Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Đi và ngẫm > Strasbourg kí sự (2)

Strasbourg kí sự (2)

Thứ ba 14/05/2013, của Nguyễn Tấn Đại

Nhà quê lên tỉnh

Trước khi đi, anh bạn hỏi có đi tàu điện mặt đất (tram) về nơi ở được không; cũng lại được cái “tự tin” là biết đường đi nước bước cả rồi, bằng cách kết hợp kí ức 10 năm trước với Internet ngày nay, nên tôi bảo anh bạn cứ chờ ở trạm gần nhà, mình sẽ tự xoay sở với cái tram này được. Nhưng người tính không bằng trời tính. Nhìn trên bản đồ thấy tại ga có ba tuyến tram, nhưng vác vali ra ngoài thì chỉ thấy có một tuyến, lại chẳng phải tuyến mình cần. Lòng vòng một hồi, lại phải quay vào trong thì mới phát hiện ra trạm chờ của hai tuyến còn lại nằm... ở dưới tầng hầm. Chắc mẩm phen này là xong rồi, nhưng xuống đến trạm chờ ngó trước tìm sau chả thấy bóng dáng quầy bán vé ở đâu cả. Dân chúng ở đây ai cũng xài thẻ tín dụng, trạm nào cũng có vài cột bán vé tự động; tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một người bán vé nào cả. Cái thẻ VISA làm ở Việt Nam đem theo cũng vô tác dụng vì không phải thẻ có chip theo chuẩn châu Âu, máy không chấp nhận. Nếu làm liều thì cứ leo lên đi bừa cũng chẳng chết ai vì rất hiếm khi gặp người kiểm soát. Nhưng lòng tự trọng của một thằng đàn ông không muốn bị dân Tây kì thị dân châu Á láu cá đã không cho phép mình làm như thế.

Ga Strasbourg có rất nhiều máy bán vé tự động, như mọi sân ga khác ở nước Pháp © Nguyễn Tấn Đại

Hỏi mãi cũng chẳng vị Tây nào biết phải làm sao để mua được vé, đành phải quay lên, hi vọng có quầy bán vé nào đó trên mặt đất. Đi qua đi lại đi tới đi lui gặp phải hai tay cảnh sát, họ kêu lại kiểm tra giấy tờ rồi bảo mày từ Việt Nam qua đây à, tao cũng có một đồng đội người Việt đấy, thôi chúc mày vui vẻ ở thành phố của tao nhé, bái bai... Một sự tử tế lạ lùng! Toát mồ hôi hột vì cái sự tự tin của mình, nhìn đồng hồ đã trễ hơn nửa tiếng so với giờ hẹn anh bạn. Xà quần mãi, cũng gặp một thằng Tây nhiệt tình, chỉ trỏ vào cái máy, thử lại cái thẻ VISA không được, nó mới bảo thôi thì mày mua bằng tiền cắc đi. Tao làm gì có tiền cắc, mới vừa qua đây chỉ có tiền giấy mệnh giá lớn thôi. Thế là quyết định... đi mua một cái bản đồ thành phố, lấy cớ chính đáng để được thối tiền lẻ. Tính ra từ nhà ga đi tram hai lượt mất 10 phút là tới nơi, vậy mà loay hoay lòng vòng mất cả tiếng đồng hồ với cái vụ tìm tiền cắc. Strasbourg “phố tỉnh” đã đón một anh chàng “nhà quê” đến với mình như thế!

Một tuyến tram chạy ngầm dưới lòng đất nhà ga Strasbourg © Nguyễn Tấn Đại

Tôi và anh bạn chỉ gặp nhau lần đầu từ hơn 12 năm trước, trong chuyến đi thực tập văn hoá và ngôn ngữ ở Montpellier trong hai tháng, ngay vào kì World Cup 98. Hai thằng cùng mê Brazil và cùng méo mặt khi thua trắng ba bàn trong trận chung kết. Anh chàng người Gia Lai, lại thích ra thủ đô học; chuyên gia đọc thơ, giọng xứ trong hào sảng mang lại cái gu là lạ làm bao nhiêu em gái Hà Nội mê mẩn. Chỉ sinh hoạt chung trong hai tháng, vậy mà mười mấy năm sau vẫn cứ nhớ, gặp nhau như thể quen thân từ lâu lắm rồi. Anh chàng bây giờ trông nghệ sĩ hơn, tóc dài, đầu hói, râu ria lởm chởm không cạo; ba mươi ba tuổi vẫn cứ độc thân vui tính. Hỏi “bác” Google xem hắn là ai thì “bác” cũng chỉ ra cho một loạt những bài thơ và cả thơ đã được phổ nhạc của hắn. Một tay sống có tình, vừa là một trí thức (hắn làm postdoc về hoá học từ hai năm nay), vừa là một nghệ sĩ có chiều sâu tâm hồn.

