Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Đi và ngẫm > Strasbourg kí sự (7)

Strasbourg kí sự (7)

Thứ ba 28/05/2013, của Nguyễn Tấn Đại

Champs Élysées, nơi có mọi thứ bạn muốn

Đại lộ Champs Élysées nhìn từ Khải Hoàn Môn. © Nguyễn Tấn Đại

Nói đến Paris, người ta thường hay nghĩ đến tên gọi “kinh đô ánh sáng”. Tên gọi này có nguồn gốc từ việc Paris là thành phố đầu tiên trên thế giới thiết lập hệ thống chiếu sáng công cộng vào thế kỉ XVII. Nhưng tôi vẫn ấn tượng nhất với một câu nhận xét của một cô giáo cũ thời đại học, khi trò chuyện sau một buổi học môn chuyên ngành bằng tiếng Pháp: “Điều tôi thích nhất ở Paris chính là người ta có thể làm bất cứ điều gì họ muốn...” Và như trong lời bài hát ở trên, đại lộ Champs Élysées là đại điện điển hình của Paris, nơi có mọi thứ bạn muốn và nơi bạn có thể làm mọi thứ bạn muốn.

© Nguyễn Tấn Đại

Champs Élysées là đại lộ đẹp nhất Paris, dài gần 2 km, rộng 70 m, trên một trục đường lịch sử dọc hữu ngạn sông Seine. Trục lịch sử này khởi đi từ tượng vua Louis XIV trên nền Điện Louvre, nơi ở của nhiều đời vua Pháp trong suốt 800 năm và nay một phần dành cho Bảo tàng Louvre, trải dài theo Vườn Tuileries, đến Quảng trường Concorde nườm nượp xe cộ với cột Obelisk, do chính phủ Ai Cập gửi tặng hồi thế kỉ XIX, sừng sững vươn cao. Từ đây, đại lộ Champs Élysées bắt đầu một con đường thẳng băng hướng về phía tây bắc thành phố, nghiêng ngiêng lên đỉnh dốc nơi Khải Hoàn Môn oai nghiêm toạ lạc giữa Quảng trường Ngôi sao với 12 con đường toả đều về các hướng. Qua Khải Hoàn Môn, trục đường này tiếp tục chạy thẳng theo chiều dốc xuống đến Cổng Défense, một “khải hoàn môn” khác xây dưới thời Tổng thống Mitterrand, bao quanh là một quần hợp các toà nhà cao tầng, tạo thành khu thương mại sầm uất hàng đầu châu Âu.

Đại lộ Champs Élysées có hai điểm đầu là Quảng trường Concorde và Khải Hoàn Môn. Đường có 10 làn xe hơi chia đôi theo hai chiều; hai bên đường cũng khoảng chừng ấy diện tích dùng làm vỉa hè cho người đi bộ. Nửa trên đoạn đường này là tấp nập hàng quán; nửa dưới là các công sở quan trọng xen lẫn với vườn hoa và công viên. Con đường thật lạ, vì chỉ cần rẽ ngang là bước ngay vào một thế giới xanh mát yên tĩnh rực rỡ sắc màu, đủ để quên đi những ồn ào xe cộ ngược xuôi kề bên! Người đi bộ đông đúc hồ hởi náo nhiệt giữa những hàng cây tỉa tót đều tăm tắp; nếu đến Paris mà không đi bộ dọc đại lộ Champs Élysées thì xem như mất đi một khám phá thú vị để hiểu được tại sao đây là nơi muôn người mơ ước đến sống và làm việc.

© Nguyễn Tấn Đại

© Nguyễn Tấn Đại

Nửa trên con đường đẹp nhất Paris này lại mang một phong cách khác hẳn. Thay cho con đường lát đá nhỏ dọc giữa những hàng cây và những công viên bao quanh rợp bóng mát tươi tắn sắc hoa là vỉa hè rộng rãi và cửa hiệu san sát với muôn vàn chiêu thức khuyến mãi dẫn dụ khách hàng. Ai cầm lòng không đậu thì hẳn sẽ mau chóng “cháy túi” khi vào những cửa hàng này. Tôi ghé ngang một cửa hàng mĩ phẩm; một em gái xinh như mộng đến chào. Sau hơn 30 phút đi với em, tay cầm một nắm những que thử mùi, tôi bước ra khỏi cửa hàng với một túi nước hoa nào cho bạn, nào cho vợ, rồi cho em, lại cho con, và dĩ nhiên không thể nào thiếu cho... mình! Tạt qua cửa hàng Adidas, tôi lại bước ra với một đôi giày mà quy về tiền đồng thì chỉ có... méo mặt (!). Vào cửa hàng Walt Disney thì thứ gì cũng thích mà rồi dằn lòng lại, ậy tiền đồng mình tính bạc triệu, tiền này thì khác, chục đồng đã là đắt rồi! Thế mới “ghìm cương” được mà bước ra với một khoản chi tối thiểu...

