Trang chủ > Tản mạn > Đi và ngẫm > Strasbourg kí sự (11)
Strasbourg kí sự (11)
Thứ ba 16/04/2019, của
Thủ đô châu Âu...
Uỷ hội châu Âu
Do vị trí địa lí và lịch sử đặc biệt như đã kể mà Strasbourg từ lâu đã trở thành một “thủ đô châu Âu”. Lâu đời nhất phải kể đến Uỷ hội châu Âu (Council of Europe), thành lập năm 1949 với mục tiêu chuẩn hoá các vấn đề pháp lí nhằm phục vụ tốt hơn quá trình xây dựng và phát triển toàn cõi châu Âu sau Thế chiến II, đặc biệt là trong việc phát huy dân chủ, bảo vệ nhân quyền. Uỷ hội châu Âu có nhiều uỷ ban, hội đồng luân phiên họp mặt hàng năm và nhiều thiết chế khác nhau hoạt động thường trực, không chỉ giới hạn giữa 47 nước thành viên mà còn mở ra cho nhiều nước quan sát viên ngoài khu vực châu Âu. Bên ngoài khuôn viên các toà nhà điều hành và hội họp là một bãi cỏ rộng xanh mướt, một nhóm tượng tập thể những người già, phụ nữ, trẻ em,... biểu hiện cho mục đích tối thượng mà tổ chức này hướng đến: quyền được sống và được hưởng hạnh phúc. Trong dịp cuối tuần tôi từ Paris về Strasbourg sau lớp học UNESCO, chuyến tàu nhanh đông đúc hơn hẳn vì trong số hành khách có rất nhiều người đến dự phiên họp toàn thể bàn về tiếng nói quyền lực của các thành phố và vùng miền tại châu Âu trong ba ngày đầu tuần kế tiếp.
Nghị viện châu Âu
Cùng hoạt động song song với Uỷ hội châu Âu là một cơ quan quyền lực khác, phạm vi hẹp hơn nhưng quyền lực tập trung cũng cao hơn, đó chính là Nghị viện châu Âu (European Parliament). Đối với Liên minh châu Âu (EU), đây là một trong hai cơ quan lập pháp cao nhất. Nghị viện này bao gồm 736 nghị sĩ thuộc nhiều đảng phái chính trị, đại diện cho 375 triệu cử tri của tất cả nước nước thành viên EU. Các nghị sĩ này được bầu theo thể thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp, mỗi năm năm một lần kể từ năm 1979. Nghị viện châu Âu có trụ sở chính đặt tại Strasbourg, văn phòng các uỷ ban tại Bruxelles và văn phòng Tổng thư kí tại Luxembourg. Trụ sở Strasbourg dùng cho các phiên họp toàn thể, mỗi tháng một lần, mỗi lần ba ngày rưỡi.
Công trình toạ lạc ở một vị trí rất đẹp, với một toà nhà hình đôi cánh uốn cong theo dòng nước bao quanh, ôm lấy một toà nhà bán nguyệt ở chính giữa, tựa như vòng tay xoay tròn của bức tượng đồng Europe à cœur (“châu Âu trong tim”) của nữ nghệ sĩ đa năng Ludmila Tcherina được chọn làm biểu tượng cho một châu Âu thống nhất, đặt ngay trước cổng vào nghị viện. Men theo dòng nước là những hàng cây rợp những hoa trắng hoa hồng, nghiêng in bóng nước lung linh.
Phía trước mặt nơi có đường xe hơi dẫn vào là một công viên nho nhỏ, chủ yếu là để tô điểm cho những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt quảng bá cho những quyền cơ bản nhất của con người: quyền được no ấm, quyền được học hành, quyền được tự do ngôn luận, quyền được dùng chung dòng nước sạch,... Nổi bật giữa công trình là toà tháp 17 tầng với hơn 1.100 phòng làm việc vươn cao, uy nghiêm và vững chãi. Khoảng sân bên trong lòng tháp này vì thế mà âm vang choáng ngợp, những hàng cột đỏ đan xen khung kính nâu xoay tròn quanh một quả cầu cẩm thạch do thành phố Warclaw (Ba Lan) gửi tặng, như là tâm điểm hội tụ của cả cộng đồng.
