Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Đi và ngẫm > Strasbourg kí sự (6)

Strasbourg kí sự (6)

Chủ nhật 26/05/2013, của Nguyễn Tấn Đại

Paris, một thế giới riêng trong lòng đất

Nghĩ đến Paris, có thể ta thường hay nghĩ đến chốn đô hội phố phường hoa lệ. Nhưng đón những bước chân đầu tiên tôi đến Paris là một thế giới... ngầm trong lòng đất. Đến Paris, muốn đi lại thuận tiện mà đỡ tốn kém, đương nhiên phải đi tàu điện ngầm. Kể từ khi ra đời tuyến đầu tiên ngày 19/07/1900, Paris đã mất hết 35 năm để xây dựng 13 tuyến tàu điện ngầm, và đến mãi gần một thế kỉ sau (1998) mới khánh thành tuyến tàu điện ngầm số 14, định hình một hệ thống giao thông công cộng dài hơn 200 km, đa phần ngầm dưới lòng đất, đủ khả năng chuyên chở mỗi ngày 10 triệu lượt hành khách. Tuyến tàu điện ngầm số 1 dài gần 17 km được người Pháp triển khai và hoàn thành trong chưa đầy một năm rưỡi; hơn một thế kỉ sau người Việt chúng ta còn loay hoay ở Sài Gòn và Hà Nội, không biết 10 năm đã xong được một tuyến hay chưa.

© Nguyễn Tấn Đại

Tàu điện ngầm hầu hết chạy bên dưới mặt đất. Mỗi ngõ vào đều có cửa chắn tự động. Ai có vé hay có thẻ đi dài hạn, đút vào máy, thanh chắn sẽ mở cho họ xoay một vòng đi vào bên trong. Hệ thống cửa chắn này rất “mỏng manh”, nhưng hầu như không thấy cảnh chen lấn lèn lách hay “nhảy rào”. Chỉ với một chiếc vé, khi đã vào bên trong, bạn có thể đi bao nhiêu tàu, bao nhiêu tuyến tuỳ thích, chỉ đến khi nào tới nơi cần “chui lên” mặt đất thì chiếc vé mới hết giá trị. Hoàn toàn không có nhân viên kiểm soát vé trên tàu; nhưng ai đi “chui” có thể vô tình gặp mấy anh cảnh sát đi “dạo”, thấy mặt lo sợ lấm lét sẽ gọi lại hỏi vé; tội đi “chui” bị bắt gặp thì phạt nặng phải biết! Đơn vị điều hành giao thông công cộng của Paris, RATP, với kinh nghiệm điều hành hệ thống này hơn 60 năm, luôn tìm mọi cách để “dụ” hành khách; ngoài các chế độ thẻ đi dài hạn giá rẻ dành cho học sinh sinh viên, thậm chí miễn phí cho người khuyết tật, thì họ lại còn có hàng loạt chế độ vé khác, từ vé lẻ, đến vé tập, rồi vé 1, 2, 3 hoặc 5 ngày, vé 1 tuần, 1 hay 3 tháng,... đáp ứng đủ loại nhu cầu đi lại của người dân, của khách du lịch. Điểm hay là RATP không chỉ quản riêng mỗi tàu điện ngầm, mà họ quản tất cả các loại hình giao thông công cộng tại Paris, bao gồm xe buýt, tàu điện ngầm, tàu nhanh nội vùng (RER), tram và xe buýt ngắm cảnh nội thành. Tôi là một trong những người “bị dụ” như thế, vì khi đến nghĩ rằng mình sẽ phải đi lại nhiều, nên mua hẳn một vé 5 ngày mất gần 30 đồng. Kết quả là, mấy ngày học tại UNESCO đi chung với các vị khác, họ không thích cảnh chui xuống đất rồi lại chui lên, nên mất hết 2 ngày không dùng vé. Phí của giời! Mấy ngày còn lại tranh thủ sử dụng cho hết công suất của chiếc vé, nhưng vẫn “lỗ” chút ít nếu so với đi vé lẻ.