© Nguyễn Tấn Đại

Những cửa hiệu bán thuốc lá – tabac, đúng ra phải gọi là tạp hoá vì họ bán đủ các thứ khác thuốc lá như bưu thiếp, quà lưu niệm, báo chí,... – thì nằm ngay trên vỉa hè, phía sát mép đường, hàng hoá cứ bày tràn cả ra ngoài vỉa hè, chủ quán đứng bên trong ngó ra, ai mua thì lựa rồi tự động đem vào thanh toán; tất cả đều dựa trên sự tự giác chứ không ai phải đứng gác hai đầu canh chừng trộm cắp. Trên vỉa hè, thỉnh thoảng lại có một đám đông đứng quây lại quanh một nhóm múa hát diễn trò. Thấp thoáng giữa đám đông bỗng xuất hiện một... cái đuôi ngúc ngoắc, quần áo đầu tóc mặt mũi sặc sỡ đủ màu. Một cô bé hoá trang khá dị hợm đi cùng một nhóm bạn, tay ôm một khúc... của quý bằng cao su, đầu đội một cái mũ cũng hình... tương tự; khi thấy tôi bước tới trước đưa máy ảnh lên chụp, các cô đồng thanh hô “Vive la ville de Paris !” (nghĩa là “Thành phố Paris muôn năm”) và... mi gió tới tấp. Nói chung, những nghệ sĩ biểu diễn rong có thể tìm thấy trên những vỉa hè tấp nập này cả một bầu không gian hoàn hảo để kích thích niềm hứng khởi trình diễn của mình. Trình diễn một cách tự do vì lòng đam mê nghệ thuật, vì cá tính sáng tạo; nhưng cũng có khi chỉ đơn giản là vì miếng cơm manh áo hàng ngày...

© Nguyễn Tấn Đại

© Nguyễn Tấn Đại

Khải Hoàn Môn và câu chuyện người Nhật

Một trong những điểm đến quan trọng tại Paris chính là Khải Hoàn Môn. Nằm trên đỉnh cao của đại lộ Champs Élysées từ hướng quảng trường Concorde và đại lộ Grand Armée từ hướng Défense theo chiều ngược lại, cả hai thẳng theo Trục Lịch sử, đây xứng đáng là nơi người Pháp vinh danh những cuộc khải hoàn. Khởi xây từ mệnh lệnh của Napoléon Đệ nhất năm 1806, Khải Hoàn Môn được hoàn thành 30 năm sau đó, với chiều cao 50 m, bề rộng 45 m và chiều sâu 22 m. Toạ lạc giữa một quảng trường nơi giao nhau của 12 đại lộ dẫn đến các vùng đô thị phụ cận phía bắc đại đô Paris, nhìn từ mọi hướng, Khải Hoàn Môn đều ở một tầm cao mà bất cứ ai cũng phải... ngước nhìn. Một nghệ thuật ẩn dụ về khúc ca chiến thắng của những kiến trúc sư người Pháp từ hơn hai thế kỉ trước; họ không “tâm trạng” như kiểu “Bất tri tam bách niên dư hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”, mà để đời với một công trình kì vĩ đến muôn đời hậu thế đều phải ngước lên rồi cúi đầu cảm phục tiền nhân.

© Nguyễn Tấn Đại

Theo cầu thang bộ uốn vòng tròn lên 284 bậc, vừa đủ mệt thì cũng đến sảnh nghỉ trước khi leo nốt những nấc thang cuối cùng để bước ra ngoài nhìn quang cảnh thoáng đãng mở ra khắp xung quanh. Paris được quy hoạch hài hoà, nhờ đó mà từ đỉnh Khải Hoàn Môn có thể thấy được 360° thành phố trải rộng dưới chân. Hầu như các toà nhà chọc trời đều được gom về khu La Défense ở mạn tây bắc và một số rải rác ở mạn tây nam thành phố, do đó không có một công trình cao tầng nào che khuất tầm nhìn làm đánh mất vẻ đẹp toàn cảnh. Cũng nhờ vậy mà hai công trình Khải Hoàn Môn và tháp Eiffel mới vươn cao một cách đường bệ uy nghi ngạo nghễ nhìn dòng người xe ngược xuôi như đàn kiến dưới chân.

© Nguyễn Tấn Đại

Khải Hoàn Môn kì vĩ không chỉ vì bề rộng và chiều cao kết hợp hài hoà với vị thế trên đỉnh dốc hội tụ 12 con đường lớn, mà còn vì những tác phẩm điêu khắc chạm trổ trên cả bốn mặt cũng như bên trong lòng công trình. Mỗi tác phẩm điêu khắc là một câu chuyện kể về một sự kiện lịch sử trọng đại nào đó của người Pháp, mà tầm quan trọng không chỉ thể hiện ở tính chất sự kiện của nó. Nhìn những bức phù điêu chạm khắc do những nghệ sĩ Pháp tạc nên từ cách đây hàng 200 năm, tinh tế đến từng chi tiết cơ thể, từng đường nét cảm xúc của những con người hiện thân cho sứ mệnh lịch sử đương thời, ta mới có thể cảm nhận được sự thua thiệt của nghệ thuật ước lệ phương Đông trong quá trình phát triền nền khoa học tinh vi và chính xác mà phương Tây dẫn đầu từ bao thế kỉ nay. Dĩ nhiên, nếu nói đến triết lí thâm sâu về con người và vũ trụ thì đó lại là chuyện khác...