Nghị viện châu Âu có thể được xem là một biểu tượng của tinh thần hợp tác và dân chủ cộng đồng cao độ. Thuộc 27 quốc gia với đặc thù lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ cũng như trình độ phát triển kinh tế xã hội rất khác biệt, nhưng mỗi tháng hàng ngàn con người (mỗi nghị sĩ châu Âu thường phải có ít nhất một phụ tá đi kèm) luôn đều đặn tụ hội về, họp bàn, thảo luận, chất vấn, giải trình,... và đưa ra bao nhiêu quyết nghị liên quan đến quốc kế dân sinh trong khắp châu lục. So với quốc hội của một nước xứ ta xuân thu nhị kì cả khoá họp được mươi bận làm việc căng thẳng suốt nửa tháng trời, thì cái nghị viện đa quốc gia này cả nhiệm kì họp đến sáu mươi lần đánh nhanh rút gọn, mọi vấn đề cấp thời nhất diễn ra trong cuộc sống hàng ngày đều chóng vánh được đặt lên bàn nghị sự. Để giải quyết vấn đề ngôn ngữ, luôn thường trực một đội ngũ phiên dịch song song từ tiếng mỗi nước thành viên qua tiếng Anh và ngược lại. Các thành viên dự họp có thể dùng bất cứ thứ tiếng nào của 27 nước thành viên để nói và chọn nghe trực tiếp hay thông qua phiên dịch.
Bất cứ công dân nào khi có nhu cầu dự khán nghị trường đều được tiếp đón lịch sự, hướng dẫn đến tận chỗ ngồi. Thường thì có các nhóm khách du lịch, hay các đoàn nghị sĩ trẻ, sinh viên các trường hành chính, chính trị hay luật,... và thỉnh thoảng là khách vãng lai cá nhân. Bên trong toà nhà có một khu vực dành cho báo chí làm việc, với đầy đủ trang thiết bị chiếu sáng, ghi âm, thu hình, lọc nhiễu,... và bàn ghế làm việc dùng cho các cuộc phỏng vấn nghị sĩ và quan chức. Tài liệu dùng cho các kì họp thì có đầy đủ bằng 27 thứ tiếng và phát miễn phí, kể cả sơ đồ chỗ ngồi của tất cả các nghị sĩ nhằm tiện theo dõi trong buổi dự khán; ai muốn mua quà lưu niệm hay uống cà phê, ăn nhẹ đều có quầy phục vụ tận tình.
Tôi đã đến dự một buổi họp như thế, đó là phiên chất vấn tự do đối với José Manuel Barroso, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (European Commission) – một dạng cơ quan điều hành trung ương của EU. Buổi chiều, cả nghị trường bán nguyệt thưa vắng, chỉ có đoàn chủ tịch nghị viện ngồi trên và vài chục nghị sĩ quan tâm đến những vấn đề nóng hổi nhất cần chất vấn ông Barroso. Trong 1 giờ 30 phút, rất nhiều câu hỏi của nghị sĩ nhiều nước khác nhau được đặt ra và ông Barroso trả lời ngay lập tức một cách nhanh chóng, trôi chảy, không cần bất cứ giấy tờ công văn gì để đọc, từ chuyện có kêu gọi nước Anh gia nhập khu vực Euro được hay không cho đến hậu quả của thảm hoạ hạt nhân Nhật Bản có thể có đối với châu Âu và giải pháp khắc phục, đề phòng, từ vấn đề rút lui khỏi hệ thống điện hạt nhân, cho đến hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu hay việc tăng cường quản lí thực phẩm chức năng, v.v. Vị chính trị gia người Bồ Đào Nha 55 tuổi này nắm giữ cương vị Chủ tịch Uỷ ban châu Âu đến nay đã bảy năm, ngoài tiếng mẹ đẻ còn nói lưu loát tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, còn tiếng Đức cũng biết đủ để giao tiếp. Mọi câu hỏi do các đồng liêu nêu ra ông dường như đều có sẵn câu trả lời, với mọi lí lẽ và lập luận liền lạc, chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể, khi bằng tiếng Anh lúc bằng tiếng Pháp. Quả là một chính khách chuyên nghiệp! Ngồi dự khán trên cao, tôi đưa máy lên bấm một pô ảnh, liền có người bước tới lịch sự nhắc nhở. Ở đây không được chụp hình. À xin lỗi, tôi không thấy bảng cấm nên không biết. Bước ra ngoài muốn đi vòng sang góc khác để quan sát, lại có người đến lịch sự mời hướng dẫn vào chỗ ngồi. À không, tôi xem rồi, chỉ muốn đi ngắm thêm một vòng. Vậy thì không được, ở đây không được đi dạo. Thế à? Vậy thì thôi, tôi về đây. Chào nhé, chúc vui vẻ...
