Trang chủ > Ngôn luận và văn chương > Văn chương > Hoàng tử bé và những mối duyên lành (5)
Hoàng tử bé và những mối duyên lành (5)
Chủ nhật 17/04/2022, của
Những mối duyên lành từ trái tim đến trái tim (tt.)
Cuộc kết tụ yêu thương
Được nhiều người khen ngợi và động viên, tôi in một bản sách mini mới rồi lò dò qua một nhà xuất bản nổi tiếng mà tôi ưa thích vào thời ấy. Một cô biên tập viên bước ra tiếp tôi, hỏi có việc gì. Tôi rụt rè đáp dạ em có bản dịch truyện được nhiều người khen muốn gửi nhà xuất bản xem có in được không. Cô ấy hỏi tiếp truyện gì rồi bảo: “Hoàng tử bé á? Đã có bản dịch của Bùi Giáng hay quá rồi. Bạn về tìm truyện khác đi nhé.” Thật giống như tình tiết mở đầu câu chuyện, khi cậu bé 6 tuổi bị người lớn khuyên hãy “quên những con trăn bụng đóng hay bụng mở đi” và đành “từ bỏ sự nghiệp hoạ sĩ rực rỡ từ dạo ấy”.
Tôi gác lại giấc mơ xuất bản, vì đó cũng không phải mục đích chính ban đầu của mình. Dịch trọn vẹn một tác phẩm kinh điển hàng đầu thế giới và được những người biết đọc sách thân quen khen ngợi, với tôi thế là đủ, để chia sẻ những thông điệp yêu thương đơn giản mà sâu sắc của câu chuyện. Nhưng rồi đến năm 2005, một hôm đi nhà sách, tôi thấy một bản dịch “Hoàng tử bé” của một người khác mới phát hành. Mở trang đầu ra đọc, tôi lại nghĩ, nếu bản này in được thì sao bản của mình lại không thể in.
Thế là, tôi in tiếp một bản sách mini mới, gửi bưu điện qua một nhà xuất bản khác, mà tôi nghĩ có thể quan tâm đến mảng sách dành cho thiếu nhi. Sau vài tuần không thấy phản hồi, tôi tìm số điện thoại để hỏi xin hẹn rồi đến trực tiếp nhà xuất bản. Tiếp tôi là một cô biên tập viên vốn là một nhà văn trẻ thuộc một bút nhóm nổi tiếng của một tờ báo tôi thích đọc thuở học trò. Khi tôi tự giới thiệu, cô với tay ra sau cầm lấy quyển sách của tôi và nói: “Thú thật với bạn là mình chưa đọc. Nhưng ý tưởng đóng thành quyển sách này cũng dễ thương ấy chứ…” Rồi cô hẹn tôi có thể một lúc nào đó sau này nhà xuất bản lập tủ sách kinh điển Pháp, thì sẽ cân nhắc lại bản dịch của tôi.
Lại là một sự trùng hợp với chương mở đầu, khi chú phi công dẫn truyện: “Bức tranh số 1 rồi bức tranh số 2 lần lượt thất bại đã làm tôi nản lòng. Người lớn có bao giờ tự mình hiểu được chuyện gì đâu, và thật là mệt cho trẻ con lúc nào cũng cứ phải giải thích cho họ…” Cho đến khi một mối cơ duyên mới xuất hiện.
Trong quãng thời gian ấy, tôi đang đọc các tác phẩm của nhà văn Hồ Anh Thái, vừa được phát hành rộng rãi trở lại. Tôi cũng thường đọc các bài viết giới thiệu tác phẩm mới, tác giả trẻ ít tên tuổi của anh. Tôi quyết định thử thêm một lần nữa, bằng cách gửi một bản sách mini ra nơi anh công tác là Hội Nhà văn Hà Nội. Sau vài tuần chờ đợi, tôi nhận được một bức điện thư anh gửi, cho biết vừa đi công tác ở nước ngoài về, dù đã đọc nhiều bản dịch khác rồi nhưng hứa “sẽ bắt đầu đọc bản dịch của Nguyễn Tấn Đại”.
