Trang chủ > Ngôn luận và văn chương > Văn chương > Ngụ ngôn hiện đại > Ubuntu
Ubuntu
Tôi sống, vì chúng ta chung sống
Thứ ba 15/06/2021, của
Truyện kể rằng, một nhà khoa học người Mĩ sang châu Phi làm nghiên cứu. Thay vì rao giảng các “bài học kiểu Mĩ”, ông quyết định dạy cho đám trẻ con trong làng chơi thể thao. Một hôm, ngôi làng bên cạnh có một lễ hội lớn, ông sang xem rồi mua về một giỏ đầy bánh kẹo và đồ ăn ngon lành. Ông gọi đám trẻ con lại và tổ chức một cuộc thi. Ông vẽ một vạch ngang trên đất, đặt giỏ quà dưới một gốc cây cách đó 200 mét, rồi treo giải thưởng là toàn bộ quà bánh cho ai chạy về đích trước tiên. Sau khi ông ra tín hiệu xuất phát, rất ngạc nhiên, ông thấy đám trẻ không ai bảo ai, không cần nhìn nhau hay có bất cứ cử chỉ ra hiệu gì, tay nắm chặt tay cùng nhau chạy trốn mất.
Nguồn ảnh: UbuntuAge
Bài học có thể rút ra từ câu chuyện này, đó là hạnh phúc chỉ đến khi chia sẻ được cùng nhau. Một bữa tiệc dù thịnh soạn đến đâu cũng không thể ngon lành khi ai đó chỉ hưởng một mình mà không chia sẻ với những người xung quanh. Tất thảy những gì chúng ta làm, khao khát hay ao ước đều phải làm cùng làm với người khác chứ không thể đơn độc một mình.
Sài Gòn, 06/2021
Phỏng dịch từ: Pannikar, R. (1999). L’esperit de la política". Barcelona: Península. Theo: Diskin, L. (2012/04/11). TEDxESPM - Lia Diskin—Palas Athena. TEDx Talks, Sao Paulo, Brazil. https://www.youtube.com/watch?v=y1kFHXdMTGM
* Dị bản:
Câu chuyện này được lan truyền rộng rãi trên Mạng từ khoảng năm 2012, với một số dị bản khác nhau. Sự khác biệt giữa các dị bản có thể nằm ở chi tiết nhà khoa học là một nhà nhân học (anthropologist), hay chiếc giỏ đựng đầy trái cây thay vì bánh kẹo. Nhưng đa số các dị bản ấy đều có điểm chung ở đoạn kết, khác với đoạn kết do Raymon Pannikar kể lại, đó là:
Sau khi có tín hiệu xuất phát, đám trẻ tay trong tay cùng nhau bước đến gốc cây rồi cùng chia nhau giỏ quà. Rất ngạc nhiên, ông hỏi tại sao các em lại làm như thế trong khi nếu chạy đua thì em nào thắng sẽ giành được cả giỏ một mình. Một em trả lời ông: “Ubuntu” [ʊˈbuːntʊ]. Làm sao một người có thể hạnh phúc khi tất cả những người còn lại muộn phiền.
Trong văn hoá các dân tộc bản địa châu Phi, “ubuntu” có nghĩa là “tôi sống, vì chúng ta chung sống”. Một nền văn minh không hẳn luôn biểu hiện bằng hình thức vật chất của một xã hội tiêu dùng ngày càng quá độ, thường thấy ở nhiều nước phát triển hay đang phát triển, mà qua chính những biểu hiện chia sẻ niềm hạnh phúc với những người xung quanh trong cuộc sống hàng ngày, vốn phổ biến trong các tộc người thiểu số ở châu Phi.