Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Đi và ngẫm > Strasbourg kí sự (10)

Strasbourg kí sự (10)

Thứ hai 18/03/2019, của Nguyễn Tấn Đại

Từ sông Rhin đến bản quốc ca nước Pháp

Như phần lớn các thành phố khác, Strasbourg có một con sông chảy qua làm thành nơi quần tụ của cư dân. Đó là sông Rhin, dài hơn 1.200 km, khởi nguồn từ dãy Alps miền đông Thuỵ Sĩ, chảy qua Áo, Pháp, Đức trước khi đến Hà Lan rồi đổ ra biển Bắc. Đoạn sông Rhin ở vùng Alsace chính là biên giới tự nhiên giữa Pháp và Đức; vùng này cũng vì thế mà nhiều lần biến động trong lịch sử, khi bên này chiếm khi bên kia giành lại, trước khi hoàn toàn thuộc về Pháp từ năm 1945.

© Nguyễn Tấn Đại

© Nguyễn Tấn Đại

Một chi lưu của sông Rhin là sông Ill, chảy qua và bao bọc lấy Strasbourg như vòng tay mẹ ôm con vào lòng. Nước trôi chầm chậm hiền hoà, thỉnh thoảng những chú vịt trời hay thiên nga lững lờ bơi theo dòng nước, thậm chí có cả những chú rái cá chúi đầu kiếm mồi bình thản ngay cả trước mặt khách bộ hành lững thững dạo bộ hay người ngồi sưởi nắng trên kè dọc bờ sông. Giống như sông Seine ở Paris, sông Ill ở Strasbourg có rất nhiều cây cầu bắt ngang, dù kiến trúc không đặc sắc bằng nhưng cũng không kém phần cá tính. Nhớ tới hàng chục cây cầu bắt qua kênh Nhiêu Lộc ở Sài Gòn na ná giống nhau thô kệch quê mùa, ngẫm mà buồn, không phải cho người Việt không có kiến trúc sư tài hoa, mà cho người tài hoa không có nhiều cơ hội và nơi chốn để mà thi thố và lưu danh.

© Nguyễn Tấn Đại

© Nguyễn Tấn Đại

Để khám phá sông Ill, có thể làm một chuyến tàu Batorama du ngoạn trên sông trong khoảng một tiếng đồng hồ. Cứ mỗi nửa tiếng đồng hồ là có một chuyến xuất phát, du khách có thể vừa ngồi ngắm quang cảnh xung quanh vừa nghe thuyết minh suốt chuyến đi bằng 22 thứ tiếng khác nhau. Tàu xuất phát từ toà lâu đài cổ Rohan bên cạnh nhà thờ Đức Bà, đi vòng qua khu phố cổ, với những cây cầu còn nguyên tên viết bằng ngôn ngữ cổ, như “Pont dv Corbeav” thay vì “Pont du Corbeau” (Cầu con Quạ) như ngày nay.

© Nguyễn Tấn Đại

© Nguyễn Tấn Đại

Trước khi đến khu vực trung tâm của phố cổ, tàu phải qua một âu thuyền, chờ xả nước dâng lên cao cho bằng với mặt nước đoạn phía trên mới có thể đi tiếp được. Ở đoạn này, nhà cửa mọc san sát nhau và kề ngay mép nước. Ngày nắng có những nhà hàng kê bàn ghế ngoài trời ngay bên bờ kè, khách trên quán dưới thuyền ngắm nhìn nhau lướt qua từ khoảng cách vài giang tay. Khu vực này có hai hệ thống kiến trúc đặc biệt có vai trò phòng thủ cho thành phố trong các cuộc chiến ngày xưa, đó là các cây cầu có mái che và đập chắn Vauban. Nếu như các âu thuyền và cầu mái che được dựng nên để phòng thủ một cách thụ động, bằng cách đơn giản là ngăn cách mực nước sông giữa thượng với hạ lưu, đồng thời đặt một trạm hải quan ngay cạnh đấy để thu phí đi lại trên sông, thì đập chắn Vauban lại có chức năng phòng thủ chủ động hơn. Khi bị tấn công bằng đường thuỷ thì chỉ cần nhanh chóng đóng cửa đập này, nằm cách các cây cầu mái che không xa về phía thượng lưu. Nước sông Ill sẽ bị chặn lại, gây ngập lụt toàn bộ khu vực phía nam thành phố, ngăn cản bước tiến của kẻ thù.