Chỉ vài ngày sau, anh lại nhắn tiếp cho tôi rằng anh có người bạn là hoạ sĩ Trần Đại Thắng, cũng là ông chủ nhà Đông A, muốn phát hành bản dịch của tôi. Mọi chuyện sau đó diễn ra rất nhanh, để đến tháng 05/2005 thì bản in chính thức của Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã ra đời. Theo lời anh kể trong dịp công tác vào Sài Gòn ngay sau khi sách phát hành, lúc đăng kí xuất bản người ta đã hỏi dịch giả là ai, không có tên tuổi gì thì có chắc chắn là bản dịch tốt hay không. Và anh đã phải lấy uy tín của mình để bảo chứng, rằng dù có nhiều bản dịch rồi thì đây là một bản dịch có chất riêng biệt.
Sáu bản dịch trước đó đều dịch trực tiếp từ bản tiếng Pháp in tại Pháp hay gián tiếp qua bản dịch tiếng Anh, và tất cả đều in đen trắng với cách thức trình bày tương đối chân phương. Đến bản dịch của tôi, hoạ sĩ Trần Đại Thắng đã thiết kế một mẫu bìa hoàn toàn khác biệt, với toàn bộ nền màu tím sẫm làm nổi bật lên tựa sách in nhũ bạc lấp lánh, cùng hình ảnh hoàng tử bé đứng trên tiểu hành tinh của mình ngắm bầu trời sao vàng ươm rực rỡ. Bên trong ruột sách, toàn bộ hình ảnh minh hoạ màu của tác giả được quét lại từ quyển sách gốc tiếng Pháp và in đơn sắc, tạo cảm giác nhẹ nhàng mà có chiều sâu.
Hôm nhà văn Hồ Anh Thái vào Sài Gòn, anh có hẹn với hai nhà văn Nguyễn Danh Lam và Vũ Đình Giang, cho tôi địa chỉ để đến nhận sách tặng do Đông A gửi. Nhân tiện, tôi gửi tặng mỗi người một quyển. Cầm quyển sách trên tay, nhà văn Nguyễn Danh Lam nói với nhà văn Hồ Anh Thái: “Đây là quyển sách Hoàng Tử Bé đẹp nhất mà em thấy từ trước đến giờ.” Tôi cầm mấy quyển sách còn lại chạy về giữa trưa nắng, lái xe máy mà người cứ lâng lâng như bay tận trên mây.
Bản dịch của tôi được nhà Đông A duy trì phát hành trong hai năm thì ngưng. Khi có các bản dịch khác tiếp tục ra đời, như Châu Diên (tức nhà giáo Phạm Toàn) năm 2007, Đỗ Trinh Huệ năm 2008, thì Đông A chuyển sang in lại bản dịch của Vĩnh Lạc, với bộ tranh minh hoạ lấy từ bản dịch của tôi và bìa sách có điều chỉnh đôi chút. Tôi tôn trọng lựa chọn đó mà không nghĩ gì đến việc tái bản bản dịch của mình nữa.
Thay vào đó, tôi chọn cách công bố bản dịch trên trạm mạng cá nhân, chia theo từng chương cho dễ đọc. Đồng thời, tôi tìm kiếm thông tin về các bản dịch tiếng Việt của tác phẩm, lập thành danh sách và viết thêm phần “Lời người dịch”. Có lẽ, đây là danh sách hệ thống hoá các bản dịch truyện “Hoàng tử bé” đầu tiên tại Việt Nam, được dẫn lại trong trang Wikipedia tiếng Việt viết về tác phẩm này.
