Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Đi và ngẫm > Strasbourg kí sự (8)

Strasbourg kí sự (8)

Thứ sáu 31/05/2013, của Nguyễn Tấn Đại

Paris, những cái tên lớn và những góc nhỏ

THÁP EIFFEL

© Nguyễn Tấn Đại

Nói đến Paris thì có nhiều cái tên không thể không nhắc đến. Nằm đầu tiên trong số đó hẳn là tháp Eiffel. Ngọn tháp cao 300 m này ban ngày như một khối thép sẫm màu trầm mặc giữa bầu trời Paris. Nhưng đến khi màn đêm buông xuống thì dáng vẻ lầm lũi ấy biến mất đi, thay vào là những đường cong duyên dáng lung linh dưới bàn tay sắp đặt điêu luyện của nghệ thuật chiếu sáng mà người Pháp rất tự hào. Để lên được tháp, phải xếp hàng rồng rắn chừng gần nửa tiếng đồng hồ để mua vé, rồi qua cổng kiểm soát an ninh xong mới được vào trong lòng chân tháp để chờ thang máy. Tương tự như Khải Hoàn Môn, từ trên tháp Eiffel có thể thấy toàn cảnh thành phố dưới chân mà không có vật chướng ngại nào che khuất tầm mắt. Nhưng tầm nhìn ở đây lại khác, không phải sự choáng ngợp với 12 ngả đường hội tụ dưới chân phóng về bốn phương tám hướng như tại Quảng trường Ngôi sao mà là dòng sông Seine bình lặng uốn quanh. Không biết vô tình hay hữu ý mà ngọn tháp này lại được dựng nên ngay khúc quanh của dòng sông; một chút cong cong làm cho khối sắt thép đồ sộ trở nên mềm mại và thanh thoát.

SÔNG SEINE

© Nguyễn Tấn Đại

Sông Seine được xem là dòng sữa mẹ của đô thành Paris. Mặt sông thấp hẳn so với đất nền xây dựng nhà cửa đường xá, nước chảy hiền hoà, nhờ đó không chỉ chức năng lưu chuyển dòng nước và giao thông đường thuỷ mà còn cả chức năng giao thông dọc bờ sông cũng được khai thác triệt để. Điều rất đặc biệt của sông Seine đoạn chảy qua Paris, đó là có rất nhiều cây cầu bắt ngang qua sông; mỗi cây cầu có một kiến trúc đặc trưng riêng biệt, và những cây cầu đẹp nhất hay đặc trưng nhất thường gắn liền với những câu chuyện lãng mạn trong tiểu thuyết hay thơ ca. Dọc hai bờ sông Seine là những cung điện cổ kính hay những công trình mới xây hiện đại, nhưng tất cả đều gắn kết hài hoà với nhau, cái mới không phá vỡ hay đè bẹp cái cũ. Để cảm hết được vẻ đẹp hiền dịu của sông Seine, tốt nhất là làm một chuyến dạo thuyền vào lúc chiều tối.

© Nguyễn Tấn Đại

Những cây cầu và toà nhà cổ kính được chiếu sáng lung linh lần lượt lướt qua, sóng vỗ mạn thuyền ì oạp, gió thổi lành lạnh; nếu thích thì có thể vừa ngồi ngắm cảnh vừa nghe thuyết trình trong suốt chuyến đi bằng hàng chục thứ tiếng khác nhau. Nếu như ở điểm xuất phát, một bài ca réo rắt vui nhộn cất lên cùng những chùm ánh sáng lung linh nhảy múa khắp ngọn tháp Eiffel, thì khi ngang qua nhà thờ Đức Bà, tiếng nhạc lại dìu dặt du dương nghe như đang bước chân giữa giáo đường thênh vắng...

© Nguyễn Tấn Đại


NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS

© Nguyễn Tấn Đại

Nhà thờ Đức Bà Paris nổi tiếng có lẽ là vì hai lí do. Thứ nhất là kiến trúc đặc trưng Gothic vốn rất được ưa chuộng tại châu Âu thời xưa, nhưng mặt kiến trúc không hẳn là yếu tố quan trọng nhất vì còn có các nhà thờ khác độc đáo hơn tại Chartres và Strasbourg. Lí do thứ hai là bởi vì nơi đây gắn với câu chuyện chàng gù trong cuốn tiểu thuyết của Victor Hugo. Tôi có dịp may mắn là ngày cuối cùng ở lại Paris trời... bỗng dưng muốn nắng (?!). Toà giáo đường thanh thoát vươn cao trên một hòn đảo nhỏ (tiếng miền Tây gọi đó là cù lao) giữa lòng sông Seine xanh ngằn ngặt, hàng cây khô trụi lá đang dần chớm nở những mầm non tươi, vườn hoa lác đác vài bông còn sót lại, hàng ghế đầy kín người ra ngồi hong nắng, vài cô bé cậu bé theo cha mẹ đi dạo chơi xe đẩy chạy vòng quanh... Du khách nườm nượp chen nhau mặt trước nhà thờ và xếp hàng vào bên trong; tôi không còn nhiều thời gian nên chỉ đi vòng sang bên hông ngắm cảnh.