© Nguyễn Tấn Đại

Từ đập chắn Vauban xuôi theo dòng về hướng hội tụ với sông Rhin, lại phải qua một âu thuyền để xuống bằng với mực nước khúc sông bên dưới rồi với tiếp tục cuộc hành trình. Đoạn sông từ đây khác với đoạn ở khu phố cổ: hai bên bờ là kè đá với đường đi bộ nhỏ nhỏ xinh xinh, thỉnh thoảng lại có những băng ghế gỗ dọc đường, hay những thảm cỏ xanh um để ngồi nghỉ mát. Vài cặp đôi đi dạo, đôi ba người phụ nữ vừa hong nắng chiều vừa đọc sách, thỉnh thoảng vài chiếc xe đạp len lỏi, hay xa xa một người đàn ông chạy bộ tập thể dục cùng với chú chó lông đen, vài người trung niên vung cần câu cá vẫy tay chào đoàn người lướt qua... Mặt nước xanh biêng biếc ngày đầu xuân nắng đổ vàng ươm, điểm tô hai bên bờ khi thì những dãy nhà cổ nghiêng nghiêng soi bóng, khi thì những hàng cây lá rũ hững hờ, khi thì một dọc cây trơ trụi lá mùa đông chỉ mới kịp nảy chồi, nhưng lại rực vàng bên một bờ hoa dại.

© Nguyễn Tấn Đại

Điểm xa nhất của chuyến du ngoạn trên sông trước khi vòng ngược lại quay về điểm xuất phát, đó là khu phố châu Âu, nơi toạ lạc một quần thể các cơ quan công quyền của Liên minh châu Âu như Nghị viện châu Âu (European Parliament), Uỷ hội châu Âu (Council of Europe), Toà án Nhân quyền châu Âu (European Court of Human Rights),... Khác hẳn phong cách kiến trúc cổ kính ở trung tâm, khu vực này là một cuộc trình diễn của phong cách kiến trúc hiện đại. Những kết cấu khung thép vách kính với nhiều hình thù khác nhau xen kẽ nhau in bóng nước lung linh. Từ khu phố của các cơ quan đầu não của Liên minh châu Âu này, dòng sông Ill tiếp tục vươn đến sông Rhin để cùng xuôi về phương bắc.

© Nguyễn Tấn Đại

Giống như lịch sử đặc biệt của vùng Alsace, sông cứ xuôi về Bắc nhưng lòng mãi hướng về Nam. Trong cuộc chiến tranh Pháp-Áo cuối thế kỉ XVIII, thị trưởng Strasbourg đương thời là Philippe-Frédérick de Dietrich đã đề nghị chàng nhạc sĩ nghiệp dư Rouget de l’Isle viết một ca khúc chiến chinh. Qua một đêm 25/04/1792, bản “Chiến ca đoàn quân sông Rhin” (Le Chant de guerre pour l’armée du Rhin) ra đời, được chính tác giả trình diễn ngay hôm sau tại nhà riêng của thị trưởng de Dietrich. Chỉ trong vài ba tháng sau đó, bài hát này đã theo chân những đoàn quân hay lữ khách dọc miền rừng núi và dòng sông Rhône phía đông nước Pháp tiến về phương Nam, đến Montpellier rồi qua Marseille. Tiếp đó, trong sự kiện Công xã Paris tháng 08/1792, đội quân tình nguyện Marseille đã hát vang bản hành khúc này trong nhịp chân khải hoàn tại vườn Tuleries trước điện Louvre; dân chúng Paris không cần biết nguồn gốc bài hát mà đặt ngay cho nó cái tên La Marseillaise (tức là “bài hát Marseille”). Ba năm sau, khúc chiến ca của đoàn quân sông Rhin đã chính thức trở thành quốc ca nước Pháp.

Tiến lên, những người con của Tổ quốc!

Ngày vinh quang đã đến đây rồi.

Cùng nhau ta chống lại bạo quyền,

Cuộc chiến đẫm máu đang sục sôi...

NTĐ

Tháng 05/2011

(Còn tiếp)

Một số hình ảnh phong cảnh đặc trưng của thành phố Strasbourg:

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)