Nguyễn Tấn Đại

Cuộc đời là một chuyến viễn du bất tận...

Trang chủ > Tản mạn > Đi và ngẫm > Strasbourg kí sự (5)

Strasbourg kí sự (5)

Thứ sáu 17/05/2013, của Nguyễn Tấn Đại

Trở lại Paris

Trong cuộc hành trình này, tôi có một dịp quay trở lại Paris. Đó là một khoá tập huấn của UNESCO dành cho chuyên viên các tổ chức đảm bảo chất lượng giáo dục của các nước. Tôi vốn không phải đúng là đối tượng của lớp học này. Nhưng nội dung lớp học là thiết kế chương trình đào tạo từ xa về đảm bảo chất lượng ngoài (external quality assurance - EQA), trong khi một mặt đào tạo từ xa là “nghề” của tôi, mặt khác tôi từ lâu đã có cộng tác với một trung tâm khảo thí của một đại học lớn trong nước, mà khoá tập huấn lại rơi trúng vào dịp tôi đang ở Pháp. Do đó, cô giám đốc trung tâm đăng kí hai suất cho cô và tôi vì EQA là vấn đề quan trọng cô muốn phát triển về sau. Rủi một điều là, sau hơn một tuần chờ đợi, nhà tổ chức trả lời là không được vì đã hết chỗ.

Trong rủi có may, tôi được tin từ chối khi mới đến Strasbourg. Thầm nghĩ, biết đâu hết... 2 chỗ nhưng vẫn có khả năng còn... 1. Thế là tôi đánh bạo viết e-mail cho nhà tổ chức, bảo rằng thật tiếc là hết chỗ, nhưng quý vị cũng biết rằng Việt Nam là một nước có tốc độ phát triển kinh tế cao, giáo dục là quan trọng mà nhu cầu đảm bảo chất lượng giáo dục rất lớn, tôi lại đang ở Pháp nên đi lại dễ dàng hơn, có thể xin cho 1 suất thôi cũng được. Vậy mà hôm sau họ trả lời có tin vui cho mày đây, bọn tao vẫn còn một chỗ trống đấy nhá!

Thế là... khăn gói lên đường trở lại Paris. Gọi là trở lại, vì tôi đã hai lần đến, đúng ra là ghé ngang, thời còn là sinh viên; một lần trước khi về nước sau chuyến thực tập ngôn ngữ hai tháng ở Montpellier năm 1998, và một lần nữa cũng trước khi về nước sau khi xong cao học tại Le Mans năm 2001.

UNESCO, không gian đa văn hoá

Tôi làm việc cho một tổ chức hợp tác giáo dục quốc tế, bản thân đã là một môi trường đa văn hoá, nhưng cũng chỉ mới giới hạn trong phạm vi các nước Pháp ngữ. Do mô hình tổ chức tương đối tự chủ theo từng khu vực, nên ở châu Á-Thái Bình Dương tôi chủ yếu làm việc với đồng nghiệp và đối tác ở Việt Nam, Lào và Campuchia; đương nhiên có người Pháp, thi thoảng người Bỉ hay Canada, và vài nước khác như Maroc, Vanuatu, Cameroun,... tuỳ từng loại hoạt động. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc và làm việc trực tiếp với trên 20 người từ hàng chục nước khác nhau thuộc cả châu Á, châu Phi, châu Mĩ và châu Âu.