Toà án Nhân quyền châu Âu
Một cơ quan quyền lực khác cùng toạ lạc tại khu phố châu Âu của Strasbourg là Toà án Nhân quyền châu Âu, nằm trong Điện Nhân quyền châu Âu. Khối nhà cùng mang phong cách kiến trúc hiện đại với kết cấu kim loại lồng kính như Nghị viện châu Âu, các toà tháp và khối văn phòng bao quanh một toà nhà bán nguyệt nơi diễn ra các phiên họp toàn thể. Ngoài sân vườn có trưng bày bốn tảng đá lấy từ bức tường Berlin đã phá vỡ năm 1989, như vết tích của một thời ấu trĩ chia rẽ nội bộ.
Giờ đây, các quyền cơ bản của con người đang là mục đích tối thượng mà các nước châu Âu theo đuổi, kể từ khi ra đời Hiệp ước Nhân quyền châu Âu năm 1950 và đến nay đã có 47 nước tham gia kí kết. Mỗi nước được đề cử một thẩm phán tham gia toà án, tất cả bầu ra một chánh án và hai phó chánh án theo nhiệm kì ba năm. Giúp việc cho các vị thẩm phán này có khoảng 600 nhân viên thường trực, phân nửa trong số đó là chuyên gia luật, chia ra thành 31 ban chuyên trách. Với một quy trình khá chặt chẽ, Toà án Nhân quyền châu Âu chuyên thụ lí các vụ việc vi phạm nhân quyền diễn ra tại các nước thành viên Hiệp ước mà toà án cấp cao nhất của họ không giải quyết hợp lí. Người khởi kiện có thể là cá nhân nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp, hoặc trong một số trường hợp cũng có thể là một pháp nhân đại diện cho nạn nhân của hành động vi phạm. Một khi toà án đã thụ lí và các ban chuyên trách xem xét lại toàn bộ vấn đề, thẩm phán phụ trách sẽ ra phán quyết; nếu kết luận có vi phạm, phán quyết này sẽ được chuyển đến Uỷ ban Bộ trưởng, cơ quan tập hợp đại diện ngoại giao của tất cả các quốc gia thành viên Uỷ hội châu Âu, nhằm đưa về thực thi khắc phục tại nơi vi phạm. Với một bộ máy hoạt động thường trực như thế, tỉ lệ đơn khởi kiện không hợp lệ lên đến hơn 40 %, nhưng mỗi năm toà án này thụ lí cả hàng chục ngàn vụ việc, đưa ra đến hàng ngàn phán quyết liên quan đến nhiều nước, mà trong những năm gần đây nhiều nhất là Thổ Nhĩ Kì, Nga và một số nước Đông Âu.
Ngoài ba cơ quan trên, còn trên dưới một chục tổ chức khác cũng đặt trụ sở tại khu phố này, biến nơi đây thành một địa chỉ nhộn nhịp trong các hoạt động mang tính cộng đồng, đặc biệt là các phong trào nhân quyền, của cả khu vực châu Âu. Dĩ nhiên nhân quyền và dân chủ ở mỗi nơi mỗi khác, tuỳ theo góc độ tiếp cận.
NTĐ
Tháng 05/2011
(Còn tiếp)