Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Đi và ngẫm > Strasbourg kí sự (9)

Strasbourg kí sự (9)

Chủ nhật 02/06/2013, của Nguyễn Tấn Đại

Strasbourg và nhà thờ Đức Bà cao nhất thời Trung cổ

Như đã nói, cùng mô típ kiến trúc Gothic với nhà thờ Đức Bà Paris còn có nhiều nhà thờ khác to lớn và hoành tráng hơn nhiều. Tuy không nổi tiếng do vị thế thủ đô hay do gắn liền với những tác phẩm văn học nổi tiếng, nhưng nhà thờ Đức Bà Strasbourg cũng vang danh không kém, ở những khía cạnh khác. Được xem là hạt nhân của quần thể kiến trúc phố cổ Strasbourg được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới, toà giáo đường này vươn cao giữa những con đường nhỏ và các ngôi nhà nhỏ, đến mức ai cũng phải... mỏi cổ để ngước nhìn.

© Nguyễn Tấn Đại

Được xây dựng, bị phá huỷ, rồi tái dựng, tu sửa liên tục trong suốt bốn thế kỉ, trải qua nhiều đời kiến trúc sư và chỉ huy công trình khác nhau, nhà thờ Đức Bà Strasbourg gồm bốn tầng. Tầng thứ nhất cao 66 m (hiện du khách chỉ được leo lên đến đây để tham quan), tổng thể kiến trúc và phù điêu hoạ tiết trang trí có phong cách tương tự như nhà thờ Đức Bà Paris. Điểm khác biệt lớn nhất là từ tầng thứ hai, tháp lớn phía bắc còn tháp chuông vươn lên cao thêm 34 m. Trên tầng cao 100 m này lại có một tháp hình nón, rồi cuối cùng là vòm tháp hình bát giác xoay tròn như một chiếc vương miện và một chóp đỉnh, nâng tổng chiều cao lên đến 142 m. Toàn bộ công trình được xây bằng đá màu hồng sậm, tạo cho toà giáo đường một dáng vẻ trang nghiêm trầm mặc, mỗi người đi ngang hay bước vào trong bỗng mặc nhiên thu mình nhỏ bé, đi nhẹ nói khẽ, kính cẩn trước một quyền năng tối thượng vô hình. Cho đến thế kỉ XIX, đây vẫn là toà giáo đường cao nhất ở phương Tây; và đến cả Victor Hugo, “cha đẻ” của anh gù Quasimodo nhà thờ Đức Bà Paris, cũng phải tán thưởng bằng lời nhận xét: “điều kì diệu hoành tráng và tinh tế”.

© Nguyễn Tấn Đại

© Nguyễn Tấn Đại

© Nguyễn Tấn Đại

Sự hoành tráng không chỉ làm cho ta choáng ngợp khi đứng dưới sân ngoái cổ nhìn mãi lên tưởng chừng như không hết, mà cả khi leo lên 392 bậc thang xoắn ốc quanh một trụ tháp chỉ rộng hơn một giang tay. Ai yếu tim chắc không nên mạo hiểm lên đây, vì có thể... té xỉu ở lưng chừng tháp (?!). Ở độ cao 66 m của tầng thứ nhất, có thể thấy toàn cảnh thành phố gọn trong tầm nhìn, đặc biệt là khu phố cổ với sâm sẫm mái ngói và duyên dáng cong cong những con đường nhỏ. Ngược lại, sự tinh tế biểu hiện qua hàng trăm bức tượng và phù điêu phủ khắp từ tường đến cột, từ chân đến mái, từ ngoài vào trong, kể những câu chuyện về Đức Chúa hay các vị thánh. Bên trong nhà thờ, vòm trần cong lên như muốn kéo mọi thứ âm thanh vút cao, một bước chân khẽ khàng cũng đủ để tạo nên tiếng vang. Các khung cửa sổ để lấy ánh sáng nhưng lại lung linh sắc màu với những bức tranh kiếng, cũng lại kể chuyện sự tích tôn giáo; không gian tín ngưỡng bên trong nhà thờ dường như huyền ảo hơn.

