Trang chủ > Ngôn luận và văn chương > Văn chương > Hồi ức một nàng phù thuỷ > Hồi ức một nàng phù thuỷ (4)
Susanne Julien. Les mémoires d’une sorcière. 1994.
Hồi ức một nàng phù thuỷ (4)
Chủ nhật 26/04/2015, của
Xem: Chương 1 > Chương 2 > Chương 3
Chương 4
Những món thuốc phép thuật
Dạo chơi trong rừng thật là thoải mái, nhưng không chỉ có thế. Tôi đã bắt đầu phần thứ hai của chương trình huấn luyện: học chế tạo các thứ thuốc phép thuật. Tôi thấy môn này dễ hơn và rất hứng thú. Chỉ cần đọc công thức, tìm các thành phần thuốc rồi trộn hết vào nhau trong một cái nồi lớn trên bếp lửa.
Cháu có biết rằng chữ “cái nồi” ngày xưa còn có nghĩa là “ba xạo” không? Khi dì tôi nói chuyện đó, tôi chưa hiểu rõ lắm mối liên hệ nào có thể có giữa một cái vạc lớn và một kẻ nói xạo. Nhưng sau vài lần thử nghiệm, tôi đã hiểu được ý của dì tôi. Tôi biết rất rõ mình đã bỏ gì vào trong đó, nhưng không tài nào biết được sản phẩm cuối cùng nó tạo ra là thứ gì.
Mặc cho tôi hoài công làm theo công thức một cách tỉ mỉ, kết quả đạt được bao giờ cũng rất đáng ngạc nhiên. Có thể với cùng một công thức, nhưng mười lần làm là có mười sản phẩm khác nhau. Thuốc làm mọc mụn cóc trở thành thuốc cao trị vẹo cổ. Thuốc làm kiến lớn lên chỉ đơn giản làm cho chúng đổi màu. Mọi chuyện chẳng hề dễ dàng như tôi tưởng lúc đầu.
- Cháu cần phải tập trung hơn nữa, - dì Khô Đét bảo tôi. - Cháu phải nghiêm túc hơn. Nghề phù thuỷ đòi hỏi rất cao ở sự tỉ mỉ và chăm chú. Việc này phức tạp hơn việc chế biến món thịt hầm phù thuỷ nhiều.
Tôi làm lại từ đầu bằng hết khả năng có thể. Đến khi buông tay nghỉ, kết quả đã có cải thiện. Tôi phải mất ít nhất là năm năm thực hành để hoàn thiện kĩ thuật luyện thuốc của mình. Dì Khô Đét rất tự hào về tôi, vì với món nào tôi cũng tạo ra được thuốc tốt. Tôi đã làm việc cật lực mới đạt được thành tích đó, và cộng với trách nhiệm chạy vặt, tôi tỏ ra khá mệt mỏi vào cuối môn học này.
Nhưng tôi chưa biết rằng những khó khăn gấp bội còn đang chờ phía trước. Lúc đó tôi mới bắt đầu học các câu thần chú. Dì tôi không ngừng nhắc nhở:
- Không có thần chú, một phù thuỷ chẳng còn là phù thuỷ mà chỉ là một kẻ khuấy nồi không hơn không kém.
Thế là tôi ngồi hàng giờ để đọc những cuốn sách ước, sau đó nhắm mắt lại lẩm nhẩm những câu thần chú vừa học được.
- Cháu có cảm tưởng là đầu cháu đã đầy nhóc những thứ đã được học, cho nên chẳng còn nhét thêm được tí gì vô nữa, - tôi than với dì.
- Nếu cháu cần, ta sẽ chọc thủng một lỗ để rút bớt một số thứ ra rồi sẽ làm nó đầy lại bằng các câu thần chú. Hiểu được đấy không chỉ là lời doạ suông, tôi không còn dám phàn nàn gì nữa. Tôi đành phải cố ngấu nghiến (bằng mắt chứ không phải bằng miệng) những cuốn sách phù thuỷ. Tôi nhận thấy rằng trong phần lớn các câu chú, có một số từ được dùng đi dùng lại rất nhiều lần. Tôi bèn liệt kê ra các từ này và đếm thử xem chúng được dùng trong bao nhiêu câu thần chú khác nhau. Dưới đây là một vài ví dụ:
Úm ba la.............................. 673 câu
Lưỡi ba hoa.......................... 606 câu
Cà na................................... 524 câu
Xí muội................................ 507 câu
Tơ nhền nhện....................... 461 câu
Óc thằn lằn.......................... 412 câu
Giò châu chấu...................... 394 câu
Nước dãi cóc........................ 352 câu
Vốn rất có khiếu nhớ từ vựng, tôi dễ dàng thuộc lòng những từ trên. Vấn đề chỉ còn là biết đọc từ nào trước, từ nào sau, và chúng sẽ hô biến cái gì. Thế mà lại là vấn đề nghiêm trọng, bởi chỉ cần một lỗi nhỏ xíu xiu cũng có thể dẫn đến hậu quả tai hại khôn lường. Tôi đã mất đến gần hai năm để học chúng dưới sự chỉ bảo của dì tôi.
Vào hôm tôi vừa học xong, dì tôi cưỡi chổi bay đi du ngoạn. Bà có thói quen đó: mỗi tháng một lần, bà nhảy lên chổi bay đi làm một việc xấu. Có khi bà phù phép những bông hoa có gai để cho các cô gái (nhất là các nàng công chúa hiền dịu) khi bị gai châm sẽ ngủ vùi hàng trăm năm. Có lúc bà lại tẩm thuốc độc vào những trái táo chín đỏ mọng rồi dụ dỗ các cô gái ăn (nhất là những cô gái đẹp sống chung với những chú lùn). Xui cho dì tôi là những chuyện như vậy lại thường kết thúc không có hậu. Luôn luôn có một chàng hoàng tử nào đó mơ rằng mình sẽ đến ôm hôn cô gái ngủ trong rừng, và nàng sẽ tỉnh giấc mộng trăm năm. Tệ hơn nữa, cứ mỗi lần dì tôi gây ra một tai hoạ thì y như rằng lại có một người đến dọn dẹp đi.
Bởi thế bà phải cưỡi cây chổi bay đến một nơi thật xa, xa khuất hẳn những kẻ phá bĩnh niềm vui thú của mình. Thật không may cho dì tôi, đó lại là chuyến du ngoạn cuối cùng. Khi bà nhảy lên cây chổi bay, nó bỗng gãy ra làm đôi. Bà rớt ùm xuống con suối và biến mất trong dòng nước đổ xuống vực sâu. Cuộc đời là thế: lên cao xuống thấp chẳng biết chừng…
Sau tai nạn đó, tôi ôm con rồng Cóc Xanh và những cuốn sách ước của dì trở về nhà cha mẹ. Ở đó tôi vẫn có thể tiếp tục học cho xong các câu thần chú và kết thúc khoá huấn luyện phù thuỷ của mình.