Một lần nữa công việc và cuộc sống lại cuốn đi. Đến khi có cơ hội quay trở lại Pháp làm nghiên cứu sinh từ năm 2011, cảm xúc và tâm tư trỗi dậy, tôi quyết định hiệu đính bản dịch đầu vì có vài chỗ tôi nhận thấy mình hơi phóng tay, dịch thoát hơi xa so với tinh thần nguyên bản. Ngoài ra, trong bản dịch đầu tôi bỏ qua phần lời tựa bản gốc tiếng Pháp năm 1999, vốn rất quan trọng để làm rõ bối cảnh đặc biệt của ấn bản này, nên cũng đã bổ sung thêm vào. Nhưng tất cả các nội dung cập nhật tôi chỉ đăng trên trạm mạng cá nhân, và thỉnh thoảng phản hồi các lời bình luận của những bạn đọc hiếm hoi tình cờ tìm đến.
Điều duy nhất tôi còn trăn trở nếu muốn tái bản, đó là phải in màu các bức tranh minh hoạ để thể hiện tốt nhất thần thái cốt lõi của tác phẩm. Đây là điểm mà tôi đã muốn thực hiện ngay lần đầu năm 2005, nhưng vì nhiều lí do mà ý định không thành. Và tôi tưởng như cơ hội ấy đã không còn, khi nhà Nhã Nam phát hành bản dịch của Trác Phong năm 2013, nhân dịp kỉ niệm 70 năm ra đời tác phẩm.
Số bản dịch mới không ngừng ra đời. Cả các bản dịch cũ cũng được in lại, có khi đổi tên, thay mẫu bìa, thậm chí còn tự vẽ tranh minh hoạ thay cho bộ tranh gốc của chính tác giả. Tôi chỉ lặng lẽ theo dõi, cập nhật, thỉnh thoảng mua những bản mình thấy xứng đáng ở một góc độ nào đó để làm bộ sưu tập riêng.
Cho đến tận giữa năm 2020, thông qua một người bạn tôi quen trong thời gian đi Pháp, một doanh nghiệp tại Hà Nội đã đặt vấn đề sử dụng bản dịch của tôi để làm sách nói. Tôi vui vẻ ủng hộ ngay, và nhiệt tình hợp tác để biên tập lại lần nữa bản hiệu đính năm 2011. Số là, trong bản dịch của mình tôi cố tình dùng các cách gọi tên và xưng hô theo phương ngữ Nam Bộ. Để đáp ứng nhu cầu phân phối sản phẩm sách nói rộng rãi trong toàn quốc, tôi cần điều chỉnh lại theo ngôn ngữ phổ thông. Sự chỉnh sửa này cũng là một dịp tốt để tôi chiêm nghiệm lại lần nữa tác phẩm và chọn lựa từ ngữ cẩn thận hơn sao cho thể hiện tốt hơn nữa các chiều kích tình cảm rất đa dạng giữa các nhân vật trong truyện. Đó là một thử thách không đơn giản, vì tiếng Pháp chỉ có hai ngôi xưng hô với người đối diện và một ngôi duy nhất xưng hô bản thân, trong khi tiếng Việt thì có muôn vàn các đại từ hay danh từ xưng hô khác nhau tuỳ thuộc vào mối quan hệ cụ thể giữa các nhân vật.
Cuối năm ấy, bản dịch năm 2005 của tôi được chọn đưa vào sách giáo khoa, từ một mối duyên 15 năm như đã kể ở phần đầu. Trong quá trình trao đổi với nhóm soạn sách giáo khoa, tôi đã biên tập bổ sung thêm một số điểm nữa trước khi trình hội đồng thẩm định bản in chính thức. Để chia vui với bạn bè và người thân, tôi quyết định bỏ tiền túi thuê in màu trọn vẹn quyển sách mini, với kích cỡ lớn hơn một chút để nhìn cho đẹp. Trong số vài chục bản sách in thủ công ấy, tuy trình bày đơn giản nhưng không kém phần trang trọng, một bản đã được người chị đồng hương Nguyễn Thị Thanh Thuý, phụ trách Hội quán các bà mẹ, chuyển cho Chi nhánh Nhà xuất bản Phụ nữ tại TP. HCM, cách cơ quan làm việc của tôi chỉ vài bước chân.