© Nguyễn Tấn Đại

Tàu điện ngầm là cả một thế giới ngầm trong lòng đất, vì từ trên mặt đất tuỳ mỗi trạm mà có thể phải xuống hai, ba thậm chí bốn năm tầng. Bề ngang mỗi tuyến thường có hai đường ray cho hai chiều đi-về, mỗi bên có nhà chờ với một ít ghế ngồi và hệ thống biển thông báo điện tử cho biết thời gian chờ của những chuyến tàu sắp tới. Ai đói bụng hay khát nước đã có một số máy bán nước uống hay bánh ngọt tự động; hiện RATP còn đang có kế hoạch tổ chức các siêu thị mini để phục vụ nhu cầu đi chợ nhanh của không ít người Paris bận rộn, kết hợp mua sắm ngay trên đường đi lại bằng tàu điện ngầm. Các trạm chờ tàu điện ngầm của Paris nhìn chung là đơn điệu, vì cùng áp dụng một kiểu thiết kế cổ điển đã lựa chọn ngay từ đầu. Rất ít những trạm chờ rực rỡ, bắt mắt hoặc có phong cách riêng, như trạm Clunny Sorbonne hay Concorde... Không như cách tổ chức giao thông công cộng của Sài Gòn phân chia xé lẻ theo từng tuyến, không có liên thông kết nối, tàu điện ngầm (và cả xe buýt) Paris có độ dài trung bình mỗi tuyến khoảng 10-15 km, với các tuyến chạy xuyên tâm và chạy vòng vành đai phân bổ đều đặn nhằm san sẻ sức chở của toàn tuyến và đáp ứng ở mức độ cao nhất bất cứ nhu cầu đi lại nào trong thành phố. Khoảng cách mỗi trạm chờ khoảng trên 500 m, với những trạm trung tâm bố trí gần hầu hết các điểm đến quan trọng: địa điểm du lịch, trường học, bệnh viện, khu mua sắm, khu thể thao, nhà ga bến cảng,... Khi rời khỏi tàu điện ngầm, người ta chỉ cần đi bộ bình quân khoảng vài ba trăm mét là có thể đến nơi mình muốn.

© Nguyễn Tấn Đại

Tàu chạy suốt từ sáng sớm đến hơn nửa khuya vẫn còn chuyến nên bên trong hệ thống hầu như luôn sáng đèn. Đó là nơi cho những người vô gia cư có được chỗ ngủ ấm cúng; họ chỉ cần một chiếc gối và một chiếc mền dày là yên giấc nồng bên góc tường, mặc cho bước chân bao người tới lui tấp nập hay bánh tàu sầm sập lướt đi lướt về trên đường ray. Mỗi ngày có cả 10 triệu lượt người đi lại bên trong lòng đất, nên đó cũng là một mảnh đất màu mỡ cho những người không có nghề nghiệp kiếm sống. Họ chủ yếu là các nghệ sĩ hát rong nghiệp dư, sáng mang “đồ nghề” xuống tàu điện ngầm, lên một toa tàu bất kì, đi vài ba trạm thì xuống, chờ chuyến tàu khác lại lên hát ca kiếm vài đồng lẻ, rồi lại xuống, đổi qua tuyến khác, lại lên một toa tàu vài ba trạm, lại xuống chờ chuyến tiếp,... Cứ thế, họ xoay vòng khắp dưới lòng đất Paris; một trò chơi xác suất với tỉ lệ gặp lại một hành khách cũ cực kì thấp. Có những người hát hay chơi nhạc to quá làm hành khách khó chịu bỏ qua chỗ khác; nhưng rất thông thường những điệu nhạc bài ca họ cất lên lại chạm đến một ngõ ngách tâm hồn nào đó của một vài hành khách. Và họ không ngần ngại lục bóp lấy một hai đồng tiền lẻ tặng cho người nghệ sĩ lang thang vừa làm cho lòng mình thoáng động.

© Nguyễn Tấn Đại

Ở Việt Nam tôi vốn không thích cho tiền những người ăn xin hay hát rong, nhưng lần này, có đến hai lần tôi cho tiền những người nghệ sĩ hát rong trong lòng đất Paris. Lần đầu, ngay trên chuyến tàu đầu tiên tại Paris, một người đàn ông luống tuổi tay cầm cây đàn accordeon chân nhún nhảy người nghiêng nghiêng miệng tươi cười tay kéo tuôn trào những giai điệu hết sức quen thuộc của những bài hát tôi yêu thích Kachiusa, Tình ca du mục (Those were the days),...

© Nguyễn Tấn Đại

Lần thứ hai, sau khi kết thúc lớp học của UNESCO, trên chuyến tàu lên Khải Hoàn Môn, một chàng ca sĩ ngân nga bài “Đại lộ Champs Élysées” (/sâng-zê-li-zê/) gắn liền với tên tuổi của Joe Dassin những năm 1970, cứ như đoán biết dự định của tôi trèo lên đấy ngắm toàn cảnh Paris rồi đi dạo dọc con đường được xem là đẹp nhất Paris này...

Tôi dạo bước trên đại lộ thênh thang

Con tim rộng mở với người xa lạ

Đáy lòng những mong cất lên lời chào

Với bất kì một ai

Bất kì một ai và đó là em

Anh huyên thuyên với em mọi điều

Chỉ cần nói với em là đã đủ

Để cảm hoá lòng em

 

Trên (đại lộ) Champs Élysées

Trên (đại lộ) Champs Élysées

Trong ánh nắng, dưới cơn mưa

Giữa ban trưa hay nửa đêm vắng

Có hết thảy những gì bạn mong muốn

Trên (đại lộ) Champs Élysées...

NTĐ

Tháng 03/2011

(Còn tiếp)

© Nguyễn Tấn Đại Đại lộ Champs Élysées nhìn từ Khải Hoàn Môn. © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)