© Nguyễn Tấn Đại

Ở nhà thờ này còn có một điều nổi tiếng khác, đó là chiếc đồng hồ thiên văn thuộc loại có một không hai trên thế giới. Chiếc đồng hồ này cao hơn... 10 m, chia thành năm tầng, nhìn vào có thể hình dung ra tổ tiên của chiếc đồng hồ quả lắc ngày hôm nay. Bên dưới là một mặt đồng hồ to chỉ vị trí Trái đất theo mỗi ngày trong năm; hai bên là một bộ máy tính toán được lắp ráp công phu với hàng trăm chi tiết bánh răng khác nhau để tính những ngày lễ thánh trong năm (thường tính theo thứ trong tuần và do đó đổi ngày hàng năm), và một bộ máy khác cũng khá công phu để tính toán thời gian theo mặt trời và mặt trăng.

© Nguyễn Tấn Đại

Ngoài những mặt đồng hồ khác để xác định thời gian thiên văn như cung hoàng đạo, vị trí các hành tinh trong vũ trụ, thì điểm đặc sắc của đồng hồ thiên văn này là bộ người máy vận động theo thời gian. Ngồi bên chiếc đồng hồ đếm phút trên đỉnh tầng 1 là hai thiên thần nhỏ, một vị gõ chuông và một vị quay đồng hồ cát mỗi 15 phút một lần, theo giờ cổ của Strasbourg. Ở tầng 4 có một vị thần chết đứng ngay giữa và một vòng quay gồm bốn người đại diện cho bốn lứa tuổi từ trẻ sơ sinh đến già; ứng với mỗi lần xoay đồng hồ cát là một lượt người lướt qua; sau mỗi chu kì một tiếng đồng hồ thì vòng đời lặp lại. Một cuộc diễu hành vòng quanh lưỡi hái thần chết. Tầng năm có tượng Đức Chúa giang tay chào và một vòng 12 vị thầy tu; cứ đến giữa trưa (12 h 30 theo giờ hiện đại) sau khi cụ già lướt qua tay thần chết, cậu bé con xuất hiện chờ ở tầng 4, thì cũng là lúc cả đoàn 12 vị thầy tu diễu hành qua trước mặt Đức Chúa. Mỗi người đến trước mặt thì Đức Chúa hạ tay xuống đầu ban phước lành rồi đưa lên cho họ qua. Ở góc trên bên phải có một chú gà, khi các vị thầy tu thứ tư, thứ tám và thứ mười hai được ban phước lành, nó lại vỗ cánh ba cái và gáy ba tiếng “ò... ó... o...”. Cảnh tượng này chỉ diễn ra một lần trong ngày, và rất đông du khách xếp hàng vào chờ từ trước 12 h, xem một bộ phim giới thiệu trước khi chứng kiến thời khắc phước lành ban xuống trần gian.

© Nguyễn Tấn Đại

© Nguyễn Tấn Đại

NTĐ

Tháng 05/2011

(Còn tiếp)

Một số hình ảnh phong cảnh đặc trưng của thành phố Strasbourg:

0 | 30 | 60

0 | 30 | 60

Lời bình trên diễn đàn

  • Chào anh Đại,

    Chắc anh không còn nhớ em, em có tham gia lớp học do anh hướng dẫn, của AUF tổ chức cho các bạn sinh viên năm cuối làm khóa luận ở Đại học Bách khoa năm 2012.

    Rất tình cờ và ngẫu nhiên là em rất thích bản dịch Hoàng tử bé của anh (do 1 đứa bạn em giới thiệu), và em cũng từng học tập tại Strasbourg (đợt ấy em có thấy thư hỏi thăm khách sạn của anh gửi hòm thư HSV Strasbourg nhưng do sắp chuyển đi, nhiều việc nên em cũng không có hồi âm hỏi thăm anh được).

    Ký sự Stras của anh rất hay, và làm em nhớ thành phố đáng yêu này quá.

    Chúc anh và gia đình nhiều sức khỏe và an yên trong cuộc sống.

    Thân ái

    • Chào em!

      Chắc em sẽ không tin anh nhớ được cả họ tên em đâu, LNHD nhỉ! ;-)

      Anh có nhớ là biết em đi học ở Strasbourg, nhưng đúng là những lần anh qua thì không gặp em, cũng không biết sau đó đến giờ em đi đâu, làm gì.

      Mấy bài viết này anh viết hồi qua lần đầu, vì có nhiều thời gian và cảm xúc. Nhưng sau đó thì không viết tiếp được nữa; ý tưởng thì cứ nung nấu để dành trong đầu thôi. Khi nào học hành xong xuôi thì may ra sẽ có thời gian để chiêm nghiệm và viết tiếp đoạn sau. :-)

      Chúc em vui, khoẻ.

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)