Cơ hội tái bản đã đến, tôi thoả thuận ngay với nhà xuất bản về việc in màu, và làm đại diện liên lạc về vấn đề bản quyền. Thực ra, tác phẩm ra đời đã lâu, tác giả mất tích hơn 60 năm tại thời điểm phát hành bản dịch của tôi lần đầu và hơn 75 năm tại thời điểm tái bản, nên phần văn bản đã thuộc di sản công cộng, không cần phải xin phép dịch. Chủ yếu là phần tranh minh hoạ có đặc thù riêng, còn được bảo hộ và cần phải được sự cho phép của những người giữ quyền khai thác.
Đến tháng 05/2021, tôi liên hệ được Quỹ Thừa kế Saint Exupéry – d’Agay là nơi thừa hưởng quyền lợi hợp pháp từ di sản Saint-Ex để lại. Chủ tịch quỹ là ông Olivier d’Agay, cháu nội của em gái út Saint-Ex, đã uỷ quyền cho Quỹ Jean-Marc Probst vì Hoàng Tử Bé (Quỹ JMP) cung cấp miễn phí bộ ảnh màu cho lần xuất bản này. Không chỉ thế, ông Jean-Marc Probst là một người vô cùng yêu mến hoàng tử bé, chủ sở hữu một bộ sưu tập hơn 6.200 ấn bản “Hoàng tử bé” bằng hơn 500 ngôn ngữ, cùng hàng ngàn vật phẩm đủ các thể loại khác liên quan đến tác phẩm này, nên đã ngỏ lời hỗ trợ một phần chi phí in ấn.
Thật tình cờ, Quỹ JMP có trụ sở tại Lausanne, Thuỵ Sĩ, thủ phủ quê hương bác sĩ Alexandre Yersin. Khi biết tôi sinh ra và lớn lên ở Lâm Đồng, cùng với việc bản dịch của tôi được đưa vào sách giáo khoa và tỉnh Lâm Đồng chọn bộ sách này để giảng dạy, ông đã cân nhắc lại và nâng cao mức hỗ trợ để in hẳn 2.000 bản nhằm gửi tặng cho các trường học của cả tỉnh. Như thế, học sinh lớp 6 của cả tỉnh sẽ không chỉ được đọc một đoạn trích, mà có cơ hội đọc và cảm nhận trọn vẹn tác phẩm với đầy đủ tranh minh hoạ màu, trung thành tối đa với nguyên tác.
Do tính chất đặc biệt của bản in tặng này, tôi đã đề nghị bổ sung một bài viết về hành trình bác sĩ Yersin khám phá ra cao nguyên Lang Bian ở cuối sách. Nghiên cứu về lịch sử Đà Lạt, có lẽ khó ai làm hơn được chú Nguyễn Hữu Tranh, vốn là một gương mặt ưu tú trong các thế hệ học trò đầu tiên của École de Dran năm xưa. Tôi liên hệ và được chú đồng ý ngay lập tức để dùng lại bài viết về bác sĩ Yersin mà chú chấp bút đã lâu, in trong quyển “Địa chí Đà Lạt” (Nhà xuất bản Tổng hợp TP. HCM, 2008). Duyên lành hội tụ, yêu thương kết nối, những miền đất tưởng là xa lạ Lausanne, Le Mans, Paris, Sài Gòn, Bảo Lộc, Dran, Đà Lạt trở thành gần gũi, chừng như những áng mây bảng lảng trên bầu trời không ngừng trôi vượt không gian xuyên thời gian, cùng muôn vàn vì sao đêm lấp lánh tạo nên những dấu chấm nối liền đường bay dang dở của Saint-Ex thuở nào./.