© Nguyễn Tấn Đại

Ở cây cầu ngay mặt sau, hàng trăm chiếc ổ khoá được móc chen chúc trên thành cầu. Trên mỗi ổ khoá đều có những dòng chữ, hình vẽ hay biểu tượng thể hiện tình cảm của một cặp đôi nào đấy. Nếu như nhại lời một bài tình ca thì sẽ là: Ngày nào ta yêu nhau, ta đến đây móc khoá vào thành cầu... Sau khi khoá xong, mỗi người giữ một chìa như là minh chứng tình yêu. Có những cặp có lẽ là gắn bó bền vững như lời răn “sự gì Thiên chúa đã kết hợp, loài người không được phân li”; nhưng cũng có cặp mai này tan vỡ, hoặc một trong hai lặng lẽ đến đây mở khoá cởi trói trái tim, hoặc giả vì lí do nào đó không còn chìa thì nếu có đi ngang qua cũng đành lắng lòng với mối tình xưa.

© Nguyễn Tấn Đại

VƯỜN LUXEMBOURG

Nói chuyện may mắn gặp ngày nắng đẹp, bởi vì đó là ngày đầu tiên của mùa xuân, hai mươi tháng ba. Nắng đổ vàng xua tan không khí xám xịt lất phất mây mù của những ngày trước đó; và bà con ùa ra đường, vào công viên dạo chơi phơi nắng. Người châu Âu da trắng bạch nên rất cần chút rám nắng để trông mạnh mẽ và... quyến rũ, thành ra cứ thấy chút nắng xuân là tận dụng kéo ghế ra giữa đất trời nằm ngủ. Chẳng bù cho các cô các nàng xứ mình cứ bước chân ra được là “vũ trang” kín mít từ đầu tới chân, gặp nhau giơ tay chào mỉm cười chào lại mà còn ngẩn ngơ không biết đó là ai. Tôi và gia đình người bạn đi dạo ra vườn Luxembourg.

© Nguyễn Tấn Đại

Đây là một khu vườn thuộc loại lãng mạn nhất thành phố Paris. Vườn bao quanh một cung điện cổ, điện Luxembourg, giờ được dùng làm trụ sở Thượng viện Pháp. Nơi hội tụ những nhân vật “đầu não” nhất của nền chính trị quốc gia, nhưng cung điện này lại tỏ ra rất gần gũi. Không rào chắn, không trang nghiêm đến mức... nghiêm trọng, dân chúng tự do tụ tập vòng quanh hồ nước trước mặt nói chuyện chơi đùa hay ngồi đọc sách, tán gẫu, thư giãn, thậm chí nằm ngủ giữa trời, bên những bãi cỏ vạt hoa hay bên vệ đường.

© Nguyễn Tấn Đại

Nửa phía bên kia vườn là công viên cây cối mát rượi, thỉnh thoảng trang trí bằng những bức tượng đủ kiểu từ người đến loài vật. Giữa hai hàng cây cao vút là một bãi có vuông vức trải dài, rất nhiều chim bồ câu khi bay khi đậu khi lững thững tìm mồi. Đây là nơi ưa thích của giới sinh viên, vì khá gần các khu đại học lớn, đặc biệt là Sorbonne. Ngoài cảnh thường thấy là từng nhóm sinh viên tụm năm tụm ba trò chuyện rôm rả, thì cũng có thể thấy cảnh những cô cậu nằm dài trên cỏ, một cuốn sách úp trên mặt và... ngủ. Những giấc mơ đong đầy chữ nghĩa.

© Nguyễn Tấn Đại

CUNG ĐIỆN VÀ VIỆN BẢO TÀNG LOUVRE

Một cái tên lớn cuối cùng tại Paris mà tôi kịp thăm lần này, đó là Bảo tàng Louvre. Tôi đã dặn lòng quyết tâm chiêm ngưỡng cho bằng được hai người đẹp Mona Lisa và Venus. Mười ba năm trước, tình cờ phát hiện buổi mở cửa miễn phí cuối ngày khi đi ngang qua đó, tôi và Gấu mẹ ngày nay đã háo hức xếp hàng chờ. Nhưng mỗi tội lơ ngơ như con bò đội nón nhởn nhơ xem từng thứ trên đường đi, nên chỉ kịp đến ngắm nường Mona Lisa mà không kịp chạy qua chỗ nường Vệ nữ vì hết giờ.

© Nguyễn Tấn Đại

Lần này có kinh nghiệm hơn nên xác định những chỗ ưu tiên cần đến, và cũng kịp thoả mãn trong hai tiếng đồng hồ đắm mình trong một không gian mĩ thuật đồ sộ thuộc loại hàng đầu thế giới. Không có nền tảng căn bản để thưởng ngoạn hội hoạ, tôi ưu tiên đi theo tiếng gọi của... sự nổi tiếng qua tên tác giả hay tác phẩm, và sau đó là sở thích cá nhân.