© Nguyễn Tấn Đại

Điều đáng nói về Khải Hoàn Môn, đó không chỉ là một công trình to lớn kì vĩ. Bởi, ngay trong lòng cánh cổng tiếp đón những đoàn quân khải hoàn trở về thành đô ánh sáng sau mỗi kì chinh chiến lại là ngôi mộ của một chiến sĩ vô danh đã hi sinh trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần I, với tấm bia khắc bằng đồng trên nền đất “Nơi đây yên nghỉ một chiến sĩ người Pháp đã quên mình vì Tổ quốc”. Tưởng nhớ một chiến sĩ vô danh để tưởng nhớ vạn người vô danh hay hữu danh đã ngã xuống vì Tổ quốc của mình. Ngôi mộ giản đơn được đánh dấu bằng một huy hiệu khắc đồng của quân đội Pháp ở phía chân, và một mặt trống có điểm lửa cháy thường trực ở phía đầu. Ngọn lửa vĩnh cửu ấy được thắp sáng từ năm 1923 và cháy liên tục đến ngày hôm nay. Ngay cả khi vị tướng cứu quốc và tổng thống khai sinh ra nền Đệ ngũ Cộng hoà Charles de Gaulle qua đời, chính phủ Pháp muốn đặt tên ông cho Quảng trường Ngôi sao bao quanh Khải Hoàn Môn, thì cũng đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều người. Lí do đơn giản không chỉ vì đó là một địa danh đã quá quen thuộc của người dân Paris (Quảng trường Ngôi sao), mà còn vì ở đấy có ngôi mộ của một chiến sĩ vô danh đại diện cho bao nhiêu người con đã hi sinh vì nước Pháp, và tướng de Gaulle đương thời từng là một người lính rất hiểu rõ điều đó nên không hề muốn tên mình được đặt cho quảng trường này.

© Nguyễn Tấn Đại

Những ngày giữa tháng 3 năm 2011, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang tích cực vận động Liên minh Châu Âu đồng thuận về giải pháp trừng phạt “vua của vua” xứ Libya Gaddafi. Đây xem như là canh bạc cuối cùng mà ông theo đuổi nhằm cứu vãn uy tín càng ngày càng tụt giảm thê thảm của mình trong lòng người dân Pháp. Hôm tôi đến Khải Hoàn Môn, lãnh đạo các nước đang họp với nhau tại Paris nhằm bàn cách tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế đối với một nghị quyết trừng phạt Libya của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Và dĩ nhiên là có lễ thượng cờ tại Khải Hoàn Môn nên du khách không được vào thăm trong khoảng một tiếng đồng hồ. Cùng thời gian này, Nhật Bản cũng hứng chịu một chuỗi tai nạn liên hoàn, từ động đất đến sóng thần và tai nạn hạt nhân. Qua báo chí tôi biết được ít nhiều về tinh thần kiên cường và tính khoa học của người Nhật trước thảm hoạ. Nhưng ngay tại Paris hôm ấy tôi được chứng kiến một việc khác làm tôi trân trọng họ không kém!

© Nguyễn Tấn Đại

Đối lập với hình ảnh các vị nguyên thủ quốc gia của những nước lớn tụ họp với nhau thuyết phục nhau rằng phải đem bom đi ném vào một nước khác để “bảo vệ thường dân” là hình ảnh một nhóm mười mấy người Nhật Bản, đứng tuổi có, trẻ tuổi có, quây quần nhau trên vỉa hè của Quảng trường Ngôi sao ngay mặt trước Khải Hoàn Môn, kêu gọi mọi người đến chia sẻ với nỗi đau mà đất nước họ phải hứng chịu. Ba lá quốc kì Nhật Bản trải trên mặt đất dần dần được điền kín với những thông điệp đầy tình cảm yêu thương và chữ kí của hàng trăm người bằng hàng chục ngôn ngữ khác nhau. Mỗi người viết xong một thông điệp thì được tặng một con hạc giấy, theo truyền thống Nhật Bản đó là lời cầu nguyện cho một cuộc sống trường thọ. Tuyệt nhiên không thấy một vật dụng nào để đựng tiền và không có ai quyên tiền để giúp đỡ cho các nạn nhân. Người Nhật đúng là không cần tiền, chỉ cần sự ủng hộ tinh thần để họ tiếp tục vững tin vào sự mạnh mẽ và sáng suốt của chính mình để vượt qua giai đoạn khó khăn chồng chất này. Chỉ với một hành động đơn giản, những công dân bình thường ấy đã góp được một nốt nhạc hay vào bài ca khải hoàn của đất nước Nhật Bản. Và tôi ngậm ngùi nghĩ, đến bao giờ người Việt mình mới biết làm được một điều rất đơn giản như thế?

© Nguyễn Tấn Đại

NTĐ

Tháng 03-04/2011

(Còn nữa)

0 | 30

Đại lộ Champs Élysées nhìn từ Khải Hoàn Môn. © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại

0 | 30

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)