Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Đi và ngẫm > Strasbourg kí sự (4)

Strasbourg kí sự (4)

Thứ năm 16/05/2013, của Nguyễn Tấn Đại

Phố nhỏ, xe đạp, nhà cổ và chút nắng chút mưa

Là thành phố đông dân thứ bảy của cả nước Pháp, nhưng Strasbourg chỉ có chưa đến 500.000 dân trong nội thị. Mệnh danh là một trong hai thành phố “đầu não” của châu Âu, Strasbourg lại không có dáng vẻ rộn rịp sầm uất. Ngoại trừ các con đường cao tốc bao quanh thành phố, ở nội thị thành phố này không có những đại lộ lớn mà chủ yếu là những con đường nhỏ. Cũng như nhiều thành phố lớn của Pháp, Strasbourg đường nhỏ quanh quanh nhưng trật tự đâu vào đấy, không thấy kẹt xe, vì rất nhiều đường một chiều. Hơn nữa, với số dân không quá đông, giao thông công cộng lại tổ chức rất tốt, cả xe buýt và tram đều chạy liên tục nhịp nhàng từ sáng sớm đến tối khuya, nên ngay cả khi có xe hơi thì rất nhiều người vẫn thích để ở nhà, chỉ dùng khi đi xa hay khi chở đồ nặng.

© Nguyễn Tấn Đại

Thành phố này có chủ trương biến mình thành một thành phố xanh kiểu mẫu của châu Âu, nên khuyến khích người dân đi xe đạp. Khắp nơi đều có thể thấy những phần đường thiết kế dành riêng cho xe đạp và những bãi để xe đạp công cộng. Người ta chỉ cần dựng xe vào một chiếc cột, lấy khoá vòng khoá lại; thế là yên tâm đi làm. Thành phố có cả một hệ thống gần 2.000 xe đạp chuyên dụng cho dân chúng thuê giá rẻ theo giờ, theo ngày, hoặc cả theo tháng và theo năm. Người đi xe công cộng dài hạn hay người trẻ dưới 26 tuổi càng được hưởng giá ưu đãi hơn. Trừ mùa đông quá lạnh ít người đạp xe, còn lại thì chỉ cần trời hửng nắng ấm áp một chút là cả nam nữ già trẻ quần dài váy ngắn người người thi nhau lên yên nhấn bàn đạp ra đường. Kể cả các bác đưa thư cũng đi xe đạp, giáo sư đại học cũng đi xe đạp, hay nhân viên cảnh sát cũng dùng xe đạp để tuần tra trong thành phố. Càng phát triển, việc bảo vệ môi trường càng được thể hiện bằng từng hành động nhỏ, và là niềm tự hào của mỗi người...

© Nguyễn Tấn Đại

Không biết có phải người Pháp hay hoài cổ không, mà nhà cửa ít khi to lớn hoành tráng. Dĩ nhiên là ở đây không tính các công trình dinh thự lâu đài của vua chúa quan lại ngày xưa. Nhưng bám theo những con đường nhỏ, những ngôi nhà có kiến trúc cổ kính dường như là thích hợp hơn những kiểu nhà hộp hay khối bê tông sắt thép. Nói vậy, không có nghĩa là người Pháp không có kiến trúc hiện đại; chỉ đơn giản là họ đẩy những khối kiến trúc ấy ra xa để bảo vệ những giá trị kiến trúc cổ điển. Khi cần phải kết hợp, họ thường không phá huỷ cái cũ để tạo cái mới, hay lấy cái mới lấn át đè bẹp cái cũ, lỏi chỏi như phố phường Sài Gòn và Hà Nội, mà tìm cách dung hoà tối đa qua những con mắt và bàn tay của các kiến trúc sư và nhà quy hoạch “nhà nghề”. Có lẽ chính vì sự bảo tồn cao độ hồn phố và kiến trúc nhà cổ rất đặc trưng của vùng Alsace mà khu trung tâm của Strasbourg, thường gọi là “nước Pháp nhỏ bé” (La Petite France), đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới từ năm 1988.

© Nguyễn Tấn Đại

Anh bạn của tôi có làm mấy câu thơ về Strasbourg như sau:

Cái xứ chi ngày nắng ngày mù

chập cheng tôi làm thơ, bữa trưa, phố cổ

những căn nhà khung gỗ, liêu xiêu, cong queo,

mái ngói nhấp nhô, màu sơn sặc sỡ

bờ sông quanh co, hàng cây xanh mơn mởn

thành phố lặng, tàu điện leng keng, chim bồ câu đi bộ

vàng tươi bia hơi

© Nguyễn Tấn Đại

Mà quả đúng như vậy, đặc biệt là những ngày đầu tôi mới đến, khi vẫn còn cuối đông. Hôm trước chiều chiều trời còn vương chút nắng; hôm sau thức dậy thấy nước mưa đọng đầy sân. Sáng sớm ra đường mưa lất phất bay, trưa nắng vàng ươm đến chiều sẫm tối thì lại bắt đầu lâm râm. Cùng anh bạn dẫn hai cô cháu đến thăm đi lòng vòng phố; trời đêm lành lạnh bên ngoài, vào quán đặc sản ấm cúng gọi một vại bia đen truyền thống Alsace, và được ăn bánh kẹp nướng (tarte flambée, gần giống như bánh pizza của Ý, nhưng mỏng và dễ ăn hơn nhiều) thả giàn, đến no thì thôi.

© Nguyễn Tấn Đại

NTĐ

Tháng 03/2011

(Còn tiếp)

© Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại © Nguyễn Tấn Đại

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)