© Nguyễn Tấn Đại

Không thể thưởng ngoạn đúng nghĩa, tôi chủ yếu đi ngang, nhìn ngắm, đọc lời giới thiệu tác phẩm để biết thêm, và quay phim hay chụp hình. Ngoại trừ trường phái ấn tượng mà tôi thích từ lâu theo ảnh hưởng từ một người thầy cũ, thì tại Louvre tôi thích nhất những tác phẩm cổ điển, dù là điêu khắc hay hội hoạ, mô tả chi tiết từng đường nét nhân vật, khung cảnh, đối tượng, và có một câu chuyện ẩn sau tác phẩm ấy. Các tác phẩm loại này thường kể nhiều nhất về các đề tài tôn giáo và thần thoại: Chúa giáng sinh, Đức Mẹ và Đức Chúa con, hành hình trên Thập giá, sự tích các thánh, sinh hoạt hay cuộc chiến giữa các vị thần Hy Lạp,... Tất cả các tác phẩm ấy được trưng bày trong ba tầng, một tầng hầm và hai tầng thượng.

© Nguyễn Tấn Đại

Bảo tàng Louvre trước kia là cung điện của vua nước Pháp, được xây dựng liên tục trong suốt 800 năm. Từ thời Louis XIV, cung điện hoàng gia được chuyển về Versailles, điện Louvre bắt đầu được chuyển sang chức năng bảo tàng. Nói đến Louvre là phải nói đến sự hoà quyện giữa cái cũ và cái mới. Ba dãy nhà của cung điện được dành làm bảo tàng quây thành hình chữ U bao quanh một khoảng sân rộng, mặt còn lại mở ra vườn Tuileries đến Quảng trường Concorde, bắt đầu cho Trục Lịch sử, một “trục tâm linh” có thật của người Pháp như dạo nào cả nước ta sục sôi chuyện “trục Thăng Long” nối Ba Vì và Hồ Tây.

© Nguyễn Tấn Đại

Giữa sân điện là một khối kim tự tháp lớn bằng kính, với hai khối nhỏ hơn và các hồ nước bao quanh. Lối vào chính là ở khối tháp lớn, dẫn xuống tầng hầm; từ đó khách phải đi ngược lên hai tầng trên để sau cùng xuống thang ra ngoài. Kiến trúc hiện đại này đã từng vấp phải rất nhiều sự phản đối, vì người ta sợ rằng nó phá vỡ nét cổ kính của toà lâu đài hoàng gia, đồng thời cắt đứt “trục tâm linh” vì làm gián đoạn đường thẳng nối tượng vua Louis XIV giữa sân Napoleon với Khải Hoàn Môn Tuileries, trụ Obelisk giữa Quảng trường Concorde và Khải Hoàn Môn tại Quảng trường Ngôi sao. Nhưng kì thực, toà tháp bằng kính trong suốt nên không phá vỡ cái tổng thể cổ kính, đồng thời lại nằm ở vị trí “né” qua một bên so với Trục Lịch sử nên không gây gián đoạn gì về mặt tâm linh. Đã vậy, các khối tháp bằng kính phục vụ đắt lực cho việc lấy ánh sáng tự nhiên vào dưới tầng hầm, vừa hài hoà về mặt kiến trúc, lại vừa cân bằng về mặt sinh thái, hoà hợp với thiên nhiên. Nếu nói chức năng của một bảo tàng là kết nối giữa hiện tại với quá khứ, Louvre hoàn toàn xứng danh về mọi mặt!

© Nguyễn Tấn Đại

NHỮNG GÓC NHỎ

© Nguyễn Tấn Đại

Những cái tên mà ai cũng chờ đợi khi đến Paris, như tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn, nhà thờ Đức Bà, bảo tàng Louvre,... thì thường chỉ là nơi đến một hai lần rồi thôi. Nhưng nhiều người thích sống ở Paris lại không phải vì những cái tên đó, mà là vì không gian sống hài hoà giữa một siêu đô thị. Ở Paris có những góc phố không lớn, chỉ nhỏ vừa, nhỏ nhỏ hay rất nhỏ, nhưng rất thú vị, và chính những góc ấy mới làm cho thành phố này trở thành nơi đáng mơ ước để sinh sống và làm việc. Đó có thể là đại lộ Saint Michel nghiêng nghiêng dốc dài, nơi có những hiệu sách nổi tiếng nhất, có thể xem là một “đại lộ trí thức” của Paris. Đó có thể là những con đường nhỏ chỉ vừa chỗ cho một làn xe chạy, hay chỉ dành cho người đi bộ, hết sức yên tĩnh, nhất là ở khu phố Latin, trái tim của Paris cổ được bảo tồn lại cho đến nay. Đó có thể là một đài nước hoành tráng như ở cuối dốc Saint Michel, một “quảng trường” nhỏ như Sorbonne lùi vào trong tĩnh lặng tựa chừng người trí thức ngẫm ngợi thế thái nhân tình. Hay một vườn hoa góc phố, hai chú vịt tình tự trong công viên mặc người người lại qua...

© Nguyễn Tấn Đại

NTĐ

Tháng 04/2011

(Còn tiếp)

0 | 30

0 | 30

Lời bình trên diễn đàn

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)