Đến Strasbourg buổi trưa, thì đầu giờ chiều phải dự ngay một buổi bảo vệ luận án của một anh bạn cùng labo. Laboratoire tiếng Việt thường gọi là phòng thí nghiệm với những dụng cụ máy móc đo lường, nhưng ở Pháp thì nó còn dùng cho cả các ngành khoa học xã hội, chẳng có máy móc gì. Mỗi giáo sư hay giảng viên chính thì có một phòng làm việc riêng; các nhóm học viên cao học và nghiên cứu sinh cũng có một số phòng tập thể để ngồi lại với nhau cùng làm việc. Anh bạn đó trước đây là tổng thanh tra giáo dục của Yemen, quyết định ngưng công việc, xin học bổng để đi học lại; trong hội đồng có cả một chuyên gia từ Yemen bay qua, ông này từng là đại sứ Yemen bên cạnh UNESCO. Đề tài về sử dụng công nghệ thông tin trong giáo dục tại một nước đang phát triển như Yemen rất gần với đề tài mà tôi đang làm tại Việt Nam, do đó mà bất kể chuyến hành trình dài và chút ít chênh lệch múi giờ, tôi phải có mặt để xem thế nào. Đó cũng sẽ là hình ảnh của tôi trong bốn hoặc năm năm nữa.

Toà nhà “Cung điện đại học” Strasbourg © Nguyễn Tấn Đại

Một lần nữa cái sự tự tin quá đáng đã làm tôi... mệt người. Biết đường xoay sở với tram rồi; nhưng vào trường đại học thì ôi thôi! Không có những bảng hiệu to, không có bản đồ chỉ dẫn trên một địa bàn quá rộng; tôi đi tới đi lui mãi mà chẳng biết toà nhà nào là của khoa Khoa học Giáo dục mà tôi cần đến. Ngay giữa khu trung tâm của trường là toà nhà chính có tên là “Cung điện đại học” (Palais Universitaire) đường bệ uy nghi, có dòng chữ khắc MDCCCLXXXIV trên cao, lục lọi hết trí nhớ về những con số La Mã học từ hồi cấp III, tôi đồ rằng toà nhà này được xây vào năm 1884. Trước mặt là bãi cỏ trải dài, hai bên hai hàng cây khô trụi lá; tháng ba giờ này vẫn còn là cuối mùa đông. Rải rác vài nhóm sinh viên ngồi trên ghế gỗ bố trí dọc hai bên đường đi hay quây quần trên bãi cỏ nói chuyện, đàn hát. Bức tượng nhà thơ nhà văn nhà biên kịch Goethe rêu phong, một trong những gương mặt nổi tiếng cùng với nhà bác học Louis Pasteur hay cha đẻ của Liên minh Châu Âu Robert Schuman, xuất thân từ ngôi trường có tuổi gần 500 năm này, bình thản nhìn đám trẻ con của ngôi trường tiểu học ngay bên cạnh chơi đùa, và không biết có chút nào thương hại dành cho anh chàng “nhà quê” đang đi lòng vòng hỏi chỗ mà chẳng ai biết để chỉ cho chính xác hay không. Đang như con nai vàng ngơ ngác (giẫm nát khu rừng già?) thì đám con nít ùa tới. Chú ơi chú có biết nói tiếng Pháp không? Có chứ, chuyện gì nào? Chú mua ủng hộ cháu tờ giấy này đi? Mua để làm gì? Để ủng hộ trường của cháu, lấy tiền mua đồ dùng học tập cho học sinh. Bao nhiêu tiền một vé? Chỉ một đồng rưỡi. Vậy thì OK, một vé nhé! Chú ơi, chú mua của bạn rồi, chú có muốn mua giúp thêm cho cháu một vé không? Ơ hay, một vé ủng hộ thôi nhé, chú hết tiền lẻ rồi. Cảm ơn chú, bái bai... Ái chà chà, con nít tiểu học mà đã được dạy làm những việc này rồi cơ đấy...

Nhóm học sinh của trường tiểu học bên cạnh vào vui đùa trong sân trường Đại học Strasbourg © Nguyễn Tấn Đại

Định vào ngay toà nhà to kia tìm bộ phận hành chính để hỏi thì gặp ngay thầy hướng dẫn vừa đi ăn trưa với các vị ngồi hội đồng về. Mừng còn hơn đón mẹ về chợ! Cái toà nhà nằm ngay chỗ cửa ngõ ban đầu tôi bước vô trường, chỉ tội là cái bảng hiệu nằm khiêm tốn bên cửa ra vào nên từ xa không thể thấy được...

Toà nhà khoa Khoa học Giáo dục, Đại học Strasbourg © Nguyễn Tấn Đại

NTĐ

Tháng 03/2011

(Còn tiếp)

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)