.

Đó là một ngôi làng nhỏ nằm bên cạnh một dòng suối. Làng này có trên dưới bốn mươi mái nhà. Tất cả đã tắt đèn. Có lẽ mọi người đã ngủ.
Dù rất cẩn thận nhưng tôi hạ cánh không thành công lắm. Tôi vốn không quen lái cái thứ máy bay kiểu này. Tôi chồm người quá về phía trước và cây chổi cắm thẳng xuống đất. Thế là tôi bị bắn lên cao rồi rơi tòm xuống dòng suối.

Nằm bất động hồi lâu tôi mới tỉnh dậy được. Tôi cứ lơ mơ, sợ là mình sẽ làm phiền ai đó còn đang ngủ. Nhưng chẳng có ai cả, xung quanh cực kì vắng vẻ và yên ắng. Tôi lội ra khỏi dòng suối, kéo váy lên và tiến về phía các ngôi nhà.

Tuy nhiên, tôi vẫn chưa định được mình sẽ bắt đầu bằng việc xấu nào. Tôi đang phân vân giữa việc lật ngược các ngôi nhà, biến các loài vật nuôi thành châu chấu, hay là làm một cơn mưa dâu tằm đen xuống ngôi làng này.

Cuối cùng tôi quyết định làm mưa. Tôi nghĩ đến cảnh cả ngôi làng bị vấy bẩn, thật là khoái chí. Hơn nữa, đây là một trong số hiếm hoi các câu thần chú mà tôi học thuộc lòng được. Thế là, đứng thẳng người, tôi hét vang lên câu thần chú ấy.

- Con ễnh ương con ếch ộp mưa dâu tằm rơi lộp độp.

Ngay lập tức cả ngôi làng chìm ngập trong một cơn mưa trái cây, thứ trái nhỏ, đen, ngọt và chín mọng. Chúng rơi lộp độp trên mái nhà, nát bấy dưới đất và dính bết lên đầu tôi.

Tôi đã hô biến cơn mưa thành công, nhưng lại quên mất một điều: khi đứng một mình giữa làng, tôi trở thành nạn nhân chính dưới cơn mưa.
Lúc đầu, tôi rất thích chí vì chỉ cần há miệng ra là thưởng thức ngay được một món khoái khẩu. Nhưng đến khi mà thứ mưa này rơi cả vào mắt, lọt cả vào mũi, chui cả vào tai, thì tôi trở nên cực kì khổ sở. Mắt nhắm nghiền, tôi lò dò đi tìm chỗ trú ẩn.

Bạn đã bao giờ bước đi trên con đường phủ một lớp trái dâu tằm dày đến ba centimet chưa? Trơn như bôi mỡ! Rồi chuyện gì phải đến đã đến. Tôi trượt chân và ngã chổng kềnh. Dân làng bị cơn mưa đánh thức đang chạy ra xem thử có chuyện gì. Thế là họ trông thấy tôi, chân chổng lên trời, mình nằm dưới đất trong một vũng dâu tằm.

Không để cho họ có đủ thời gian suy nghĩ, tôi hô lên:

- Dừng bước chân, dừng bước chạy, đầu sọ dừa, bánh mì bơ

Hình như câu đó có tác dụng làm cho người ta lờ đờ và tôi sẽ có đủ thời giờ để trốn thoát. Nhưng tôi hơi bị nhầm. Chính là những trái dâu tằm đã trở nên lờ đờ.

Dân làng càng lúc càng ngạc nhiên trước cơn mưa lạ kì này, và bắt đầu nghi hoặc. Vài người thì thầm:

- Hình như có ai đó làm phép!

Một bà cụ trông thấy tôi nằm chổng tay chân lên trời ngay trước cửa nhà bà vội hét lên:

- Chạy mau! Phù thuỷ!

- Lanh canh, lanh canh, nhái xanh, hô biến, - tôi giận dữ hô với theo bà ta.

Nhưng chẳng có gì xảy ra. Tôi quên mất phần cuối câu thần chú. Bà cụ không biến thành nhái xanh như tôi muốn mà vẫn tiếp tục kêu la. Lúc này thì mọi người ai cũng đều nhận ra sự hiện diện của tôi. Bỗng có ai đó hô lên lệnh bắt phù thuỷ.

Nếu bạn chứng kiến được cảnh họ truy bắt tôi, bạn chắc chắn không nín được cười. Họ trượt chân trên những đống dâu tằm, té lăn cù và đè chồng lên nhau. Người họ vấy bẩn như tắm bùn. Họ lôi tay, kéo chân, vạch tóc nhau xem có phải đã bắt được tôi chưa. Họ lấm lem đến nỗi chẳng còn nhận ra nhau được nữa.

Lợi dụng cơ hội đó, tôi lỉnh ngay ra ngoài suối. Tôi vớ lấy cây chổi định biến đi khỏi cái cảnh quá sức ấn tượng này. Bỗng một cậu bé trông thấy tôi liền la lên:

- Mụ phù thuỷ kia kìa!

Thế là mọi người lại lao về chỗ tôi. Tôi vội vàng ra sức nhổ cây chổi cắm dưới đất lên. Chẳng biết tôi loay hoay thế nào mà cây chổi lại gãy làm đôi. Thật công toi! Tôi phải chạy trốn càng nhanh càng tốt. Cả thời gian để lật sổ tay ra coi cũng chẳng còn, tôi chả nhớ nổi câu thần chú nào cho hữu hiệu.

Quá hoảng sợ, tôi chạy biến vào rừng. Dân làng đang giận dữ đuổi theo tôi sát nút. Nhưng tôi vốn thông thạo khu rừng này hơn họ. Tôi chạy về phía một gốc cây rỗng không chút ngần ngại. Tôi biết ở đó có một cái lỗ đủ để chui vào trốn.

Đợi cho dân làng qua khỏi, tôi vừa thò tay vào lục lọi trong túi vừa tự nhủ rằng họ sẽ nhận được một bài học đích đáng cho cái tội đã làm tôi sợ hết hồn. Cuốn sổ tay sẽ mang lại cho họ một số phận hẩm hiu.

Nhưng rõ ràng là tôi không được may mắn cho lắm. Khi thò tay vào túi, tôi có cảm giác là nó đã biến thành một hũ mứt dâu. Lôi cuốn sổ tay ra, nó giống như cuộn giấy rách. Lật ra tới đâu nó rách tới đó. Tôi cố ghép các mảng rách lại, giống như chơi trò ghép hình, nhưng vết mứt loang khắp chỗ. Cuốn sổ tay không còn đọc được nữa.

Tôi đành phải chấp nhận sự thật: lưu giữ các câu thần chú trong sổ tay không phải là một ý tưởng hay. Đó không chỉ là một đồ vật mỏng manh có thể rách toang bất cứ lúc nào, mà trong những tình huống khẩn cấp tôi cũng chẳng thể nào xài tới nó được.

Khi dân làng đã đi hết, khu rừng yên tĩnh trở lại, tôi chui ra khỏi chỗ nấp. Rồi tôi mệt mỏi lê bước về nhà, còn có khối việc đang chờ tôi ở đó.

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)