Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Ngôn luận và văn chương > Văn chương > Hoàng tử bé và những mối duyên lành (1)

Hoàng tử bé và những mối duyên lành (1)

Chủ nhật 13/02/2022, của Nguyễn Tấn Đại

Một ngày tháng 10 năm 2020, tôi nhận được một bức điện thư của cô N., giảng viên một trường đại học lớn tại Hà Nội, thưa gửi rất “lễ phép”, xin số điện thoại liên hệ để “xin phép được sử dụng một đoạn trích (chương XXI) trong bản dịch tác phẩm "Hoàng tử bé" của [tôi] để làm ngữ liệu cho một bài học trong SGK Ngữ Văn lớp 6 mới (bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống của NXB GD)”.

Tôi mau chóng trả lời và cho số điện thoại. Cuộc nói chuyện đầu tiên đã giúp cô N. trút đi một gánh nặng lo lắng, như cô kể, vì khi viết thư cho tôi cô cứ lo sợ chuyện một cụ dịch giả bảy tám chục tuổi đã dành cả cuộc đời cân nhắc từng câu từng chữ trong bản dịch, sao lại có người muốn đề nghị biên tập chỉnh sửa trước khi đưa vào sách giáo khoa. Đằng này lại gặp một anh bạn trẻ, tư tưởng rất cởi mở và sẵn sàng hợp tác trong việc chỉnh sửa, biên tập hay cung cấp các thông tin thuyết minh cần thiết giúp nhóm soạn sách thuyết phục Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Câu chuyện dẫn về một mối duyên đã “gieo” từ 15 năm trước đó…

Mối duyên 15 năm

Bản dịch “Hoàng tử bé” của tôi được xuất bản lần đầu năm 2005. Đó cũng là thời gian mà cô N. có hai con nhỏ. Cô đã mua bản dịch này cho con cô đọc và các cháu rất thích. Là giảng viên văn học, cô luôn đau đáu niềm mong ước được đưa tác phẩm này vào giảng dạy trong trường học tại Việt Nam, nhưng mãi vẫn chưa có cơ hội. Đến khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được ban hành kèm theo chủ trương khuyến khích phát triển nhiều bộ sách giáo khoa, cô được mời tham gia nhóm soạn sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, chủ trì môn Ngữ văn lớp 6. Dù tác phẩm này chỉ được giới thiệu làm ngữ liệu cho môn Văn từ lớp 8, cô đã chủ trương đưa tác phẩm vào ngay chủ đề giảng dạy đầu tiên ở lớp 6 về tình bạn.

Cần phải nhớ lại rằng, khi ấy hội đồng thẩm định đang làm việc vô cùng nghiêm ngặt và thận trọng sau những lùm xùm liên quan đến bộ sách đầu tiên được phê duyệt và triển khai cấp tốc trong một quãng thời gian rất ngắn. Câu hỏi đầu tiên hội đồng đặt ra là dạy tác phẩm này ở lớp 6 có quá sức học sinh hay không, vì trong mắt các thành viên hội đồng tác phẩm này rất khó hiểu. Hơn nữa, tại sao không chọn bản dịch của một dịch giả tên tuổi hoặc đang phổ biến như Bùi Giáng, Nguyễn Thành Long, Vĩnh Lạc, Châu Diên, Trác Phong… mà lại là bản dịch của một người không tên tuổi đã ngưng phát hành từ lâu. Nhưng cô kiên trì thuyết phục hội đồng, vì rằng tác phẩm vẫn được dạy cho cả học sinh tiểu học ở các nước Âu-Mĩ, nếu tại Việt Nam bị xem là khó hiểu thì không phải do bản thân tác phẩm, mà là do bản dịch. Và sau khi đã đọc rất kĩ bảy bản dịch tiếng Việt đã và đang lưu hành cho tới thời điểm ấy, cô tin rằng bản dịch của tôi là phù hợp để chuyển tải được những thông điệp hay đẹp của tác phẩm đến thế hệ học sinh trẻ tuổi hôm nay. Niềm tin của cô được chính hai độc giả nhí năm xưa xác tín và ủng hộ.

Quy trình xét duyệt làm nghiêm ngặt đến nỗi mọi thông tin đều được giữ kín cho đến khi chính thức được hội đồng thông qua về nguyên tác thì nhóm soạn sách mới bắt đầu liên hệ với các tác giả và dịch giả để xin phép sử dụng và phối hợp biên tập, hoàn thiện bản in sách giáo khoa. Bản in thử phải được trình hội đồng xét duyệt lại một lần nữa mới được chính thức đưa vào sử dụng. Từng câu, từng chữ, từng dấu chấm dấu phẩy, từng bức tranh ảnh minh hoạ đều được kiểm tra đối chiếu và giải trình hết sức cẩn thận. Chỗ nào giống chỗ nào khác so với bản in ban đầu đều phải được nêu rõ, kèm theo minh chứng xác thực từ dịch giả.

Và như thế, một kiệt tác văn chương thế giới đã được chính thức đưa vào trường học tại Việt Nam nhờ một mối duyên lành từ 15 năm trước. Và xa hơn nữa, đây là chuyến “trở về nguồn cội” của thiên phẩm vượt thời đại ấy, vì trong một mối “duyên rủi” từ 70 năm trước đó, miền đất nhỏ bé xa xôi xứ Viễn Đông chính là nguyên nhân ra đời của tác phẩm này.

Kì sau: Mối “duyên rủi” 70 năm

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)