© Nguyễn Tấn Đại

Là tổ chức đầu não toàn cầu về giáo dục, khoa học và văn hoá, UNESCO chiếm lĩnh một vị trí quan trọng ngay tại một quận trung tâm của Paris. Có thể xem đây là một trong những khu vực đắt đỏ nhất “kinh đô ánh sáng”. Toà nhà hình bông hoa ba cánh toạ lạc giữa một khu đất rộng; ngay trước mặt là một quảng trường đẹp, nối tiếp qua một Trường Quân sự nghiêm trang, kéo dài theo công viên Champ de Mars để kết nối đến tháp Eiffel ngạo nghễ bên bờ sông Seine. Ngoài sân sau là bãi cỏ xanh, viền hai mặt với hàng trăm cột cờ để treo quốc kì các nước trong những dịp lễ lớn. Giữa bãi cỏ là quả địa cầu, biểu tượng của UNESCO, ban ngày thì trắng sáng lịch lãm, ban đêm thì đèn chiếu lung linh ánh vàng sang trọng. Ngay cổng có bảo vệ kiểm tra người ra vào; đến cửa trong lại phải kiểm soát hành lí bằng máy chiếu giống như ở sân bay. Hôm đầu tiên tôi bỏ quên bộ dao Thuỵ Sĩ thường dùng trong túi quần, chắc đông quá nên đi qua cánh cửa nó kêu bíp bíp mà các bác cảnh sát vẫn không kiểm tra kĩ cho qua. Đến hôm sau thì bị chặn lại, gửi dao bên ngoài đến khi về mới được lấy. Đa văn hoá nên cũng dễ đa tạp, khó kiểm soát; an ninh nghiêm ngặt vẫn là trên hết.

© Nguyễn Tấn Đại

UNESCO thể hiện rất rõ tinh thần tôn trọng đặc thù văn hoá bản địa, không chỉ qua việc nội dung đào tạo chú trọng nhất vào hoạt động tạm gọi là “điều nghi” (contextualization - điều chỉnh cho thích nghi với bối cảnh tại chỗ), mà còn cả ở cách bài trí sắp xếp không gian bên trong trụ sở. Dọc hai bên đường của tất cả các lối đi bên trong trụ sở, hầu như luôn luôn có các cuộc triển lãm hay các vật phẩm văn hoá nghệ thuật trang trí có nguồn gốc từ nhiều nước khác nhau. Tất cả các bảng hiệu và thông tin chỉ dẫn thì đương nhiên đều phải bằng sáu ngôn ngữ chính thức của Liên hiệp quốc. Trải qua mấy chục đời giám đốc điều hành, nhiều nước thuộc tất cả các châu lục trên thế giới đều đã có đại diện của mình đứng đầu tổ chức này trong một nhiệm kì nào đó, một năm, hai năm hay nhiều hơn. Nhìn thấy những vị giám đốc điều hành người châu Á như Ấn Độ hay Indonesia, tôi tự hỏi không biết đến bao giờ người Việt Nam mới đạt đủ trình độ để có tên trong danh sách này!

© Nguyễn Tấn Đại

Nhân viên làm việc ở đây thì ngoài tiếng mẹ đẻ hầu như đều nói thông thạo ít nhất hai thứ tiếng mạnh nhất về mặt văn hoá, khoa học và giáo dục, đó là tiếng Anh và tiếng Pháp. Hoá ra lại may, vì trong số các học viên chỉ có ba người nói được hai thứ tiếng này, trong đó có tôi. Tiếng Anh của tôi lõm bõm từ những gì đọng lại của 4 năm học cấp II hệ 7 năm và 3 năm cấp III hệ 3 năm. Đọc thì không có vấn đề gì, viết cũng không trở ngại gì mấy, còn nghe-nói thì chỉ đủ dùng để giao tiếp thông thường và theo dõi, tham gia thảo luận các nội dung chính trong lớp. Tưởng mình tệ, hoá ra còn có người tệ hơn; vài vị ở Paraguay hay Columbia chỉ nói được vài câu tiếng Anh cơ bản, xem như tận dụng cơ hội để đi du lịch là chính. Còn ngoài lớp học, khi đi dạo phố ngắm cảnh Paris, tôi trở thành người dẫn đường cho cả nhóm vì vừa biết tiếng Pháp vừa nhớ chút ít về Paris từ hai lần ghé trước. Lần này, thực sự ở Paris chứ không phải “ghé ngang”, tôi cảm nhận thực sự sức mạnh của “vũ khí” đa ngôn ngữ trong một môi trường đa văn hoá. Nhờ đó, ngoài những người bạn “truyền thống” trong mạng lưới Pháp ngữ, tôi đã bước đầu kết nối với những người bạn Mĩ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Na Uy, Ấn Độ,... để làm phong phú thêm vốn liếng văn hoá của mình.

© Nguyễn Tấn Đại

NTĐ

Tháng 03/2011

(Còn tiếp)

© Nguyễn Tấn Đại

Phản hồi về bài viết

Bạn là ai?
Bài viết của bạn

(Để bắt đầu một đoạn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)